Người ấy (bạn bè, thầy cô, người thân,…) sống mãi trong lòng em – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

Người ấy sống mãi trong lòng em

Bài làm 1

Đã hơn một tháng rồi tôi không nhìn thấy bố, đã ngần ấy ngày gia đình tôi vắng tiếng nói, tiếng cười của bố – trụ cột gia đình. Vào cái ngày định mệnh ấy, người bố thân yêu của tôi đã ra đi mãi mãi. Dù không còn được nhìn thấy bố, không được nghe tiếng nói của bố… nhưng mãi mãi, trong tâm trí và trái tim bé bỏng của tôi, không gì có thể xoá nhoà được hình ảnh tuyệt vời và vĩ đại của bố.

Bố tôi có khuôn mặt phúc hậu và đôi tai “Phật” rất đẹp. Điểm tôi nhớ nhất trên khuôn mặt bố chính là đôi mắt. Mỗi khi bố cười là hai mắt tít lại “không thấy gia đình đâu cả”. Bố không cao nhưng chắc, khỏe. Da bố ngăm đen vì nắng mưa gió bão, nhưng chính điều đó lại làm bố rắn rỏi hơn.

Ông bà nội tôi đông con nên dù là con út nhưng từ bé, bố tôi đã phải đảm đương mọi việc trong nhà giúp gia đình. Không việc gì mà bố không làm được, từ quét nhà, nấu cơm,… đến cho lợn ăn, chăn bò,… Ngoài ra, bố còn luôn là học sinh giỏi. Tốt nghiệp đại học, bố phục vụ trong quân đội. Chính môi trường này đã giúp bố trở thành người kiên cường, mạnh mẽ và có ý chí như hiện nay. Từ khi được sinh ra tới nay, tôi luôn thấy bố là trụ cột vững chắc của gia đình, là thuyền trưởng thông minh tài năng của công ti và là người luôn hết lòng vì bạn bè, xã hội. Nhưng điều làm mẹ con tôi hạnh phúc nhất là làm gì, ở đâu bố cũng luôn nghĩ về gia đình. Ngày trước, khi tôi còn học cấp Tiểu học, sáng sáng, bố gọi tôi dậy đi học, chuẩn bị đồ ăn cho tôi, khi thì bát mì, cốc sữa, khi thì cái bánh ngọt,… Sau đó, bố đưa tôi đến trường. Khi tôi học cấp THCS, có thể tự đi xe đạp đến trường, bố vẫn luôn đi sau tôi, phòng xa, lỡ tôi gặp xui xẻo. Mặc dù là lãnh đạo của một công ti kinh doanh nhưng khi về đến nhà là bố giúp mẹ làm việc nhà, khi thì quét dọn nhà cửa, khi thì cùng mẹ làm cơm,… Bố bảo làm việc nhà vừa là lao động vừa là để nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Những hôm mẹ tôi ốm, bố nấu cháo cho mẹ tôi ăn, mua thuốc cho mẹ tôi uống,… Bao giờ đi công tác về bố cũng có quà cho hai mẹ con. Cứ như vậy, bố quan tâm từng li từng tí đến gia đình. Bao người nhìn vào gia đình tôi mà mong mỏi, ước ao. Đối với những người xung quanh, bố luôn hoà đồng, quan tâm đến mọi người. Ai cũng yêu quý bố, thế mà… sao ông trời lại nỡ lấy đi một người tài năng, tốt bụng và tuyệt vời ấy. Bố tôi từ giã cuộc đời vì một cơn đau tim đột ngột, khi đang trên máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội, trong một chuyến công tác. Lúc đó, trong va li của bố còn mấy gói mì Quảng và con gà bố mua về cho hai mẹ con ăn đêm, vậy mà… Tin bố ra đi đã quật ngã cả gia đình tôi, đặc biệt là mẹ. Đến tận giờ phút này, tôi cũng không thể nào chấp nhận được sự thật phũ phàng đó. Tôi yêu và thương bố vô cùng, không một từ ngữ nào có thể nói hết được tình cảm yêu thương, sự kính trọng của tôi dành cho bố. Bố đã phải trải qua bao khó khăn vất vả để mẹ con tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bố chưa có trọn vẹn một ngày nghỉ ngơi, cả một đời chỉ lo cho vợ con và công việc, vậy mà, đến khi “hai tay buông xuôi” cũng không được gần vợ con. Tôi nhớ mãi hôm đám tang bố, ai cũng rơi lệ đau xót vì sự ra đi đột ngột của bố, một người mà ai cũng yêu quý và nể phục. Tôi tin rằng, trong trái tim, mọi người đều dành cho bố những tình cảm thiêng liêng tốt đẹp, như chính những gì bố tôi đã dành cho mọi người.

Người ta nói “Công cha như núi Thái Sơn” quả không sai. Những gì bố đã làm cho tôi còn cao hơn cả núi Thái Sơn. Thật tiếc, tôi chưa báo đáp được gì cho bố. Khi còn sống, bố chỉ có một tâm nguyện là gia đình ấm êm, hạnh phúc, tôi học hành giỏi giang. Giờ đây, tuy bố không còn nhưng tâm nguyện của bố lại càng thôi thúc tôi phải sống và học tập sao cho xứng đáng với công lao của bố. Giờ, dù không thể trông thấy bố hằng ngày nhưng tôi biết, từ trên cao, bố luôn dõi theo mẹ con tôi, phù hộ cho mẹ con tôi trong những năm tháng sau này. Bố ra đi không có nghĩa là kết thúc, chỉ là bố bắt đầu cho một cuộc sống khác, không công việc, không vất vả, chỉ có những niềm vui và nụ cười mà thôi. Bố ơi, con yêu và nhớ bố rất nhiều!

Lê Hương Trà

(Trường THCS Lê Quý Đôn)

Bài làm 2

Hôm nay, khi dọn dẹp tủ đựng đồ, tôi thấy những tấm ảnh ngày bà nội tôi mất. Lật giở từng tấm ảnh, tôi nhớ bà da diết. Tôi chợt hiểu, dù đã mất nhưng hình ảnh bà, những kỉ niệm về bà vẫn mãi sống trong lòng tôi.

Tôi chỉ sống với bà một quãng thời gian ngắn ngủi, khi còn bé. Bà là người phụ nữ nhỏ nhắn, hơi gầy. Nhìn đôi vai nhòn nhọn của bà, tôi không thể hiểu hết những gánh nặng, vất vả cùng bao nỗi cực nhọc bà đã gánh trong những năm qua. Hồi nhỏ, khi còn ở với bà, tôi thấy mắt bà sâu lắm, hơi vẩn đục chứ không trong veo như mắt tôi. Đôi gò má cao của bà lốm đốm những vệt nám. Vầng trán bà nhăn nheo, khoé mắt, khoé miệng đầy những vết chân chim, miệng bà móm mém. Tôi nhận xét với mẹ là bà xấu. Mẹ tôi chỉ mỉm cười và nói: “Không, bà không xấu đâu con ạ. Da bà không đẹp, mắt bà nhăn nheo… tức là bà là người phụ nữ đẹp, rất đẹp là đằng khác”. Tất nhiên lúc đó tôi không hiểu mẹ tôi nói bà đẹp ở chỗ nào. Nhưng giờ tôi đã hiểu. Cháu đã hiểu rồi, bà ạ. Những dấu hiệu tuổi già ấy thể hiện phần nào nỗi vất vả của bà hồi trước. Tuy bà không có vẻ đẹp bên ngoài nhưng bà là người phụ nữ có tâm hồn đẹp đẽ và cao thượng vô cùng. Bà nội tôi có dáng đi tập tễnh. Tôi không biết lí do tại sạo và tôi cũng không dám hỏi. Tôi hỏi mẹ, nhưng mẹ chỉ nói tại bà vất vả quá rồi mẹ quay đi lau nước mắt. Tôi thương bà nhiều lắm. Cả gia đình tôi ai cũng thương bà. Bà đã chôn chặt tuổi thanh xuân, quên mình đi để tận tay lo cho năm đứa con ăn học. Tôi nghe các bác kể, ngày xưa, nhà nghèo lắm, một mình bà thức khuya dậy sớm nuôi con. Ông nội tôi mới ngoài ba mươi tuổi đã mất khả năng lao động. Sáng bà dậy sớm ra đồng, đến trưa vội vàng về, nhiều khi cơm không kịp ăn, chuẩn bị hàng hoá ra bán chợ chiều. Một mình bà tôi đã dang hai cánh tay đón lấy gánh nặng gia đình, nuôi đàn con khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay. Thế rồi ông nội tôi mất. Bà đã vượt qua mọi nỗi đau và gian khổ, trở thành trụ cột của gia đình. Nhưng là phụ nữ, bà cũng có lúc yếu đuối như bao phụ nữ khác. Bác cả tôi kể rằng, có lần bác thấy bà khóc thầm trong đêm. Bà khổ quá, nỗi cực khổ đã làm bà trở nên cứng rắn. Bố tôi nhiều khi vẫn tự trách mình, khi bà còn sống, bố đã không thể giúp được gì cho bà, để bà đỡ vất vả. Không bút nào có thể diễn tả hết nỗi khổ của bà trong những năm qua. Nghĩ đến bà, tôi lại muốn khóc.

Trong mấy đứa cháu, có lẽ tôi là đứa được bà yêu chiều nhất. Không biết sự thực như thế hay vì quá yêu bà nên tôi tưởng tượng ra vậy. Tôi không may mắn như những đứa cháu khác, luôn được ở bên bà. Tôi ở xa bà quá. Có mỗi hồi bé tí tôi mới được ở với bà. Tôi còn nhớ như in cái ngày hôm ấy, ngày mà tôi biết được bà là người mà tôi yêu thương hơn bất cứ ai. Hôm ấy vì đi dầm mưa mà lại chạy dưới trời nắng chang chang nên chiều về tôi bị cảm nặng. Bà cuống quýt xoa dầu đánh gió, nấu cháo giải cảm cho tôi ăn. Thỉnh thoảng, bà lại chạy vào sờ trán, đắp khăn ướt cho tôi. Thấy tôi không đỡ, bà lại lập cập bế tôi ra trạm xá. Nằm trên tay bà, tôi thấy bà thở dốc, vừa khóc vừa gọi tên tôi. Đến trạm xá thì tôi mê man không biết gì nữa. Nghe nói, đêm ấy, các cô ở trạm xá phải truyền nước cho tôi. Cả đêm, bà ngồi cạnh tôi, không cho ai thay, không chịu đi nghỉ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy bà ngồi cạnh đang nắm tay tôi, đôi mắt đỏ ngầu, sưng húp. Tôi khẽ gọi bà, bà nhìn tôi sung sướng ứa nước mắt rồi cho tôi uống thuốc, ăn cháo. Khi cô y tá vào tiêm, bà ngồi cạnh dỗ dành, xoa tay tôi khiến tôi không thấy sợ. Bà đã truyền cho tôi sự can đảm, mang đến sự bình yên cho tôi. Không lâu sau đó bà tôi mất. Mẹ tôi nói không hiểu tại sao tôi còn bé thế mà lại là đứa khóc nhiều nhất, đau buồn nhất trong mấy đứa cháu. Bà mất ở tuổi bảy mươi, khi chưa hưởng trọn sự phụng dưỡng của con cháu.

Lúc này đây, tôi đang rất nhớ bà. Nhưng tôi không viển vông ước bà sống lại, chiều chuộng yêu thương tôi như xưa. Bởi, tôi luôn có cảm giác bà dõi theo từng bước đi của tôi, che chở và mang lại sự bình yên cho tôi. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Rita Mae Braw mà tôi rất tâm đắc: “Tôi vẫn luôn nhớ thương những người tôi yêu quý, những người không còn bên tôi nữa nhưng tôi thấy mình thật thanh thản vì đã rất yêu thương họ. Lòng biết ơn cuối cùng đã chiến thắng nỗi đau mất mát”.

Đoàn Phương Quỳnh

(Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng)

Bài làm 3

     “Ông nội ơi, ông cho cháu đi ăn kem nhé”. Tiếng vòi quà ông nội của đứa bé chợt làm tôi nhớ nội của mình da diết. Đã lâu lắm rồi, tôi không được gọi nội, không được vòi vĩnh nội… Ông ơi, ông có biết giờ đây cháu nhớ ông biết bao nhiêu!

Ngày ấy, tôi là đứa cháu bám ông nội nhất. Đi đâu ông cũng phải kéo theo cái đuôi là tôi. Mùa hè đối với tôi là thiên đường vì tôi sẽ được về quê, tung tăng cùng ông nội. Tôi nhớ lắm những chiều hè, ông dẫn tôi lên ngọn đồi gần nhà. Kể cả trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng nổi có ngọn đồi đẹp đến thế. Trên đồi, cỏ xanh mịn như trải thảm, những tán cọ xoè ô che nắng… Thật là một chỗ nằm lí tưởng. Tôi rất yêu ngọn đồi này. Không hiểu sao cỏ ở đây rất xanh và mịn. Bướm, đủ màu sắc, kích cỡ, từng đàn lượn đi lượn lại, đậu cả lên vai, lên tóc tôi. Gió trên đồi rất nhẹ, như thì thầm ru ngủ. Nắng trên đồi không gắt mà tưng bừng, rộn ràng như reo vui nhảy múa. Trên trời, những đám mây bay qua đồi cũng trở nên lười biếng, chậm chạp. Hình như nó muốn sà xuống mặt đồi đùa vui với nắng gió và bướm vàng… Thật không ngoa khi tôi gọi ngọn đồi này là “đồi cổ tích”. Tôi rất thích nằm trên bãi cỏ nghe ông kể chuyện. Thường thường khi ấy tôi đã mệt nhoài vì phải leo mãi mới lên tới đỉnh đồi, nơi mà ông bảo là đẹp nhất, mát nhất. Tôi cùng ông đắm chìm trong thế giới thần tiên với cô Tấm dịu hiền, chàng Thạch Sanh dũng cảm bắn đại bàng cứu công chúa,… Bao giờ chiều hẳn ông cháu tôi mới về nhà. Ông tôi nấu ăn ngon lắm. Chỉ mấy món bình dị như rau muống luộc, cọ om, cá kho mà sao tôi ăn mãi không thấy chán. Ăn xong, tôi và ông ra sân ngồi hóng gió. Ông lại kể cho tôi nghe lịch sử oai hùng của quê nhà. Sáng sáng, ông gọi tôi dậy sớm để hít thở không khí trong lành vùng trung du rồi cùng ra vườn chăm cây cối. Những luống rau xanh mơn mởn, lóng lánh sương đêm trông thật thích mắt.

Thời gian trôi qua, do bận học hành nên tôi cũng ít về quê. Nhiều khi tôi nhớ ông da diết, tôi nhớ những đêm trăng tròn vành vạnh trên vùng đồi trung du, tôi nhớ những bữa cơm quê đạm bạc, tôi nhớ cả ngọn đồi với những làn gió bạch đàn dịu mát hơn máy lạnh,… Đã bao lần tôi định cầm bút viết thư cho ông nhưng rồi sách vở, bạn bè, trường lớp lại cuốn tôi đi, cứ lần lữa mãi, thế là tôi chẳng viết được cho ông một chữ nào cả.

Rồi một ngày, ông tôi mất.

Nghe tin ấy, hai tai tôi ù đi. Tôi đứng im, chỉ có hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má. Những kỉ niệm với ông ào ạt hiện về như một cuốn phim quay chậm. Tôi mất ông rồi. Tôi đã có bao tháng năm hạnh phúc cùng ông thế mà tôi lại ngu ngốc đẩy chúng đi xa, giờ đây có vội vàng níu kéo, chúng cũng sẽ chẳng bao giờ trở lại với tôi. Tôi nức lên: “Ông ơi, con sai rồi, ông hãy tha lỗi cho con”.

Tôi cùng bố mẹ về quê giỗ ông. Các bác đưa cho tôi tấm ảnh. Nội tôi đây mà. Vẫn nụ cười hiền từ, đôi mắt trìu mến, vẫn vòng tay vững chắc như chưa bao giờ rời xa tôi. Đôi tay gầy gầy của ông đang ôm một đứa bé. Khuôn mặt nó rạng rỡ, hai tay ôm cây bắp cải vừa chặt trong vườn. Đứa bé ấy là tôi hồi còn nhỏ. Cầm chặt tấm ảnh, tôi thơ thẩn đi ra phía “Đồi cổ tích”. Đến nơi, tôi lạ lùng nhìn quanh, ngọn đồi của ông cháu tôi, những đàn bướm sặc sỡ, thảm cỏ xanh mát rượi… Chúng đâu rồi? Tại đây, một nhà máy mới đã sừng sững mọc lên. Tôi ngậm ngùi quay về với hai hàng nước mắt.
Tôi về lại thành phố. Nhà cao tầng, bóng đèn sáng rực treo trên những con phố hoa lệ. Nhưng sao chúng không nên thơ, gợi cảm như ngọn đồi của ông cháu tôi? Mỗi lần nhớ ông, tôi lại đem tấm ảnh ra ngắm. Nụ cười, ánh mắt ông vẫn vậy, vẫn đầy ấm áp, yêu thương. Tôi nghĩ ông đang nhìn tôi, đặt hết hi vọng vào tôi. Tôi tự nhủ phải cố gắng học tập để ông được vui lòng, để xứng đáng với tình yêu thương và sự tin cậy mà ông dành cho tôi.

Trần Thuỳ Dung

(Trường THCS Ngô Gia Tự)

Xem thêm Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của em tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận