Kể lại một sự việc đã để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

Sự việc để lại ấn tượng sâu sắc trong em

Bài làm

      Trong tâm trí mỗi học sinh, thầy cô giáo bao giờ cũng là những người tốt đẹp, giỏi giang, đáng kính nhất. Nhưng thực tế, bên cạnh những người thầy đáng kính còn có những người thầy chưa được tốt. Cô giáo dạy tôi hồi lớp 4, lớp 5 không phải là xấu nhưng cũng đủ để tôi bị dằn vặt một thời gian.

Tôi vẫn nhớ như in ngày ấy, ngày mà cô đến lớp 3B đón chúng tôi vào lớp 4B do cô làm chủ nhiệm. Ấn tượng đầu tiên của tôi: cô không phải là một phụ nữ xinh đẹp. Dáng người cô nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Nước da cô trắng hồng. Khuôn mặt cô gầy, hai gò má xương xương. Đôi mắt cô màu nâu, sâu, toát lên vẻ buồn bã. Cũng phải, cô không buồn sao được khi người chồng thân yêu của cô đang bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ. Biết điều này, tôi thực sự đau xót và cảm phục cô. Một mình cô với đồng lương ít ỏi, bươn chải trong cuộc sống để nuôi hai cậu con trai nhỏ cùng người chồng đau yếu thật không dễ dàng gì. Cô quả là người phụ nữ có nghị lực.

Cô là một giáo viên giỏi. Ai cũng bảo lớp tôi may mắn được cô chủ nhiệm. Cô dạy rất hay, đặc biệt là môn Toán. Cô kèm cặp chúng tôi rất kĩ nên lớp học ngày càng tiến bộ. Cô cũng là người tâm lí, luôn chia sẻ với chúng tôi nhiều chuyện trong cuộc sống. Cả lớp chúng tôi đều yêu quý cô.

Tôi nhớ, dịp ấy cả trường tôi đang chuẩn bị cho cuộc thi “Hội vui học tập”. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp một đến lớp năm. Muốn được tham dự cuộc thi phải vượt qua vòng sơ loại. Cô đã ôn luyện cho chúng tôi rất kĩ. Cuối cùng, tôi đã vượt qua vòng thi này với số điểm 16/20. Tất cả chỉ còn chờ ngày thi diễn ra. Hôm đó, chúng tôi vô cùng háo hức trước những tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của các cổ động viên. Cuộc thi diễn ra trong không khí hồi hộp và căng thẳng. Tôi đã vượt qua quá nửa câu hỏi của cuộc thi. Đến câu hỏi về lịch sử, vì không chắc đáp án nên tôi ghi liều, may sao lại đúng đáp án của chương trình. Trả lời xong câu hỏi, tự nhiên, tôi thấy Hải – cậu bạn thân – đi xuống băng ghế của các bạn bị loại. Tôi hơi ngạc nhiên vì Hải rất đam mê lịch sử và có trí nhớ rất tốt, làm sao bạn có thể trả lời sai được? Tôi đi tiếp được hai câu hỏi nữa thì phải dừng cuộc chơi vì quá căng thẳng. Kết thúc cuộc thi, tôi đang ngồi ủ rũ thất vọng thì được cô giáo gọi lên nhận giải. Tôi vỡ oà trong niềm vui miên man. Lên nhận giải mà chân tay run lẩy bẩy, tim chỉ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đây thực sự là một vinh hạnh, một kết quả ngoài sự mong đợi của tôi.

Khệ nệ bê thùng quà về lớp, tôi cứ tưởng mình sẽ nhận được sự chúc mừng của mọi người nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như tôi nghĩ. Một bạn nói với tôi: câu trả lời của Hải đúng, đáp án của trường sai. Nhiều bạn bất bình, một bạn trực tính đến trước mặt tôi nói toáng lên:

      – Đã trả lời sai lại còn được đi tiếp, còn được thùng quà to thế kia đem về nữa. Vinh hạnh nhỉ? Chẳng qua là mày ăn may thôi chứ không xứng đáng nhận phần thưởng này.

Tôi thật sự choáng váng và tủi thân khi ngày càng nhiều bạn xúm lại chì chiết tôi. Tôi oà khóc, cổ họng nghẹn lại. Lúc ấy, cô giáo tôi cũng biết. Tôi hi vọng cô sẽ giúp tôi làm rõ mọi chuyện nhưng cô chỉ nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, vô cảm rồi lẳng lặng quay gót đi.

Vài ngày sau, cô mang đến lớp một thùng vở. Cô bảo cả lớp:

      – Đây là phần thưởng dành cho những em không đạt giải để động viên các em cố gắng trong học tập. Các em không đạt giải là do trường. Các bạn đạt giải vừa rồi không xứng đáng, chỉ là may mắn thôi.

Câu nói của cô làm tôi rất đau lòng. Những ngày qua, tôi đã tự dằn vặt bản thân, khổ sở biết bao nhiêu để quên chuyện ấy đi. Thế mà… cô đã không an ủi tôi lại còn dùng những lời lẽ không mấy dễ chịu. Liệu đó có phải là hành động đúng đắn của một nhà giáo? Lỗi do nhà trường đưa đáp án không chính xác, tôi cũng chỉ là một thí sinh, nào tôi có muốn sự nhầm lẫn ấy xảy ra. Tôi có tội tình gì mà mọi người nhiếc móc tôi mãi thế? Phải nói thật, tôi thấy ghét cô ghê gớm.

Thời gian qua đi, chuyện ấy rồi cũng rơi vào quên lãng. Các bạn đã hiểu, tôi không có lỗi. Chúng tôi lại thân thiết như xưa. Tôi cũng không còn ghét cô nữa. Sau khi lên cấp THCS, hằng năm, vào dịp lễ hội, tôi và các bạn đều về thăm lại cô. Tôi nghĩ, chuyện gì đã qua thì hãy để cho qua, đừng giữ lại mà thêm khổ sở.

Nguyễn Cẩm Tú

(Trường THCS Lê Quý Đôn)

Xem thêm Người ấy (bạn bè, thầy cô, người thân,…) sống mãi trong lòng em tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận