Suy nghĩ về câu chuyện “Người ăn xin” – Văn nghị luận – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

Câu chuyện Người ăn xin

Bài làm 1

     Có những câu chuyện, cuốn sách sau khi đóng lại sẽ chẳng đọng lại điều gì trong lòng độc giả. Nhưng cũng có những câu chuyện, cuốn sách,… sẽ luôn sống mãi trong tâm hồn người đọc và Người ăn xin của Tuốc-ghê-nhép là một câu chuyện như thế. Dù đơn giản nhưng câu chuyện đã đem đến một bài học về cách đối xử giữa con người với con người mà ta hằng suy nghĩ.

     Chỉ là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa một người ăn xin đã già yếu và một cậu bé nhưng họ đã cùng học được từ nhau, nhận được từ người kia những “món quà” vô giá. Dù cậu bé “không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết” nhưng những lời nói, cử chỉ của cậu với ông lão “đã cho lão rồi” và cậu “cũng vừa nhận được điều gì đó từ ông”.

     “Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả”. Câu nói của cậu bé thật ngây thơ, trong sáng. Có lẽ đã lâu lắm rồi ta bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đối xử như vậy với người ăn xin. Đáp lại tấm lòng của đứa trẻ, câu nói của ông lão cũng tựa như một món quà đối với cậu bé: “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi”. Một hành động tốt đẹp nhưng dù nhỏ bé nhưng sẽ thật ý nghĩa đối với những người xung quanh ta.

     Trong cuộc sống, nếu mọi người cùng đối xử với nhau, trao cho nhau tấm lòng, tình thương thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp biết bao. Khi ta đối xử tốt đẹp với mọi người, lúc ta không đặt mình lên trước người khác, có lẽ ta sẽ thiệt thòi hơn một chút nhưng ta sẽ nhận được nhiều điều có ý nghĩa hơn. Cuộc sống bận rộn khiến ta quên lãng mọi điều xung quanh, bỏ quên những điều nhỏ nhặt mà tốt đẹp từ chính bản thân ta và mọi người. Có lẽ đây không chỉ là sai lầm của một người, một thế hệ, một đất nước mà là của loài người nói riêng và muôn loài nói chung.

     Không chỉ những cảnh vật “vô sinh” bị quên lãng mà những người quan trọng, thân thuộc, bên cạnh ta cũng đi vào quên lãng lúc nào ta không hay.

     Quy luật “nhân quả” trong quan niệm nhân sinh của người phương Đông có lẽ luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Khi ta học được, biết cách cho đi thì ta sẽ được nhận lại từ mọi người. Đời người cũng tựa như một tờ giấy trắng, nếu ta cho đi màu hồng, sắc trắng thì ta sẽ chẳng sợ phải nhận lấy màu đen tăm tối, quên dần đi con người, bản thân của mình. Như bài thơ Dặn con của tác giả Trần Nhuận Minh, từ lúc đứa con còn thơ dại, người cha đã dạy con phải biết đối xử thật tốt với mọi người xung quanh, kể cả với những người ăn xin khốn khổ để sau này, khi năm tháng trôi qua, thế phận thay đổi, có khi nào người cha lại trở thành một trong số những người ăn xin kia không, cha có được đối xử như ông lão ăn mày trong câu chuyện Người ăn xin không hay sẽ bị xua đuổi, xa lánh? Cha không biết, con không biết và sẽ chẳng có ai biết cả. Nhưng có lẽ điều đó sẽ phụ thuộc phần nào đó vào những gì con và cha cư xử hằng ngày với mọi người.

     Có lẽ sẽ chẳng có ai trưởng thành và sống tốt nếu không trao đi những yêu thương tới những người xung quanh và cuộc sống. Có người đã nói: “Ngày hôm qua là lịch sử, ngày mai là một điều bí ẩn, còn ngày hôm nay là một món quà”. “Món quà” đó sẽ thật sự tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn nếu ta biết trao điều đó, cảm nhận, cùng chia sẻ món quà đó với mọi người xung quanh.

Lê Phương Thảo

(Trường THCS Sơn Tây)

Bài làm 2

      “Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất đối với một con người là có thể trao sự yêu thương, sẻ chia, thông cảm cho người khác”. Đó là bức thông điệp mà truyện ngắn Người ăn xin của Tuốc-ghê-nhép gửi gắm cho người đọc qua nhân vật “tôi” (người qua đường) và ông lão ăn xin. Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này bộc lộ phẩm chất đáng quý của mỗi người. Nhân vật “tôi” là một người rất tốt bụng. Sự tốt bụng của anh thể hiện trong cử chỉ vội vã tìm kiếm khi thấy bàn tay run rẩy của ông lão ăn xin đang chờ cũng như trong cái nắm tay thân tình mà anh trao cho ông. Lời xin lỗi “Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả!” của anh đã bộc lộ rõ nét lòng tốt, sự mong muốn sâu sắc được giúp đỡ ông lão tội nghiệp. Còn ông lão ăn xin lại là hiện thân cho sự hiền từ. Khi nghe lời xin lỗi của anh, ông đã nở nụ cười và cảm ơn: “Như vậy là cháu đã cho lão rồi”. Điều mà anh thanh niên cho ông lão chỉ là một cái nắm tay thôi mà, vì sao ông lão lại tỏ ra xúc động đến vậy? Đó là bởi vì cái nắm tay ấy đối với ông lão không chỉ mang ý nghĩa là một hành động thông thường, mà cao hơn là biểu tượng cho sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với con người. Cái nắm tay là truyền đi hơi ấm, cái nắm tay là truyền đi niềm tin, cái nắm tay là truyền đi sự quan tâm chân thành của nhân vật “tôi” với ông lão. Đáp lại tình cảm của anh thanh niên, ông gửi cho anh niềm vui, sự trân trọng của ông dành cho tấm lòng của anh. Như vậy cả hai người đều là người trao đi và cũng là người nhận lấy những món quà tình cảm ấm áp. Trong cuộc sống hiện đại xô bồ, nơi con người thường vô tình quên đi sự chia sẻ và cảm thông lẫn nhau thì những món quà tình cảm ấy càng cần thiết, càng có giá trị lớn lao hơn. Nếu như mọi người đều quan tâm đến nhau, gửi cho nhau yêu thương, trân trọng thì cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp biết nhường nào.

Nguyễn Phụng Nhi

(Trường THCS Nguyễn Du)

>> Xem thêm Suy nghĩ của em về mục đích học của học sinh hiện nay tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận