Kiến thức cơ bản về Bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu

Đang tải...

Bài viết cung cấp kiến thức cơ bản về bài thơ Đồng Chí của nhà thơ Chính Hữu gồm: tiểu sử của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nhan đề, mạch cảm xúc, bố cục, thể loại, nội dung và nghệ thuật chính của tác phẩm. 

ĐỒNG CHÍ

Chính Hữu

                                                                  Quê hương anh nước mặn, đồng chua
                                                                  Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
                                                                  Anh với tôi đôi người xa lạ
                                                                  Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
                                                                  Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
                                                                  Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
                                                                  Đồng chí!
                                                                  Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
                                                                  Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
                                                                  Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
                                                                  Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
                                                                  Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi.
                                                                  Áo anh rách vai
                                                                  Quần tôi có vài mảnh vá
                                                                  Miệng cười buốt giá
                                                                  Chân không giày
                                                                  Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
                                                                  Đêm nay rừng hoang sương muối
                                                                  Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
                                                                  Đầu súng trăng treo.

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN.

I. Tác giả:

         – Tên thật: Trần Đình Đắc, bút danh: Chính Hữu (1926 – 2007), quê Can Lộc, Hà Tĩnh

         – Thuở nhỏ, ông học tiểu học và thành chung ở Vinh, từ khi học thành chung ông đã rất mê thơ. Thơ Rembo (Pháp) và tập Lửa thiêng của Huy Cận kích thích lòng yêu thơ của ông. Năm 1944, ông bắt đầy làm thơ, chủ yếu là thơ tình.

         Tháng 8-1945, ông tham gia “Việt Minh bí mật” (Thanh niên cứu quốc”), cuối năm 1946, ông tham gia tự vệ thanh, rồi trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, ông viết lời cho bài hát ”Ngày về” của nhạc sĩ Lương Hữu Trác.

         – Là nhà thơ – chiến sĩ trong suốt thời gian chống Pháp – Mĩ

         Nguyên là Đại tá, Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam; nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; là nhà thơ hiện đại Việt Nam.

         Đầu súng trăng treo (tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1966)

         Thơ Chính Hữu (tập thơ, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1997)

         Tuyển tập Chính Hữu (Nhà xuất bản Văn học, 1998)

         1 số bài thơ: Ngày về, Giá từng thước đất, tháng năm ra trận, Sáng hôm nay, Lá ngụy trang, Ngọn đèn đứng gác, Trang giấy học trò, Gửi mẹ, Thư nhà….

           – Sáng tác chủ yếu tập trung vào hình ảnh người lính trong hai cuộc kháng chiến. Đặc biệt là tình cảm đồng chí, đồng đội, sự gắn bó của tiền tuyến với hậu phương.

           – Phong cách thơ: Bình dị, cảm xúc dồn nén, vừa thiết tha, trầm hùng lại vừa sâu lắng, hàm súc

         Thơ Chính Hữu không nhiều. Chính Hữu là người khắt khe với mỗi con chữ, chỉ viết khi có ý tưởng và cảm xúc chín muồi. Thơ Chính Hữu nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Ông thường sử dụng thể thơ tự do giàu nhạc điệu, mà chủ yếu là nhạc điệu của nội tâm, vừa lắng đọng, vừa âm vang.

         Chính Hữu không quen lối viết tại trận, không diễn tả từng sự kiện. Ông viết khi mọi việc đã lắng xuống, ông có thời gian suy nghĩ và gạn lọc. Ông chỉ viết khi cảm xúc đã chín, cân nhắc kĩ lưỡng.

         Bởi thế, 18 năm sau khi bài thơ “Đồng chí” ra đời, ông mới xuất bản tập thơ đầu tay Đầu súng trăng treo (tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1966), nhưng chỉ in có 24 bài thơ trong đó, thật ít so với yêu cầu của cuộc sống với nhà thơ có tài như Chính Hữu, nhưng đó chính là biểu hiện của sự thận trọng, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tinh thần trách nhiệm cao với công chúng.

        – Năm 2000, nhà thơ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

                             Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

                             Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

                             Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

                             Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…

(Ngày về)

                             Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt 
                             Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt, 

                             Như miền Nam 
                             Hai mươi năm 
                             Không đêm nào ngủ được, 
                             Như cả nước 
                             Với miền Nam 
                             Đêm nào cũng thức… 

(Ngọn đèn đứng gác)

         Nhận định:

         “Chính Hữu là nhà thơ quân đội thực thụ cả về phía tác giả lẫn tác phẩm”.

(Vũ Quần Phương)

         “Đồng chí” là bài thơ quyện chặt cảm hứng lãng mạn và hiện thực.

(Nguyễn Mạnh Hùng)

         “Đó là 1 giọng thơ ít lời những rộng ý. Các hình ảnh đều gắng tự nó mang ít nhiều tượng trưng cho 1 hoàn cảnh, 1 tâm lí, 1 ý niệm. Thơ anh có nói những suy nghĩ, nhưng không triết lí, biết bám chắc trên hình tượng cụ thể, không sa vào tham lam, thống kê vụn vặt, mà từ đó biết nâng lên thành cái có ý nghĩa khái quát, gắng tác động vào tình cảm, tư tưởng bạn đọc bằng sự ngân vang của từ ngữ, hình ảnh, âm điệu.,..” (Nhà PBVH Nhị Ca)

         + Chính Hữu: “Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ, nhưng phải dài ở sự ngân vang… Tôi học tập các nhà thơ phương Đông khi họ nói: Phải kết hợp “xả” (kĩ thuật tinh vi) với “phác” (mộc mạc, giản dị”). Tôi học tập Bôđơle khi ông khuyên: “Mỗi nhà thơ phải là 1 nhà phê bình (của chính mình). Và khi ông sáng tác với 1 sự ”chậm rãi minh triết”. Tôi không thấy có sự cần thiết phải làm nhiều, làm nhanh để làm ẩu. Tôi tự xác định mình chỉ nên là, và chỉ có thể là 1 người làm thơ nghiệp dư, để có thể tự do. Để tự do chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết và tự do hủy những cái viết ra không vừa ý”.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

         – Bài thơ sáng tác mùa xuân 1948, in trong tập “Đầu súng trăng treo” (XB 1966)

         – Sáng tác sau chiến dịch Việt Bắc, quân và dân ta đánh thắng cuộc tấn công quy mô lớn của quân Pháp năm 1947 thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

         – Nhà thơ Chính Hữu lúc đó là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô, cùng đơn vị tham gia chiến đấu suốt chiến dịch và bị ốm, phải nằm lại điều trị, được đồng đội tận tình chăm sóc. Những ngày này, ông thấm thía hơn tình cảm đồng đội nồng ấm, là mạch nguồn để ông sáng tác. 

         – Bài thơ được đánh giá là tiêu biểu của thơ ca kháng chiến giai đoạn 1946 – 1954, nó đã làm sang trọng một hồn thơ chiến sĩ của Chính Hữu.

         (Chính Hữu viết bài thơ trong 2 ngày, dán ở bích báo đơn vị, sau gửi đăng báo “Sự thật”. Mới ra đời bài thơ đã có nhiều người yêu mến. Nhiều nhà thơ chuyên nghiệp nhận ra giọng thơ nhiều hứa hẹn. Đặc biệt bộ đội rất thích Đồng chí, bài thơ được chép vào sổ tay, ngâm ngợi ở nhiều đêm văn nghệ của đơn vị, sau được đồng chí Minh Quốc phổ thành bài hát trong 1 đêm trăng, ca sĩ Quốc Hương hát nhiều lần bài hát này khắp các quân khu)

         Chính Hữu nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Đồng chí”

         “Vào cuối năm 1947, tôi tham gia chiến dịch Việt Bắc. Địch nhảy dù ở Việt Bắc và hành quân từ Bắc Cạn lên Thái Nguyên. Chúng tôi phục kích từng chặn đánh, truy kích binh đoàn Beaufre. Khi đó tôi là chính trị viên đại đội. Chiến dịch vô cùng gian khổ. Bản thân tôi cũng chỉ phong phanh trên người một bộ áo cánh, đầu không mũ, chân không giày. Đêm ngủ nhiều khi phải rải lá khô để nằm, không có chăn màn, ăn uống rất kham khổ vì đang trên đường hành quân truy kích địch. Tôi cũng phải có trách nhiệm chăm sóc anh em thương binh và chôn cất một số tử sĩ. Sau trận đó, tôi ốm, phải nằm lại điều trị. Đơn vị cử một đồng chí ở lại chăm sóc tôi. Trong khi ốm, nằm ở nhà sàn heo hút, tôi làm bài thơ “Đồng chí”… Đó là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình.

         Bài thơ “Đồng chí” được làm sau bài thơ “Ngày về”. Tôi thấy lúc này làm thơ cao xa quá là vô trách nhiệm với những người cùng chiến đấu và hi sinh với mình. Trong bài thơ “Đồng chí”, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Suốt cả cuộc chiến đấu chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. “Đồng chí” ở đây là tình đồng đội, không có đồng đội tôi không thể nào làm tròn được trách nhiệm, không có đồng đội tôi cũng đã chết lâu rồi. Bài “Đồng chí” là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình. Bài thơ viết có đối tượng. Tôi hiểu và quý mến người đồng đội của tôi nên tiếng nói thơ ca giản dị và chân thật. Tuy nhiên “Đồng chí” không phải là bài thơ nôm na. Trước Cách mạng, tôi có làm một ít thơ. Trong thơ, tôi cố gắng để nói cái cần nói, không nói dài, nói thừa. Tôi mong có được sự hàm súc, cô đọng của lời thơ, và hình ảnh thơ phải mang tính tạo hình.

         Tôi là lính của Trung đoàn Thủ đô. Tôi vào bộ đội ngày 19 – 12 – 1946. Bước vào cuộc kháng chiến, tuổi trẻ nhiều lúc bốc men say. Bài “Ngày về” phản ánh một mặt khía cạnh của tâm trạng tôi và bài “Đồng chí” cũng phản ánh một mặt của tình cảm tôi. Bài thơ được làm nhanh. Tôi làm để tặng bạn. Tôi không phải là nông dân và quê hương tôi cũng không phải trong cảnh “nước mặn đồng chua” hoặc đất cằn cỗi sỏi đá. Cái tôi trong bài thơ có những chi tiết không phải là tôi mà là của bạn, nhưng về cơ bản thì là của tôi. Tất cả những hình ảnh gian khổ của đời lính thiếu ăn, thiếu mặc, sốt rét, bệnh tật… bạn và tôi đều cùng trải qua. Trong những hoàn cảnh đó, chúng tôi là một, gắn bó trong tình đồng đội. Viết về bộ đội nhưng thơ tôi thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm, ít có những chuyện đùng đoàng, chiến đấu. Tôi làm bài “Đồng chí” cũng là tình cảm chân tình tự nhiên không có sự gò ép, gắng gượng nào và nó cũng nằm trong tư duy thơ ca quen thuộc của tôi.

         Bài thơ có những hình ảnh cô đúc như “đầu súng trăng treo”. Tôi thấy có bạn phân tích hình ảnh “đầu súng” là tượng trưng cho người chiến sĩ đang bảo vệ quê hương và “vầng trăng” tượng trưng cho quê hương thanh bình. Tôi không nghĩ thế khi viết, còn hình tượng thơ có thể gợi cho người đọc nghĩ thế là tùy ở các bạn. Vấn đề đối với tôi đơn giản hơn. Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng. Đi phục kích giặc trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật: khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện với nhau tạo ra hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Lúc đầu tôi viết là “đầu súng mảnh trăng treo” sau đó bớt đi một chữ. “Đầu súng trăng treo”, ngoài hình ảnh bốn chữ này còn có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn; rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật. Rừng mùa đông ở Việt Bắc rất lạnh, nhất là vào những đêm có sương muối. Sương muối làm buốt tê da như những mũi kim châm và đến lúc nào đó bàn chân tê cứng đến mất cảm giác. Tất cả những gian khổ của đời lính trong giai đoạn này thật khó kể hết nhưng chúng tôi vẫn vượt lên được nhờ ở sự gắn bó, tiếp sức của tình đồng đội trong quân ngũ. Cho đến hôm nay, mỗi khi nghĩ đến tình đồng đội năm xưa, lòng tôi vẫn còn xúc động, bồi hồi.

         “Trong bài thơ Đồng chí, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Trong suốt cả cuộc chiến đấu, chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. Đồng chí ở đây là tình đồng đội. Không có đồng đội, tôi không thể nào hoàn thành được trách nhiệm, không có đồng đội, có thể nói, tôi cũng chết lâu rồi. Bài Đồng chí là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình (…) Tôi không phải nông dân và quê hương tôi không phải trong cảnh nước mặn đồng chua hoặc đất cày sỏi đá. Cái tôi trong bài thơ có những chi tiết không phải là tôi mà là của bạn, nhưng về cơ bản thì là của tôi (…) Chúng tôi là 1 gắn bó trong tình đồng đội”.

(“Nhà văn nói về tác phẩm”, NXB Văn học, Hà Nội, 1994)

         VĂN HỌC SỬ:

         Văn học sử: khuynh hướng văn học (đặt trong tình hình thơ ca những năm đầu cuộc kháng chiến):

         + Phần lớn tác giả viết về người lính cách mạng chủ yếu khai thác cảm hứng lãng mạn anh hùng với những hình ảnh mang dáng dấp tráng sĩ, trượng phu (Đèo cả – Hữu Loan, Tây Tiến – Quang Dũng, Ngày về – Chính Hữu)

         + Bài “Đồng chí”, cùng với “Cá nước”, “phá đường” của Tố Hữu, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông mở ra khuynh hướng về chất thơ của đời sống kháng chiến, trong cái bình dị, đời thường.Tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực và văn thơ kháng chiến giai đoạn 1945-1975.

         –> Cái đẹp chinh phu tháo lui trước cái đẹp vệ quốc.

         Các nhà văn nhà thơ phải “3 cùng”:

         Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi

         Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”

(Tố Hữu)

         Đồng chí:

         – Tình đồng chí đồng đội thắm thiết sâu nặng của những người lính cách mạng mà phần lớn xuất thân từ nông dân

         – Hình ảnh thơ chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp vô vàn khó khăn.   

         Cái mỹ miều mòn phai của “áo hào hoa, hài vạn dặm” nhường chỗ cho hình ảnh thực “áo rách vai, quần vá, chân không giày”. Cái óng chuốt nhường chỗ cho cái thô ráp, hăng vị đời mà dư ba… Khi viết “Ngày về”, Chính Hữu là học sinh thành phố cầm súng chiến đấu, những vần thơ cầu kì, lãng mạn, như chính Chính Hữu chia sẻ thì: đây là lời 1 bài hát, Chính Hữu muốn có những tiếng thật kêu, nên đã rơi vào cách nói đại ngôn đượm khí vị giang hồ –> đến khi những con người ấy  hòa nhập vào nhân dân, trong vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng đội, trong cuộc chiến thực sự của cả dân tộc, thì “Đồng chí” mới có thể ra đời.

  “Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ thuở một hai..”

(Nhớ – Hồng Nguyên)

Thôi hãy lên đường tráng sĩ ơi?
Quê hương mong đợi đã bao đời
Biên thùy nghe dậy niềm ai oán
Gươm hận mài chưa? Khát máu rồi.

(Biết gửi đưa ai – báo Vệ Quốc)

Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa

(Nhớ – Hồng Nguyên)

“Ta đi trong nhà đổ

Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình

Trong phòng the chiếc áo trẻ sơ sinh

Còn xiêm hài dành hương phấn cũ

Chiếc giày con ủ dấu thê nhi”

(Báo Văn nghệ số 2-1948)

          Liên hệ:

         “Thơ cổ man mác điệu ngâm -> Thơ mới bước đầu biến câu thơ thành điệu nói -> Sau cách mạng, câu thơ trở thành điệu nói thực thụ.

Chế Lan Viên:

                                                                         Xưa tôi hát và giờ tôi tập nói

                                                                         Chỉ nói thôi mới nói hết được đời.

 

“Thằng giặc Tây, thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta”.

(Nguyễn Đình Thi – “Đất nước”)

 

“Mặc dù đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.

“Non Kì quạnh quẽ trăng treo”

(Chinh Phụ Ngâm)

 

“Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”

(Nguyễn Đình Thi)

         “Đồng chí là thành công đầu tay của Chính Hữu, cũng là 1 trong số không nhiều bài thơ thành công đầu thời kì Kháng chiến chống Pháp”

2. Nhan đề: (đồng là cùng; chí là cùng chí hướng).

         – Cách đặt nhan đề ngắn gọn, súc tích, giàu sức gợi

         – Đồng chí là chung chí hướng, chung lí tưởng.

         – Cách xưng hô giữa những người cùng trong một đoàn thể chính trị hay một tổ chức cách mạng thường gọi nhau là “đồng chí”. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 “đồng chí” thành xưng hô quen thuộc trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội.

         – Cách gọi đồng chí là thể hiện tình động đội, 1 tình cảm cách mạng cao đẹp trong thời đại mới

         – Tình đồng chí là sợi dây gắn kết người lính với người lính, tạo nên sức mạnh kì diệu, giúp người chiến sĩ vượt qua bao khó khăn, thử thách, làm nên những chiến công

         -> Nhan đề đã thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

3. Mạch cảm xúc và bố cục:

* Mạch cảm xúc:

         Cảm xúc của bài thơ bắt nguồn từ niềm xúc động gợi ra từ cơ sở hình thành tình đồng chí (Sáu dòng đầu), cảm xúc dồn tụ, đẩy lên cao trong lời khẳng định, kết tinh tình cảm giữa những người lính: Dòng 7 với cấu trúc đặc biệt (chỉ một từ với dấu chấm than) vang như một phát hiện, một khẳng định mạnh mẽ.

         Mạch cảm xúc tiếp tục khơi mở trong những hình ảnh, chi tiết biểu hiện cụ thể, thấm thía tình đồng chí và sức mạnh của nó.

         Mạch cảm xúc khép lại  trước biểu tượng đẹp về tình đồng chí. Ba dòng thơ cuối được tác giả tác ra thành một đoạn kết, đọng lại và ngân rung.

* Bố cục: 3 đoạn

         Đoạn 1: 7 câu thơ đầu: Cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính.

         Đoạn 2: 10 câu tiếp: Những biểu hiện của tình đồng chí và sức mạnh của tình cảm ấy ở những người lính.

         Đoạn 3: 3 câu kết: Biểu tượng đẹp về tình đồng chí

         -> Mỗi đoạn, sức nặng của tư tưởng cảm xúc dồn tụ vào dòng cuối gây ấn tượng sâu đậm

4. Thể loại: thể thơ tự do

5. Nội dung và nghệ thuật:

a. Nội dung chính:

         – Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sau nặng của những người lính cách mạng. Đồng thời còn làm hiện lên hình ảnh chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

b. Nghệ thuật: Bài thơ sử dụng những chi tiết hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng và giàu sức biểu cảm.

c. Giải nghĩa từ

         – Đồng chí: Người có cùng chí hướng, lí tưởng (đồng: cùng; chí: chí hướng). Người cùng trong một đoàn thể chính trị hay một tổ chức cách mạng thường gọi nhau là “đồng chí”. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, “đồng chí” thành xưng hô quen thuộc trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội.

         – Tri kỉ: Biết mình (tri: biết; kỉ: mình), đôi tri kỉ là đôi bạn thân thiết (hiểu bạn như hiểu chính mình)

         – Sương muối: Sương giá đọng thành những hạt nhỏ trắng xóa như muối trên cây cỏ hay mặt đất. Ở miền Bắc nước ta về mùa đông những ngày có sương muối trời rất rét

         – Bếp Hoàng Cầm: Kiểu bếp dã chiến của bộ đội ta đặt dưới lòng đất, khi đun khỏi tản ra để địch không phát hiện được. Bếp này mang tên người sáng tạo ra nó trong thời kì kháng chiến chống Pháp: Anh hùng nuôi quân Hoàng Cầm.

>> Xem thêm: Đề Số 30 – Đề Ôn Tập Học Kì 2 Toán Lớp 1 Mới Nhất

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận