Kiến thức chuyên đề Biến đổi câu – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

Biến đổi câu

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          Lớp 6 đã cung cấp kiến thức về câu trần thuật đơn, các thành phần chính của câu trần thuật đơn. Tuy nhiên trong thực tiễn giao tiếp, tuỳ vào nhu cầu diễn đạt, ta có thể biến đổi các câu cho phù hợp. Có thể có các thao tác biến đổi câu như sau :

          – Rút gọn câu

          – Mở rộng câu bằng trạng ngữ, bằng cụm C-V

          – Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động.

          1. Rút gọn câu

          – Câu đặt ra phải đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ. Song, trong những tình huống nhất định, để tránh lặp lại những từ ngữ đã xuất hiện, làm cho thông tin được tiếp nhận nhanh, tập trung, chúng ta có thể lược bỏ đi một hoặc một số thành phần nào đó trong câu. Câu bị lược bỏ thành phần được gọi là câu rút gọn. Ví dụ :

          + Anh đang làm gì đấy ?-Đang học. (rút gọn chủ ngữ)

          + Ai làm việc này ? -Bạn Bình. (rút gọn vị ngữ)

          + Bao giờ bạn về ? – Ngày mai. (rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ)

          – Câu rút gọn còn được dùng để ngụ ý rằng hành động, tính chất được nêu trong câu là của chung mọi người. Ví dụ : Học, học nữa, học mãi. (Lê-nin)

          – Cần lưu ý khi sử dụng câu rút gọn để tránh gây hiểu nhầm hoặc không phù hợp với điều kiện giao tiếp.” Ví dụ :

          – Hôm nay con ăn gì ?

          – Cơm.

          Khi trả lời người lớn mà dùng câu tỉnh lược là khiếm nhã. Trong những tình huống đó cần dùng câu đầy đủ thành phần (Con ăn cơm).

          – Cần phân biệt câu rút gọn với câu đặc biệt.

          GIỐNG NHAU : Có cấu tạo gồm một từ hoặc một cụm từ.

          KHÁC NHAU :

          Câu rút gọn : Về bản chất, câu rút gọn là câu đơn hai thành phần, được tạo ra theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ. Dựa vào hoàn cảnh sử dụng, có thể xác định được từ hoặc cụm từ của câu rút gọn giữ vai trò ngữ pháp làm thành phần nào, qua đó có thể khôi phục lại các thành phần bị lược bỏ thành câu đầy đủ thành phần.   

          Câu đặc biệt : Câu đặc biệt không được tạo ra theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ. Từ hoặc cụm từ trong câu đặc biệt làm trung tâm cú pháp của câu. Không thể xác định được từ hoặc cụm từ đó giữ vai trò ngữ pháp làm thành phần nạo.

          2. Mở rộng câu

          2.1. Thêm trạng ngữ cho câu

          Để làm rõ thêm hoàn cảnh thời gian, không gian, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức của sự việc được diễn đạt bằng cụm C-V trong câu, người ta thêm trạng ngữ cho câu.

          – Trạng ngữ thời gian trả lời cho câu hỏi có (từ, đến) bao giờ, vào lúc nào… Ví dụ : Sáng tinh mơ, mẹ tôi đã dậy nấu nướng.

          – Trạng ngữ không gian trả lòi cho câu hỏi có (ở, từ, đến) đâu, chỗ nào… Ví dụ : Trên đường về nhà, chúng em gặp bạn Nam.

          – Trạng ngữ nguyên nhân trả lời cho câu hỏi có vì sao, vì cái gì, do đâu, tại ai, tại cái gì... Ví dụ : Vì ốm, bạn Nam phải nghỉ 4 ngày.

          – Trạng ngữ mục đích trả lời cho câu hỏi có để làm gì, nhằm mục đích gì… Ví dụ : Để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc, mọi người phải tuân thủ luật lệ giao thông.

          – Trạng ngữ cách thức trả lời cho câu hỏi có như thế nào, theo cái gì, bằng cách nào… Ví dụ : Cốp, cốp, cốp, bộ đội chạy trên đường goòng.

          – Trạng ngữ phương tiện trả lời cho câu hỏi có bằng cái gì, nhờ phương tiện nào... Ví dụ : Bằng các phương tiện kĩ thuật hiện đại, họ đã sản xuất được hàng hoá chất lượng cao.

          Trạng ngữ có thể được thêm vào đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. Ranh giới giữa trạng ngữ với chủ ngữ – vị ngữ trong câu thường được đánh dấu bằng dấu phẩy khi viết và một quãng nghỉ ngắn khi nói.

          Để làm sáng tỏ hoàn cảnh cho sự việc được nói đến trong câu, có thể thêm nhiều trạng ngữ. Ví dụ : Ngoài sân, trong giờ ra chơi, các bạn lớp em chơi đá cầu, các bạn lớp bên chơi đuổi bắt.

          – Trạng ngữ, tuy là thành phần phụ của câu, nhưng có tác dụng bổ sung ý. nghĩa cho sự việc được nói đến trong câu và có giá trị thông tin nhất định. Do đó, nhiều trường hợp, trạng ngữ không thể vắng mặt. Ví dụ :

          + Hôm nào, lớp con đi lao động ?

          + Chiều mai, lớp con đi lao động, mẹ ạ.

          Trong câu trả lời có trạng ngữ chỉ thời gian, thành phần này không thể vắng mặt.

          – Trạng ngữ có tác dụng thể hiến không gian, thời gian của sự việc được nói đến trong đoạn văn, văn bản. Nhờ trạng ngữ, các câu, các đoạn trở nên liên kết với nhau, làm cho văn bản có tính mạch lạc. Ví dụ :

          Buổi chiều hôm ấy, không khí nặng nề như ngâm hơi nước. Trời tối sẫm. Những đám mây đen trông gần ta hơn. Gió trước còn hiu hiu mát mẻ, sau bỗng ào ào kéo đến như tiếng thác chảy nghe tận đàng xa.

          Đến nửa đêm, bốn phương trời đều như có gió nổi lên họp thành một luồng mạnh ghê gớm. […]

          Mãi đến sáng hôm sau, bão mới ngớt. […] (Theo Hàn Thế Du)

          Nhờ các trạng ngữ chỉ thời gian trong các đoạn văn, các sự kiện được liên kết với nhau theo một trình tự xác định.

          – Để nhấn mạnh ý, chuyển ý, hoặc bộc lộ cảm xúc…, ta có thể tách trạng ngữ, đặc biệt là các trạng ngữ đứng cuối câu, thành những câu riêng.

          Hiện tượng tách các bộ phận của câu thành câu riêng không phải chỉ xảy ra với trạng ngữ mà xảy ra với các thành phần khác của câu. Ví dụ :

          Nói xong, anh ta vùng đứng lên, giơ tay chào mọi người rồi đi ra cửa. Mọi người nhìn theo anh ta. Im lặng. (Nguyễn Thị Ngọc Tú)

          Im lặng được tách ra là thành phần vị ngữ của câu, cùng loại với nhìn theo : Mọi người nhìn theo, im lặng.

          Hiện tượng tách thành câu riêng như vậy có giá trị tu từ rất phong phú :

          + Nhấn mạnh, cụ thể hoá nội dung của câu, ví dụ : Dung là cô gái rượu bà béo chủ nhà. Chẳng đẹp gì nhưng cũng mũm mĩm và trắng trẻo. Mà lại con một. Mà lại diện. Cô diện nhất vùng này. (Nam Cao)

          + Đặc tả trạng thái tâm lí – cảm xúc, ví dụ : Đôi mắt ấy nhìn tôi, ngập ngừng nhiều lần. Lặng im nhiều lần. Rồi mói hỏi. (Nguyễn Thị Ngọc Tú)

          + Tạo nhịp điệu cho câu văn, ví dụ : Huống hồ giá nào cho xứng cái mà cuốn sách chứa đựng, gợi mở. Một tư tưởng khai sáng. Một kiến thức nền tảng. Một cách gọi tên sự vật. Một rung cảm thần tiên. Một phút giây suy tưởng. Một mơ mộng. Một bâng khuâng, một bảng lảng, một khoái cảm được biểu hiện năng lực người của mình. (Ma Văn Kháng) v.v…

          2.2. Dùng cụm C-V để mở rộng câu

          – Những cụm từ có cấu tạo giống câu đơn bình thường được gọi là cụm C-V.

          – Khi đặt câu, có thể dùng cụm C-V để mở rộng câu, tức là làm cho câu có thành phần nào đó, hoặc phụ ngữ của cụm danh từ, cụm động từ hay cụm tính từ có cấu tạo là một cụm C-V. Ví dụ :

          + Con mèo chạy làm đổ lọ hoa. (cụm C-V làm chủ ngữ)

          + Cái bàn này chân đã gãy. (cụm C-V làm vị ngữ)

          + Quyển sách bạn cho mượn rất hay. (cụm C-V làm phụ ngữ của cụm danh từ)

          + Nó nói rằng nó sẽ đến. (cụm C-V làm phụ ngữ của cụm động từ)

          – Câu có cụm C-V làm chủ ngữ thường hàm chứa các quan hệ :

          + Nguyên nhân – hệ quả (thường gặp các động từ làm, làm cho, khiến, khiến cho … làm vị ngữ). Ví dụ : Nó ốm làm mọi người lo lắng.

          + So sánh, đẳng thức (thường gặp cũng như, là … làm vị ngữ). Ví dụ : Nó đến là tốt rồi.

          – Câu có cụm C-V làm vị ngữ hàm chứa quan hệ chỉnh thể – bộ phận giữa chủ ngữ của câu với chủ ngữ của cụm C-V. Ví dụ : Cái cây này lá vàng. 

          3. Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động

          3.1. Câu chủ động và câu bị động

          – Những động từ biểu thị hành động hướng vào đối tượng khác (ngoài chủ thể thực hiện hành động) như : ăn cơm, xây nhà, đọc sách … được gọi là những động từ ngoại động. Những động từ ngoại động khi sử dụng đòi hỏi có bổ ngữ chỉ đối tượng đi kèm.

          Những động từ biểu thị hành động hạn chế trong phạm vi chủ thể như : đứng, ngồi, ngủ, … là những động từ nội động. Những động từ nội động khi sử dụng không đòi hỏi có bổ ngữ chỉ đối tượng đi kèm. Ví dụ : Tôi ngủ. Nó đứng. …

          – Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ chủ thể thực hiện hành động (được nêu ở vị ngữ) hướng vào một đối tượng nào đó.

          – Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ đối tượng bị hành động nêu ở vị ngữ hướng tới. So sánh hai câu sau :

          (1) Thầy giáo khen Nam.

          (2) Nam được thầy giáo khen.

          Câu (1) có chủ ngữ (thầy giáo) chỉ người thực hiện hành động (khen) hướng tới đối tượng (Nam). Đây là câu chủ động.

          Câu (2) có chủ ngữ (Nam) chỉ đối tượng mà hành động (khen) hướng tới. Đây là câu bị động.

          Câu chủ động có mô hình như sau :

Chủ ngữ (chủ thể) – động từ ngoại động (hành động) – bổ ngữ (đối tượng)

          Câu bị động có mô hình như sau :

Chủ ngữ (đối tượng) – vị ngữ

          – Để nhận diện câu chủ động và câu bị động chỉ cần căn cứ vào vai trò của chủ ngữ trong quan hệ với hành động được nêu ở vị ngữ. Nếu chủ ngữ biểu thị đối tượng của hành động thì đó là câu bị động.

          – Câu bị động và câu chủ động, mặc dù đều có mặt ý nghĩa giống nhau, nhưng chúng khác nhau về cách sử dụng và sắc thái ý nghĩa. So sánh hai câu sau :

          (1) Con chó cắn con mèo.

          (2) Con mèo bị con chó cắn.

          Về cơ bản, nội dung chính của hai câu là giống nhau :

          – Chủ thể hành động : con chó

          – Hành động : cắn

          – Đối tượng hành động : con mèo

          (Có thể nói đây là hai câu đồng nghĩa.)

          Song, câu (1) và câu (2) khác nhau về một số điểm như sau :

          Trước hết, chúng khác nhau về đối tượng được đưa ra để miêu tả, nhận xét, bàn luận : ở câu (1) là con chó, ở câu (2) là con mèo. Do đó, cần lưu ý để sử dụng chúng cho chính xác.

          Ngoài ra, chúng còn khác nhau về sắc thái ý nghĩa : trong câu (1), người nói nêu sự việc một cách khách quan, không có sự bày tỏ ý kiến đánh giá cá nhân ; trong khi đó, ở câu (2), người nói nêu sự việc kém khách quan hơn (chẳng hạn, có thể là sự thương xót đối với cơn mèo, lên án đối với con chó v.v…).

          – Việc sử dụng câu chủ động hay câu bị động không được tuỳ tiện. Phải căn cứ vào các câu đi kèm. Ví dụ : Con mèo nhà em bị con chó nhà hàng xóm cắn. Nó đau lắm nhưng không hề rên một tiếng.

          Trong chuỗi câu như vậy, câu đầu chỉ có thể là câu bị động, không dùng câu chủ động ; so sánh : Con chó nhà hàng xóm cắn con mèo nhà em. Nó đau lắm nhưng không hề rên một tiếng.

          3.2. Cách chuyển câu chủ động thành câu bị động

          Chuyển câu chủ động thành câu bị động là làm cho câu đang có chủ ngữ chì chủ thể của hành động thành câu có chủ ngữ chỉ đối tượng của hành động được nêu ở vị ngữ.

          Muốn chuyển câu chủ động thành câu bị động, ta làm như sau :

          – Chuyển bổ ngữ trực tiếp thành chủ ngữ ;

          – Thêm được hoặc bị vào câu. Ví dụ :

          Nhà trường khen bạn Nam. -> Bạn Nam được nhà trường khen.

          Cần lưu ý : Thêm được hay bị là tuỳ thuộc vào đánh giá chủ quan của người nói về sự việc được nói đến theo tiêu chí: tích cực / tiêu cực ; may / không may.

          Ví dụ : Khi chuyển câu ; “Sét đánh đổ cây.” thành câu bị động, ta có : “Cây bị sét đánh đổ.” (thêm bị khi sự việc “sét đánh đổ cây” được coi là tiêu cực, không may) ; và “Cây được sét đánh đổ.” (thêm được khi sự việc “sét đánh đổ cây” được coi là tích cực, may mắn – chẳng hạn, làm quang đãng khu vực có cây hoặc mọi người đang tìm cách đốn đổ cây đó, nhờ sét mà cây đổ v.v…).

          – Nếu vai trò của chủ thể hành động không nằm trong trọng tâm thông báo, khi chuyển câu chủ động thành câu bị động, người ta có thể lược bỏ đi từ (cụm từ) chỉ chủ thể của hành động. Ví dụ : Nam được khen.

          – Sự đối lập giữa câu chủ động và câu bị động chỉ xảy ra trong trường hợp câu có động từ làm vị ngữ là động từ ngoại động. Đối với những trường hợp câu có vị ngữ là động từ nội động hoặc tính từ, không phân biệt câu chủ động và câu bị động. Những câu này dù có bị hay được cũng không phải là câu bị động. Ví dụ : Nam bị đau tay.

          – Có những trường hợp câu chủ động chứa hai bổ ngữ. Ví dụ : Nó biếu bà tấm vải này.

          Đối với loại câu như thế này, có thể có hai câu bị động tương ứng :

          + Tấm vải này được nó biếu cho bà.

          + Bà được nó biếu tấm vải này.

 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận