Khám phá Hang Én – Bài 5 – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 5

PHẦN ĐỌC

Bài 5 sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức tiếp tục hướng dẫn các em đọc hiểu tác phẩm kí Hang Én. Qua văn bản, các em sẽ được trải nghiệm như nhà thám hiểm đi khám phá những điều kì thú trong khu bảo tồn thiên nhiên này.

VĂN BẢN 2

Trước khi đọc

1. Nhan đề Hang Én gợi cho em liên tưởng gì?

2. Tưởng tượng mình là nhà thám hiểm đi khám phá những khu bảo tồn thiên nhiên kì thú. Hãy chia sẻ cảm giác của em về điều đó.

Đọc văn bản

Hang Én(1)

HÀ MY

Đường tới hang Én phải xuyên qua rừng nguyên sinh(2), vượt nhiều đoạn dốc cao, ngoằn ngoèo, lội khoảng ba mươi quãng suối và sông nên chỉ có một cách di chuyển: đi bộ. Tờ-réc-king(3) hang Én, đối với tôi là một hành trình khám phá thú vị.

Hành trình ấy khởi đầu từ con dốc Ba Giàn dài gần 2 km. Dốc cao và gập ghềnh. Đường mòn vừa một người đi, khá trơn, nhiều chặng có cây đổ chắn ngang hoặc những vòm dây leo giăng kín. Rất nhiều cây cổ thụ tán cao vút, thân đầy các loại tầm gửi, có cả phong lan đang nở hoa. Còn có sên, vắt, nhiều loài côn trùng và chim chóc tôi không biết tên… Cảm giác về một cuộc “ngược dòng” tìm về với thuở sơ khai đến với tôi ngay khi len lỏi qua cánh rừng nguyên sinh này. 

Đi hết dốc Ba Giàn là tới thung lũng Rào Thương, được bao quanh bởi con suối cùng tên. Con đường qua thung lũng trải theo tiếng suối róc rách, thảm cỏ, rồi cây cối rậm rạp, lúp xúp, từ đó vẳng ra tiếng chim kêu đủ giọng. Thích nhất là khi lội qua suối. Nước trong vắt, mát lạnh, thấy cả làn đá cuội nơi đáy suối. Nhiều quãng suối còn nhìn rõ đàn cá bơi liêu xiêu giữa dòng nước chảy xiết như những chiếc lá trúc khô. Yêu vô cùng những đàn bướm đủ màu – vàng, trắng, xanh đen – gặp ven đường, ven suối. Chúng đậu thành từng vạt như đám hoa lá ai ngẫu hứng xếp trên mặt đất. Thấy động, chúng bay lên, lượn vòng, quấn quýt cả vào chân người. Bước đi cùng đàn bướm, ngắm những cánh hồ điệp(4) mong manh giữa không gian trong trẻo, im vắng, tôi ngỡ mình đang đi trong một giấc mộng đẹp.

Hang Én giống như cái tổ khổng lồ và an toàn mà Mẹ Thiên Nhiên ban tặng cho con người, với không gian trú ẩn, nước, không khí, ánh sáng,… Hang có ba cửa lớn: cửa trước có hai lớp, vòm cửa ngoài dẫn vào một “sảnh chờ” rộng rãi; cửa trong lại thấp hẹp, sát ngay dải sông ngầm khá rộng, sâu quá thắt lưng. Muốn vào hang, phải lội qua sông; rồi trèo ngược vách đá hiểm trở, cao mấy chục mét. Đứng trên đỉnh dốc sẽ nhìn thấy lòng hang xa tít phía dưới, được bao bọc bằng một quãng sông rộng, nước sâu. Vịn đá lần xuống chân dốc, chúng tôi ngồi bè qua sông để đến lòng hang chính.

Lòng hang Én phía trước, nơi rộng nhất khoảng 110 m2, có thể chứa được hàng trăm người. Trần hang đẹp như mái vòm của một thánh đường, nơi cao nhất tương đương với toà nhà bốn mươi tầng (120 m). Cửa thứ hai thông lên mặt đất như cái giếng trời khổng lồ đón khí trời và ánh sáng. Quãng sông ngầm đỗ lại êm đềm trước thềm hang chính, len lỏi quanh các hang phụ chừng 4 km, rồi đổ ra cửa hang sau. Ở hang chính, bờ sông cát mịn thoải dần, nước mát lạnh, trong veo, đáy toàn sỏi, đá đã bào nhẵn tạo thành một bãi tắm thiên nhiên hoàn hảo. Nghe nói thời xa xưa, tộc người A-rem(5) đã sống trong hang Én. Trứng chim từng là một nguồn thực phẩm của họ. Giờ họ đã rời ra ngoài sống thành bản nhưng vẫn còn giữ lễ hội “ăn én”. Cũng nghe kể rằng, trong bản A-rem vẫn còn một vài người có bàn chân mỏng, ngón dẹt – dấu tích của bao nhiêu thế hệ leo vách đá, trần hang cao hàng trăm mét.

Trong hang Én, hàng vạn con chim én vẫn hồn nhiên cư ngụ và chưa phải biết sợ con người. Bốn vách hang, trần hang – nơi nào cũng dày đặc chim én. Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách. Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra ràng(6) chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá… Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, say giấc ngay trên những mỏm đá thấp dọc lối đi. Nếu đặt lên vai, bạn sẽ rúc vào tóc hoặc đậu trên đầu mình để… ngủ tiếp! Bữa tối, một chú én tò mò sa xuống bàn ăn, cánh bị thương không bay lên được. Khi mắt đã quen với ánh đèn, nó ung dung mổ cơm ăn trong lòng tay tôi. Sáng hôm sau, tôi vẫn thấy nó thản nhiên đi lại quanh lều với một bên cánh còn hơi sã xuống. Có lẽ chỉ ngày mai thôi, đôi cánh ấy sẽ lành hẳn.

Vòng ra sau hang Én là bạn có thể bước chầm chậm qua vài trăm triệu năm. Bạn sẽ thấy hàng trăm dải đá san hô uốn lượn thành bao nhiêu tầng, bậc lớn nhỏ, đọng đầy nước nguồn trong vắt tựa như những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp vào mùa nước đổ. Bạn sẽ thấy những “thương hải tang điền”(7) còn hiện hữu trên dải hoá thạch sò, ốc, san hô,… nơi vách đá. Rồi nhũ đá(8), măng đá(9), ngọc động giăng đầy bên những vách núi, sàn hang,… Hô-oát Lim-bơ(10) (Howard Limbert), người tìm ra hơn 500 hang động ở Việt Nam, trong đó có hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, khẳng định rằng: mỗi xen-ti-mét đá kia phải qua cả trăm triệu năm bào mòn hay bồi đắp mới nên. Và tất cả măng đá, nhũ đá, ngọc động ấy vẫn “sống” trong hành trình tạo tác của tự nhiên. […]

Khi bóng tối trùm kín lòng hang Én, thì khoảng trời phía trên cửa hang thứ hai vẫn sáng rất lâu nên có thể nhìn rõ từng đàn én chao liệng không dứt. Đàn én cuối cùng bay về hang khi nền trời đã sẫm hẳn. Tôi ngồi bệt trên cát, trước mặt là khoảng sông lấp lánh, trên cao là trần hang tối thẫm và một khoảng trời thăm thẳm đầy sao. Tứ bề tiếng chim líu ríu như ru nhau và ru người. Nửa đêm thức dậy, vẫn nghe tiếng chim chiu chít, tiếng nước chảy âm âm – và cả tiếng phân chim rơi lộp độp trên mái lều.

Năm giờ, đã thấy sáng bừng cả lòng hang, tưởng người ta bật điện – hoá ra luồng nắng ban mai vàng rỡ rọi chéo từ khoảng trời cao xuống. Trên mặt sông, nắng hoà với hơi nước mỏng, tan dần thành lãng đãng khói mơ. Ai nấy nhoài ra khỏi lều, chân trần chạy quanh sông, rồi ngồi ngay bên bờ cát vục nước rửa mặt, hít căng lồng ngực thứ không khí mát lành, tinh khiết…

(Theo Hà My, Trang thông tin điện tử Sở Du lịch Quảng Bình, ngày 14/10/2020)

Sau khi đọc

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nhân vật “tôi” đã kể về hành trình khám phá hang Én theo trình tự nào?

2. Tìm những chi tiết miêu tả địa hình, cây cối, loài vật trên đường đến hang Én. Những chi tiết này gợi cho em cảm nhận gì về rừng nguyên sinh?

3. Qua bài kí, em hiểu được gì về sự “sống” của đá và cuộc sống của loài én chưa “biết sự con người”?

4. Hình ảnh nào trong bài thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn và tình yêu của con người với tự nhiên?

5. Tâm trạng của du khách khi sống trong không gian hang Én, thiếu thốn các tiện nghi thông thường được miêu tả qua những chi tiết nào?

6. Cách tác giả cảm nhận về cuộc sống hoang dã có làm cho người đọc khiếp sợ tự nhiên không? Vì sao?

7. Có ý kiến cho rằng hành trình khám phá hang Én thích hợp với những người ưa mạo hiểm. Theo em, hành trình này còn đánh thức những điều gì ở con người?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nhận của em về hang Én.

*Chú thích:

(1) Hang Én: nằm trong quần thể vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bảng của tỉnh Quảng Bình, là hang động lớn thứ ba thế giới sau hang Sơn Đoòng ở Việt Nam và hang Đi-Ơ (Deer) ở Ma-lai-xi-a (Malaysia). Hang có chiều dài hơn 1,6 km, gồm ba cửa. Trần hang có nơi cao 100 m, nơi rộng nhất 170 m. Trong lòng hang có con suối trong xanh chảy quanh co, uốn lượn, làm nên vẻ kì thú của thiên nhiên nơi đây.

(2) Rừng nguyên sinh: rừng tự nhiên, chưa bị khai thác.

(3) Tờ-réc-king (tiếng Anh: trekking): leo núi, đi bộ thám hiểm.

(4) Hồ điệp: con bướm.

(5) Người A-rem (còn gọi là người Chứt): một tộc người thiểu số. Năm 1959, tộc người này được phát hiện còn 34 người sống trong hang sâu tại khu Phong Nha – Kẻ Bàng.

(6) Ra ràng: (chim non) mọc đủ lông, đủ cánh, có thể tập bay.

(7) Thương hải tang điền: bãi bể (biến thành) nương dâu, chỉ những biến đổi lớn lao.

(8) Nhũ đá: thạch nhũ (vú đá), mọc từ trần hang xuống.

(9) Măng đá: chất đá vôi kết đọng hình măng, nón thấp nhỏ.

(10) Hô-oát Lim-bơ: chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.

>> Xem thêm: Biện Pháp Tu Từ trong Kí – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận