Kể chuyện : Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

      – Rèn kĩ năng nói: Biết kể tự nhiên bằng lời của mình một câu chuyện đã nghe, đã đọc nói về lòng trung thực. Hiểu nội dung ý nghĩa của chuyện.

      – Rèn kĩ năng nghe: Nghe bạn kể, biết nhận xét lời kể của bạn.

B – Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn kể chuyện)

      Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về tính trung thực.

      Tìm hiểu đề bài: Những từ ngữ quan trọng trong đề: được nghe, được đọc về tính trung thực.

Bài tham khảo

      “Con người sông ở đời không nên tham của người khác”, đó là câu nói mà mẹ đã dặn tôi khi tôi còn rất nhỏ.

      Tham lam, thiếu trung thực là một tính xấu. Câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn nghe nói về đức tính trung thực của một người đàn ông nghèo làm nghề đốn củi trên rừng. Câu chuyện đó có tựa đề “Chiếc rìu kim cương”.

      Một bác tiều phu, đốn cây bên bờ sông. Thình lình cái lưỡi rìu long ra khỏi cán và rơi tõm xuống nước. Bác ngồi than thở:

      – Khổ thân tôi! Không có lưỡi rìu thì lấy gì mà đốn cây, và làm sao nuôi sống được gia đình.

      Có tiếng động trong lùm cây bên bờ và một cụ già râu tóc bạc phơ đột nhiên xuất hiện. Cụ hỏi bác tiều phu:

      – Làm sao mà anh than khóc khổ sở thế?

      – Cụ bảo làm sao tôi không than khóc được! Cái lưỡi rìu của tôi rớt xuống nước, tôi làm sao đốn cây để nuôi sống gia đình!

      Cụ già đáp:

      – Tai nạn có thể vượt qua được anh à!

      Rồi cụ cởi áo, cởi giày nhảy ùm xuống nước. Bác tiều phu chưa hết ngạc nhiên thì cụ già đã nổi lên, tay cầm lưỡi rìu bằng vàng và hỏi:

      – Cái này có phải của anh không?

      – Không, không phải lưỡi rìu của tôi đâu cụ ạ!

      Cụ già lại lặn xuống nước, lại ngoi lên, trong tay cầm một lưỡi rìu bằng bạc và hỏi bác tiều phu:

      – Cái này chắc là của anh rồi!

      – Không, cũng không phải!

      Lần thứ ba, cụ già lại lặn xuống và đem lên một lưỡi rìu bằng sắt.

      – Thế còn cái này?

      Bác tiều phu mừng rỡ kêu lên:

      – Đúng rồi! Cái này mới đúng là của tôi!

      Bác cảm ơn cụ già, vội đón lấy lưỡi rìu, chực chạy đi, nhưng cụ già đã giữ lại và nói:

      – Khoan đã! Anh hãy cầm lấy lưỡi rìu vàng và bạc kia đi. Anh không tham, nhưng tôi không hà tiện với anh đâu!

      – Cụ đã dạy thế thì tôi xin nhận, và không bao giờ quên lòng tốt của cụ! Xin cảm ơn cụ!

      Bác tiều phu về nhà, đem theo cả ba lưỡi rìu vàng, bạc, sắt.

      Có tên nhà giàu, nghe chuyện bác tiều phu gặp may, nghĩ bụng: “Ta cũng thử đi ra bờ sông một chuyến xem sao”. Thế là gã đi ra bờ sông và cũng đem theo một cái rìu đã long cán. Đến bờ sông, gã nhà giàu giơ rìu lên, chưa kịp chặt vào cây thì lưỡi rìu đã rơi tõm xuống sông.

      Cụ già râu tóc bạc phơ hôm trước lại hiện ra và cũng nhận mò giúp gã. Trong nháy mắt cụ đã nổi lên tay cầm lưỡi rìu bằng sắt và hỏi:

      – Cái này có phải là của anh không?

      – Không phải đâu cụ ạ, rìu của tôi đẹp hơn nhiều!

      Cụ già lại nổi lên với một cái lưỡi rìu bằng bạc.

      – Còn cái này?

      – Cũng không phải đâu cụ ạ! Cái lưỡi rìu của tôi đẹp hơn thế!

      Cụ già lại lặn xuống và nổi lên với chiếc lưỡi rìu bằng vàng.

      – Cái này có phải của anh không?

      – Phải rồi! Chính là của tôi! Cụ đưa ngay cho tôi!

      Thấy thế, cụ già liền hỏi:

      – Này, anh có chắc là không nhầm đấy chứ? Vì ở dưới đáy sông còn có một cái lưỡi rìu bằng kim cương nữa kia.

      Gã nhà giàu vội kêu lên:

      – Ồ, thế thì đó mới là cái lưỡi rìu của tôi! Tôi loá mắt nên đã nhìn nhầm. Cụ già rung rung bộ râu bạc lại lặn xuống đem theo cái rìu vàng và lần này thì cụ không nổi lên nữa.

      Còn gã nhà giàu thì cứ chờ mãi ở trên bờ.

      * Ý nghĩa câu chuyện: Câu chuyện mà tôi vừa kể cho các bạn nghe nhằm ca ngợi những người lao động nghèo khổ mà “thật thà như đếm” và chế giễu những kẻ giàu có mà gian dối, tham lam.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận