Kể chuyện : Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

         – Rèn kĩ năng nói: Biết kể tự nhiên bằng lời của mình một câu chuyện đã nghe, đã đọc nói về lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người với người. Biết trao đổi với bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

         – Rèn kĩ năng nghe: Nghe bạn kể, biết nhận xét lời kể của bạn.

B – Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn kể chuyện)

         Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về lòng nhân hậu.

         – Tìm hiểu đề:

         + Đề văn thuộc thể loại kể chuyện. Kể về một câu chuyện được đọc, được nghe (tự em đọc hay được nghe kể qua ông bà, cha mẹ, bạn bè…).

         + Nội dung của câu chuyện: nói về lòng nhân hậu (biểu hiện của lòng nhân hậu đã được SGK gợi ý – trang 29).

         + Nguồn truyện về lòng nhân đạo (SGK gợi ý).

         – Khi kể chuyện cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

         + Giới thiệu chuyện: nêu tên câu chuyện; cho biết em đã đọc hay đã nghe ai kể câu chuyện này? Vào dịp nào?

         + Kể thành lời (mở đầu; diễn biến và kết thúc của câu chuyện).

Bài tham khảo

         Năm nay, tôi đang học lớp Bốn, tôi đã được học và đọc nhiều câu chuyện hay nhưng câu chuyện mà tôi nhớ nhất, mãi đế lại trong tôi một ấn tượng về tình cảm thiêng liêng, về sự thuỷ chung son sắt, của tình cảm giữa bà và cháu; đó chính là câu chuyện Bà cháu mà tôi đã được học ở lớp Hai. Câu chuyện được bắt đầu như thế này:

         Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia có hai em bé, một trai một gái. Trai là anh, gái là em. Bố mẹ mất sớm, hai anh em về sông với bà ngoại. Bà già lắm và cũng nghèo lắm. Ba bà cháu rau cháo nuôi nhau, đời sống rất đỗi chật vật nhưng được cái lúc nào cũng hoà thuận vui vẻ, các cháu ríu rít quấn quýt quanh bà. Bà móm mém cười hiền từ nhìn các cháu quên đi những nỗi vất vả, cay đắng.

         Một hôm, có bà tiên đi ngang qua. Thấy tình cảnh ba bà cháu, bèn mủi lòng liền đưa ra một trái đào và nói: “Khi nào bà mất đi, hai cháu mang hạt đào này gieo lên mộ thì lập tức sẽ được giàu có sung sướng.”

         Đời sống của ba bà cháu cực nhọc quá, không đủ ăn, bà ngoại thương cháu liền nhịn mấy ngày liền để cái chết mau đến, hi vọng lời bà tiên sẽ thành sự thật, cháu mình sớm được hạnh phúc.

         Quả nhiên, mộ bà vừa đắp xong, hạt đào vừa gieo xuống, phút chốc đã hiển hiện điều lạ lùng. Hạt đào nảy mầm, cây lớn nhanh vùn vụt, nảy lá, đơm hoa, kết trái. Trùm lên mộ bà là cây đào trĩu trịt trái vàng, trái bạc. Hai anh em vui sướng chạy quanh gốc đào, hái mỏi tay mà cũng không hết của cải quý giá. Từ đó hai anh em trở nên giàu có.

         Nhưng rồi nỗi sung sướng bồng bột cũng tan dần. Vàng bạc, châu báu lạnh lẽo không bù được tình thương đầm ấm của bà. Sống trong sự sung sướng như vậy nhưng hai anh em vẫn cảm thấy trống trải. Nỗi thương nhớ bà cồn cào gan ruột làm hai anh em mỗi ngày một héo hắt đi.

         Một hôm, bà tiên lại đi ngang qua, thấy hai anh em đã trở nên giàu có nhưng sao họ lại héo hon, ủ rũ như vậy, bà dừng lại hỏi. Hai anh em oà khóc, cầu mong bà tiên làm cho bà ngoại sống lại. Bà tiên nói: “Nếu bà ngoại sống lại thì ba bà cháu lại cực khổ như xưa, liệu có chịu được không?” Cả hai anh em cùng nói như reo lên: “Chúng cháu chịu được.”

         Bà tiên phất chiếc quạt lông mầu nhiệm. Phút chốc tất cả lâu đài, cây đào và trái vàng, trái bạc biến mất. Bà ngoại lại hiện ra. Hai đứa bé sà vào lòng bà ngoại khóc thổn thức. Ba bà cháu lại tần tảo rau cháo nuôi nhau nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình thương mến.”

         Các bạn thấy không, tiền bạc, sự giàu có không thể đem lại cho con người tình cảm thương yêu, chỉ có con người mới có những tình cảm quý báu như vậy. Tình bà cháu ở đây là nét đẹp thổ hiện sự nhân ái, tình thương yêu giữa con người và con người. Câu chuyện thật cảm động phải không các bạn?

Bài tham khảo 2

         Tôi còn nhớ mãi ý nghĩa của một câu chuyện cố tích nước ngoài, ca ngợi một cô gái tuy nghèo khổ nhưng chăm chỉ, tốt bụng, giàu lòng nhân ái đối với mọi người. Câu chuyện đó có cái tên gọi cũng thật dễ thương: “Miệng nói ra hoa ra ngọc”. Tôi kể cho các bạn nghe nhé!

         Ngày xưa, có một cô gái bố mẹ chết sớm, phải đi ở cho hai mẹ con nhà giàu nọ. Mẹ con chủ nhà tính tình hợm hĩnh, khắc nghiệt không ai chịu được. Còn cô gái nhà nghèo hiền lành, xinh đẹp thì chăm chỉ làm việc quần quật từ tờ mờ sáng đến tối mịt, nhưng vẫn bị mẹ con nhà chủ chửi mắng tàn tệ.

         Mỗi ngày cô gái phải hai buổi đi gánh nước xa chừng một dặm đường. Một hôm, ra đến suối, cô gặp một bà già rách rưới xin ngụm nước. Cô vội rửa sạch thùng, ra tận chỗ xa múc nước trong, rồi hai tay nâng thùng nước cho bà cụ uống.

         Uống xong bà cụ bảo:

         Con tốt bụng lắm. Con thật đáng khen. Ta ban phép lành cho con: từ rày hễ con mở miệng nói thì ra hoa, ra ngọc. Cô gái cúi đầu cảm ơn, lúc ngẩng lên thì bà cụ đã biến mất. Cô gánh nước trở về. Chủ nhà thét mắng, hỏi vì sao về muộn, cô vội vàng chắp tay xin:

         – Con xin bà, tha lỗi cho con!

         Vừa nói bấy nhiêu thì hai đóa hoa thơm nức và hai viên ngọc sáng ngời từ trong miệng cô bay ra.

         Mẹ con chủ nhà vô cùng kinh ngạc. Khi nghe cô kể lại sự việc, mụ chủ vội giục con gái ra suối lấy nước. Cô ta mang bình bạc đi. Đến nơi, bỗng có một em bé rách rưới, ghẻ lở xin uống nước. Cô ta bĩu môi nói:

         – Cái con bé này! Dễ tao đến đây để múc nước hầu mày à? Muốn uống thì xuống suối mà uống!

         Em bé lúc đó vụt hiện nguyên hình thành một bà tiên và bảo:

         – Mày xấu bụng lắm! Đã thế ta sẽ truyền cho mày hễ mở miệng nói thì nhả ra rắn, ra cóc.

         Thấy con gái về, mụ mẹ đon đả săn đón từ ngoài cổng:

         – Thế nào hả con?

         Cô ta vừa đáp: “Mẹ ạ…” thì hai con rắn và hai con cóc từ miệng cô chồm ra! Mụ mẹ hoảng hốt, la hét:

         – Trời ơi! Cái gì thế này? Con ranh ác kia đặt điều hại mẹ con ta rồi.

         Mụ bèn vác gậy đuổi đánh cô gái ở đó.

         Cô gái trốn vào rừng xanh, oan ức và buồn tủi. Giữa lúc ấy thì hoàng tử đi săn về qua đấy. Hoàng tử thấy cô gái đẹp thì dừng ngựa lại và hỏi vì sao cô khóc. Cô gái thốn thức trả lời:

         – Bà chủ đuổi đánh…

         Hoàng tử thấy từ miệng cô gái hoa và ngọc bay ra, rất lấy làm lạ. Biết chuyện, hoàng tử đưa cô gái về cung, xin vua cha cho cưới nàng làm vợ.

Còn ả con gái mụ chủ ngày càng khiếp sợ về mình. A đi lang thang khắp nơi, cuối cùng đi đâu không ai biết. Mụ chủ độc ác sống thui thủi một mình, chẳng bao lâu thì chết.

         Câu chuyện mà tôi vừa kể cho các bạn nghe, nhằm khuyên nhủ mọi người sống phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đúng như câu tục ngữ mà ông cha ta đã răn dạy: “Thương người như thể thương thân.”

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận