Hướng dẫn đóng vai Trương Sinh kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương” – Tập làm văn 9

Đang tải...

Trương Sinh kể lại “Chuyện người con gái Nam Xương”

Đề bài: Hãy đóng vai Trương Sinh kể lại “Chuyện ngưòi con gái Nam Xương” (từ đẩu cho đến khi Trương Sinh hiểu ra nổi oan của vợ).

Bài làm 1

Tôi là Trương Sinh, con một nhà hào phú nức tiếng giàu có trong vùng. Từ nhỏ, tôi đã chẳng mặn mà gì với việc dùi mài kinh sử nên lúc lớn cũng chỉ sống dựa vào nếp nhà. Nhiều người nói tôi trăng hoa ong bướm nhưng tôi thì không nghĩ vậy, vì từ khi lớn lên đến giờ, tôi chỉ thích có mỗi một người, đó là Vũ Thị Thiết, người con gái ở Nam Xương, nhà nghèo nhưng nổi tiếng khắp vùng về nết na và tư dung tốt đẹp. Tôi thưa với mẹ. Tính ngày lành tháng tốt, mẹ sửa soạn trăm lạng vàng, sang nhà Vũ Nương xin nàng cho tôi.

Tuy là con nhà nghèo nhưng nàng rất “công dung ngôn hạnh”, vì vậy cuộc sống lứa đôi của chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Nhưng “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng bao lâu sau, đất nước có chiến tranh, tôi bị sung vào lính. Khi đó, Vũ Nương đang mang thai đứa con đầu lòng. Ngày chia tay bịn rịn, lưu luyến đầy nước mắt. Tôi cúi đầu thương cảm nhận lời dạy bảo của mẹ già. Tôi đau đớn nghe những lời li biệt của Vũ Nương rồi lên đường ra nơi biên ải.

Ở nơi chinh chiến, tôi không nguôi nhớ về ngôi nhà đơn sơ với bà mẹ già và người vợ trẻ. Mãi rồi cuộc chiến cũng chấm dứt, tôi được trở về quê. Vừa đặt chân đến nhà thì hay tin mẹ già đã mất, đứa con trai tên Đản đã biết nói. Cảnh nhà heo hút, sầu thảm. Tôi bế con ra thăm mộ mẹ. Đứa con chưa bén hơi cha cứ quấy khóc hoài. Tôi cố gắng dỗ con:

– Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.

Đứa bé ngây thơ hỏi lại tôi:

– Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Khi cha gạn hỏi, đứa con nói:

– Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Nghe lời con trẻ, tôi đau quặn từng khúc ruột. Vậy ra vợ tôi là người đàn bà hư hỏng. Thế mà, ở nơi tên rơi đạn lạc, tôi đã quên cả mình để không ngừng nhớ tới nàng.

Về đến nhà, tôi la um lên cho hả giận. Vợ tôi đã hết lời thanh minh, hàng xóm đã hết lời khuyên giải, nhưng mặc, tôi đuổi Vũ Nương đi. Biết tôi không tin vào sự thật, nàng đau đớn ôm con lần cuối rồi ra khỏi nhà.

Chiều muộn hôm đó, tôi nghe tin nàng đã gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Tuy vẫn giận nhưng tôi cũng mang lưới ra để vớt xác nàng nhưng vớt mãi suốt đêm cũng chẳng thấy đâu.

Một đêm vắng vẻ, tôi ngồi ôm con bên ngọn đèn mới thắp, lòng buồn rầu nghĩ đến Vũ Nương. Bỗng, thằng bé reo lên:

– Cha Đản lại đến kia kìa!

Tôi vội hỏi đâu thì nó chỉ vào cái bóng của tôi trên tấm vách. Tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Trời ơi! Chính tôi đã giết vợ mình. Vợ tôi đã chết oan uổng vì sự hồ đồ, đa nghi, cả ghen, ích kỉ,… của chính tôi. Tôi hối hận quá. Nhưng muộn mất rồi. Chính tôi đã làm tôi mất vợ, làm bé Đản mất mẹ. Tôi ân hận quá nhưng muộn mất rồi, muộn mất rồi…

Phạm Bảo Ngân

(Trường THCS Đông Thái)

Bài làm 2

Hoàng hôn đã ngả những ánh nắng yếu ớt lên vùng quê Nam Xương. Ta vác cày trở về căn nhà nhỏ bé của mình. Căn nhà này bấy lâu nay đã không vang tiếng cười. Bàn ghế lại bụi bặm bởi không có bàn tay ấm áp của người phụ nữ chăm sóc nên căn nhằ càng trở lên lạnh lẽo. Càng nhìn, ta càng cảm thấy lòng đau thắt lại khi nhớ đến người phụ nữ mà ta hằng yêu dấu lại bị chính ta phũ phàng đẩy đến bước phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang mà chết. Tất cả chỉ vì cái tính đa nghi, gia trưởng, ít học của ta mà hạnh phúc gia đình mãi mãi tan vỡ không thể hàn gắn được. Ta đã làm cho căn nhà này trở nên hiu quạnh, làm cho đứa con trai duy nhất của ta phải khắc khoải mong chờ ngày mẹ nó trở về, hằng mong ước được sống trong tình mẹ, trong mái ấm gia đình hạnh phúc. Ta căm giận chính bản thân mình! Ta thù ghét dòng máu ghen tuông đang chảy trong lồng ngực mình! Ta đã làm gì, đã làm gì để giờ đây phải đau đớn nhường này, bẽ bàng nhường này…

“Vào hai năm trước, ta vốn là chàng trai phong lưu, tốt mã, nhà lại khá giả trong làng. Cùng thời gian ấy có bao nhiều cô gái đến tuổi cập kê. Nhưng trong mắt ta chỉ người con gái tên Vũ Nương là xinh đẹp nhất. Nàng nổi tiếng nết na, thuỳ mị, lại thêm tư dung tốt đẹp nên ai cũng quý mến nàng. Vì quá cảm mến dung hạnh tuyệt vời của nàng nên ta xin mẹ trăm lạng vàng đem đến xin cưới nàng về làm vợ. Nàng quả là người con gắi dịu dàng và hiểu phép tắc. Biết tính ta đa nghi nên nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để cho vợ chồng phải thất hoà. Bởi vậy, ta với nàng, dù tính tình trái ngược nhau nhưng vợ chồng luôn sống trong cảnh êm đềm hạnh phúc. Nàng luôn dịu dàng với ta, chăm lo cho ta và mẹ chu đáo. Dù là mẹ ta nhưng Vũ Nương luôn coi đó là mẹ ruột và hết lòng hiếu thảo, phụng dưỡng bà…

Cuộc sống bình yên tưởng như có thể trôi qua mãi mãi cho tới khi làng ta nhận được tin dữ: giặc đã xâm lược bờ cõi. Vua đang cho lính đi khắp các làng để tuyển trai tráng đi đánh giặc cứu nước. Ta cũng nằm trong danh sách phải đi lính năm đó. Ngày chia tay, ta không nỡ lòng nào để người vợ nết na một mình vừa mang nặng đứa con của ta, vừa chăm sóc mẹ già cơ chứ! Nàng rót chén rượu đầu tiên mà rằng:

– Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ; chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng…

Ôi, người vợ nết na của ta! Ta cảm động biết mấy khi nàng chẳng màng vinh hoa phú quý, chỉ mong ta có thể bình yên trở về. Nàng vô cùng lo lắng trước mối an nguy mà ta sắp phải chịu đựng và nàng đã khắc khoải nhớ thương ta ngay rồi. Vũ Nương quả là người vợ luôn hết mực yêu thương ta! Ta đi chuyên này, chẳng biết bao giờ mới có thể quay lại nhưng khi nghĩ tới Vũ Nương và mẹ, ta thấy yên lòng đi làm nhiệm vụ nơi xa, luôn mong ngóng ngày trở về đến nhanh.

Nơi chiến trường chỉ đầy chông gai và khắc nghiệt. Bởi vậy, không lúc nào là ta không nghĩ đến nàng. Thiếu vắng nàng, cuộc đời ta thật cô đơn, buồn tẻ. Những mùa đầu khi mới xa nhà, nhìn cảnh vật xung quanh ta, dường như chỉ là một màu xanh đơn điệu. Chiến trường thì chỉ đầy màu sương khói. Nhưng tất cả chỉ làm lòng ta đau nhói và thầm nghĩ rằng mình phải cố gắng để bảo vệ đất nước, bảo vệ những ngôi làng, những cánh đồng,… và đặc biệt là bảo vệ cả người mẹ thân yêu, cả nàng và cả đứa con hình hài máu mủ của ta. Ta cứ thầm nghĩ thế mấy mùa thu, để rồi cũng đến ngày đất nước bình yên, ngày ta được trở về với nàng. Ôi, thật hạnh phúc làm sao! Cứ nghĩ tới là ta lại phơi phới hưng phấn. Bước về làng trong nỗi niềm hân hoan bởi ta sắp được gặp lại mẹ và nàng. Ta sắp được ôm nàng vào lòng, ta sắp được người vợ nết na hết mực yêu thương và chăm sóc này sưởi ấm tâm hồn ta khỏi những ngày lạnh giá trên chiến trường. Gia đình của chúng ta sắp được đoàn tụ và sống hạnh phúc mãi mãi…

Nhưng vừa về tới nơi, ta đã nhận được tin dữ rằng mẹ quá lo lắng và nhớ thương ta mà ốm rồi mất. Ta không khỏi đau lòng. Chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người, bao nhiêu đồng đội của ta rồi bây giờ lại cả mẹ ta. Ta thật có lỗi khi không có thể ở nhà để phụng dưỡng, chăm sóc người khi tuổi già sức yếu. Cũng may ta còn có nàng bên cạnh. Biết rằng nàng đã cố gắng chăm sóc mẹ cẩn thận và khi bà mất thì nàng lo ma chay chu đáo nên ta cũng cảm thấy yên lòng phần nào. Nhưng bỗng có một sự việc xảy ra làm ta sụp đổ hoàn toàn. Ta bế bé Đản đi thăm mộ bà nhưng đứa trẻ lại không chịu rồi quấy khóc và không nhận ta là cha. Con ta bảo trước đây thường có người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, me Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả. Lời nói của bé Đản như sét đánh ngang tai ta. Ta như chết đứng khi nghe tin ấy. Con trẻ thì không thể nói sai bao giờ! Tại sao người đàn ông kia chỉ hằng đêm mới tới? Tại sao hắn chỉ theo vợ ta mà không quan tấm đến con trai ta? Sau chuyện buồn mẹ mất, chuyện này chẳng khác gì thêm dầu vào lửa. Ta nổi giận đùng đùng, không còn đủ thời gian để xem xét, nghĩ ngợi gì nữa. Ta đã chờ mong biết bao nhiêu để được về bên nàng. Ta nhớ thương nàng biết chừng nào trong suốt cuộc chiến tranh dai dẳng. Ta ấp ủ-mong ước được xây dựng hạnh phúc cùng nàng. Vậy mà, sự thật là nàng tặng ta, bù đắp cho ta bằng thói trăng hoa mất nết thế này đây. Đất dưới chân ta như đang chuyển động. Ta lập tức trở về tìm Vũ Nương để hỏi cho ra nhẽ. Nàng phân trần với ta về tình nghĩa vợ chồng, về lòng chung thuỷ của nàng, về tình nghĩa vợ chồng. Nàng đã cầu xin ta nghĩ lại để hạnh phúc gia đình khỏi tan vỡ. Nhưng trong đầu ta lúc bấy giờ, hai chữ “chung thuỷ” của nàng thật vô nghĩa. Chính nàng là người đã phá tan đi hạnh phúc gia đình vậy mà nàng vẫn nói nàng chung thuỷ ư? Trái tim ta khi ấy đã hoá đá mất rồi. Bây giờ nghĩ lại, ta thấy nàng thật đáng thương! Ta đã quá nhẫn tâm khi đánh đập nàng, không nghe nàng nói. Khi ấy, trong tâm ta, ta cảm thấy bàng hoàng, thất vọng đinh ninh là vợ hư nên mới như vậy. Vì quá uất ức, nàng đã chạy ra sông kêu lên YỚi trời đất, với các vị thần linh. Cảm xúc ấy trong ta thật hỗn độn: nửa muốn chạy theo nàng, nửa lại không. Không bởi vì “cái tôi” của ta quá lớn, hơn nữa, nàng lại là người có lỗi chứ không phải ta. Nhưng nửa ta muốn đuổi theo bởi nàng là người ta yêu thương nhất, người ta luôn tin tưởng nên ta không muốn đánh mất nàng. Cuối cùng, “cái tôi”, sự ích kỉ đã chiến thắng. Cái chết của nàng đã làm tim ta trống rỗng. Ta chợt cảm thấy cô đơn, sầu thảm và lạnh lẽo trong tâm hồn. Cho tới đêm hôm ấy, ta như cảm giác trời long đất lở, như rơi xuống vực sâu thẳm nhất của đời người. Khi bé Đản nói rằng cha Đản lại đến và nó chỉ bóng ta trên vách, bấy giờ, ta mới vỡ lẽ ra tất cả. Ta gục xuống, người run lên bần bật! Chính tay ta đã giết chết người phụ nữ mà ta hằng yêu thương, mong nhớ. Ta cảm thấy ăn năn, hối hận vô cùng. Giá mà ta đừng như thế. Giá mà ta bình tĩnh chứ không bồng bột thì ta có thể cứu được hạnh phúc gia đình. Ta thật đáng chết! Ta thật đáng chết!”.

Ta bừng tỉnh sau những dòng suy nghĩ về quá khứ. Tới giờ, ta vẫn chưa thể nguôi ngoai được nỗi căm ghét bản thân mình. Ta có lỗi với nàng, có lỗi với con bởi vậy đến bây giờ, ta cố gắng làm tất cả để đền bù cho bé Đản dù ta biết khi bé Đản hiểu hết sự việc thì vết thương trong lòng nó sẽ là quá lớn không thể bù đắp được. Nhưng ta đã an ủi lòng mình để sống tiếp và sẽ để bé Đản lớn lên được hạnh phúc như cả ta và nàng hằng mong ước…

Trần Hà Trang

(Trường THCS Trưng Vương)

Xem thêm Thuyết minh về danh thắng Hương Sơn. Văn 9

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận