Đề Thi Ngữ Văn 9 Hay Mới Nhất (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 6

Đang tải...

Chúng tôi cung cấp bộ đề thi Ngữ Văn 9 mới nhất gồm 2 phần là đọc hiểu và làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) cùng gợi ý đáp án chi tiết cho mỗi phần, nhằm giúp các bạn có thể củng cố và rèn luyện kiến thức và kỹ năng Ngữ Văn của mình. Theo dõi đề 6 trong bộ đề thi Ngữ Văn 9 dưới đây.

ĐỀ THI NGỮ VĂN 9

ĐỀ BÀI

PHẦN I. ĐỌC HIỂU 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

[…] Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia

dưới lá là hầm, là tăng, là võng

là cơn sốt rét rừng vàng bủng

là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…

Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn

ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ

đêm trăn trở đố nhau:

bao giờ về thành phố?

con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về!

 

[…] Qua hai mùa thay lá những hàng me

cái tết hoà bình thứ ba đã tới

chao ôi nhớ tết rừng không hương khói

đốt nhang lên

chợt hiện tiếng tắc kè

Tôi giật mình

nghe

có ai nói ở cành me:

sắp về!…

(Nghe tắc kè kêu trong thành phố – Nguyễn Duy)

Câu 1: Qua hồi tưởng của nhân vật trữ tình, em hiểu gì về những người chiến sĩ Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ?

Câu 2: Ở khổ 1 của đoạn thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 3: Đoạn thơ gợi cho em nhớ tới bài thơ nào đã được học trong chương trình Ngữ văn 9? Từ nội dung đoạn thơ, hãy chỉ ra điểm tương đồng về hoàn cảnh sáng tác và tư tưởng chủ đề của hai tác phẩm đó.

Câu 4: Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nhận sâu sắc của em khi đọc đoạn thơ trên.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1:

Viết đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

CHIM CHÀNG LÀNG

         Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim.

         Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi. Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá.

         Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.

Câu 2: 

Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích Truyện Kiều đã học, đã đọc trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

Câu

Nội dung

1

Hình ảnh những người chiến sĩ Trường Sơn thời kì kháng chiến chống Mĩ thể hiện trong đoạn thơ:

– Họ có cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt với nhiều nguy hiểm, mất mát, hi sinh …

– Họ sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

– Họ luôn mang trong mình lòng yêu nước và khát vọng giải phóng quê hương

2

– Sử dụng biện pháp liệt kê

– Tác dụng: nhấn mạnh những gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt với nhiều nguy hiểm, mất mát, hi sinh … của người lính Trường Sơn

3

– Đoạn thơ gợi nhớ đến bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

– Điểm tương đồng:

+ Hoàn cảnh sáng tác: Cùng sáng tác khi đất nước thống nhất được 3 năm.

+ Tư tưởng chủ đề: Là lời tri ân, đồng vọng thiêng liêng, gợi nhắc đạo lí uống nước nhớ nguồn, lối sống ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ, cùng lịch sử, cùng đồng đội, nhân dân …

4

Hình thức: Đoạn văn

Nội dung cảm nhận sâu sắc về đoạn thơ:

+ Nghệ thuật: Bút pháp đồng hiện, quá khứ, hiện tại đan xen; phép liệt kê, hình ảnh thơ giàu giá trị biểu tượng …

+ Nội dung: Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được thể hiện qua niềm hoài niệm thiết tha của người lính đã một thời xông pha trận mạc nhớ về đồng đội, tri ân những người đã khuất …, đó chính là biểu hiện của lối sống nghĩa tình, thủy chung, trọn vẹn …

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu

Yêu cầu cần đạt

1

a. Tóm tắt truyện, nêu vấn đề cần nghị luận, giải thích:

– Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng (còn có tên khác là chim Bách Thanh), loài chim này có khả năng tuyệt vời là bắt chước giọng của những loài chim khác. Bản thân chú chim này rất tự hào về khả năng của mình và khi có mặt đông đủ bạn bè, họ hàng nhà chim, chú lại trình diễn năng khiếu ấy cho mọi người thưởng thức. Tuy nhiên khi được đề nghị hót bằng giọng của mình thì chú xấu hổ bay đi mất vì xưa nay chú chỉ bắt chước, nhại theo chứ đâu có luyện cho mình một giọng hót riêng.

– Ý nghĩa câu chuyện: phê phán thói bắt chước, nhại lại mà không chịu suy nghĩ, không chịu sáng tạo để làm nên phong cách riêng ở một số người.

=> Vấn đề bàn luận: Trong cuộc sống không nên bắt chước hay dập khuôn máy móc mà cần phải có sự sáng tạo.

– Bắt chước là một thói quen được hình thành từ thuở ấu thơ, nó giúp con người học hỏi được mọi thứ từ thế giới xung quanh để thích nghi với cuộc sống. Bắt chước là giai đoạn đầu tiên của tư duy mà bất cứ ai cũng phải trải qua bởi khó có thể phát minh, sáng tạo ra cái mới nếu không dựa vào những ý tưởng cũ.

b. Phân tích, chứng minh làm rõ vấn đề nghị luận:

– Thành công của ngày hôm nay không thể giống với ngày hôm qua, ngày mai không thể giống với ngày hôm nay vì thế con người không thể dập khuôn, bắt chước những cái đã có. Việc bắt chước một cách máy móc sẽ làm ra mất đi phong cách riêng của mình, thui chột khả năng sáng tạo, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai (dẫn chứng).

– Sáng tạo trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sáng tạo giúp con người hoàn thiện cái đã có rồi và còn khám phá, phát triển ra cái mới. Sáng tạo sẽ giúp tư duy luôn vận động, linh hoạt, năng động mà không phụ thuộc, dựa dẫm hay ỉ lại vào những cái đã có (dẫn chứng).

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

– Trong cuộc sống không tự biến mình thành những con chim Chàng Làng.

– Phê phán thói bắt chước thần tượng một cách mù quáng, máy móc của các bạn trẻ ngày nay.

– Không ngừng học hỏi, không ngừng tư duy, sáng tạo để khẳng định mình và đi đến thành công.

– Khẳng định vấn đề.

2

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

II. Thân bài:

a. Giải thích:

– Tinh thần nhân đạo?

– Khẳng định tinh thần nhân đạo được hai tác giả thể hiện trong Chuyện người con gái Nam Xương và một số đoạn trích Truyện Kiều

b. Phân tích, chứng minh:

b.1. Các tác giả đã ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam (qua nhân vật Vũ Nương, Thúy Kiều):

– Nhan sắc, tư duy tốt đẹp.

– Hiếu thảo, thủy chung, giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh.

– Trọng danh dự, khao khát tình yêu, hạnh phúc.

– Vị tha, bao dung, nặng tình với cuộc đời …

b.2. Các tác giả đã thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận bi thảm của người phụ nữ dưới chế độ xã hội đương thời.

– Hóa thân vào nỗi đau oan khuất, bị chà đạp về nhân phẩm, danh dự của Vũ Nương và nỗi đau vì bị lừa gạt, bị đánh đập của Thúy Kiều để cùng thổn thức xót xa với nỗi niềm của nhân vật:

+ Mô tả một cách cảm động nỗi niềm của Vũ Nương khi xa chồng, phải gánh vác vất vả, lo toan; để cho nhân vật được bộc bạch tâm tình (3 lời thoại); găm vào lòng người đọc nỗi chua xót về số phận mỏng manh và bi thảm của người phụ nữ trong xã hội đầy rẫy bất công oan trái (qua việc xây dựng chi tiết chiếc bóng quyết định số phận Vũ Nương).

+ Cực tả nỗi cô đơn, buồn tủi; nỗi nhớ da diết, quặn đau; nỗi tuyệt vọng, khiếp sợ của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

– Bày tỏ tình cảm thương yêu, mến trọng dành cho nhân vật, muốn nhân vật được sống trong yêu thương và sự chở che, tôn trọng (xây dựng màn truyền kỳ cuối truyện Chuyện người con gái Nam Xương và phần Đoàn tụ trong Truyện Kiều.

b.3. Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã không đảm bảo quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người; lên tiếng bảo vệ phẩm giá và danh dự của người phụ nữ.

– Xã hội phong kiến, chiến tranh phi nghĩa đã tước đoạt cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ (Vũ Nương); tư tưởng nam quyền (hiện thân là Trọng Sinh độc đoán, vũ phu) đã đẩy người phụ nữ đến cái chết oan uổng, bi thảm.

– Xã hội đồng tiền đã đẩy người phụ nữ có đủ tâm, tài, tình vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, bị sóng gió cuộc đời quăng quật, vùi dập …

c. Đánh giá chung.

– Tinh thần nhân đạo được các tác giả thể hiện theo cách riêng (theo thể loại, nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống …) khác nhau song đều thấm đẫm tình yêu thương. (HS cần chỉ rõ một số nét riêng trong cách thể hiện chủ đề của mỗi tác phẩm)

– Tinh thần nhân đạo trong hai tác phẩm đã cho hòa vào dòng chảy chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, góp tiếng nói bảo vệ, nâng niu con người đầy giá trị …

3. Kết bài:

– Cảm nghĩ về giá trị của tinh thần nhân đạo trong các tác phẩm trên (tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm …)

>> Xem thêm: Đề Thi Ngữ Văn 9 Hay Mới Nhất (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 5

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận