Hệ thống kiến thức chuyên đề Văn nghị luận – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

VĂN NGHỊ LUẬN

 I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỂ

          1. Khái niệm văn nghị luận

          Nghị luận là một hình thức hoạt động ngôn ngữ phổ biến trong đời sống và giao tiếp của con người để nêu ý kiến, đánh giá, nhận xét, bàn luận về các sự việc, hiện tượng, vấn đề xã hội, tác phẩm nghệ thuật hay về ý kiến của người khác.

          Văn nghị luận dùng phương thức lập luận (bằng lí lẽ và dẫn chứng) để trình bày ý kiến, tư tưởng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về mặt nhận thức. Văn nghị luận cũng có hình ảnh, cảm xúc nhưng điều cốt yếu là lập luận với hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ, xác đáng.

          Văn nghị luận có nhiều phương pháp lập luận, trong đó cơ bản là hai phương pháp chứng minh và giải thích. Trong văn nghị luận cũng thường có sử dụng phương thức biểu cảm, có khi cả miêu tả, kể chuyện.

          Văn nghị luận chú trọng đến bố cục chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, toàn diện, sắp xếp hợp lí, hình ảnh so sánh đặc sắc, kết hợp chứng minh với giải thích, bình luận, lời văn giản dị mà giàu cảm xúc.

          2. Về nội dung

          Đoạn trích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã đề cập đến truyền thống yếu nước quý báu của dân tộc. Tác giả nhấn mạnh biểu hiện của lòng yêu nước ở nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt mạnh mẽ là tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Tác giả đã lí giải tại sao trong lĩnh vực này, lòng yêu nước của nhân dân ta lại mạnh mẽ như vậy. Qua đó, chúng ta thấy được niềm tự hào về lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta.

          Văn bản Sự giàu đẹp của tiếng Việt là đoạn trích ở phần đầu bài viết Tiếng Việt – một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc của tác giả Đặng Thai Mai. Bài viết chia thành 2 phần :

          Phần thứ nhất nhận định chung về phẩm chất giàu đẹp của tiếng Việt và chứng minh cái đẹp và sự giàu có của tiếng Việt. Tác giả đã kết hợp chứng cứ khoa học và đời sống làm cho lí lẽ trở nên sâu sắc. Tuy nhiên, bài viết còn thiếu chứng cứ trong văn học nên lập luận còn khô cứng, chưa hay.

          Phần thứ hai, tác giả chứng minh cái hay, sự giàu có của tiếng Việt qua việc thoả mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa người với người. Đó là sự thoả mãn nhu cầu của đời sống ngày một phức tạp, tiếng Việt ngày càng dồi dào về cấu tạo từ ngữ, về hình thức diễn đạt.

          Luận điểm chung của bài Đức tính giản dị của Bác Hồ là sự nhất quán về lối sống giản dị của Bác trong cuộc đời hoạt động chính trị và cuộc sống đời thường của Bác. Đời sống giản dị hằng ngày của Bác trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp. Những biểu hiện về đức tính giản dị của Bác Hồ rất phong phú, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu : giản dị trong phong cách sinh hoạt, giản dị trong quan hệ với mọi người, giản dị trong sinh hoạt…

          Bài viết Ý nghĩa văn chương đã thể hiện quan niệm của nhà phê bình Hoài Thanh về nguồn gốc, nhiệm vụ cốt yếu, công dụng của văn chương trong lịch sử loài người. Qua cách mở đầu câu chuyện, tác giả muốn cắt nghĩa văn chương có nguồn gốc trong đời sống khi con người biết cảm nhận cái đẹp : văn chương xuất hiện khi con người có cảm xúc mãnh liệt trước một hiện tượng đời sống ; văn chương là niềm xót thương của con người trước những điều đáng thương ; xúc cảm yêu thương mãnh liệt trước cái đẹp là nguồn gốc của văn chương… Tác giả giải thích nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là lòng nhân ái, yêu thương muôn vật. Để làm sáng tỏ nguồn gốc nhân ái đó, tác giả có nhận định và dẫn chứng về văn học trong những câu ca dao về tình cảm gia đình bè bạn, tình yêu quê hương đất nước, câu hát than thân…

          Như vậy, văn chương sẽ là sự sống và khơi dậy những trạng thái xúc cảm cao thượng của con người, rèn luyện, mở rộng thế giới tình cảm của con người. Đó là quan điểm đúng đắn, toàn diện, đúng với bản chất và chức năng của văn chương : Văn chương phản ánh đời sống, sáng tạo đời sống (sự sáng tạo đó bắt đầu từ cảm xúc) và từ đó làm giàu tình cảm con người, làm giàu nhiệt tình, cảm xúc, có sức lôi cuốn người đọc, làm đẹp và hay những thứ bình thường. Và sứ mệnh của các thi nhân, văn nhân là làm giàu sang cho lịch sử nhân loại. Văn chương làm giàu tình cảm của con người, làm đẹp thêm cuộc sống.

          3. Về nghệ thuật

          Tác giả Đặng Thai Mai đã thể hiện rõ phong cách nghị luận qua cách lập luận, với các lí lẽ và các chứng cứ khoa học để thuyết phục người đọc ở sự chính xác trong luận điểm về cái hay và sự giàu có của tiếng Việt. Bài viết không chỉ giúp người đọc có kiến thức sâu sắc hơn về ngôn ngữ, tiếng Việt mà quan trọng hơn còn khơi gợi niềm tự hào và trách nhiệm về việc gìn giữ sự giàu có của tiếng Việt.

          Đặc sắc nghệ thuật của bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là cách sắp xếp bố cục chặt chẽ, lập luận mạch lạc. Dẫn chứng phong phú, lí lẽ được diễn đạt dưới dạng hình ảnh so sánh sinh động để đưa đến chân lí giản dị : Lòng yêu nước là giá trị tinh thần cao quý, dân ta ai cũng có lòng yêu nước và cần phải thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể.

          Đoạn trích Đức tính giản dị của Bác Hồ đã kết hợp chứng minh với giải thích, bình luận, chọn dẫn chứng tiêu biểu, gần gũi. Tác giả có sự gần gũi, am hiểu về lối sống, con người Bác nên đã có những dẫn chứng hết sức giản dị nhưng thuyết phục và tác động đến tình cảm, cảm xúc người đọc, người nghe. Tác giả cũng đề cao sức mạnh của lối nói giản dị mà sâu sắc của Bác. Đó là sức mạnh khơi dậy lòng yêu nước, ý chí cách mạng trong quần chúng nhân dân.

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận