Hệ thống kiến thức chuyên đề Văn bản nhật dụng – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

VĂN BẢN NHẬT DỤNG

 I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Về văn bản nhật dụng

          Chúng ta đã làm quen với khái niệm văn bản nhật dụng ở lớp 6. Mội văn bản nhật dụng đều có tính ứng dụng trong đời sống, là một phần của đời sống xã hội, lịch sử. Văn bản nhật dụng không xây dựng hình tượng cảm tính mà phần lớn là các văn bản thuộc phong cách báo chí, mang tính tư liệu, cung cấp những tri thức mang tính thời sự và ích dụng trong thực tế.

          2. Về nội dung

          Ca Huế trên sông Hương là một dạng văn bản nhật dụng, thuộc thể loại bút kí. Tác giả đã giới thiệu ca Huế với sự phong phú về nội dung, giàu có về làn điệu, tinh tế trong biểu diễn và thưởng thức ; là một nét đẹp của văn hoá cố đô Huế cần được giữ gìn và phát triển. Bài viết vừa giới thiệu khái quát về ca Huế vừa nêu đặc trưng và cách thưởng thức ca Huế. Từ đó nhà văn gửi gắm ý nghĩa : Ca Huế làm giàu tâm hồn con người, ca Huế mãi mãi quyến rũ bởi vẻ đẹp bí ẩn của nó.

          Bài Cổng trường mở ra có phong cách của tản văn, nhẹ nhàng, tinh tế. Bài văn có 4 đoạn thể hiện diễn biến tâm trạng và cảm nghĩ của người mẹ trước ngày con khai trường : Tâm trạng của người mẹ trong đêm trước ngày khai trường ; Tâm trạng của người mẹ khi nhớ lại ngày đầu tiên mẹ đi học ; Cảm nghĩ của người mẹ về ngày khai trường của nước Nhật ; Cảm nghĩ của mẹ về nhà trường. Bài văn đã thể hiện tâm trạng của người mẹ thao thức, không ngủ, suy nghĩ bâng khuâng, xao xuyến và đầy lo lắng, trong khi đứa con thanh thản, nhẹ nhàng, vô tư.

          Mẹ tôi lại là câu chuyện cảm động khác liên quan đến hình ảnh người mẹ của nhà văn Ét-môn-đô đơ A-mi-xi. Câu chuyện thông qua hình thức độc đáo là bức thư của người cha để bày tỏ thái độ của ông trước lời nói vô lễ của En-ri-cô đối với mẹ.

          Bài văn có hai phần : suy nghĩ của bố về lợi nói của con và lời khuyên của bố đối với con. Người cha đã không hề trách móc, không mắng mỏ mà chỉ là những lời tâm sự. Đó là cách giáo dục hết sức nhẹ nhàng mà sâu sắc. Hình thức bức thư tạo ra cách trò chuyện gián tiếp, tránh cho đứa con sự xấu hổ hay những phản ứng tiêu cực. Người cha đã để cho con tự suy ngẫm và nhận thức được lỗi lầm của mình. Tình cảm sâu sắc thường kín đáo, tế nhị nhiều khi không nói trực tiếp được. Hơn nữa viết thư tức là chỉ nói riêng cho người mắc lỗi biết, vừa giữ được sự kín đáo, tế nhị, vừa không làm cho người mắc lỗi mất lòng tự trọng. Đây cũng là một cách ứng xử trong gia đình, ở trường và xã hội.

          3. Về nghệ thuật

          Về nghệ thuật, văn bản nhật dụng ít sử dụng các hình thức tu từ mà chủ yếu sử dụng các lí lẽ, lập luận, cấu trúc chặt chẽ, kết hợp với dẫn chứng cần thiết để mang lại tri thức cho độc giả.

 

 

 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận