Hệ thống kiến thức chuyên đề Tùy bút – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TÙY BÚT

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Khái niệm tuỳ bút

          Tuỳ bút là một loại hình kí, rất gần với bút kí, kí sự. Kí sự ở Việt Nam đã xuất hiện từ thời trung đại (Vũ trung tuỳ bút, Thượng kinh kí sự…)

          Thể tuỳ bút khá tự do, không bị ràng buộc bởi cấu trúc hay nội dung mà tác giả có thể tự chọn những đối tượng miêu tả, ghi chép khác nhau, các sự kiện trong đời sống hiện tại. Đối tượng của tuỳ bút là những sự vật, hiện tượng, vấn đề của hiện tại nhưng người viết hoàn toàn có thể có những đánh giá, bàn luận, nghiên cứu theo cái nhìn lịch sử để bài tuỳ bút thêm sâu sắc. Chẳng hạn như tuỳ bút Sông Đà của Nguyễn Tuân đã chứa đựng nhiều tư liệu khảp sát điều tra, rút ra từ sử sách cũng như thực tế cảm nhận của nhà văn.

          Nhưng tuỳ bút không chỉ là sự ghi chép đơn thuần, mang tính điều tra hay thông báo mà loại văn này còn chứa đựng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu thể hiện cảm xúc, suy tư của người viết. Đặc biệt, tuỳ bút đòi hỏi cảm hứng mạnh mẽ của tác giả với đối tượng lựa chọn.

          2. Về nội dung

          Tuỳ bút thể hiện nội dung rất phong phú, tự do, không bị khuôn thước vào một mảng đề tài nào. Những cảnh đẹp quê hương, đất nước, những địa danh du lịch, con người, văn hoá, lịch sử đều trở thành đối tượng miêu tả của tuỳ bút, gợi cảm hứng với người viết.

          Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thậm chí những cảnh tượng đời thường chung quanh chúng ta cũng là nguồn đề tài hấp dẫn cho thể tuỳ bút (Thạch Lam viết Hà Nội băm sáu phố phường, Nguyễn Tuân viết Sông Đà)… Thiên nhiên vừa như đối tượng miêu tả, cảm nhận, vừa như người bạn tâm tình, tri giao. Đặc biệt, mỗi địa danh đều gợi ra lịch sử, gợi ra những số phận con người đời thường cũng như những bậc anh hùng hào kiệt của dân tộc.

          Gắn liền với các địa danh là sản vật văn hoá và con người : cốm làng Vòng, người Hà Nội, người Sài Gòn… Những giá trị văn hoá truyền thống được cô đọng, chắt lọc qua các sản vật và con người đó, là niềm tự hào của mỗi địa phương.

          Trong bài Một thứ quà của lúa non – Cốm, hình ảnh “Cô hàng bán cốm xinh xinh áo quần gọn ghẽ với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng” rất đẹp, tạo nên sự liên hệ mậí thiết giữa sản vật và con người : cốm gắn liền với vẻ đẹp của người làm cốm. Cái cách cốm đến với mọi người thật duyên dáng, lịch thiệp, vẻ đẹp của người tôn lên vẻ đẹp của cốm.

          Bài tuỳ bút đã cho thấy cốm là đặc sản của dân tộc vì nó kết tinh hương vị thanh khiết của đồng quê. Cốm là quà quê, thức quà thiêng liêng. Qua đó cho thấy tấm lòng của tác giả đau đáu trân trọng, giữ gìn giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Mỗi sản vật là một truyền thống văn hoá, một thành tựu sáng tạo lao động và sự trân trọng những công sức lao động, thành quả của nghề nông.

          Trong bài Sài Gòn tôi yêu, tác giả đã thể hiện chân thành tình yêu của mình qua ngôn từ. Câu văn, đoạn văn nào cũng bắt đầu bằng cụm từ “tôi yêu” để miêu tả con người, cảnh vật Sài Gòn.

          Còn trong bài Mùa xuân của tôi, tác giả Vũ Bằng đã thể hiện năng lực quan sát tinh tế, sự cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên đất nước và tình cảm con người gửi gắm trong đó. Tác giả khẳng định tình cảm mê luyến mùa xuân là tình cảm sẵn có và là quy luật tất yếu của tình cảm con người. Tình cảm nâng niu, trân trọng, thương nhớ, thuỷ chung với mùa xuân qua những hình ảnh : mưa riêu riêu, gió lành lạnh, đêm xanh, cái rét ngọt ngào. Tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, tiếng trống chèo, câu hát huê tình, đó là mùa xuân riêng trong hồi ức của người xa xứ. Cảnh vật thiên nhiên, không khí mùa xuân được gợi nhớ lại từ những chi tiết, hình ảnh lắng đọng nhất, ám ảnh nhất. Tác giả cảm nhận được sức mạnh kì diệu, thiêng liêng của mùa xuân đất Bắc và tình yêu vô bờ bến dành cho mùa xuân Hà Nội.

          Nhà văn đã thể hiện tình cảm một cách tự nhiên, bộc trực, chân thành. Cách viết đó tạo cho giọng văn duyên dáng mà không kém phần mạnh mẽ như muốn 

tranh luận với ai đó để khẳng định cái quy luật tự nhiên tất yếu của con người : yêu mến mùa xuân – mùa tình yêu, hạnh phúc.

          3. Về nghệ thuật

          Tuỳ bút không cần có cốt truyện mà chỉ có những cảnh, những sự kiện được tác giả sắp xếp theo một trình tự nào đó.

          Trong tuỳ bút, nhà văn sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt: các biện pháp nhân hoá, ẩn dụ, so sánh. Dòng cảm xúc miên man và một lối văn giàu ấn tượng, có sức gợi cảm cao đã tạo nên áng văn mượt mà của Thạch Lam, Nguyễn Tuân…. Bài tuỳ bút của Thạch Lam diễn tả bằng một lời văn giàu chất thơ, nhẹ nhàng, êm ái, mà sâu sắc một vẻ đẹp văn hoá dân tộc. Tác giả cho thấy mình là một người có tấm lòng, một trái tim người Hà Nội luôn luôn tha thiết và gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông.

          Trong thể tuỳ bút, các tác giả thể hiện một cách thẳng thắn, bộc trực tình cảm của mình, không chỉ qua cách miêu tả mà còn trực tiếp qua ngôn ngữ : “Tôi yêu Sài Gòn da diết…”, “Vậy đó mà tôi yêu Sài Gòn”… Tác giả nhấn mạnh nhiều lần cụm từ “tôi yêu” nhằm khắc hoạ sâu sắc cái đáng yêu, đáng quý của Sài Gòn và mong muốn thiết tha đóng góp sức mình cho thành phố và mong mọi người hãy đến và yêu Sài Gòn.

          Thể tuỳ bút cũng có thể huy động các kiến thức địa lí – văn hoá – lịch sử… tạo nên bức tranh tổng hợp về đối tượng miêu tả. Do đó, tuỳ bút không chỉ là ghi chép mà còn là khảo cứu, thể hiện năng lực nhiều mặt của nhà văn.

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận