Hệ thống kiến thức chuyên đề Tục ngữ – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TỤC NGỮ

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Khái niệm tục ngữ

          1.1. Phân biệt tục ngữ với thành ngữ, ca dao

          Thành ngữ là những đơn vị có sẵn mang chức năng định danh, dùng để gọi tên sự vật để chỉ tính chất, hành động, về mặt này, thành ngữ là những đơn vị tương đương với từ. Thành ngữ nhiều khi chỉ là những hình ảnh chứ chưa phải là những câu trọn vẹn, những phán đoán mang đầy đủ thông tin (hai sương một nắng, năm nắng mười mưa…). Cho nên, trong khi sử dụng, người nói phải thêm vào những thành phần khác, kết hợp với thành ngữ thì mới tạo thành câu có nghĩa.

          Còn xét về mặt ngôn ngữ học thì tục ngữ là những đơn vị thông báo, là những câu đơn (hoặc câu ghép), là một hay nhiều phán đoán. (Phần lớn những câu tục ngữ là những cầu tường thuật, miêu tả). Nhiều khi chỉ với 4 tiếng, nhưng tục ngữ đã thông báo những nội dung trọn vẹn : Tấc đất, tấc vàng ; Người chửa cửa mả ; Người ta hoa đất…

          Trong bản thân một số câu tục ngữ đôi khi cũng có sử dụng thành ngữ như một thành phần cấu tạo (một đơn vị từ, cụm từ) : “Cơm hàng cháo chợ, ai lỡ thì ăn” (Cơm hàng cháo chợ là thành ngữ). Để phân biệt thành ngữ và tục ngữ thì người Nga có câu : “Thành ngữ là hoa còn tục ngữ là quả”, ý nói tục ngữ đã là một câu trọn vẹn còn thành ngữ là một cái gì đó chưa hoàn chỉnh.

          Tục ngữ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ mà còn là một hiện tượng ý thức xã hội, là một thể loại đặc biệt của văn học dân gian. Sự khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ là sự khác nhau giữa một hiện tượng ngôn ngữ với một hiện tượng ý thức xã hội. Do đó, thành ngữ chủ yếu là đối tượng của ngành ngôn ngữ học trong khi đó, tục ngữ về cơ bản được nghiên cứu dưới góc độ một thể loại văn học dân gian, để thông qua đó tìm hiểu thế giới quan và nhân sinh quan của nhân dân lao động trong một thời kì nhất định (dĩ nhiên ngôn ngữ cũng nghiên cứu những mặt nhất định của đối tượng này).

          Về mặt hình thức, có một số câu tục ngữ của người Việt có hình thức lục bát. Những câu này nhiều khi được gọi là ca dao. Do tục ngữ đôi khi cần đến sự mềm dẻo, uyển chuyển để chuyển tải những bài học kinh nghiệm nên đã dùng hình thức lục bát (vốn là đặc trưng hình thức nổi bật của ca dao), đồng thời ca dao cụng có những lời hàm súc, cô động, giàu bài học triết lí như tục ngữ (do tính chất kiệm lòi, cô đọng của ca dao) :

                             + Tranh quyền cướp nước gì đây

                             Coi nhau như bát nước đầy thì hơn.

                             + Anh em như thể chân tay

                             Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

          Những trường hợp như vậy có thể dẫn ra rất nhiều và chúng đều nằm trên ranh giới giao thoa giữa hai thể loại và nhiều khi sự phân biệt chỉ dựa trên tiêu chí nội dung phản ánh của chúng mà thôi. Thông thường, người ta cho rằng những câu thiên về lí trí, cung cấp những triết lí dân gian là tục ngữ, còn những câu thiên về tình cảm, bộc lộ cảm xúc, có nội dung trữ tình là ca dao. Ngoài ra, ca dao thường dùng để ca hát, ngâm ngợi, tục ngữ thường xuất hiện trong lời ăn tiếng nói. về diễn xướng như vậy là chúng cũng khác nhau.

          Từ những sự phân biệt như trên, có thể định nghĩa về thể loại tục ngữ như sau : Tục ngữ (tục : thói quen lâu đời, được mọi người công nhận ; ngữ : lời nói) là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh và thường mang nhiều nghĩa, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, xã hội) được nhân dân áp dụng vào đời sống, tư duy và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

          1.2. Nghĩa của tục ngữ

          Tục ngữ được ví như túi khôn dân gian, kho báu của trí tuệ nhân dân. Tục ngữ hình thành, phát triển từ thực tiễn dời sống, kinh nghiệm của nhân dân. Tục ngữ tồn tại như là lời nói, gắn với ngôn ngữ đời sống. 

          Chức năng quan trọng của tục ngữ là diễn đạt, truyền bá kinh nghiệm đời sống một cách đa dạng và khá toàn diện. Đề tài của tục ngữ rất rộng. Nhân dân tạo ra tục ngữ là để vận dụng. Trong đời sống và tư duy, tục ngữ thể hiện và hướng dẫn cách nhìn nhận, đánh giá về các hiện tượng. Trong ngôn ngữ, tục ngữ làm đẹp, làm sâu sắc thêm lời nói.

          Một điểm đáng chú ý là những kinh nghiệm phản ánh trong tục ngữ phần lớn có được nhờ những quan sát, trải nghiệm nhưng cũng có nhiều trường hợp là nhờ sự suy ngẫm, tư duy bên trong của con người.

          Đặc trưng về nội dung phán ánh của tục ngữ có 2 điểm đáng lưu ý :

          – Tục ngữ mang tính nhiều nghĩa.

          – Có nhiều câu tục ngữ mang nghĩa trái ngược nhau.

          Nhiều người cho rằng : Tục ngữ có hai nghĩa : nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa cụ thể và nghĩa khái quát. Nghĩa khái quát được hiểu qua những hình ảnh cụ thể, từ những quan sát trong thực tế. Tính khái quát khiến cho tục ngữ nhiều khi được cho là chân lí, là kinh nghiệm, phương châm xử thế đúng đắn. Nhưng chúng ta cũng phải hết sức lưu ý, nghĩa của tục ngữ mang tính chất tiềm ẩn và đó là nghĩa trong hoàn cảnh sử dụng. Bởi vì, tục ngữ là những phát ngôn, được vận dụng linh hoạt trong cuộc sống, nên sẽ mang nghĩa cụ thể, sinh động của văn cảnh.

          2. Về nội dung

          2.1. Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

          Tục ngữ là thể loại mang tính tập thể rõ nét, được vận dụng một cách rộng rãi trong nhân dân, ai cũng có thể sáng tạo, sử dụng tục ngữ. Tục ngữ cũng có tính bền vững và ổn định của tác phẩm. Mặc dù, trong những thời đại khác nhau, mỗi câu tục ngữ có thể có những ý nghĩa mới, phái sinh cho phù hợp với hoàn cảnh, tâm lí của thời đại nhưng về cơ bản, hình thức của tục ngữ vẫn được giữ nguyên.       Trong quá trình lưu truyền, tục ngữ có tính ổn định là nhờ một phần ở tính đúng đắn nhất định của nội dung, tính hài hoà cân đối, lập luận chặt chẽ của hình thức.

          Truyện cổ tích không qua phân tích nhưng lại qua hư cấu nghệ thuật để phản ánh kinh nghiệm sống. Tục ngữ không cần phân tích, không giải thích, chính vì vậy mà hình thức của nó vô cùng ngắn gọn. Có được điều đó cũng chính vì tục ngữ là kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình lịch sử lâu dài, là kinh nghiệm đã được kiểm chứng qua thực tế lao động của con người. Ví dụ :

Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

          Đây là kinh nghiệm về việc chăm sóc lúa, quá trình phát triển của cây lúa. Nếu dùng những phương trình hoá học để phân tích thì cần đến 8 bước.

          Tục ngữ về lao động sản xuất nảy sinh trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên của nhân dân lao động. Đó là những kinh nghiệm lâu đời có tính chất tập thể rút ra trong quá trình quan sát các hiện tượng thiên nhiên, quá trình sử dụng sức người biến cải thiên nhiên, quá trình xây dựng kĩ thuật sản xuất. Những kinh nghiệm này được đúc kết vào tục ngữ, dần dần được phổ biến rộng rãi và trở thành tri thức về khoa học tự nhiên của nhân dân lao động. Tục ngữ về lao động phản ánh tập quán làm ăn lâu đời của nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp.

          Do nền kinh tế nông, ngư nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết nên nhân dân hết sức chú ý quan sát khí hậu, thời tiết để phục vụ cho đời sống, sản xuất : Bơ bải không bằng phải thì ; Dày sao thì nắng, vắng sao thì mưa ; Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.

          Trong các nghề nghiệp thì tục ngữ về nông nghiệp, làm ruộng là phổ biến hơn cả : Lúa chiêm là lúa bất nghì/ Cấy trước trỗ trước chẳng thì đợi ai ; Cơm quanh rá, mạ quanh bờ; Một lượt tát là một bát cơm.

          Tục ngữ về lao động sản xuất thể hiện tinh thần sáng tạo trong lao động, chứng minh nguồn gốc quần chúng của khoa học. Những tri thức về sản xuất của nhân dân mới còn ở trình độ kinh nghiệm thực tiễn, chưa nâng lên thành những kiến thức có cơ sở lí luận vững vàng. Cho nên, có những kinh nghiệm chỉ đúng với từng vùng miền, trong từng trường hợp… Nhân dân mô tả, trình bày lại những kinh nghiệm của nhân dân : Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen. Nhưng câu tục ngữ đó không còn đúng trong thời đại khoa học kĩ thuật (có sự can thiệp của kĩ thuật, phân bón…) :

          – Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn.

          – Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho.

          Cho nên, có thể nói, tục ngữ là kho tư liệu lịch sử ghi nhận trình độ sản xuất qua các thời kì. Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng nhiều câu tục ngữ có nhiều bài học đúng mà ngày nay khoa học càng phát triển càng chứng minh được sự chính xác của nó : Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Tục ngữ chưa thể tiến lên thành khoa học, nó chỉ đúng trong từng điều kiện cụ thể.

          Như vậy, kinh nghiệm của nhân dân về nghề nông nghiệp hết sức phong phú, đa dạng và mang tính ứng dụng cao. Mỗi câu tục ngữ là một sự trải nghiệm thực tế, được đúc kết không chỉ bằng lí thuyết mà còn bằng cả mồ hôi, công sức của người lao động. Mỗi kiến thức, mỗi kinh nghiệm cho thấy trình độ sản xuất của nhân dân qua các thời kì, và tục ngữ đã hoàn thành xuất sắc vai trò của nó trong đời sống, lịch sử của con người. Đến bây giờ, khi những thành tựu về khoa học phát triển, có khả năng ứng dụng cao trong đời sống thì kho tàng tục ngữ vẫn là túi khôn, là tri thức của người bình dân. Có thể phạm vi ứng dụng của nó không còn phổ biến như trước nhưng nhu cầu tìm hiểu, khám phá về giới tự nhiên cũng như tìm hiểu quá trình, phương pháp tư duy của người xưa thì chúng ta vẫn phải tìm về với tục ngữ và xem đó như những giá trị cao quý của cha ông để lại.

          2.2. Tục ngữ về con người và xã hội

          Tục ngữ về con người và xã hội là một trong hai mảng quan trọng của tục ngữ. Nhân dân lao động muốn tổng kết kinh nghiệm đánh giá về con người và rút ra phương châm xử thế phù hợp. Bộ phận này cho thấy nhân sinh quan, thái độ sống của con người. Nhưng mọi kinh nghiệm đó đều biểu hiện qua những trường hợp cụ thể, nhân dân tìm hiểu những sự kiện rồi tìm ra chân lí ẩn sâu trong đó.

Cho nên mỗi câu tục ngữ chứa đựng 2 phần :

          – Nội dung kinh nghiệm

          – Chất triết lí, quan niệm nhân sinh.

          Trong tục ngữ, vấn đề quan trọng và có ý nghĩa to lớn là quan niệm về con người, tục ngữ có câu :

Hơn nhau tấm áo manh quần

Thả ra bóc trần ai cũng như ai

          Đó là cách triết lí về giá trị bản thể của con người, vượt qua địa vị, giai cấp, tiền bạc. Triết lí dân gian đúng đắn đó cũng là cơ sở cho những vấn đề về luân lí, đạo đức, về sự bình đẳng của con người và làm tiền đề cho những cuộc đấu tranh giai cấp.

          Tục ngữ Việt Nam phản ánh truyền thống tư tưởng và đạo đức của nhân dân lao động. Những phần tinh tuý nhất trong thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức của nhân dân đã được lưu giữ trong kho tàng tục ngữ. Nhiều câu thể hiện được tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, sự quý trọng đối với bản thân con người, giá trị “người” (cả ý nghĩa sinh học cũng như xã hội) mà nhiều khi trong xã hội phong kiến những giá trị đó bị coi thường : Người ta là hoa đất; Một mặt người hơn mười mặt của ; Người sống đống vàng… Con người đáng quý ở chỗ họ đã sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần : Người làm ra của chứ của không làm ra người…

          Tục ngữ phản ánh những đức tính cao đẹp của nhân dân lao động : cần cù, kiên trì, tinh thần lạc quan, cầu thị… : Đi một ngày đàng, học một sàng khôn ; Có công mài sắt có ngày nên kim ; Có thực mới vực được đạo ; Đói cho sạch, rách cho thơm ; Giấy rách phải giữ lấy lề…

          Tục ngữ về các hiện tượng xã hội lịch sử cho chúng ta thấy những nét nhất định về lịch sử, tập quán, thị hiếu, ứng xử… của nhân dân ta xưa kia, mặc dù chúng ta rất khó xác định được thời điểm ra đời của các câu tục ngữ. Một số câu tục ngữ ghi lại vài kí ức về một thời kì lịch sử xa xôi của dân tộc như : Ăn lông ở lỗ, Con dại cái mang, Năm cha ba mẹ, Chồng chung vợ chạ… Nhưng đại bộ phận các câu tục ngữ tập trung phản ánh những đặc điểm sinh hoạt xã hội và gia đình, sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân.

          Có những câu ghi lại những đặc điểm trong cách tổ chức và tập tục của xã hội, làng xóm : Phép vua thua lệ làng ; Đất lề quê thói ; Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ…

          Như vậy, tục ngữ cho thấy nhiều phương diện khác nhau của đời sống xã hội, quan niệm về đạo đức, nhân sinh, thể hiện triết lí của nhân dân lao động qua các thời kì lịch sử. Những quan niệm này tuy phiến diện và trực cảm nhưng nhiều vấn đề trong đó vẫn còn có tác dụng giáo dục hữu ích trong thời đại ngày nay.

          3. Về nghệ thuật

          3.1. Kết cấu

          Tục ngữ cân đối chặt chẽ, dựa trên sự lập luận lô-gích và tương quan giữa các hiện tượng. Kết cấu của tục ngữ vừa mang chức năng cú pháp, vừa mang chức năng ngữ nghĩa. Hai hình thức cơ bản của tục ngữ là kết cấu 1 vế và 2 vế. Kết cấu 2 vế được sử dụng nhiều hơn, gồm 2 vế có mối quan hệ :

          + Tương đồng : Đất lề quê thói.

          + Tương phản : Được mùa cau đau mùa lúa.

          + Nhân quả : Gieo gió gặt bão.

          + Quan hệ so sánh : Lệnh ông không bằng cồng bà.

          + Liệt kê, phát triển : Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống.

          Hình thức kết cấu chặt chẽ, cân đối cho phép tục ngữ loại bỏ được các hư từ vì, mà, nếu, thì, nên… mà vẫn thúc đẩy người ta suy nghĩ và mở rộng các hướng suy luận.

          3.2. Cách nói ví von, hình ảnh

          Ở tục ngữ, cái cụ thể thường kết hợp hài hoà với cái khái quát, cái cụ thể chứa đựng cái khái quát và ngược lại, vì thế cái cụ thể và khái quát càng chính xác hơn. Cho nên, nhiều câu tục ngữ đã vượt xa khỏi sự quan sát thông thường trong những trường hợp cụ thể để mang một ý nghĩa khái quát cao hơn : Mưa dầm hoá lụt, Không có lửa làm sao có khói… Cái cụ thể và khái quát của tục ngữ liên quan đến nghĩa đen và nghĩa bóng. Đa số các trường hợp, nghĩa đen phản ánh kinh nghiệm quan sát tự nhiên và kinh nghiệm lao động, nghĩa bóng thể hiện kinh nghiệm xã hội. Nghĩa đen trở thành nghĩa bóng khi người sử dụng tục ngữ liên hệ, đối chiếu, tìm thấy sự tương đồng giữa điều mà tục ngữ phản ánh với các hiện tượng đời sống và khi đó nghĩa bóng là nội dung gián tiếp nhưng lại là mục đích trực tiếp mà người sử dụng muốn thông báo cho người nghe. Cơ sở của việc sử dụng nghĩa bóng trong tục ngữ là tục ngữ nêu ra những nhận định khái quát thông qua những quan sát cụ thể. Cho nên, nghĩa bóng đã tạo cho tục ngữ khả năng vận dụng năng động vào các trường hợp, và như vậy lớp nghĩa, ý tứ cửa tục ngữ càng được làm giàu thêm. Tính chất mở là đặc trưng về nghĩa, về sự ứng dụng và thường thức tục ngữ. Điều đó khiến tục ngữ có thể bước từ thời đại này sang thời đại khác, từ không gian này sang không gian khác.

          Quá trình hình thành các dị bản của tục ngữ nhiều khi là sự rút gọn lại các ngôn từ vốn cũng đã rất cô đọng : Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già -> Khôn trẻ khoẻ già…

          Tục ngữ rất giàu hình ảnh. “Lời nói trần trụi không phải là tục ngữ” (Tục ngữ Nga). Những quan sát cụ thể về thiên nhiên, cuộc sống xung quanh đã giúp con người tìm được những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, nhân hoá… hết sức phong phú, sinh động. Từ quan sát cụ thể đi tới hình ảnh, từ hình ảnh cụ thể, giản đơn nâng lên thành hình ảnh khái quát và từ hình ảnh khái quát lại vận dụng vào cuộc sống. Đó là quy luật vận động, con đường sáng tạo và tồn tại của tục ngữ. Cũng nhờ những hình ảnh như thế mà tục ngữ dễ dàng lưu giữ trong trí nhớ nhân dân, trở thành kinh nghiệm ứng xử của con người đối với thiên nhiên và xã hội.

 

 

 

 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận