Hệ thống kiến thức chuyên đề Truyện ngắn – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TRUYỆN NGẮN

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Khái niệm truyện ngắn hiện đại

          Truyện (trong trường hợp này là truyện ngắn) là sự hư cấu, tưởng tượng của nhà văn về đời sống thông qua những biến cố, sự kiện. Những biến cố, sự kiện trong cuộc sống của con người được sắp xếp thành cốt truyện. Cốt truyện được triển khai thành các chi tiết, tình tiết của truyện, đồng thời gắn liền với nhân vật. Tác phẩm truyện thể hiện năng lực quan sát, miêu tả, kể chuyện của nhà văn : miêu tả ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ của nhân vật, những cảnh thiên nhiên và phong tục của đời sống… làm cho bức tranh đời sống thêm sinh động, làm nền cảnh cho con người xuất hiện.

          Truyện ngắn không phải thể hiện ở dung lượng mà ở cách thức phản ánh cuộc sống, cách tổ chức các yếu tố nghệ thuật : truyện ngắn mô tả một tình huống, một diễn biến trong cuộc đời nhân vật chứ không dựng lại tất cả số phận con người. Tình huống đó diễn ra trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Chi tiết trong truyện cô đúc, mang nội dung sâu sắc. Nhưng cách thể hiện của truyện ngắn cũng gần với đời sống, với báo chí nên gắn với những vấn đề của đời sống xã hội.

          Truyện ngắn hiện đại Việt Nam ra đời đầu thế kỉ XX, kế thừa truyền thống văn xuôi tự sự thời trung đại nhưng có rất nhiều đổi mới và cách tân.

          2. Về nội dung

          Trong truyện ngắn Sống chết mặc bay, tác giả đã dựng lên hai bức tranh đời tương phản, phản ánh rõ nét toàn cảnh xã hội phong kiến thời xưa. Hai hình ảnh trái lập nhau đã càng làm tăng thêm ý nghĩa lên án, tố cáo những kẻ cầm đầu độc ác, không biết quan tâm đến đời sống nhân dân, cụ thể là tên quan phủ – một viên quan vô trách nhiệm.

          Tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu lại quan tâm đến mâu thuẫn dân tộc, cuộc đấu trí giữa nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu và toàn quyền Đông Dương Va-ren. Tác giả Nguyễn Ái Quốc đã rất khéo léo xây dựng tình huống gặp gỡ và sự đối lập giữa hai nhân vật. Một bên Va-ren cứ nói thao thao bất tuyệt và tự hắn lột trần bộ mặt giả dối, lừa bịp, lố bịch của mình. Một bên Phan Bội Châu chỉ im lặng, dửng dưng và khinh bỉ những trò lố đó. Sự đường hoàng, cao cả về nhân cách và thái độ bình tĩnh, bản lĩnh cách mạng kiên cường đó làm nên vẻ đẹp hình tượng Phan Bội Châu.

          Cuộc chia tay của những con búp bê kể về việc hai anh em Thành, Thuỷ phải chia tay nhau vì bố mẹ li dị. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, có tác dụng thể hiện đúng những điều người trong cuộc chứng kiến các việc xảy ra và thể hiện được một cách sâu sắc những suy nghĩ, tình cảm và tâm trạng nhân vật, ,tăng tính chân thực của truyện, có sức thuyết phục cao.

          Câu chuyện đã cho thấy cuộc chia tay của người lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến những đứa trẻ. Qua đó, nhà văn muốn nhắn nhủ : Tổ ấm gia đình rất quý giá, đừng để mất đi, cần phải yêu thương, chăm sóc những đứa trẻ trong gia đình.

          3.Về nghệ thuật

          Sống chết mặc bay là truyện ngắn thời kì đầu, có nhiều đoạn hội thoại của nhân vật. Điều đó cho thấy cách tổ chức truyện và xây dựng nhân vật khá đơn giản. Nhân vật không có nhiều đoạn độc thoại nội tâm. Tính cách của nhân vật bộc lộ qua ngôn ngữ, nhân vật ít hành động, về ngôn ngữ, truyện vẫn dùng hình thức biền ngẫu. Ngôn ngữ trong tác phẩm dần dần thoát khỏi tính ước lệ, khuôn sáo và điển tích của văn học trung đại đã mang tính hiện thực. Ngôn ngữ đời thường được đưa vào tác phẩm qua lời đối thoại và miêu tả tạo nên không khí đời sống rất rõ nét. Truyện đã vận dụng khéo léo biện pháp nghệ thuật tương phản, cùng với ngôn từ chặt chẽ, điêu luyện để lột tả hai hình tượng đối lập : quan lại và nông dân.

          Văn xuôi hiện đại đầu thế kỉ chịu ảnh hưởng nhiều phong cách văn xuôi phương Tây. Tác giả Nguyễn Ái Quốc viết một loạt truyện ngắn mang phong cách uy-mua hài hước của văn chương Pháp. Trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, tác giả đưa vào rất nhiều những câu cảm thán, có thái độ mỉa mai, châm biếm, đã thể hiện khá rõ văn phong hài hước : “Ôi thật là một tấn kịch ! Ôi thật là một cuộc chạm trán ! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ qua khứ ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt và giờ này đây đang bị chúng đeo gông đày đoạ trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ ..

          Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta đều nhận thấy từ từ đầu đến cuối là một giọng văn châm biếm và hết sức nhất quán, đó là sự nhất quán trong sự đa dạng. Đa dạng về giọng điệu, đa dạng trong bút pháp nghệ thuật, và phong phú trong tưởng tượng, thể hiện một văn phong sắc sảo, tài hoa của một nhà báo, nhà văn kiệt xuất. Những truyện ngắn và phong cách viết văn đó đã góp phần hiện đại hoá nền văn học nước nhà trong giai đoạn đầu thế kỉ XX.

 

 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận