Hệ thống kiến thức chuyên đề thơ hiện đại – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

THƠ HIỆN ĐẠI

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỂ

          1. Khái niệm thơ hiện đại

          Thơ ca hiện đại là khái niệm chỉ hình thức thơ của thời kì hiện đại (từ đầu thế kỉ XX đến nay). Nói đến thơ hiện đại là đặt trong tương quan với thơ trung đại (hay thơ cổ điển), để thấy sự khác nhau rất lớn về hệ thống đề tài, thi pháp, ngôn ngữ, câu thơ, dòng thơ… Thơ hiện đại gắn liền với cuộc cách tân trong văn học Việt Nam, từ thời kì thơ mới (1932 – 1945).

          2. Về nội dung

          Thơ hiện đại chia thành nhiều giai đoạn, ở mỗi giai đoạn, nội dung phản ánh của thơ cũng khác nhau.

          – Giai đoạn 1930 – 1945 : Thơ có hai bộ phận : thơ cách mạng và thơ mới.

          + Thơ mới (với các tác giả tiêu biểu Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên…) chủ yếu thể hiện cái tôi cá nhân với các đề tài : tình yêu nam nữ, tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước ; những nỗi buồn của thời đại và sự bế tắc trong tư tưởng và con đường đi.

          + Thơ cách mạng là sáng tác của những chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật (Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng…), thể hiện tình yêu nước nồng nàn, sự giác ngộ cách mạng và tinh thần đấu tranh giành độc lập.

          – Giai đoạn 1945 – 1975 : Thơ hiện đại phản ánh hiện thực cách mạng, tập trung vào các đề tài : ca ngợi hình tượng người lính và ý nghĩa cao đẹp của hai cuộc kháng chiến ; ca ngợi Hồ Chủ tịch ; bộc lộ tình yêu quê hương đất nước, yêu lí tưởng cách mạng. Thơ ca là tiếng hát hào hùng, sảng khoái, cổ vũ tinh thần cho quân và dân làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến.

          – Giai đoạn sau 1975, đặc biệt sau 1986 đến nay : Thơ đi sâu vào những khía cạnh của đời sống hằng ngày, những suy tư trăn trở về cuộc sống, về con người, về hạnh phúc, về lí tưởng… Thơ gắn với những tâm trạng, những cảnh ngộ cụ thể, triết lí về những vấn đề xã hội và đời sống. Thơ hiện đại càng ngày càng tìm tòi những hình thức đổi mới, hiện đại hoá.

Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, thơ ca đứng trước nhiệm vụ lớn lao, cổ vũ cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Thơ của Hồ Chủ tịch là những sáng tác nổi bật, thể hiện niềm trăn trở của một vị lãnh tụ với sự tồn vong của quốc gia dân tộc, đồng thời cũng là tâm hồn thi sĩ luôn biết rung động và cảm nhận tinh tế trước cái đẹp.

          Trong bài Rằm tháng giêng, Bác thưởng trăng trên khói sóng nơi “Yên ba thâm xứ”, cõi sâu kín bí mật trên dòng sông giữa núi rừng chiến khu. Người đang thưởng ngoạn không chỉ mang cốt cách như các tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là người chiến sĩ cách mạng, vị lãnh tụ đang “bàn bạc việc quân”. Bài thơ là sự kết hợp hài hoà phong cách cổ điển và hiện đại. Những thi liệu cổ điển của bài thơ như con thuyền, vầng trăng, sông xuân, trời xuân, khói sóng… đã tạo nên không khí thưởng ngoạn của các tao nhân mặc khách. Không gian núi rừng tĩnh lặng, không có rượu và hoa để thưởng trăng, không đàm đạo thơ phú mà “đàm quân sự”. Bài thơ như một đoá hoa đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh. Hình ảnh con thuyền của vị lãnh tụ lướt đi phơi phới chở đầy ánh trăng rất lãng mạn, thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ trong con người chiến sĩ. Bài thơ cũng thể hiện sự rung cảm tinh tế và phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời trong kháng chiến gian khổ của Bác.

          Nếu bài thơ Rằm tháng giêng viết bằng chữ Hán, mang phong cách cổ điển kết hợp với hiện đại thì bài Cảnh khuya viết bằng chữ quốc ngữ mang đậm chất hiện đại. Cũng vẫn là khung cảnh của núi rừng Việt Bắc, mở đầu bằng hình ảnh “tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Tiếng suối trong hay tiếng hát trong ? Có lẽ cả hai. Sự so sánh bất ngờ, thú vị đó đã tạo nên hình ảnh thơ rất sinh động và mang không khí ấm áp, gần gũi của con người giữa khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng của chiến khu. Tiếp theo đó là sự hài hoà giữa cảnh vật : “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Cảnh vật thiên nhiên huyền ảo, hài hoà để tôn lên vẻ đẹp của chúng. Giữa cảnh vật đó là hình ảnh nhà thơ – hình ảnh vị lãnh tụ lo lắng cho dân cho nước không ngủ được. Thơ của Bác đã diễn tả một cách chân thành và giản dị những tình cảm thiêng liêng với dân tộc, với nhân dân, đó cũng là phong cách thơ độc đáo của Người.

          Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh là một sáng tác độc đáo, thể hiện sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ : giữa cuộc hành quân, tiếng gà trưa ở xóm nhỏ gợi nhắc cho người chiến sĩ những kỉ niệm của tuổi thơ, kí ức của quê hương và những người thân yêu. Một khoảng lặng bình yên, thanh thản giữa cuộc chiến khốc liệt là những giây phút đáng quý để nâng bước cho những người chiến sĩ, nuôi dưỡng trong họ tình yêu quê hương, đất nước, làm nên tinh thần, sức mạnh của đoàn quân chiến thắng. Bài thơ rất giản dị, ngôn ngữ trong sáng, mang đậm hơi thở của cuộc sống đời thường. Những kỉ niệm tuổi thơ được đánh thức bởi tiếng gà trưa, hiện lên tự nhiên, dung dị và đầy xúc cảm.

          3. Về nghệ thuật

          Thơ hiện đại trong giai đoạn 1945 – 1975 không dụng công nghệ thuật mà chủ yếu thể hiện nội dung, tư tưởng của nhà thơ. Những vần thơ được viết một cách tự nhiên, trong sáng, dùng ngôn từ hằng ngày của đời sống sinh hoạt. Hình thức thơ cũng giản dị, với các thể thơ lục bát, ngũ ngôn – những thể thơ dân tộc diễn tả cảm xúc một cách tự nhiên, chân thành.

Bài thơ Tiếng gà trưa đã biểu lộ những rung cảm sâu xa và khát vọng chân thành của một trái tim phụ nữ đằm thắm, thiết tha, nhân hậu. Thể thơ ngũ ngôn bắt nguồn từ dân ca phường vải Trung Bộ và từ thể vè kể chuyện của dân gian. Điệp từ nghe đem lại cảm giác tiếng gà vừa như mở ra. Lời giới thiệu đầy hồ hởi, hân hoan gợi lại quá khứ tuổi thơ. Ân dụ chuyển đổi cảm giác : Nghe bằng cảm giác, bằng tâm tưởng, bằng sự nhớ lại, bằng hồi ức tràn về.

          Thơ của Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho phong cách trữ tình cách mạng, kết hợp hài hoà giữa chất cổ điện và hiện đại : cổ điển ở từ ngữ, thể thơ, hình ảnh thơ nhưng hiện đại ở tư tưởng nội dung.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận