Hệ thống kiến thức chuyên đề – Chủ đề ca dao dân ca

Đang tải...

Ca dao, dân ca

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Khái niệm ca dao

          1.1. Ca dao và các khái niệm liên quan

          Ca là hát, dao là bài hát ngắn gọn có vần điệu. Như vậy, theo nghĩa từ nguyên thì ca dao là những bài hát ngắn gọn có vần điệu. Ca dao được hình thành từ dân ca. Khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ đến lời cạ. Khi nói dân ca thì thường nghĩ đến cả làn điệu và những thể thức hát nhất định.

          Thuật ngữ dân ca xuất hiện muộn hơn, vào khoảng cuối những năm 1950, trong sách Tục ngữ và dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan. Hiện nay, các nhà nghiên cứu quan niệm dân ca như sau : Dân ca bao gồm phần lời, phần giai điệu, phương thức diễn xướng và cả môi trường, khung cảnh ca hát.

          Tuy nhiên, cần phải lưu ý, sự phân biệt ca daodân ca chỉ có ý nghĩa tương đối và vận dụng trong khuôn khổ sách vở nhà trường. Bởi xét về bản chất và nguồn gốc thì ca dao và dân ca là một đối tượng, đó là những câu hát của dân gian, ra đời để người ta hát, phục vụ nhu cầu giãi bày tình cảm và giải trí của người dân. Trước kia, trong dân gian chưa có thuật ngữ ca dao hay dân ca, người bình dân thường dùng những từ ngữ khác nhau để chỉ đối tượng này :

                            + Đến đây rượu thịt bánh bò

                            Ai ca ca với, ai hò chơi

                            + Em ôm bó mạ xuống đồng

                             Miệng tay cấy mà lòng nhớ ai

          Các thuật ngữ phong daoca dao xuất hiện càng nhiều trong các sách quốc ngữ. Phạm vi phản ánh của hai từ này có những chỗ giống nhau : Ca dao là phong dao vì có những bài ca dao phản ánh phong tục của mỗi địa phương, mỗi thời đại, nhưng từ phong dao ngày càng ít được sử dụng.

          Từ đó có thể quan niệm rằng : Ca dao là những sáng tác văn chương của nhân dân lao động, được phổ biến rộng rãi, được lưu truyền qua nhiều thế hệ mang những đặc điểm nhất định, bền vững về phong cách.

          Như vậy, ca dao và dân ca có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng ca dao có tính độc lập tương đối của nó. Vì thế, việc nghiên cứu, tìm hiểu ca dao với tư cách là một thể loại văn học dân gian là hợp lí (tất nhiên là có chú ý đến mối quan hệ với dân ca).

          1.2. Quá trình hình thành và phát triển của ca dao

          Ca dao có mặt rất sớm ở dạng thô sơ, có những câu xuất hiện từ thời nguyên thuỷ trong các bài ca nghi lễ, các bài cúng tế, bài ca lao động… Người ta chỉ phỏng đoán như vậy dựa vào một số câu ca dao nghi lễ sưu tầm được (bản thân các nghi lễ đó tồn tại từ thời xa xưa).

          Hiện nay, dạng thức cơ bản của ca dao là thể lục bát (95% số câu sử dụng thể thơ này), cho nên quá trình phát triển của ca dao gắn liền với sự hình thành và phát triển thể lục bát.

          Khoảng thế kỉ XVI – XVI, thể lục bát hình thành và được vận dụng trong sáng tác văn học (truyện thơ nôm). Đến thế kỉ XVII – XVIII, ca dao phát triển nở rộ, lúc này trình độ ngôn ngữ phát triển cao, thể lục bát đạt đến độ hoàn chỉnh để có thể diễn đạt tâm tư, tình cảm của con người.

          2. Về nội dung

          “Ca dao cũng là thơ nhưng là một loại thơ đặc biệt” (Chế Lan Viên). Lời nhận xét đó muốn nhấn mạnh đến bản chất trữ tình của thể loại ca dao. Có nghĩa là ca dao lấy thế giới nội tâm, tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình làm đối tượng miêu tả. Ca dao nhìn thế giới bằng con mắt, bằng tâm trạng đầy cảm xúc của nhân dân.

          Một điểm đáng lưu ý, cảm xúc trong ca dao không phải là của riêng một cá nhân. Cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong ca dao đại diện cho cả cộng đồng, chứa đựng nếp cảm, nếp nghĩ của nhân dân lao động. Trong ca dao, nổi lên những đề tài chính :

          2.1. Những câu hát về tình cảm gia đình

          Ca dao về tình cảm gia đình có vị trí quan trọng trong đời sống của người bình dân, chúng thường được diễn xướng bằng loại hình ca hát trong sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là gắn với loại hình hát ru. Qua những câu hát ngọt ngào, tha thiết, những tình cảm chân thành, sâu nặng được trao truyền, nhắn gửi cho những thế hệ sau. Mỗi lời ca tiếng hát đó vun đắp những tình cảm, hình thành nhân cách cho con người.

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

          Câu ca dao sử dụng nghệ thuật so sánh, ngợi ca công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Công cha được ví với chiều cao khôn cùng – “núi ngất trời”, nghĩa mẹ được tả với chiều rộng vô biên của nước “ngoài biển Đông”, chiều nào cũng tận, như công lao của cha mẹ không gì đo đếm được.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

          Câu ca dao bắt đầu bằng một mô típ quen thuộc về thời gian “chiều chiều”. Buổi chiều, đặc biệt chiều tối, chiều muộn là khoảng thời gian sắp tàn của một ngày, là giao hoà giữa ánh sáng và bóng tối. Nhịp đi của thời gian vũ trụ vội vã bao nhiêu thì nhịp sinh hoạt của con người cũng hối hả bấy nhiêu. Cùng với muôn vật, con người cũng vội vã trở về tổ ấm. Do đó, với những người tha phương, xa xứ, buổi chiều là khoảng thời gian gợi buồn, thời điểm gợi sự đoàn viên sum họp. Nhịp “chiều chiều” gợi tả sự đều đặn đến khắc khoải của thời gian, là chiều muộn và cũng là sự lặp lại của thời gian. Chắc hẳn đây là lời tâm tình của người con gái lấy chồng xa, đang gặp những nỗi buồn, tủi thân tủi phận, bởi lẽ cuộc sống làm dâu xa nhà, khi cô đơn, bất hạnh, người con gái thường nhớ về mẹ để tìm một sự cảm thông, chia sẻ. Người con gái mỗi khi nhớ đến quê nhà phương xa lại nao nao một nỗi buồn, hết ngày này qua ngày khác vẫn mang nặng một nỗi buồn khôn nguôi. Người con gái lấy chồng xa như cố nén nỗi nhớ nhà. “Ngõ sau” là khoảng không gian yên tĩnh, vắng vẻ, khác hẳn vẻ xôn xao ngoài ngõ, trước cổng. Chọn một nơi khuất vắng như vậy, cô gái bộc bạch tâm trạng của mình, cả tấm lòng, tình cảm của mình về quê nhà – nơi có những người thân yêu, ruột thịt. Khoảng cách xa vời càng tăng thêm nỗi nhớ khắc khoải… Bài ca dao thể hiện một cách sâu lắng và xót xa tâm trạng nhớ quê hương, gia đình của một người con gái lấy chồng xa.

          2.2. Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

          Ca dao là tiếng hát tâm tình của người lao động, trong đó nổi bật là tình cảm nam nữ, tình yêu lứa đôi. Bên cạnh đó, ca dao cũng ca ngợi vẻ đẹp của những miền quê, thể hiện tình cảm, sự gắn bó với quê hương đất nước của con người. Ca ngợi quê hương đất nước không chỉ xuất hiện trong ca dao sinh hoạt, trong cuộc sống đời thường, trong hát ru, mà ngay cả trong những lời đối đáp của nam nữ cũng gửi gắm tình yêu với những cảnh đẹp của núi sông, ruộng đồng.

Ở đâu năm cửa nàng ơi …

Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây.

          Bài ca dao có cấu trúc đối đáp, là lời của nam nữ hát với nhau trong những hội hè đình đám hay trong những sinh hoạt đời thường của người bình dân. Hình thức đối đáp là dạng phổ biến của ca dao trữ tình, khiến chúng ta hình dung ra bối cảnh của những câu hát đó, đồng thời chứa đựng tâm tình, xúc cảm của người đang đối đáp.

          Bài ca dao không chỉ là lời đối đáp của nam và nữ mà còn là hình thức hát đố. Hát đố vừa để thử tài của người hát vừa để bộc lộ tình cảm, sự hiểu biết và thông cảm với nhau. Thông qua cách đối đáp, người ta có thể cảm nhận về người khác ở khía cạnh hiểu biết, cách ứng xử, tài năng…

          Vế thứ nhất xuất hiện hai từ “nàng ơi”, cho chúng ta biết đây là lời của chàng trai. Câu hỏi thử thách do đó trở nên mềm mại, tha thiết. Trong mỗi lời của chàng trai có một câu hỏi, cần tìm một lời giải đố. Mục đích của người hát đố không phải là đưa ra những câu hỏi hóc búa, không có đáp án mà điều quan trọng là anh ta lựa chọn những hình ảnh, những sự vật độc đáo, gây ấn tượng với đối phương : “năm cửa – sông sáu khúc – sông bên đục bên trong – núi thắt cổ bồng – đền thiêng – thành tiên xây”.

          Tưởng chừng câu hỏi rất khó, nhưng đó đều là những địa danh nổi tiếng, với những đặc trưng nổi bật mà chàng trai đã nêu thì cô gái đáp lại đầy đủ và cũng rất chân tình. Cấu trúc hai vế rất hài hoà, cân đối : Ở lời hỏi, chàng trai cất tiếng gọi tha thiết “nàng ơi” thì ở câu đáp, cô gái cũng rất nhẹ nhàng, tình tứ nhắn nhủ bằng từ “chàng ơi”. Cô gái cũng đã rất tài tình, sâu sắc trong câu trả lời vì không chỉ hoàn thành tất cả những đáp án mà còn giữ nguyên được đặc điểm những sự vật, hiện tượng trong lời hỏi của chàng trai. Tất cả tên sông, tên núi đã được cô gái thay vào những từ để hỏi “sông nào, núi nào” trong lời chàng trai. Như vậy, đây là dạng kết cấu hai vế tương hợp rất quen thuộc của ca dao, thể hiện sự hoà hợp về tình cảm, tâm tình trong những câu hát dân gian.

          2.3. Những câu hát than thân

          Nếu như truyện cổ tích miêu tả người nông dân một cách chân thực, sinh động, lột tả những nỗi cơ cực, bất công của họ trong cuộc đấu tranh giai cấp thì ca dao đã thể hiện hình tượng người nông dân một cách đầy cảm xúc, với sự đồng cảm, chia sẻ và sự nâng niu trân trọng phẩm chất của những người chân lấm tay bùn đó qua mảng ca dao chủ đề than thân. Ca dao than thân trở thành tiếng hát tâm tình, gần gũi đầy xúc cảm của người lao động thông qua những hình ảnh ẩn dụ rất đỗi đời thường, giản dị : cái cò, cái kiến, dã tràng… Đến thể loại ca dao, trong hệ thống những cái cua, cái ốc, cái tôm, cái tép thì cái cò trở thành hình ảnh nổi bật, phổ biến không phải ở vẻ đẹp rực rỡ, to tát mà tiêu biểu cho những thân phận nhỏ bé, đáng thương.

Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con ?

          2.4. Những câu hát châm biếm

          Ca dao châm biếm, hài hước đã khéo léo lựa chọn những chi tiết đặc tả hình dáng, tính cách, hoạt động của những kiểu người nhất định trong xã hội xưa. Những bức tranh biếm hoạ đầy sinh động mang lại tiếng cười sảng khoái, gửi gắm ý nghĩa phê phán những thói hư tật xấu của những con người đó :

Con cò chết rũ trên cây …

Chim chích cởi trần vác mõ đi rao.

          Nội dung của ca dao dẫu về đề tài nào cũng phong phú và sâu sắc. Nổi bật lên trong ca dao vẫn là hình tượng người nông dân với phẩm chất đẹp đẽ, giàu tình yêu thương, đằm thắm, mặn mà trong cách nghĩ, trong cách ứng xử.

          3. Về nghệ thuật

          Ca dao luôn gắn bó với các hình thức ca hát dân ca, sinh hoạt văn hoá văn nghệ của nhân dân. Khuôn khổ nhà trường cũng như nhu cầu thưởng thức vẻ đẹp ngôn từ của ca dao đã khiến chúng ta có hình thức tiếp cận văn bản ca dao. Nhưng muốn phát hiện vẻ đẹp đầy đủ và đúng với bản chất của thể loại ca dao thì chúng ta phải đặt mỗi tác phẩm trong môi trường, hoàn cảnh diễn xướng, tồn tại của chúng. Mỗi câu ca dao được hát lên trong làn điệu dân ca của nó sẽ bộc lộ đầy đủ vẻ đẹp, sự sinh động và giá trị biểu cảm.

          Ca dao thường sử dụng thể thơ lục bát (trên sáu dưới tám) uyển chuyển, mềm mại, mang tính dân tộc. Câu thơ lục bát có độ co giãn về số câu số chữ, nhịp nhàng, rất thích hợp với cách giãi bày tình cảm, tâm tình. Thể lục bát cũng dễ dàng tạo nên nhịp điệu trong việc hát, diễn xướng ca dao.

          Ca dao thường sử dụng những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hoá… làm cho cách diễn đạt thêm ngọt ngào, sinh động, giàu sắc thái biểu cảm. Trong đó phổ biến nhất là biện pháp so sánh.

          Biện pháp so sánh cũng dựa trên sự liên tưởng của con người nhưng sự liên tưởng đó tương đối tự do, thể hiện cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của con người đối với các sự vật, hiện tượng,

                             + Công cha như núi Thái Sơn

                             Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

                             + Ngó lên nuộc lạt mái nhà

                             Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu

          Ngoài ra, ca dao còn sử dụng đặc biệt thành công các biểu tượng (hoa, trăng, rồng – phượng ; trúc – mai…) cũng như các biện pháp điệp từ, phong đại, nói ngược… để tăng cường khả năng diễn đạt của ngôn ngữ trong việc biểu hiện tình cảm, tâm trạng của con người.

 

 

 

 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận