Hệ thống kiến thức chuyên đề chèo truyền thống – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

CHÈO TRUYỀN THỐNG

• Quan Âm Thị Kính

 

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỂ

          1. Khái niệm chèo

          Chèo là loại hình sân khấu kịch hát truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

          Chèo có nhiều cách gọi khác nhau : chèo cổ (hay chèo truyền thống – để phân biệt với chèo cải biên, chèo hiện đại), chèo sân đình (lấy không gian biểu diễn chính là sân đình)…

          Chèo có nguồn gốc nội sinh, bắt nguồn từ những trò diễn dân gian, những hình thức trình diễn, trình nghề, các trò chơi dân gian là tiền đề cho sự hình thành, phát triển của nghệ thuật chèo. Bên cạnh đó, chèo cũng có những sự ảnh hưởng từ yếu tố ngoại lai, giao lưu tiếp xúc với các loại hình sân khấu dân gian nước ngoài.

          2. Về nội dung

          2.1. Chèo phản ánh hiện thực, cuộc đấu tranh trong xã hội và gia đình

          Nội dung này của chèo gần với thể loại truyện cổ tích (vì nhiều tích chèo cũng lấy từ cổ tích) : Xây dựng hai hệ thống nhân vật đối lập nhau về địa vị xã hội:

          – Sùng ông, Sùng bà với gia đình Thị Kính

          – Phú ông, Thị Mầu, Lí trưởng với Mãng ông, Thị Kính, anh Nô, mẹ Đốp…

          Hiện thực và những mâu thuẫn của xã hội biểu hiện rõ nét qua hệ thống nhân vật hề : “Quan đã ra, ai có gà thì nhốt” (quan như kẻ cướp giữa ban ngày) ; “Quan tuần lột da, quan phủ lột da” (nói chệch “Tin lành đồn xa, tin dữ đồn xa”)… Nhân vật hề là nhân vật vô thưởng vô phạt đối với kịch bản cũng như với khuôn khổ thiết chế xã hội, cho nên nhân dân đã rất khéo léo gắn tư tưởng phê phán, đấu tranh giai cấp trong đó. Những anh hề lên sân khấu không chỉ để cất lên tiếng cười, mua vui cho khán giả mà còn là nhân vật nêu cao chính nghĩa, nói thẳng, nói thật, phê phán đả kích mạnh mẽ xã hội đương thời.

          Kiểu nhân vật trung tâm của chèo thường là những nạn nhân nhỏ bé, yếu đuối như Thị Kính, Thị Phương, Thiệt Thê… không có một sức mạnh, quyền lực nào trong tay. Ngay cả con gái phú ông là Thị Mầu cũng rất bi kịch vì hạnh phúc, khát vọng của cô bị vùi dập vì dư luận xã hội, số phận của cô nằm trong tay những kẻ câm – mù – điếc phán xử (màn xử tội của Hương câm – Đồ điếc – Thầy bói mù)…

          2.2. Chèo ca ngợi tư tưởng đạo đức, ứng xử của nhân dân lao động

          Chèo xây dựng những nhân vật theo chuẩn mực đạo đức : trung (Chu Mãi Thần), hiếu (Thị Phương), tiết (Châu Long) nghĩa (Dương Lễ)… Những hình tượng đó có tác dụng giáo dục, nhân vật mang tính giáo huấn. Mỗi nhân vật lên sân khấu hành động, ứng xử để tuyên ngôn cho một luận đề về đạo đức.

          Chèo phản ánh nét đẹp trong phong tục, quan hệ ứng xử… Chèo có nhiều khi kết thúc bi kịch như lời cảnh báo, răn dạy con người.

          Chèo đưa ra những quan niệm đạo đức của nhân đân : Thị Kính tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu, vị tha, từ bi cho nên cuối cùng trở thành Bồ tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Cô bị oan hết lần này đến lần khác nhưng chỉ biết cam chịu, không một phản ứng gì ngoài những lời than khóc. Thị Kính hoàn toàn có thể giải nỗi oan lần thứ hai cho mình nhưng cô không làm như vậy mà thay Thị Mầu nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi, cam chịu những khổ ải trần gian để cứu vớt những nỗi đau khổ của con người. Cô nhận ra rằng nếu mình không chịu tội thì cũng phải có một người khác – tư tưởng vị tha đó là cốt lõi đạo đức và ứng xử của Thị Kính.

          2.3. Chèo phản ánh ước mơ hạnh phúc, tự do tình yêu và hôn nhân…

          Nhân vật chính của chèo đều là nữ. Nam có xuất hiện cũng chỉ có việc học hành thi cử, thờ vua, giúp nước, chứ không mấy khi có những hành động mang tính tư tưởng. Nhân vật nữ lại phần lớn là nữ lệch, bị người xưa chê cười, dè bỉu : Thiệt Thê, Suý Vân, Thị Mầu, Điêu Thuyền… Kiểu người như Châu Long, Cúc Hoa là ít gặp. Tuy nhiên, tư tưởng phê phán hình thành trên kịch bản, còn trên sân khấu, dường như người xem lại đồng tình, thương cảm cho những số phận đó. Khán giả – nhân dân lao động – thương cảm, xót xa cho khát vọng tình yêu hạnh phúc của Thị Mầu… Dường như nhân dân lao động đã đồng tình và ngấm ngầm ủng hộ cho những tư tưởng giải phóng đó, cho nên Thị Mầu sau màn phạt vạ vẫn nhởn nhơ sống ở làng, đứa trẻ đã được Thị Kính nuôi dưỡng. Thị Kính và Thị Mầu là hai nhân vật, hai con người nhưng cũng có thể nói họ là hai mặt của một con người : một bên là khát vọng giải phóng tình yêu, thân phận ; một bên là thiết chế đạo đức và xã hội mà con người phải phục tùng. Nhân dân ca ngợi đạo đức, phục tùng thiết chế nhưng vẫn để một hướng tự do cho khát vọng giải phóng của con người.

          3. Về nghệ thuật

          Chèo là nghệ thuật biểu diễn, hát múa, có đặc trưng riêng biệt cần lưu ý :

          – Thứ nhất, chèo là nghệ thuật hát múa mang tính tổng hợp. Quan trọng nhất của chèo là hát và diễn. Hát hay mới đúng chất của chèo, diễn giỏi mới tạo nên sức hấp dẫn. Bởi vì chèo không tạo nên sức hút nhờ kịch bản (sự bất ngờ hay kịch tính thường không nổi bật). Người xem chèo hầu như đã biết hết kết cục câu chuyện, điều mà người ta chờ đợi là khả năng hát diễn của diễn viên.

          – Thứ hai, chèo là nghệ thuật mang tính ứng tác, ứng diễn. Mặc dù chèo có kịch bản nhưng người diễn có tính tự chủ nhất định trên sân khấu. Họ có thể ứng tác cho phù hợp với hoàn cảnh, ứng diễn để phù hợp và thích nghi với tâm lí của người xem. Tiêu biểu trong nghệ thuật ứng tác là những vai hề với những màn “cương”.

          – Thứ ba, chèo có tính ước lệ cao. Nghệ thuật sân khấu đòi hỏi tính ước lệ, chèo còn đơn giản và cách điệu hơn. Sự ước lệ có từ trang phục, lối hát, lối diễn của diễn viên. Cách xử lí thời gian, không gian cũng hoàn toàn mang tính ước lệ. Chẳng hạn :

          + Muốn diễn tả thời gian 3 năm : Lưu Bình nói : “Thấm thoắt đà ba năm”…

          + Muốn diễn tả không gian : Lưu Bình đi từ nhà Dương Lễ đến quán Nghinh Hương : diễn viên đi một vòng quanh sân khấu và nói : “Thấp thoáng thấy quán Nghinh Hương”…

          Chiếu chèo là khái niệm để chỉ sân khấu chèo. Do chèo là nghệ thuật mang tính ước lệ nên chiếc chiiếu trải trước sân đình được coi như sân khấu, là nơi diễn tả lại toàn bộ cuộc đời con người.

          4. Quan Âm Thị Kính

          Quan Âm Thị Kính là một trong những vở chèo cổ nổi tiếng. Đoạn trích Nỗi oan hại chồng thuộc phần I của vở chèo, trước cảnh Vu quy. Thị Kính kết duyên cùng Thiện Sĩ về nhà chồng. Mâu thuẫn của vở kịch bắt đầu từ tình huống này, một trong hai nỗi oan trong đời Thị Kính – tình huống mở đầu cho bi kịch của cuộc đời Thị Kính, đồng thời thể hiện mâu thuẫn, xung đột của xã hội thông qua mô tả xung đột trong gia đình, thể hiện thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa cũng như những bế tắc về tư tưởng, số phận của con người.

          Trong đoạn trích có 5 nhân vật: Thiện Sĩ, Thị Kính, Sùng ông, Sùng bà, Mãng ông. Sùng bà và Thị Kính tham gia vào xung đột nhiều nhất. Sùng bà thuộc kiểu nhân vật mụ ác, đại diện cho tầng lớp phong kiến, địa chủ ; Thị Kính là nhân vật nữ chính, đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động.

          Chèo không nhằm xây dựng nhân vật nam. Thiện Sĩ là nho sinh phong kiến, được vợ chăm sóc, yêu kính nhưng trước nỗi oan của vợ, chàng không một lời thanh minh, không có chính kiến, hoàn toàn lép vế trước uy quyền của người mẹ.

          Đoạn trích đã thể hiện rõ tính chất kịch thông qua việc xây dựng xung đột, mâu thuẫn giữa hai nhân vật Thị Kính và Sùng bà. Thủ pháp tương phản, đối lập được vận dụng trong mọi hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ của hai nhân vật, khiến xung đột càng trở nên gay gắt, căng thẳng, không thể điều hoà được.

          Sùng bà tàn nhẫn, thô bạo, luôn miệng sỉ vả, mắng nhiếc, đay nghiến Thị Kính. Mụ không hề hỏi han, không biết phải trái, lí lẽ, nhẫn tâm đuổi Thị Kính đi. Trong con mắt của Sùng bà không hề có sự tồn tại của Thị Kính, có chăng sự có mặt của Thị Kính chỉ là cái cớ để mụ trút giận, thể hiện quyền uy của mình. Mụ dúi đầu Thị Kính xuống, bắt ngửa mặt lên, không cho phân bua, đẩy Thị Kính ngã xuống. Ngôn ngữ của mụ cay độc, ngoa ngoắt : “Tuồng bay mèo mả gà đồng”, “Mày là con nhà cua ốc”, “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”, “Đồng nát thì về cầu Nôm”… Trong khi đó, cũng vận dụng thành ngữ, tục ngữ nói về gia đình mình, Sùng bà dùng những câu rất đẹp đẽ : “Giống nhà bà đây giống phượng, giống công”, “Nhà bà đây cao môn lệnh tộc”, “Trứng rồng lại nở ra rồng”… Lời lẽ của mụ mang tính phân biệt đối xử, phân biệt thấp cao, sang hèn rõ rệt, quan hệ không còn là mẹ chồng – nàng dâu mà là quan hệ giàu – nghèo.

          Để diễn tả thái độ, tính cách đó, nghệ thuật dân gian đặt vào vai diễn Sùng bà những điệu hát phù hợp : mụ hát sắp, nói lệch, múa sắp, bộc lộ thái độ trấn áp, tàn nhẫn, phũ phàng, giọng điệu kiêu kì, khinh thị người nghèo khổ.

          Trước bà mẹ chồng dữ tợn, đầy quyền lực, mồm năm miệng mười, Thị Kính chỉ biết một mực kêu oan. Trong đoạn trích, nàng đã kêu oan tới 5 lần mà cả gia đình Sùng bà không thèm đếm xỉa đến. Ngay cả người chồng hết mực thương yêu cũng không một lời bênh vực, thanh minh. Không thể tự bào chữa cho mình, Thị Kính chỉ cam chịu, chấp nhận số kiếp của mình. Sau khi Sùng bà giở trò giả vờ mời Mãng ông sang ăn cỗ, rồi trao trả Thị Kính mà thực chất là đuổi nàng về, Thị Kính dẫn cha về tâm sự bộc bạch, rồi lạy chạ mẹ giả trai đi tu.

 

 

 

 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận