Điều mà J. J. Ru-xô muốn gửi tới bạn đọc qua bài Đi bộ ngao du.

Đang tải...

ĐỀ BÀI

Điều mà J. J. Ru-xô muốn gửi tới bạn đọc qua bài Đi bộ ngao du.

Bài làm

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, để đi chơi du lịch các bạn có thể sử dụng rất nhiều phương tiện tối tân như máy bay, tàu hỏa, ô tô,…. nhưng có bao giờ bạn nghĩ đến việc đi bộ – một phương thức đi lại bản nguyên, sơ khai mà hữu ích vốn có của loài người ? Tôi đã thật sự bị ám ảnh, thuyết phục khi đọc bài viết Đi bộ ngao du của nhà triết học vĩ đại Ru-xô. Tôi nhận ra lâu nay mình đã để quên một tài sản quý giá có trong chính mình đó là dùng chính đôi chân của mình để di chuyển đến bất cứ nơi đâu mình muốn, nhận ra con người sống cần phải giao hoà với thiên nhiên.
Bài viết gồm ba phần, có mối quan hệ chặt chẽ, lập luận lô gích. Mở đầu, tác giả đưa ra một khẳng định : “đi bộ giúp con người thấy tự do, thoải mái”. Ông đã bộc lộ trực tiếp quan niệm của cá nhân mình : “Tôi chỉ quan niệm được một cách đi ngao du thú vị hơn đi ngựa : đó là đi bộ”. Liền sau đó, tác giả đưa ra một loạt lí do giải thích với một giọng điệu hào hứng, sảng khoái. Nhà vãn đã chuyển từ xưng “tôi” sang xưng “ta” nhằm thể hiện những chân lí phổ quát chung cho tất cả mọi người. “Ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, ta muốn hoạt động nhiều ít thế nào là tuỳ. Ta quan sát khắp nơi ; ta quay sang phải, sang trái ; ta xem xét tất cả những gì thấy hay hay ; ta dừng lại ở tất cả mọi khía cạnh”. Thủ pháp liệt kê được tác giả sử dụng triệt để nhằm khẳng định sự tự do, thoải mái mà đi bộ mang lại. Để tăng sức thuyết phục, Ru-xô tiếp tục đưa ra các dẫn chứng mang tính thể nghiệm của cá nhân từ việc đi men theo dòng sông, một khu rừng rậm, một hang động hay một mỏ đá,… Đặc biệt, so sánh “Tôi chẳng phụ thuộc vào những con ngựa hay gã phu trạm. Tôi chẳng cần chọn những lối đi có sẩn hay những con đường thuận tiện ; tôi đi qua bất cứ nơi nào con người có thể đi qua” đã khẳng định sự ưu việt mà đi bộ có được. Đi bộ ngao du giúp con người thể hiện được cái tôi, cá tính cửa chính mình, để “hưởng thụ tất cả sự tự do mà con người có thể hưởng thụ”. Bên cạnh đó để lời văn vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan, nhà văn đã tự mình phân thân thành một nhân vật khác “Ê-min”. “Ê-min có mệt gì lắm đâu ; em to khoẻ ; và sao em lại mệt được cơ chứ, em chẳng hể vội vã.
Nếu em dừng lại, làm sao em có thể chán được, ở chốn nào em cũng có những thứ để giải trí…”. Với việc tự tách mình ra, tự phân thân, Ru-xô một lần nữa khẳng định sự chủ động của con người trong việc “di bộ ngao du”. Như vậy, ngay từ phần mở đầu với lối lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, Ru-xô đã thực sự khiến độc giả thấy được vai trò, sự ưu việt của việc đi bộ, đó là sự tự do, chủ động. Đi bộ để được là chính mình.
Nếu như ở phần đầu, nhà văn Ru-xô khẳng định sự tự do, thoải mái mà đi bộ mang lại thì ở phần hai nhà văn khẳng định đi bộ mang đến cho ta tri thức, hiểu biết tuyệt vời. Tác giả không xưng “tôi” hay “ta” mà sử dụng liên tiếp các câu hỏi mang tính khách quan : “Ai là người yêu mến nông nghiệp chút ít mà lại không muốn biết các sản vật đặc trưng cho khí hậu những nơi mình đi qua… ? Ai là người có chút ít hứng thú với tự nhiên học mà lại có thể quyết định đi ngang một khoảnh đất mà không xem xét nó…”. Thông qua các câu hỏi đó nhà văn muốn đi đến khẳng định : dù bạn có là triết gia, nếu bạn không tự mình trải qua thực tế, nếu bạn không biết gì về cuộc sống thiên nhiên xung quanh ta thì mọi phát minh của bạn thật là vô nghĩa. Tác giả đưa ra một so sánh thú vị : “…phòng sưu tập của Ê-min thì phong phú hơn các phòng sưu tập của vua chúa ; phòng sưu tập ấy là cả trái đất”. Ê-min có được “bộ sưu tập” quý giá vô tận đó bởi lẽ cậu đã đi bộ đến nhiều nơi, tự mình khám phá vạn vật. Kiến thức của cậu là kiến thức do trải nghiệm thực tế mà có, do đó quý giá vô cùng. Các hình ảnh so sánh của tác giả một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của “đi bộ ngao du”.
Bài viết khép lại khi tác giả cho người đọc thấy rằng đi bộ giúp cho con người sức khoẻ tốt và đặc biệt là có một tinh thần thoải mái. “Biết bao hứng thú khác nhau ta tập hợp được nhờ cách ngao du thú vị ấy, không kể sức khoẻ được tãng cường, tính khí trở nên vui vẻ”. Bên cạnh đó, để thuyết phục, Ru-xô đã đưa ra một sự so sánh giàu ý nghĩa : “Tôi thường thấy những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ ; còn những người đi bộ lại luôn luôn vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả”. Không phải nhà văn muốn phủ định những phương tiện tối tân hiện đại mà ông chỉ muốn khẳng định sức mạnh tinh thẩn mà đi bộ đem lại cho con người. Có thể đi bộ không giúp con người di chuyển nhanh hơn nhưng đi bộ ngao du chắc chắn sẽ giúp con người thoải mái, sảng khoái hơn. Ru-xô vẫn đưa ra lòi khuyên cho con người, đó là : “Khi ta chỉ muốn đến một nơi nào, ta có thể phóng bằng xe ngựa trạm ; nhưng khi ta muốn ngao du, thì cần phải đi bộ”. Điều này khiến người đọc thấy rằng không phải nhà văn Ru-xô chỉ có cái nhìn một chiều khẳng định tuyệt đối ích lợi của việc đi bộ ngao du mà đó là cái nhìn đa chiều, không hề phô trương, sáo rỗng. Ta càng bị thuyết phục hơn khi biết rằng chính cuộc đời Ru-xô đã từng phiêu bạt nhiều nơi để kiếm sống vì ông mồ côi mẹ từ nhỏ. Như vậy, từng lời văn như thấm đượm sự trải nghiệm, sự vất vả nhọc nhằn của chính tác giả.
Chỉ qua một bài viết ngắn nhưng tôi tin rằng với lối viết lập luận chặt chẽ, lô gích, người đọc sẽ bị thuyết phục khi đọc tác phẩm Đi bộ ngao du của Ru-xô. Tuy Ru-xô viết vào thế kỉ XVIII nhưng tác phẩm sẽ còn giá trị với mọi thời đại. Giữa xã hội xô bồ, náo nhiệt hôm nay, chúng ta hãy thử dành chút ít thời gian để “đi bộ ngao du”, biết đâu chúng ta sẽ khám phá ra những vẻ đẹp tuyệt mĩ của cuộc sống, những vẻ đẹp trước đây ta đã vô tình bỏ qua.

HOÀNG LAN

Lời nhận xét :
– Bài viết thể hiện được cái nhìn riêng của mình về tác phẩm. Bạn Hoàng Lan đã tạo ấn tượng với người đọc ngay từ mở bài rất tự nhiên, chân thực.
– Bên cạnh đó, Hoàng Lan đã phân tích làm nổi bật quan niệm độc đáo của Ru-xô vê’ Đi bộ ngao du, đặc biệt bạn thể hiện tốt sự lập luận lô gích của mình khi phân tích cấu trúc chặt chẽ của văn bản.
– Văn phong trong sáng, mạch lạc. Đọc bài vân của bạn, người đọc sẽ có những suy ngẫm về chính bản thân mình : “Giữa xã hội xô bồ, náo nhiệt hôm nay, chúng ta hãy thử dành chút ít thời gian để ‘‘đi bộ ngao du ”, biết đâu chúng ta sẽ khám phá ra những vẻ đẹp tuyệt mĩ của cuộc sống, những vẻ đẹp trước đây ta đã vô tình bỏ qua”

Xem thêm Tầm quan trọng của việc học qua bài viết Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận