Tầm quan trọng của việc học qua bài viết Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp.

Đang tải...

ĐỀ BÀI

Tầm quan trọng của việc học qua bài viết Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp.

Bài làm

Mỗi con người khi sinh ra đều có xuất phát điểm giống nhau, không ai là thiên tài, vĩ nhân ngay từ khi mới lọt lòng. Tất cả tri thức mà con người có được đều do việc học tập, tu dưỡng mà thành. Một đất nước muốn phát triển phải có những nhân tài, hào kiệt. Do đó, từ xưa đến nay vấn đề giáo dục, cách thức học tập của con người được rất nhiều người quan tâm. Thời vua Quang Trung, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã dâng tấu để Bàn luận về phép học, đó thực sự là tấu trương của một vị quan hết lòng vì dân, vì nước.
Đoạn trích Luận học pháp tuy chỉ là một chương trong bài tấu của La Sơn Phu Tử nhưng tự nó đã thành một văn bản hoàn chỉnh với cách lập luận rất chặt chẽ.
Mở đầu bài viết, tác giả đã nêu lên tầm quan trọng của việc học cũng như thực trạng tiêu cực của việc học đang hiện hành. “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”. Tác giả sử dụng lối viết phủ định để mà khẳng định ; khẳng định, nếu con người không học không thể nào biết đến “đạo”. “Đạo” theo tác giả không phải là cái gì quá xa vời mà là “lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người”, hẹp là quan hệ giữa người với người, rộng là quan hệ trong xã hội. Với xã hội phong kiến, đó chính là “tam cương, ngũ thường”, những quan hệ rường cột của xã hội. Việc học đóng vai trò quan trọng nhưng tác giả đã nêu ra một thực trạng đáng buồn của việc học ở nước ta thời bấy giờ : “nền chính học đã bị thất truyền. Người ta đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn biết đến tam cương, ngũ thường”. Lối học “hình thức” là nguyên nhân chính dẫn đến sự sa sút của nền giáo dục. Người học không có ý thức trau dồi đạo đức, học không để “lập đức”, “lập công” mà chỉ vì “danh lợi”. Một thứ danh lợi phù phiếm, nhất thời. Thảm hoạ hơn, chính những con người học vì danh lợi đó lại trở thành những rường cột của đất nước : “Chúa tầm thường, thần nịnh hót”. Hậu quả tất yếu sẽ kéo theo là : “nước mất, nhà tan”. La Sơn Phu Tử đưa ra những dẫn chứng không phải chỉ nhằm cảnh báo mà đó thực sự là hiện trạng của việc học đương thời. Nếu không có biện pháp để chấn hưng thì những hậu quả tất yếu sẽ xảy ra.
Cách lập luận của nhà văn rất lô gích, các vế câu có mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả chặt chẽ khiến cho lời vãn giàu sức thuyết phục.
Trên cơ sở nêu lên tầm quan trọng của việc học cũng như thực trạng tiêu cực của nền học vấn hiện hành, Nguyễn Thiếp đã đưa ra biện pháp khôi phục nền “chính học”. Ông thực sự là một người có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, khi đưa ra các biện pháp theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Thứ nhất, theo ông, để chấn hưng nền chính học, việc trước mắt là cần phải mở rộng trường học “cho thầy trò trường học của phủ, huyện, các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đểu tuỳ đâu tiện đấy mà đi học”. Việc học phải được tiến hành dưới mọi hình thức phổ biến, khiến cho ai ai cũng ý thức được sự cần thiết của việc học. Chỉ khi người dân ý thức được như vậy, họ mới có đam mê học hỏi thực sự.
Thứ hai, ông đã đưa ra các phương pháp cụ thể để chấn hưng phép học. Phương pháp đầu tiên đó là học phải vừa sức, phù hợp với từng trình độ, lứa tuổi : “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học tứ thư, ngũ kinh, chư sử”. Việc học phải là cả một quá trình, chia ra làm nhiều giai đoạn, không thể đốt cháy giai đoạn. Có như vậy mới xây dựng được tri thức nền tảng. Phương pháp thứ hai, La Sơn Phu Tử đưa ra đó là “Học rộng rồi tóm lược cho gọn”, có nghĩa là học rộng, biết nhiều nhưng để nắm vững thì phải biết tóm lược, chắt lọc những ý chính để biến kiến thức đó thành kiến thức chung của mình. Suy cho cùng, mục đích của việc tóm tắt chính là để hiểu một cách sâu sắc hơn. Phương pháp cuối cùng mà bề tôi của Quang Trung đưa ra đó là “theo điều học mà làm”, tức phải gắn những điều học được vào thực tiễn, học để mà làm. Đây mới là cái đích thực sự của việc học. Nếu chúng ta chỉ học lí thuyết mà không biết gắn nó với thực tiễn thì lí thuyết mãi chỉ là lí thuyết, không có giá trị, ý nghĩa. Học là để có thể cải thiện cuộc sống, làm cho nó tốt đẹp lên. Nhà văn đã nêu ra những phương pháp học tập rất xác đáng, có ý nghĩa phổ quát.
Tác giả có một niềm tin mãnh liệt vào phương pháp mà mình đưa ra, hi vọng rằng những phương pháp đó sẽ chấn hưng nền giáo dục nước nhà, góp phần sản sinh ra nhiều nhân tài, hào kiệt cho đất nước : “Đạo học thành thì người tốt nhiều ; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”.
Với cách lập luận lô gích, bố cục chặt chẽ, mạch lạc, tấu chương của La Sơn Phu Tử thật sự là những lời tâm huyết, những kinh nghiệm quý giá của một vị quan hết lòng vì dân, vì nước. Những luận bàn của ông về phép học thực sự là quan niệm đúng đắn, có giá trị với mọi thời. Thiết nghĩ, hiện nay nền giáo dục Việt Nam hiện đại cũng đang tích cực đổi mới theo hướng mà La Sơn Phu Tử đã nêu ra cách đây hơn hai trăm năm. Vậy chúng ta những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ làm gì để trở thành người có ích cho xã hội. Tôi nghĩ rằng, sau khi đọc Luận pháp học, mỗi chúng ta đều đã tìm ra cho mình một cách học đúng đắn nhất.

NGUYỄN HOÀNG MINH

Lời nhận xét :
– Bạn dã vào bài, kết bài tự nhiên, lôi cuốn.
– Hoàng Minh bám sát văn bản, phần tích làm sáng rõ những luận điểm bàn vế Luận pháp học, lập luận chặt chẽ, lô gich.
– Bàn vê việc học không phải dể dàng, đã có nhiều người bàn đến nhưng thuyết phục, hấp dẫn được người đọc thì không phái dễ. Trong lịch sử giáo dục thì giáo dục lòng yêu lao động là khó nhất. Học tập là thứ lao động nghiệt ngã và bền bỉ để đi tới vinh quang hơn mọi thứ lao động trên thế gian này. Vì vậy, sự hấp dẫn của việc học rất khó nói, khó bàn. La Sơn Phu Tử đã thành công. Học sinh Hoàng Minh đã hiểu những vấn đề cơ bản nhất của đề và thể hiện tốt trong bài viết.

Xem thêm Hình ảnh đất nước văn hiến qua đoạn trích Nước Đại Việt ta (Bình Ngô đại cáo) của Nguyễn Trãi tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận