Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn – Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc – Năm học 2014 – 2015

Đang tải...

Đề tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn

B. ĐỀ THI VÀO LỚP 10 CHUYÊN VĂN

ĐỀ 11

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 CHUYÊN VĂN

TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC 

NĂM HỌC 2014 – 2015

(Thời gian làm bài: 150 phút)

Câu 1: (1,0 điểm)

Phát hiện và phân tích hiệu quả thẩm mĩ của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

        Thương nhau, tre chẳng ở riêng

   Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người!

(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)

Câu 2: (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) trình bày suy nghĩ của em về ước mơ của con người trong cuộc sống.

Câu 3: (6,0 điểm)

Trong văn bản Tiếng nói của văn nghệ (Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục), Nguyễn Đình Thi viết: “Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn người”.

Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê (Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục).

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1: (1,0 điểm)

– Phát hiện biện pháp tu từ: (0,5 điểm)

+ Nhân hoá: cây tre được nhân hoá có những cử chỉ, hành động, tình cảm như con người: thân bọc lấy thân, tay ôm tay níu, thương nhau, ở riêng.

+ Ẩn dụ: cây tre mang ý nghĩa biểu tượng cho con người Việt Nam.

– Phân tích hiệu quả: (0,5 điểm)

+ Dùng biện pháp nhân hoá thân bọc lẩy thân, tay ôm tay níu, thương nhau, ở riêng khiến cho hình ảnh cây tre được miêu tả sinh động: Tre quấn quýt, nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua gió bão mưa dông.

+ Dùng biện pháp ẩn dụ hình ảnh cây tre gợi hình ảnh con người Việt Nam đoàn kết, gắn bó, che chở cho nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn.

Câu 2:

* Yêu cầu về kĩ năng:

Hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức:

Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song phải thể hiện rõ quan điểm của mình về ước mơ của con người trong cuộc sống. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận. (0,25 điểm)

b) Thân bài:

– Giải thích: ước mơ là khao khát, mong muốn những điều tốt đẹp trong tương lai. (0,5 điểm)

– Vai trò của ước mơ trong cuộc sống mỗi con người: giúp con người luôn có niềm tin, không bi quan chán nản trước những khó khăn thất bại; là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh tinh thần để con người phấn đấu, từ đó vươn lên hoàn thiện mình, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp. (0,75 điểm)

– Sống không có ước mơ: đồng nghĩa với việc con người luôn bằng lòng vói những gì sẵn có, không có mục đích lí tưởng, không có động lực, sống một cách thụ động. Vì vậy khó chiếm lĩnh được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. (0,5 điểm)

– Làm gì để ước mơ biến thành hiện thực: mong muốn những điều không quá xa vời mà gần với thực tế, với khả năng của bản thân; biến ước mơ thành khát vọng cháy bỏng, có niềm đam mê, tự tin và hành động kiên trì, có kế hoạch cụ thể để biến ước mơ thành hiện thực. (0,75 điểm)

c) Kết bài: Rút ra bài học và liên hệ bản thân. (0,25 điểm)

Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, cần phân tích được một số dẫn chứng tiêu biểu.

Câu 3: (6,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

Hiểu đúng yêu cầu của đề bài; vận dụng tốt các kĩ năng làm văn để viết bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

* Yêu cầu về kiến thức:

Có thế trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề bài, nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tuỳ tiện. Bài viết phải giải thích rõ nhận định của Nguyễn Đình Thi bằng việc phân tích tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. (0,5 điểm)

b) Thân bài:

– Giải thích: (0,75 điểm)

+ Từ ngữ: “bắt rễ”: bám chắc, bám sâu vào; “cuộc đời hằng ngày của con người cuộc sống sinh hoạt và làm việc hằng ngày của cá nhân hoặc dân tộc; “văn nghệ”-, văn học nghệ thuật; “tạo được sự sống cho tâm hồn người làm cho đời sống tâm hồn con người trở nên phong phú, sinh động, có ý nghĩa.

+ Cả câu: Văn học nghệ thuật xuất phát từ đời sống hằng ngày của con người và tác động trở lại làm cho đời sống tâm hồn của con người trở nên phong phú, sinh động, ý nghĩa.

Câu nói của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nguồn gốc của văn học nghệ thuật (xuất phát từ đời sống hiện thực – lấy chất liệu sáng tác từ đời sống) và vai trò, tác động của văn nghệ đối với đời sống tâm hồn người thưởng thức, tiếp nhận. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa văn nghệ và hiện thực đời sống.

– Bình luận: (0,75 điểm)

Ý kiến của Nguyễn Đình Thi hoàn toàn xác đáng. Thực tế, văn nghệ không thể xa rời cuộc sống. Nếu xa rời cuộc sống, văn nghệ sẽ không có chỗ đứng trong lòng độc giả. Văn nghệ phải xuất phát từ cuộc sống, viết về cuộc sống, nhất là cuộc sống của nhân dân lao động. Cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ cày xới để đem lại những mùa vàng bội thu. Mặt khác, các tác phẩm văn nghệ ra đời, quay trở lại phục vụ đời sống hằng ngày của con người, là món ăn tinh thần vô giá, bồi đắp tâm hồn con người, giúp con người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn. Đó là quy luật phát triển và tồn tại, cũng là sức mạnh và ý nghĩa kì diệu của văn nghệ đối với đời sống của con người.

– Chứng minh qua tác phẩm Những ngôi sao xa xôi: (2,5 điểm)

+ Hiện thực cuộc sống trong tác phẩm: hiện thực về cuộc sống của ba cô gái thanh niên xung phong làm công tác trinh sát và phá bom, thông đường trên một cao điểm của đường Trường Sơn những năm tháng chống Mỹ. Đó là cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là họ phải đối mặt từng giờ với bom rơi đạn nổ trên một cao điểm trọng yếu của đường Trường Sơn với công việc trinh sát, phá bom rất nguy hiểm. Hiện thực chiến tranh tàn khốc đã được thể hiện rất sinh động, rõ nét trong tác phẩm.

+ Tác phẩm bồi đắp tâm hồn con người:

Người đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn tuyệt vời của ba cô gái thanh niên xung phong – đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ: tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần lạc quan, dũng cảm, dám vượt lên mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Từ đó không khỏi khâm phục, tự hào về thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời có ý thức rèn luyện, tu dưỡng bản thân để sống có ích cho xã hội.

Đọc tác phẩm, các thế hệ độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ may mắn không phải trải qua chiến tranh, hiểu rõ hơn về sự khốc liệt của đời sống con người trong chiến tranh. Từ đó có ý thức hon trong việc bảo vệ, giữ gìn cuộc sống hoà bình của quê hương, đất nước.

Lưu ý: Với mỗi luận điểm, cần lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu để phân tích.

– Đánh giá: (0,5 điểm)

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ qua lại giữa văn nghệ và đời sống con người. Nhờ có mối quan hệ này, vượt qua không gian, thời gian, tác phẩm văn học nói riêng, văn nghệ nói chung mới tạo được sức sống lâu bền trong lòng độc giả; đời sống tâm hồn con người mới ngày càng trở nên phong phú, hoàn thiện. Nhận định của Nguyễn Đình Thi thực sự có tầm khái quát rất lớn.

– Bài học về sự tiếp nhận: (0,5 điểm)

Khi đọc các tác phẩm văn học, cần tìm hiểu được đặc điểm của đời sống được phản ánh trong tác phẩm, hiểu được tư tưởng, tình cảm của nhà văn, rút ra những bài học bổ ích cho bản thân.

c) Kết bài: Khái quát lại vấn đề. (0,5 điểm)

Tải về file word  >>  tại đây

>> Xem thêm:

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận