Đề ôn thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD120152

Đang tải...

Đề ôn luyện thi THPT Quốc gia Ngữ văn

ĐỀ SỐ 52

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

                           Tự Sự

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy

Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm ?

Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mâm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.

Hạnh phúc củng như bầu trời này vậy

Đâu chỉ dành cho một riêng ai.

(Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Xác định hai phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Anh/ Chị hiểu thế nào về ý nghĩa hai câu thơ sau:

Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.

Câu 3. Theo anh/ chị, vì sao tác giả nói rằng:

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung của phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hai câu thơ:

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm.

Câu 2. Bàn về thơ Tố Hữu, Xuân Diệu từng khẳng định: “Tố Hữu đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.” (Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2000). Anh/ Chị hãy phân tích đoạn trích sau để làm sáng tỏ nhận định trên:

…Những đường Việt Bắc của ta

Đềm đêm rẩm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mủ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bấc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2008)

***GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Hai phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: nghị luận và biểu cảm.

Câu 2. Ý nghĩa 2 câu thơ:

Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.

– “Đất” – nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cho hạt nảy mầm. Nhưng đất không phải của riêng cho một hạt mầm nào. Cũng như cuộc sống trong cõi đời này không dành riêng cho một ai mà cho tất cả chúng ta. Hạnh phúc ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp, muốn có hạnh phúc, tự mỗi người phải có suy nghĩ và hành động tích cực; phải nỗ lực vươn lên, như “những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”.

Câu 3. Tác giả cho rằng:

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta

Bởi vì, “đường đời trơn láng” tức là cuộc sống quá bằng phẳng, yên ổn, không có trở ngại, khó khăn. Con người không được đặt vào hoàn cảnh có khó khăn, thách thức, không phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại, thử thách để đến được đích, khi đó con người không có cơ hội để thể hiện mình nên cũng không khám phá và khẳng định được hết những gì mình có; không đánh giá hết ưu điểm cũng như nhược điểm của bản thân. Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.

Câu 4. Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ của bản thân về thông điệp ấy:
– Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ; biết nâng niu, trân trọng những cái nhỏ bé trong cuộc sổng mới có được hạnh phúc lớn lao.
– Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
– Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.
– Cuộc sống khống phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

* Tham khảo những ý sau để viết đoạn văn:
– Nêu vấn để cần nghị luận: Thái độ của con người trước cuộc sống.
– Giải thích
+ Cuộc đời méo mó: cuộc đời không bằng phẳng, chứa đựng nhiều ngang trái, trớ trêu, oái oăm, thậm chí là xấu xa, tồi tệ. Vì bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn toàn chỉ là những điều tốt đẹp. Không nên đòi hỏi sự hoàn hảo trong cuộc sống.
+ Tâm: là tấm lòng, là tình cảm chân thành.
+ “Tròn tự trong tâm”: là cái nhìn, thái độ, suy nghĩ đúng đắn của con người, tích cực, lạc quan trước cuộc đời cho dù hoàn cảnh như thế nào.
– Bàn luận
+ Thói đời, con người thường hay chê bai, oán thán, cay cú, hậm hực khi cuộc sống không được như mong muốn. Chính cái “chê” ấy nhiều khi khiến cuộc đời trở nên “méo mó” hơn trước mắt chúng ta.
+ Thái độ “tròn tự trong tâm” là thái độ tích cực, chủ động trước hoàn cảnh. Đây là thái độ sống đúng, làm đúng, không gục ngã trước khó khăn, trước phi lí bất công. Thái độ này sẽ giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội.
– Bài học nhận thức và hành động
+ Con người hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống chỉ cẩn mỗi cá nhân chủ động, tích cực từ trong tâm. “Thiên đường” hay “địa ngục” đều do mình quyết định.
+ Câu thơ như một lời nhắc nhở, nêu lên một phương châm sống cho mỗi người trước cuộc đời.

Câu 2.
* Tham khảo dàn ý dưới đây:
1. Mở bài
– Giới thiệu Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc: Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, thơ ông mang chất trữ tình chính trị; bài thơ Việt Bắc tiêu biểu cho đặc điểm đó.
– Giới thiệu đoạn trích, vấn để nghị luận.
2. Thân bài
a. Giải thích
* Chất chính trị trong thơ Tổ Hữu:
– Là thơ viết về vấn đề chính trị, dùng để phục vụ hoạt động chính trị.
– Tính chính trị trong bài Việt Bắc nói chung, trong đoạn thơ này nói riêng nêu lên mối quan hệ giữa nhân dân với cách mạng và lãnh tụ trong kháng chiến.
* Chất trữ tình trong đoạn thơ:
– Biểu hiện:
+ Nội dung: diễn tả tình cảm thắm thiết giữa người đi, người ở, là tình cảm của những đôi lứa yêu nhau.
+ Ngôn ngữ: giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu.
+ Giọng điệu tâm tình ngọt ngào, tha thiết.
+ Nhịp điệu thơ: nhẹ nhàng, uyển chuyển, là nhịp của những lời ca dân gian.
+ Kết cấu đối đáp trong khung cảnh chia tay đầy lưu luyến – đây là một mô típ quen thuộc trong ca dao, dân ca.
+ Bài Việt Bắc nói chung, đoạn trích nói riêng thể hiện sự trân trọng, thiết tha với mọi nghĩa tình, ân tình, để cao đạo lí thủy chung, son sắt – là những quan niệm đạo lí và cách sống đã thành truyền thống của dần tộc Việt Nam.
b) Chứng minh
Thí sinh phân tích các câu thơ, từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, cách ngắt nhịp, kết cấu trong đoạn thơ để làm rõ các luận điểm nêu ra trong bài làm.

3. Kết luận
Thơ Tố Hữu là thơ thấm đẫm chất trữ tình chính trị cả nội dung lẫn nghệ thuật. Bài thơ Việt Bắc nói chung, đoạn trích trên đây nói riêng đã thể hiện rất rõ đặc điểm đó. Nhận định của Xuân Diệu có ý nghĩa khái quát lại một đặc điểm nổi bật, bao trùm lên toàn bộ sự nghiệp thơ Tố Hữu, khẳng định vị trí của nhà thơ với thơ ca cách mạng của dân tộc.

>>> Xem thêm: Đề ôn thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD120151 tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận