Đề ôn thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD120144

Đang tải...

Đề ôn thi THPT Quốc gia Ngữ văn

ĐỀ SỐ 44

I. ĐỌC HIẾU

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Đánh giá đời sống của mỗi người cao hay thấp hãy nhìn vào thời gian nhàn rỗi của họ. Có người làm việc “đầu tắt mặt tối” không có lấy chút nhàn rỗi. Có người phung phí thời gian ấy vào các cuộc nhậu nhẹt triền miên. Có người biết dùng thời gian ấy để phát triển chính mình. Phải làm sao để mỗi người có thời gian nhàn rỗi và biết sử dụng hữu ích thời gian ấy là một vấn đề lởn của xã hội có văn hóa.
Đánh giá đời sống một xã hội cũng phải xem xã hội ấy đã tạo điêu kiện cho con người sống với thời gian nhàn rỗi như thế nào. Công viên, bảo tàng, thư viện, nhà hát, nhà hàng, câu lạc bộ, sân vận động, điểm vui chơi,… là những cái không thể thiếu. Xã hội càng phát triển thì các phương tiện ấy càng nhiêu, càng đa dạng và càng hiện đại. Xã hội ta đang chăm lo các phương tiện ấy, nhưng vẫn còn chậm, còn sơ sài, chưa có sự quan tâm đúng mức, nhất là ở các vùng nông thôn.
Thời gian nhàn rỗi chính là thời gian của văn hóa và phát triển. Mọi người và toàn xã hội hãy chăm lo thời gian nhàn rỗi của mỗi người.

(Theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011)

Câu 1. Đoạn trích trên chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?
Câu 2. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên.
Câu 3. Đặt nhan đề cho đoạn trích.
Câu 4. Nêu ít nhất 03 biện pháp để sử dụng thời gian nhàn rỗi của bản thân một cách hợp lí.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến của M. Goor-ki: “Kẻ nào không biết tới ngày mai, kẻ đó là người bất hạnh”.

Câu 2. Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau để làm rõ nét tương đồng và khác biệt của cái “tôi” trữ tình ở mỗi nhà thơ trước khung cảnh sông nước.

Người đi Chấu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hổn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

(Tây Tiến, Quang Dũng)

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyên ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)

**GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Đoạn trích trên chủ yếu sử dụng thao tác lập luận bình luận.
Câu 2. Nội dung của đoạn trích: Nói về việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của mỗi người, nêu thực trạng và kêu gọi mọi người và xã hội hãy chăm lo thời gian nhàn rỗi của mỗi người bởi đó là vấn đề của văn hóa và phát triển.
Câu 3. Có thể đặt nhan đề đoạn trích là: Sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào hoặc: Sử dụng thời gian nhàn rỗi – vấn đề văn hóa và phát triển,…
Câu 4. Ví dụ: đọc sách, chơi thể thao, vẽ tranh, đi du lịch,…

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Giải thích
– Ngày mai: Là thời gian của cá nhân hoặc của đời sống xã hội, thường chỉ tương lai tốt đẹp.
– Biết: Ở đây hiểu là có thể nhận ra điều gì đó, nắm được quy luật vận động của sự vật, hiện tượng của cuộc sống.
– Bất hạnh: Là không có được hạnh phúc, không có được những điều tốt đẹp…
– Ý kiến của M.Goor-ki khẳng định: Kẻ nào không biết nghĩ đến tương lai (của bản thân, của cộng đổng, dân tộc,.. .) không nắm được quy luật vận động của cuộc sống thì sẽ bất hạnh.

b. Phân tích – chứng minh
* Con đường đi tới tương lai đối với mỗi cá nhân:
– Con đường đi tới ngày mai của mỗi người như thế nào tùy thuộc vào nhận thức, ý thức của người đó.
– Con đường tương lai được xây đắp từ sự nỗ lực vươn lên của bản thần mỗi người trong học tập, lao động, sáng tạo…
(Dẫn chứng: Cô gái có nickname Huyền Chip đã đi vòng quanh thế giới từ năm 20 tuổi, chỉ với 700 USD trong tay..
* Con đường đi tôi tương lai đối với cộng đồng, xã hội:
– Mỗi cá nhân đều góp phần vào sự thịnh – suy và tương lai của xã hội, dù đó là đóng
góp nhỏ hay lớn.
(Dẫn chứng: Thành công của Ngô Bảo Châu và sự vinh danh trí tuệ Việt Nam qua giải thưởng Fields; Vì một hành tinh xanh, mỗi người hưởng ứng “Giờ Trái Đất”…).

c. Bình luận
– Ý kiến M. Goor-ki chứa đựng một nhân sinh quan tích cực, hướng ta vươn tới một cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị.
– Cuộc sống hiện đại mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, đòi hỏi con người phải năng động và sáng tạo để không bị tụt hậu.

d. Bài học nhận thức và hành động
Nhận thức: Sống là phải biết ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình. Đừng chờ đợi ngày mai đến mà chúng ta phải chủ động bước tới ngày mai.
Hành động: Mỗi người cẩn nhận thức đúng đắn về cuộc sống, về tương lai của chính mình, cần xác định một lẽ sống cao đẹp, một cuộc sống có ý nghĩa cho cuộc đời mình và xã hội. Phải biết hành động để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Câu 2.
* Tham khảo dàn bài gợi ý
I. Mở bài
Giới thiệu hai tác giả, hai bài thơ, hai đoạn thơ.
II. Thân bài
1) Ý khái quát
Nêu vài nét về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn thơ cần phân tích.
2) Phân tích, cảm nhận từng đoạn thơ
a. Đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến” là cảnh sông nước miên Tây hoang sơ, thơ mộng, trữ tình
– Giữa khói sương của hoài niệm, Quang Dũng nhớ về một “chiều sương ấy” – khoảng thời gian chưa xác định rõ ràng nhưng dường như đã khắc sâu thành nỗi nhớ, niềm thương đau đáu trong tâm trí nhà thơ. Đó có thể là khi đoàn quân chia tay một bản làng Tây Bắc chăng? Quá khứ vọng về là những hình ảnh mờ mờ ảo ảo, lung linh huyền hoặc “hồn lau nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc” và “hoa đong đưa”. Cảnh vật hiện lên qua nét vẽ của Quang Dũng dù rất mong manh, mơ hồ nhưng lại giàu sức gợi, giàu chất thơ, đậm chất lãng mạn của người lính Hà thành:

        Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

        Có nhớ dáng người trên độc mộc

Câu hỏi tu từ với phép điệp “có thấy”, “có nhớ” dồn dập như gọi về biết bao kỉ niệm của một thời đã xa. Trong tâm tưởng của nhà thơ, cây lau tưởng như vô tri vô giác cũng có linh hổn. Cách nhân hoá có thần đã khiến thiên nhiên trở nên đa tình và thơ mộng hơn. Thiên nhiên mang “hồn” là bởi nhà thơ có cái nhìn hào hoa, nhạy cảm hay bởi nơi đây còn vương vất linh hổn những đồng đội của nhà thơ? Sự cảm nhận tinh tế hoà quyện với thanh âm da diết của nỗi nhớ đã khiến vần thơ thêm chứa chan xúc cảm.
– Bên cạnh thiên nhiên, hình ảnh con người thấp thoáng trở về trong hồi ức của Quang Dũng. “Trên độc mộc” – chiếc thuyền làm bằng cây gỗ lớn – bóng dáng con người hiện lên đẩỵ kiêu hùng, dũng cảm mà tài hoa, khéo léo giữa dòng nước xối xả, mạnh mẽ, đặc trưng của miền Tây. Phải chăng, tư thế đó đủ để người đọc nhận ra vẻ đẹp riêng của con người Tây Bắc, của đoàn quân Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng?
– “Dáng người” ở đây có thể là dáng hình của người Tây Bắc, cũng có thể là chính những chiến sĩ Tây Tiến đang đối mặt với thách thức của thiên nhiên dữ dội? Dù hiểu theo cách nào, dáng người trong thơ Quang Dũng cũng luôn khảm sâu trong tâm trí nhà thơ, luôn hiên ngang, kiêu hùng, uyển chuyển, tài hoa và khéo léo:

                Trôi dòng nước lủ hoa đong đưa.

– Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những chi tiết “đắt” nhất mà Quang Dũng tạo nên cho bức tranh thiên nhiên miền Tây, đoá hoa giữa dòng là hội tụ của cái nhìn đa tình vốn có trong tâm hồn người lính Hà thành trẻ tuổi và vẻ thơ mộng của cảnh sắc nơi đây. Nói như thế là bởi, ta nghiệm ra rằng, hình ảnh “hoa đong đưa’’ khi đang “trôi dòng nước lũ” là hình ảnh không thể có trong thực tại nhưng lại rất hợp lí khi đặt giữa mạch cảm hứng trữ tình của bài thơ.
+ Cánh hoa như đôi mắt của các cô gái đưa tình với người lính trẻ hay bởi tâm hồn các anh quá hào hoa, quá lãng mạn, yêu đời nên mới có thể nhìn thiên nhiên bằng cái nhìn đa tình đến như thế?
+ Bằng bút pháp lãng mạn với phép nhân hoá, Quang Dũng đã vẽ nên nét vẽ thần tình, thâu tóm trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, gửi gắm vào đó cả nỗi nhớ niềm thương luôn cháy bỏng trong trái tim ông. Phải yêu lắm đổng đội, yêu lắm thiên nhiên và con người nơi đây thì Quang Dũng mới có thể diễn tả tinh tế vẻ đẹp của chiểu sương cao nguyên đến như vậy!
– Bút pháp lãng mạn hào hoa, phép nhân hoá thần tình, cách dùng điệp từ khéo léo đã quyện hoà với nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi ngoai trong sầu thẳm tâm trí nhà thơ về đổng đội và thiên nhiên miền Tây Tổ quốc, tất cả tạo nên điểm sáng lấp lánh của tâm hổn một người chiến sĩ thiết tha với Tây Tiến, với quê hương.

b. Đoạn thơ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” là khung cảnh sông nước xứ Huế qua cảm nhận của cái tôi trữ tình đầy tâm trạng
– Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi “nắng mới lên”… Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ đến một miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có gió, nhưng “gió theo lối gió”; cũng có mây, nhưng “mây đường mây”: Mây gió đôi đường, đôi ngả.
– Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi cho ta một không gian gió, mây chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ “gió” và “mây” được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách nên mới cảm thấy gió mây đôi ngả, đôi đường như tình và lòng người bấy nay. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mặc Tử.
– Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có “dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tầm tưởng thi nhân đã hóa thành “dòng nước buồn thiu”, càng thêm mơ hổ, xa vắng. “Buồn thiu” là nỗi buồn không còn chút hứng thú, héo hon cả gan ruột, một nỗi buồn trong thất vọng triền miên, cứ thấm sâu mãi vào hồn người.
– Bờ bãi đôi bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy “hoa bắp lay” Hoa bắp, hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người.
– Hai câu thơ 14 chữ với bốn thi liệu {gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ, biểu hiện một tâm cảnh: thấm thìa nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
– Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng, cảnh đêm trăng trên dòng Hương giang ngày nào. “Dòng nước buồn thiu” đã biến hóa kì diệu thành “sông trăng” thơ mộng.
Thuyền, ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?
Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử được nhiều người ngợi ca, kết tinh rực rỡ bút pháp nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Một vần lưng tài tình. Chữ “đó” cuối câu 3 bắt vần với chữ “có” đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm “có chở trăng về kịp tối nay?”. “Thuyền ai” phiếm chỉ, gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến đợi “sông trăng” là một nét vẽ thơ mộng và độc đáo. Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người (vì người xa cách chia li) mà chỉ “chở trăng về”, phải “về kịp tối nay” vì đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng. Con thuyền tình của ước vọng nhưng đã thành vô vọng.
Còn đâu cô gái Huế diễm kiểu, e ấp, giờ đây còn lại chỉ là con thuyên mổ côi, khắc khoải đợi chờ trăng.
– Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng. Cảnh đẹp một cách mộng ảo. Cả ba hình ảnh ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm trạng cô đơn, thương nhớ đối với cảnh và người nơi thôn Vĩ. Như ta đã biết, thời trai trẻ, Hàn Mặc Tử đã từng học ở Huế, tùng có một mối tình đơn phương với một thiếu nữ thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng thi sĩ tài hoa đa tình và bất hạnh, đang sống trong cô đơn và bệnh tật, nhớ Vĩ Dạ là nhớ cảnh cũ người xưa. Cảnh “Gió theo lối gió, mây đường mây”, cảnh “Thuyên ai đậu bến sông trăng đó” là cảnh đẹp mà buồn. Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng.

3) Nét tương đồng và khác biệt
a. Tương đồng
+ Cả hai đoạn thơ đều là sự cảm nhận của cái “tôi” trữ tình về khung cảnh sông nước quê hương.
+ Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh yật thêm thơ mộng, huyền ảo, lung linh. Cả hai đoạn thơ đều cho thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.
b. Khác biệt
+ Đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ mang màu sắc, tâm trạng chia li, mong nhớ khắc khoải.
+ Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến mang nỗi nhớ da diết về thiên nhiên miền Tây, về kỉ niệm kháng chiến.

4) Lí giải sự tương đồng và khác biệt
+ Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều là những hổn thơ lãng mạn, tài hoa.

+ Mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng khi đứng trước khung cảnh sông nước.

+ Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thơ của mỗi nhà thơ.

III. Kết bài

Đánh giá chung
– Hai đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của hai nhà thơ ở hai thời cuộc, hai cảnh ngộ khác nhau.
– Hai đoạn thơ kết tinh tài năng nghệ thuật của Hàn Mặc Tử và Quang Dũng.

>>> Xem thêm: Đề luyện thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD120143 tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận