Đề 49 – Trình bày suy nghĩ của em về lòng nhân đạo – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đang tải...

Suy nghĩ của em về lòng nhân đạo

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí

– Giải thích khái niệm “lòng nhân đạo”?

– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho lòng nhân đạo?

– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một người không có lòng nhân đạo thì người đó là người như thế nào?

– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)

– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Bản chất của con người là luôn mong muốn thể hiện tình yêu thương con người với nhau. Điều đó xuất phát từ tấm lòng nhân đạo.

– Vậy lòng nhân đạo có giá trị như thế nào trong xã hội của chúng ta ?

II. THÂN BÀI

a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

Lòng nhân đạo là gì? => Nghĩa là tình thương yêu giữa con người với con người. Nhân đạo là thể hiện nhân cách cao cả của một người, thể hiện tình thương yêu của mình đối với những mảnh đời còn khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Như thế nào? Tại sao? Vì sao?)

• Người có lòng nhân đạo là người như thế nào?

– Người có lòng nhân đạo là người luôn cảm thấy xúc động, xót xa trước những hoàn cảnh cơ cực và mong muốn được mở rộng tấm lòng của mình giúp đỡ những hoàn cảnh ấy.

• Tại sao chúng ta phải có lòng nhân đạo?

+ Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.

+ Giúp cho tình cảm giữa con người với con người ngày càng gắn bó khắng khít hơn.

+ Bồi dưỡng tình cảm cao đẹp trong tâm hồn con người ở mỗi chúng ta.

+ Có lòng nhân đạo, xã hội trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ bớt đi phần nào những hoàn cảnh cơ cực.

+ Dẫn chứng: trong cuộc sống (trên các chương trình truyền hình luôn có những chương trình nhân đạo “Trái tim nhân ái”, “Ngôi nhà mơ ước”, “Vượt lên chính mình”)…nhằm giúp cho những người lao động còn nghèo khó vươn lên trong cuộc sống, hay như ta vẫn thấy có rất nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân thường hay mở rộng tấm lòng ủng hộ gạo, tiền, những vật dụng cần thiết cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt, những vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn….Trong lớp học, tính nhân đạo cũng được thể hiện ở việc bạn bè chung tay giúp đỡ cho các bạn còn khó khăn trong lớp.

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Phê phán, lên án những con người có tính vô nhân đạo. Họ vô cảm, thờ ơ, ghẻ lạnh với những mảnh đời khốn khó trong cuộc sống, không một chút quan tâm.

– Dẫn chứng: Trong cuộc sống, có những ngày bòn rút sức lao động của người lao động nhằm mưu lợi cho mình…

III. KẾT BÀI

– Lòng nhân đạo là đức tính tốt, rất cần thiết cho con người.

– Tập luyện lòng nhân đạo bằng cách mở rộng tấm lòng của mình với mọi người xung quanh. Luôn yêu thương, quan tâm đến những mảnh đời còn khốn khó.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Bản chất của con người là luôn mong muốn được thể hiện tình yêu thương với nhau. Điều đó xuất phát từ tấm lòng nhân đạo. Nó như là một thước đo phẩm chất cao đẹp của con người. Vậy lòng nhân đạo có giá trị như thế nào trong xã hội của chúng ta?

Lòng nhân đạo nghĩa là gì? Lòng nhân đạo nghĩa là tình thương yêu giữa con người với con người. Nhân đạo là thể hiện nhân cách cao cả của một người, thể hiện tình thương yêu của mình đối với những mảnh đời còn khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Vậy người có lòng nhân đạo là người như thế nào? Người có lòng nhân đạo là người luôn cảm thấy xúc động, xót xa trước những hoàn cảnh cơ cực, vất vả và mong muốn được mở rộng tấm lòng của mình giúp đỡ những hoàn cảnh ấy.

Lòng nhân đạo là một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần phải có bởi lẽ nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. Giúp cho tình cảm giữa con người với con người ngày càng gắn bó khắng khít với nhau hơn. Ví như khi ta đi ra ngoài đường, bắt gặp một cảnh người bán vé số bị tật nguyền đang rao vé số thì ta cần mở rộng tấm lòng mình trước hết là cảm thấy thật xúc động, sau nữa là thể hiện bằng một hành động đó là mua ủng hộ một tờ vé số cũng được. Chỉ với một tờ vé số thôi cũng đã đủ thể hiện tấm lòng yêu thương con người. Hoặc chúng ta thông qua các chương trình từ thiện trên truyền hình, ta mở rộng tấm lòng nhân đạo ủng hộ giúp đỡ cho những mảnh đời cơ cực được giới thiệu trên ti vi. Ngoài ra lòng nhân đạo còn bồi dưỡng tình cảm cao đẹp trong tâm hồn con người ở mỗi chúng ta. Có đức tính tốt đẹp này, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ bớt đi phần nào những mảnh đời cơ cực. Trong cuộc sống hằng ngày, vẫn còn xuất hiện những kẻ vô nhân đạo. Họ vô cảm, thờ ơ, ghẻ lạnh với những mảnh đời khốn khó xung quanh họ. Họ không hề có một chút gì bận tâm hay lo lắng.

Nói tóm lại, lòng nhân đạo là một trong những phẩm chất tốt đẹp, rất cần thiết cho chúng ta. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường ta cần rèn luyện, trau dồi lòng nhân đạo bằng cách mở rộng tấm lòng của mình với mọi người xung quanh. Luôn mở rộng lòng mình để yêu thương, quan tâm đến những mảnh đời còn khốn khó trong cuộc sống.

(Bài làm của HS)

>> Xem thêm Đề 50: Trình bày suy nghĩ của em về lòng khoan dung tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận