Đề 48 – Trình bày suy nghĩ của em về lòng tự trọng – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đang tải...

Suy nghĩ của em về lòng tự trọng

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí

– Giải thích khái niệm “lòng tự trọng”?

– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho lòng tự trọng?

– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một người không có lòng tự trọng thì người đó là người như thế nào?

– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)

– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý của con người.

– Vậy lòng tự trọng có giá trị tinh thần như thế nào trong xã hội của chúng ta ?

II. THÂN BÀI

a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

Lòng tự trọng là gì? => Đó là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình.

b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)

Tại sao chúng ta phải có lòng tự trọng ?

+ Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp cần có ở mỗi chúng ta.

+ Cuộc sống của chúng ta còn rất nhiều cạm bẫy, bộn bề, lo toan. Có đức tính “tự trọng” sẽ có thể thanh tẩy tâm hồn, khiến lòng ta bình yên, nhẹ nhàng hơn.

+ Lòng tự trọng biểu hiện cụ thể qua việc: không gian lận trong thi cử, kiểm tra để lấy những con điểm ảo, không tham của rơi phải biết trả lại của rơi cho người bị mất, “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, biết xấu hổ và sửa sai khi bản thân mắc phải sai lầm, việc không tốt.

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Lòng tự trọng quá cao sẽ sinh ra tính tự ái, tự cao, tự đại.

– Bên cạnh đó là những người có lòng tự trọng quá thấp dẫn đến việc dễ sa ngã vào con đường phạm pháp, đánh mất bản thân, không còn phân biệt rõ ràng đâu là đúng đâu là sai.

III. KẾT BÀI

– Lòng tự trọng là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người.

– Cần rèn luyện, trau dồi nhân cách, phẩm giá để có lòng tự trọng, lòng tự trọng thường hay đi cùng với đức tính khiêm tốn, biết người biết ta.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Trong cuộc sống xã hội ngày nay với bao bộn bề, xô bồ và những toan tính; lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tốt giúp chúng ta sống thanh bạch, không trái với lương tâm của mình. Và cũng có thể nói lòng tự trọng là một trong nhũng phẩm chất đạo đức cao quý của con người mà bất cứ ai cũng cần phải có. Vậy lòng tự trọng có giá trị tinh thần như thế nào trong xã hội của chúng ta?

Vậy lòng tự trọng có nghĩa là gì? Lòng tự trọng chính là chúng ta biết coi trọng, gìn giữ phẩm cách, danh dự của mình. Tại sao chúng ta phải có lòng tự trọng? Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người mà ai ai cũng cần phải có. Cuộc sống của chúng ta trong một xã hội đầy bộn bề hiện giờ có rất nhiều cạm bẫy đang chờ đón chúng ta ở phía trước. Quan trọng là chúng ta có đủ bình tĩnh, sự sáng suốt để vượt qua những cạm bẫy đó hay không, để không bị lôi kéo theo những cái xấu. Có đức tính “tự trọng” chúng ta có thể thanh tẩy tâm hồn mình, khiến cho lòng ta bình yên, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Lòng tự trọng còn được biểu hiện cụ thể qua các sự việc như không gian lận trong thi cử, kiểm tra để lấy những con điểm ảo làm bài bằng chính khả năng vốn có của mình, không tham của rơi phải biết trả lại của rơi cho người bị mất, “nghèo cho sạch rách cho thơm” như ông bà ta vẫn thường dạy mặc dù có thể lúc đó hoàn cảnh của chúng ta rất nghèo khó, cực khổ. Và thêm một sự việc cũng thể hiện được lòng tự trọng của mình đó là khi chúng ta mắc phải những lỗi lầm, lỗi sai thi bản thân phải mạnh dạn nhận lỗi, phải biết xấu hổ và sửa sai lỗi lầm ấy.

Nhưng nếu chúng ta có lòng tự trọng quá cao dễ khiến cho người khác hiểu lầm. Bản thân ta cũng từ đó mà sinh ra tự ái, biểu hiện cao hơn nữa đó là tính tự cao, tự đại xem ai không ra gì. Ngoài ra, cũng có những con người có lòng tự trọng quá thấp thì dễ dẫn đến việc sa ngã vào con đường phạm pháp, đánh mất bản thân, không có khả năng phân biệt đâu là đúng đâu là sai nữa. Nói tóm lại, lòng tự trọng là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người mà ai ai cũng nên trang bị cho riêng mình. Riêng em sẽ luôn trau dồi, rèn luyện nhân cách, phẩm giá của mình để từ đó đạt đến sự hoàn thiện bản thân.

(Bài làm của HS)

>> Xem thêm Đề 49: Trình bày suy nghĩ của em về lòng nhân đạo tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận