Đáp án – Gợi ý chuyên đề Tục ngữ – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TỤC NGỮ

III – ĐÁP ÁN – GỢI Ý

          Trắc nghiệm

          1. b           2. d           3. c            4. b            5. b

          Tự luận

          1.a) Nhịp của tục ngữ thể hiện ở các điểm ngừng khi nói. Nhịp là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cấu trúc đối xứng của câu tục ngữ, làm cho cấu trúc đối xứng hiện ra khi nói.

          – Đối xứng giữa hai vế: Đầu gà/ má lợn ; Có công mài sắt/ có ngày nên kim.

          – Đối xứng nhiều vế : Đầu chép/mép trôi/ môi mè ; Chè hàng nồi/ xôi hàng chõ/ võ hàng đời.

          Nhịp của tục ngữ khá linh hoạt, không cố định vào khuôn hình nào. Nhưng nhịp lại quan trọng trong khi xác định nghĩa của câu tục ngữ. Có khi ngắt nhịp sai khiến hiểu sai câu tục ngữ : Bún/ giá/ cá/ ruốc (4 thứ quà ngon).

          Giữa nhịp và cấu trúc có mối quan hệ với nhau. Nhịp là nơi chứa đựng trục đối xứng (khi kết từ đã bị tỉnh lược : Tấc đất /tấc vàng).

          b) Vần thực hiện chức năng giữ nhịp cho câu tục ngữ và góp phần làm nổi bật ý nghĩa quan trọng trong câu. Chức năng nghệ thuật của vần còn thể hiện ở chỗ nó làm cho các câu tục ngữ trở nên mượt mà, xuôi tai, thuận miệng dễ nhớ…

          Có 2 loại vần :

          – Vần liền : Ăn vả, trả sung ; Ăn cây nào, rào cây ấy ; Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

          – Vần giãn cách :

          + Cách 1 tiếng : Cái răng cái tócgóc con người ; Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

          + Cách 2 tiếng : Ráng mỡ gà thời gió, ráng mỡ chó thời mưa ; Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

          + Cách 3 tiếng : Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa ; Một trăm đám cưới không bằng hàm dưới cá trê.

          2. Tục ngữ là một hiện tượng ý thức xã hội, nhưng nó cũng mang những đặc điểm của một hiện tượng ngôn ngữ sinh động. Tục ngữ là những câu nói có phần khô khan nhưng cũng có rất nhiều điều lí thú ẩn giấu trong đó. Khi sáng tạo những câu tục ngữ, con người không có chủ định nghệ thuật, nếu xem xét một cách chặt chẽ thì tục ngữ không hẳn là những sáng tạo nghệ thuật. Người lao động trước hết là muốn ghi lại những kinh nghiệm về lao động, thời tiết, đời sống, về con người nỏi chung…

          Trong thời nguyên thuỷ, con người luôn băn khoăn tìm hiểu thế giới tự nhiên, về các hiện tượng thiên nhiên xung quanh mình, nhiều loại hình nghệ thuật nảy sinh từ nhu cầu đó. “Người ta đã nhìn nhận và xác định rằng nghệ thuật ngôn ngữ sinh ra do quá trình lao động của con người từ xa xưa. Nguyên nhân phát sinh của nghệ thuật này là xu hướng của con người muốn đúc kết kinh nghiệm lao động vào những hình thức ngôn ngữ dễ nhớ và bám chặt vào kí ức – vào những hình thức thơ hai câu, tục ngữ, truyền ngôn như những khẩu hiệu lao động thời cổ đại” (Go-rơ-ki).

          Trong xã hội nguyên thuỷ đó, tục ngữ đúc kết những kinh nghiệm lao động, những điều quan sát được trong quá trình lao động. Bằng những câu nói ngắn gọn, súc tích, tục ngữ “diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm xã hội – lịch sử của nhân dân lao động” (Go-rơ-ki). Những kinh nghiệm ấy nảy sinh từ quá trình đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, được thể nghiệm nhiều lần trong thực tiễn, đã trở thành chân lí có tính chất phổ biến, được toàn thể nhân dân lao động công nhận và sử dụng. Tục ngữ là tri thức thông thường của nhân dân lao động vể tự nhiên.

          Chức năng chính của tục ngữ là đúc kết kinh nghiệm, tổ chức sắp xếp cuộc sống. Nhu cầu sử dụng kinh nghiệm ở đâu thì ở đó xuất hiện tục ngữ và người ta nhớ đến tục ngữ. Trong các thể loại văn học dân gian, cũng như một số bộ môn khoa học khác, nhân dân cũng tổng kết những kinh nghiệm của mình nhưng sự tổng kết của tục ngữ có những đặc trưng riêng. Các ngành khoa học khác thì có sự kiện, khảo sát các hiện tượng cụ thể rồi rút ra nhận xét. Nhưng tục ngữ thì đi thẳng từ sự kiện đến kinh nghiệm, trình bày một cách trực tiếp không cần giải thích, nêu sự kiện cũng là đồng thời nêu kinh nghiệm. Cho nên ở tục ngữ, khâu nêu vấn đề và kết luận đồng nhất làm một.

          Nội dung khoa học trong tục ngữ mang tính kinh nghiệm, tổng kết dựa trên quan sát cho nên chưa phải là khoa học (vì chưa được kiểm chứng, chưa có cơ sở vững chắc). Do đó, khi vận dụng, phải kết hợp rất nhiều yếu tố khác nhau hoặc tổng hợp đầy đủ nhiều câu tục ngữ để đưa đến kiến thức gần chuẩn nhất.

          3. Câu 2, 3, 4 đều sử dụng hình thức lập luận theo mối quan hệ nguyên nhân, điều kiện – kết quả dù cấu trúc từng câu khác nhau. Các câu tục ngữ là những phán đoán về hiện tượng thời tiết dựa vào mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên.

          Câu 2 có kết cấu hai vế tương phản : Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

          Đây là phương thức dự báo thời tiết quen thuộc của người lao động xưa. Những buổi tối hóng mát trước sân nhà, nhìn ngắm bầu trời trăng sao, người xưa nhận định về thời tiết. Đêm hôm trước nhiều sao thì ít mây, do đó sẽ nắng. Ngược lại, trời ít sao thì nhiều mây và vì thế hôm sau thường có mưa. Thông thường là như vậy nhưng thời tiết luôn có những quy luật riêng của nó và tục ngữ đưa ra những phán đoán chỉ dựa trên quan sát và kinh nghiệm của nhân dân nên không hoàn toàn đúng. Cấu trúc tương phản chia câu tục ngữ thành hai vế nhưng về nội dung thì thống nhất, có ý nghĩa tương hợp với nhau, là hai biểu hiện khác nhau của thời tiết.

          Dù có những điểm hạn chế thì những kinh nghiệm đó cũng rất cần thiết và hữu dụng đối với đời sống và lao động sản xuất của nhân dân xưa.

          Câu tục ngữ số 3 vận dụng một kinh nghiệm dự báo bão của người xưa. Ráng mỡ gà là khi bầu trời có sắc vàng như màu mỡ gà, đó là tín hiệu báo sắp có bão. Người dân nhận biết các tín hiệu đó để chủ động sắp xếp công việc, phòng tránh bão.

          Trong số những tai họa mà con người phải đối phó thì lũ lụt là nguy hại hàng đầu (Thủy – hoả – đạo – tặc). Những dự báo về hiểm hoạ lũ lụt cũng là kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong quá trình lao động và chiến đấu với những tai họa đó. Câu số 4 đã trình bày kinh nghiệm về hiện tượng lũ lụt : Tháng bảy (âm lịch) là mùa mưa bão, những cơn mưa dài ngày có thể gây lũ lụt, đặc biệt với vùng Bắc Bộ và Trung Bộ. Vào thời gian này, đàn kiến thường dời tổ, bò lên cao, đó là dấu hiệu của mưa to và có lụt. Bằng thực tế quan sát tự nhiên, người dân đã biết nhìn nhận và phán đoán những mối liên hệ giữa các loài vật và các hiện tượng tự nhiên. Một số loài vật (như voi, kiến, chim, rắn…) có những phần cơ thể nhạy bén với những chuyển động bất thường của tự nhiên và bản thân chúng cũng hình thành những phản ứng tự nhiên được kế thừa từ tổ tiên nên có thể có những thay đổi. Dựa vào những thay đổi đó, con người có thể phán đoán về thời tiết : Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa ; Mống đông vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật ; Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa ; Gió bấc hiu hiu sếu kêu thì rét ; Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa ; Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa.

          4. Những câu tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh một cách sinh động và chân thật về công việc của các ngành nghề, tiêu biểu hơn cả là những kiến thức về nông nghiệp. Những câu tục ngữ cho thấy trình độ phát triển về lao động sản xuất qua các thời kì, những thành công và thất bại của mùa vụ phần lớn dựa vào những kiến thức và kinh nghiệm đó.

          Đối với cuộc sống của con người nói chung và những cư dân nông nghiệp nói riêng, đất đai là yếu tố quan trọng hàng đầu. Người Việt cho rằng Tấc đất, tấc vàng. Câu tục ngữ đã lược bỏ những từ quan hệ đến mức tối giản cho nên nó càng mở rộng về nghĩa. Tấc đất là tấc vàng, Tấc đất quý như tấc vàng. Dân gian đã sử dụng cùng một đơn vị đo (tấc) để so sánh hai chất liệu hoàn toàn khác nhau (đất và vàng). Nhưng sự so sánh đó lại rất hợp lí bởi lẽ bất kì ai cũng hiểu rõ giá trị của đất đai. Đất không chỉ là nơi sinh sống mà còn là nguồn nuôi dưỡng, tạo ra các thành quả lao động của con người. Câu tục ngữ này gợi nhắc đến câu chuyện ngụ ngôn Lão nông và các con, khi ông bố muốn nhắn nhủ các con về việc chịu khó lao động, canh tác trên mảnh đất cha ông để lại. Hũ vàng mà ông bố nói đến không phải có thực nhưng điều mà tất cả các con được nhận chính là những thành quả trồng trọt, canh tác trên mảnh đất ấy.

          Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hoá, đất nông nghiệp đang ngày dần thu hẹp, giá trị của đất đai càng trở nên quý giá đối với mọi ngành nghề. Do đó, ý nghĩa xã hội và thời đại của câu tục ngữ Tấc đất tấc vàng lại càng đúng đắn và phù hợp. Nhưng cùng với sự phát triển đó, thời đại chúng ta cũng đặt ra vấn đề sử dụng đất như thế nào cho hợp lí và giữ gìn bảo vệ nguồn tài nguyên, nguồn sống của cả cộng đồng.

          5. Khi đã có đất đai, có tư liệu sản xuất, vấn đề đặt ra với người dân là sản xuất như thế nào, làm thế nào để có lợi ích kinh tế lớn nhất. Từ những trải nghiệm thực tế của quá trình lao động, người dân quan niệm Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền. Câu tục ngữ dùng cấu trúc liệt kê theo hình thức tăng tiến “nhất – nhị – tam” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm kinh tế : thứ nhất là nuôi cá, thứ hai là làm vườn, thứ ba là làm ruộng. Sự xếp hạng theo trật tự nhưng lại không đánh giá cụ thể ở phương diện nào nên tuy đã nhấn mạnh vị trí của từng loại sản xuất nhưng ý nghĩa của nó vẫn để mở. Thông thường, người ta vẫn hiểu rằng, xét về mặt lợi nhuận, hiệu quả kinh tế thì nuôi cá là lớn nhất, tiếp theo là làm vườn và cuối cùng là làm ruộng. Chúng tôi cho rằng cũng có thể người dân muốn đánh giá về mức độ công sức lao động bỏ ra cho các loại hình kinh tế : nuôi cá mất ít công sức hơn cả, sau đó đến làm vườn, và vất vả khổ cực nhất là làm ruộng.

          Tất nhiên, quan niệm trên chỉ có tính chất khái quát, còn trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể thì mỗi công việc cụ thể có những khó khăn và thuận lợi riêng, công sức bỏ ra và lợi nhuận thu về cũng sẽ khác nhau.

          6. Câu 5 và 6 nằm trong nhóm những câu tục ngữ có nghĩa đối lập nhau, Đây cũng là một hiện tượng bình thường của tục ngữ, bắt nguồn từ cơ chế tạo nghĩa của chúng. Đặc trưng của tục ngữ là rất cô đọng, hàm súc, mỗi câu chỉ gồm vài từ ngữ và những bài học, kiến thức mà tục ngữ tổng kết hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, sự quan sát từ thực tế. Do đó ý nghĩa của tục ngữ mang tính phiến diện, những điều đúc kết trong đó chưa phải là khoa học mà mới chỉ tiếp cận với khoa học. Vì thế, mỗi câu tục ngữ chỉ có thể nhấn mạnh một khía cạnh mà nó đề cập đến và trong tổng thể kho tàng tục ngữ luôn xuất hiện những hiện tượng trái nghĩa.

          Học thầy không tày học bạn (có dị bản gốc Hán là Học sư bất như học hữu) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của bạn bè trong quá trình học tập. Bởi lẽ, bạn bè đồng trang lứa có cùng quá trình phát triển tư duy, nhận thức và tâm lí, do đó chúng dễ dàng học tập, trao đổi lẫn nhau. Trong khi đó, thầy cô dẫu có kiến thức cao nhưng lại có khoảng cách với học sinh về cách thức truyền đạt, cách tư duy nên đôi khi việc tiếp thu từ người thầy khó khăn hơn khi học từ bạn bè. Hơn nữa, trẻ em có thói quen bắt chước, đồng thời với sự ganh đua, phấn đấu nên việc học từ bạn có hiệu quả nhất định.

          Ngược lại, câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên lại khẳng định tuyệt đối vai trò của người thầy với sự thành công của mỗi người. Tục ngữ cũng có câu Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ; Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy… để nhắc nhở mỗi người học ghi nhớ công lao và biết kính trọng các thầy cô.

          Về mặt hình thức biểu hiện, hai câu tục ngữ sử dụng kiểu câu khác nhau : câu 5 dùng hình thức câu cảm thán như một lời thách thức, câu 6 dùng hình thức so sánh giữa hai đối tượng. Nhìn bề ngoài, có vẻ hai câu tục ngữ trên đối lập với nhau nhưng về thực chất, chúng lại bổ sung, hoàn thiện cho nhau. Đúng như chức năng của tục ngữ là tổng kết kinh nghiệm và giáo huấn cho nên mỗi câu tục ngữ không nhằm hạ thấp đối tượng nào (người thầy và bạn bè) mà muốn nhắn nhủ chung rằng : Chúng ta đều có thể học tập ở những người xung quanh, mỗi một đối tượng đem đến một mảng kiến thức, một cách học khác nhau.

          7. Câu tục ngữ sử dụng cấu trúc so sánh khá phổ biến qua từ so sánh bằng (có dị bản là hơn càng làm rõ sự chênh lệch giữa hai đối tượng ; nhưng bản thân từ bằng đã hàm nghĩa là hơn rồi nhờ việc sử dụng số từ ở hai vế : một – mười).

          “Mặt người” là biện pháp tu từ hoán dụ (dùng bộ phận thay cho toàn thể), để chỉ sự tồn tại của con người, sự sống, “mặt của” là hình thức nhân hoá để tạo ra sự đối sánh, cân bằng với “mặt người” ở đầu câu. Câu tục ngữ đã đặt người và của trong thế so sánh với nhau, số từ mộtmười đã phát huy tác dụng để làm nổi bật giá trị của con người so với của cải.

          Đối với nhân dân lao động, của cải, tài sản cũng là cái đáng quý, nhưng quan trọng hơn cả là sự sống, là con người. Ở đây, giá trị của con người không phải ở các phương diện đạo đức, địa vị xã hội mà “mặt người” chính là sự tồn tại, sự sống của con người (con người bản thể, con người sinh học). Đây là quan niệm đúng đắn và có giá trị của nhân dân ta trong việc nhận thức, đánh giá về con người. Bởi lẽ nhân dân nhận ra một chân lí hiển nhiên và đúng đắn : Con người là tài sản đáng quý nhất.

          Trong đời sống, câu tục ngữ này thường sử dụng khi gia đình, cộng đồng chào đón một thành viên mới, hoặc là khi gặp những tai hoạ, những điều không may, mất mát về của cải nhưng vẫn giữ được sự sống. Câu tục ngữ này cũng nằm trong một hộ thống quan niệm về con người của dân gian : Người ta là hoa đất, Người làm ra của chứ của không làm ra người, Của đi thay người, Người sống đống vàng… Đó là triết lí dân gian đúc kết trong quá trình lịch sử, đồng thời cũng có ý nghĩa rất thực tế;

 

 

 

 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận