Đáp án – Gợi ý – Chủ đề ca dao, dân ca

Đang tải...

 III – ĐÁP ÁN – GỢI Ý

          Trắc nghiệm

1. d                    2. c                   3. d                   4. e                   5. b

6. a                     7. b                   8.b                   9. d                 10.c

          Tự luận

         1. “Ca dao cũng là thơ” ý nói ca dao mang bản chất trữ tình, lấy cảm xúc, tâm trạng làm đối tượng mô tả. Ca dao diễn tả tình cảm, suy nghĩ của người dân lao động.

          “Loại thơ đặc biệt” là ý phân biệt ca dao với thơ trữ tình của văn học viết. Sự khác nhau ở chỗ, thơ là thế giới cảm xúc, là tâm trạng của tác giả, mang tính cá nhân trong hoàn cảnh cụ thể. Thơ mang màu sắc cá nhân, cá tính của nhà thơ. Còn ca dao tuy cũng thể hiện tình cảm, tâm trạng nhưng đó là tâm trạng cảm xúc mang tính cộng đồng, thể hiện cảm xúc, tâm trạng của cộng đồng.

          Sự khác nhau còn nằm ở chỗ, thơ coi trọng sự sáng tạo, độc đáo, không chấp nhận sự lặp lại. Trái lại, ca dao lại ưa dùng những công thức mang tính lặp lại. Sự sáng tạo và trình diễn đều dựa vào những công thức truyền thống đó. Mỗi dạng thức mang trong nó vẻ đẹp, sự chuẩn mực của lối diễn đạt và chứa đựng những nội dung nhất định. Ví dụ các công thức mở đầu : Thân em, Em như, Thương thay, Ước gì, Ngày xưa, Rủ nhau…

          2. Qua những câu ca dao yêu thương, tình nghĩa, nhân vật trữ tình hiện lên là những người giàu tình cảm, sống thuỷ chung, thắm thiết. Nhân dân lao động là những người chân thật, trọng tình cảm. Hơn nữa, ca dao là thể loại dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của con người cho nên tình cảm của người lao động có dịp phô bày, nảy nở và thăng hoa.

          Trước hết đó là tình cảm nam nữ, sự yêu thương gắn bó, tình cảm thuỷ chung. Những tình cảm thường ngày được biểu hiện một cách chân thành, giản dị.

          Thứ hai, ca dao thể hiện khát vọng tình yêu và hạnh phúc. Đây là mong muốn đời thường và giản dị nhưng cũng là khát vọng lớn lao vì con người trong xã hội xưa không có điều kiện thực hiện ước mơ đó, không tự quyết định số phận của mình. Trong ca dao, mong muốn đó được bộc lộ một cách sôi nổi, nồng nhiệt.

          Thứ ba, các chàng trai, cô gái trong những câu hát yêu thương tình nghĩa luôn là những người tinh tế, nhạy cảm, có cách nói nhẹ nhàng, tế nhị.

          3. Các biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong ca dao là so sánh, ẩn dụ, nhân hoá… Các biện pháp nghệ thuật đó tạo ra cách diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh. Việc biểu hiện cảm xúc cũng tế nhị, tinh tế hơn nhờ các biện pháp nghệ thuật đó. Chẳng hạn như biện pháp ẩn dụ.

          Ẩn dụ đem đến ý nghĩa nhận thức sâu sắc, có khi đưa đến một nhận thức mới. Ẩn dụ luôn đưa đến lối tư duy mới về những hình ảnh tưởng chừng đã quen thuộc, điều đó phụ thuộc vào khả năng liên tưởng của mỗi người :

Tiếc thay hạt gạo tám xoan

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.

          Nếu chỉ dựa trên lớp nghĩa bề mặt thì chúng ta mới chỉ nhận thấy mối quan hệ khập khiễng, không cân xứng giữa các đối tượng trong đó. Nhưng từ nhận thức về mối liên hệ của các sự vật, chúng ta có thể hiểu lớp nghĩa ẩn dụ trong câu ca dao. Đó là sự ngậm ngùi xót xa cho thân phận con người, sự không bằng lòng với sự sắp đặt của số phận. Ẩ n dụ là sự so sánh ngầm cho nên sự nhận thức cũng đòi hỏi ở mức độ cao hơn :

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

          Ẩn dụ trong ca dao còn mang tính thẩm mĩ cao. Biện pháp ẩn dụ giúp cho nhân vật trữ tình có thể diễn tả những trạng thái cảm xúc khác nhau, thể hiện những tình cảm riêng tư một cách kín đáo, ý nhị, tăng thêm phần tình tứ, duyên dáng :

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng có lối ai vào hay chưa

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

          Ẩn dụ có ý nghĩa biểu cảm : ẩn dụ trong ca dao khác với ẩn dụ của tục ngữ hay câu đố (mang tính nhận thức là chủ yếu). Ẩn dụ trong ca dao giàu sắc thái biểu cảm, nhiều cung bậc tình cảm của con người biểu hiện trong ca dao, những cảm xúc nhiều khi bị dồn nén nhưng chính vì thế mà càng sâu sắc, càng ý tố :

                                       + Trách người quân tử vô tình

                                      Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

                                       + Tưởng giếng nước sâu nối sợi dây dài

                                       Ai ngờ giếng cạn tiếc hoài sợi dây.

          Một trong những biểu hiện của biện pháp ẩn dụ là hình thức nhân hoá. Đây là kiểu ẩn dụ độc đáo và sinh động. Việc nhân hoá các sự vật, các hiện tượng giúp cho nhân vật trữ tình có đối tượng để giao tiếp, giãi bày cảm xúc :

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá cá lặn trông sao sao mờ

Buồn trông con nhện chăng tơ…

          4. Câu ca dao sử dụng một hình ảnh rất bình dị và quen thuộc với người dân Việt Nam : “nuộc lạt”. Nuộc lạt gợi nhớ bàn tay, công sức xây dựng, gắn bó với ngôi nhà của ông bà, cha mẹ. Từng nút dây buộc của lạt tre trên mái nhà cũng như sợi dây tình cảm liên hệ các thành viên trong gia đình. Ca dao người Việt cũng có nhiều câu mở đầu bằng cụm từ “ngó lên + địa danh, sự vật”, thường thì đó là dạng kết cấu ca dao một vế có phần vần, trong đó ngó lên thường có chức năng gieo vần :

                                       Ngó lên trời, trời cao lồng lộng

                                      Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông,

                                       Biết răng chừ cá gáy hoá rồng

                                      Đền ơn cha mẹ ẵm bồng khi xưa

          Cấu trúc so sánh : bao nhiêu – bấy nhiêu thể hiện sự tương đồng, tăng cấp, mang ý nghĩa khẳng định. Nuộc lạt mái nha làm sao có thể đo đếm được, cũng giống như tấm lòng nhớ thương, yêu kính của con cháu trong gia đình đối với ông bà không thể đếm được. Câu ca dao giản dị, chân tình, gọi nhắc tình cảm thiêng liêng, cao cả từ một hình ảnh cụ thể, đời thường.

          5. Trong một gia đình, anh chị em là những người một thịt gần gũi nhau nhất. Sự hoà thuận, thương yêu, đùm bọc nhau giữa những người con trong gia đình là niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ. Anh chị em phải gắn bó với nhau như chân liền với tay trên cùng một cơ thể, không thể tách rời. Đó chính là yếu tố giúp cho gia đình hoà thuận, hạnh phúc, cũng là mong mỏi của các bậc cha mẹ. Để thấy được tình thân thiết, gắn bó của anh em, ca dao đã sử dụng biện pháp so sánh : Yêu nhau như thể tay chân.

          Câu ca dao này cũng có các dị bản :

                                       – Anh em như chân như tay

                                       Như chim liền cánh như cây liền cành

                                       – Anh em như thể chân tay

                                       Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

          Quan niệm của Nho giáo “huynh đệ như thủ túc”, đã được diễn nôm một cách giản dị, giàu hình ảnh và gắn với tình cảm thân thiết của con người, để thấy được tình anh em chính là tình máu mủ. Câu ca dao vừa mang cấu trúc so sánh, vừa giản dị như một định nghĩa vể tình anh em ruột thịt, cùng với lời nhắn nhủ tha thiết, chân thành của tác giả dân gian đã càng củng cố mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó.

          6. Bài ca dao chia làm hai phần vừa độc lập vừa gắn bó với nhau.

          – Hai câu đầu tả cảnh đồng lúa trong cảnh bình minh.

          – Hai câu sau tả dáng hình cô thôn nữ như những chẽn lúa đòng.

          Nhưng cũng có thể coi bài ca dao là một phần thống nhất theo dạng kết cấu một vế có phần vần. Bởi hầu hết những câu ca dao trong hệ thống mô típ “Đứng bên ni…”, phần mở đầu chỉ có ý nghĩa gieo vần, gợi hứng cho cảm xúc của nhân vật trữ tình.

          Đây là lời của cô thôn nữ trước đồng ruộng quê hương, vừa ca ngợi vẻ đẹp của cánh đồng, vừa ý thức được vẻ đẹp của chính mình. Mặc dù hai câu sau cũng bắt đầu bằng cụm từ thân em nhưng không phải phản ánh vấn đề thân phận giống như hệ thống ca dao truyền thống mở đầu bằng hai từ thân em. Ở đây, hình ảnh chẽn lúa đòng đòng là biểu tượng cho tuổi xuân thì, vẻ đẹp thanh xuân và tình yêu, căng tràn sức sống, và cũng là sự gắn bó tự nhiên của cô gái với quê hương, đồng ruộng. Ngọn nắng hồng ban mai tươi tắn, trong trẻo làm tăng thêm vẻ đẹp và sức sống cho chẽn lúa đòng. Người con gái trẻ đẹp, niềm vui phơi phới, đang đón chào tương lai, hạnh phúc của mình.

          Bài ca dao xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình – người thôn ngữ tràn đầy sức sống, tượng trưng vẻ đẹp khoẻ khoắn về cả thể chất lẫn tinh thần của người lao động. Hình ảnh con người tạo điểm nhấn, tạo ấn tượng sâu sắc trong bức tranh đồng quê đẹp đẽ, tươi tắn. 

          7. Có thể nhận thấy trong ca dao về quê hương đất nước, danh từ chỉ địa danh xuất hiện với mật độ cao. Những danh từ riêng trong bài đều là những địa danh ở miền Bắc (thành Hà Nội – sông Lục Đầu – sông Thương – núi Tản Viên – đền Sòng – Lạng Sơn), mà địa danh không chỉ đơn thuần là tên gọi, đó còn là lịch sử, văn hoá truyền thống, là thành quả dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nếu như truyền thuyết thể hiện nhận thức, giải thích về địa danh lịch sử thì ca dao là tình cảm, ấn tượng của con người về những địa danh lịch sử. Do đó, lịch sử hiện lên trong ca dao rất cô đọng, giàu cảm xúc, gắn với niềm tự hào của nhân dân lao động. Bài ca dao, qua lời đối đáp của một đôi nam nữ, đã đưa chúng ta đến hết phong cảnh này đến địa đanh khác, để thấy một đất nước giàu đẹp, có truyền thống lịch sử.

          8. Bài ca dao hiện lên hình ảnh thân cò tội nghiệp, lận đận, vất vả kiếm ăn. Cò bay về tổ thường đi theo đàn nhưng khi kiếm ăn chỉ có một mình, lẻ loi, cô độc. Bài ca dao sử dụng cặp động từ lên – xuống biểu hiện không gian hoạt động vất vả, mênh mông, nguy hiểm (thác, ghềnh), trong một khoảng thời gian dài vô tận (bấy nay). “Thân cò” bị đặt trong một không gian đầy thử thách, hiểm nguy và bất trắc như vậy, lại kéo dài về thời gian, gợi ra sự vất vả, thân phận nhỏ bé, hẩm hiu, không có gì đảm bảo.

          Câu tiếp theo càng thể hiện hoàn cảnh sống chật vật, khó khăn của thân cọ “bể đầy/ao cạn”. Sự biến đổi của không gian, của môi trường sống lại đặt con cò trong một thử thách mới, để thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Những biến đổi đó càng khiến cuộc sống của nó trở nên bi đát hơn, và kết cục là thân cò gầy mòn, héo hon. Tác giả dân gian đặt ra câu hỏi tu từ, mà không có một lời đáp. Đại từ phiếm chỉ ai cất lên như một lời oán thán chua xót nhưng có phần cam chịu. Ai có thể là bất kì thế lực nào trong xã hội đày đọa con người nhưng cũng có thể chẳng là ai cụ thể. Nỗi khổ đau của những thân phận bất hạnh trong xã hội xưa dường như không biết đích xác ở đâu, không có câu trả lời. Điều đó càng làm nổi bật thân phận nhỏ bé, đau khổ và đầy tội nghiệp của người nông dân trong xã hội xưa.

          Cái cò lên thác xuống ghềnh với đầy những thử thách, khổ sở vẫn đỡ bi đát, thảm thương hơn cái cò đi ăn đêm. Bài ca dao mở đầu bằng hành động có tính chất khác thường của con cò, bởi lẽ kiếm ăn ban đêm không phải là thói quen của họ nhà cò. Việc làm bất thường đó, dẫu nguyên nhân thế nào, cũng đều cho thấy số phận hẩm hiu, đầy bất trắc của nó. Kiếm ăn ban ngày đã phải khó khăn, lần mò, tranh giành vất vả, đằng này lại còn kiếm ăn ban đêm. Nhưng điều đó là chẳng thể đừng, là số phận, là hoàn cảnh bắt buộc phải như vậy.

          Những câu tiếp theo là lời của con cò kêu cứu và trình bày cảnh ngộ, mong muốn với một nhân vật “ông” nào đó : “Ông ơi, ông vớt tôi nao”.

          Bài ca dao có một cấu trúc lạ : phần mở đầu là hai câu miêu tả; phần tiếp theo là lời của nhân vật nhưng lời đối đáp này chỉ có một phần. Điều này càng chứng tỏ đây vốn là bài hát ru, chỉ có lời giãi bày của một người, khác với hát giao duyên thường có đối đáp nam và nữ.

          Cách xưng hô “ông – tôi” cho thấy một khoảng cách nhất định giữa hai nhân vật : không quen biết, không thân tình ; con cò nhờ vả, kêu cứu, cần sự giúp đỡ nhưng không khúm núm, sợ hãi. Cách xưng hô cũng đã thể hiện một sự đường hoàng.

          Con cò đã trình bày một cách rõ ràng “Tôi có lòng nào”, với ý nghĩa là chủ động làm việc xấu, có lòng sai khác thì ông hãy xáo măng. Như vậy, bản thân nó đã ý thức được hành động, việc làm của mình và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Sự thẳng thắn đó cũng là một điều đáng trọng.

          Đến hai câu cuối, toàn bộ tâm tư tình cảm, phẩm chất của con cò được bộc lộ :

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

          Đây là một lời thỉnh cầu cuối cùng của con cò. Lời của con cò gợi nhắc câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục”, muốn kí thác một tấm lòng trong sạch, thanh cao, dẫu có phải chết cũng giữ sự trong sạch của mình. Câu ca dao đột ngột chuyển đổi về nghĩa, về lớp hình tượng : từ chuyên cò xáo măng rất thực tế, đời thường chuyển thành việc triết lí, quan niệm về lẽ sống – chết rất cao cả. Người nghe không khỏi bất ngờ trước lời của con cò nhỏ bé, đến lúc chết rồi, trong lời cầu xin không mong được sống mà chỉ cần chết trong sạch.

          Thân phận tuy nhỏ bé, bất hạnh nhưng có đức hi sinh và đầy phẩm chất thanh cao chính là lời nhắn gửi của người bà, người mẹ với con cháu về một sự hi sinh, một tấm gương hết lòng vì con cháu đó. Vượt qua những nỗi khó khăn cơ cực, những thử thách, tâm hồn và tình cảm đó vẫn sáng ngời trong mỗi con người.

          9. Trong xã hội phong kiến, người dân lao động là nạn nhân của những luật lệ, giáo điều và sự áp bức, bóc lột. Nhưng bi kịch nhất vẫn là những người phụ nữ. Ca dao đã thể hiện một cách chân thực và cảm động về hình tượng người phụ nữ qua chủ đề than thân.

          Than thân là một chủ đề phổ biến trong ca dao. Chủ đề này hình thành nhiều dạng công thức diễn đạt : Thân em như, Em như, Anh như/ Em như, Tiếc thay… Đó cũng là những dấu hiệu về mặt hình thức để chúng ta nhận ra lời than thân, trách phận của người phụ nữ, đồng thời trong đó cũng chứa đựng niềm tự hào về phẩm chất tốt đẹp, đức hi sinh và sự cam chịu của những con người đó.

Công thức “Thân em như” (hoặc “Em như”) thường có 2 dạng kết hợp cơ bản :

          (1) Thân em như + A (A : đẹp đẽ, có giá trị nhưng không được coi trọng)

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

          (2) Thân em như + B (B : nhỏ bé, tầm thường, không có giá trị)

– Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

– Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra luống cày

          Cả hai dạng kết cấu tưởng chừng khác nhau nhưng lại thống nhất về chủ đề, nội dung : Thân phận người phụ nữ hết sức nhỏ bé, hẩm hiu, bất hạnh và điều khổ sở, bi kịch lớn nhất trong cuộc đời họ là không được tự quyết định số phận, hạnh phúc của mình.

          10. Đây là bài ca dao ngụ ngôn, mượn thế giới loài vật để nói chuyện xã hội con người.

          Hình ảnh con cò quen thuộc trong ca dao trở lại trong bài này với số phận thảm thương : “chết rũ trên cây”. Thân cò chết rũ thật bi đát, “chết rũ” là chết đói, chết rét và khổ sở hơn là bị bỏ quên vì cò con còn phải “mở lịch xem ngày làm ma”. Đọc bài ca dao, chúng ta hình dung ra cảnh làng xã, trong họ mạc có đám ngày xưa, với đầy đủ những hủ tục, nghi thức rườm rà, bày vẽ tốn kém. Người chết nằm đó không thấy ai khóc thương, không thấy ai chăm lo. Cò con là người thân thiết, gần gũi cũng phải chọn ngày mới làm ma được. Những thói quen kiêng kị khiến con người phải tuân thủ và khổ sở vì điều đó.

          Một thế giới loài vật là một xã hội con người hiện ra sinh động qua những hành động “đánh trống quân”, “vác mõ đi rao”… Một đám ma đầy những âm thanh, những việc làm nhưng tuyệt nhiên không có một lời xót thương, không một tiếng khóc vì tất cả đang bận rộn ăn uống, chè chén. Những kẻ ăn trên ngồi trốc, chỉ biết kiếm cớ, chờ dịp ăn uống no say hiện lên qua hình ảnh “cà cuống uống rượu la đà”. Những kẻ bề dưới khác cũng tranh thủ chia chác, lấy phần, cùng với đám nhốn nháo “chào mào”, “chim chích” tạo nên một nhóm người nhếch nhác, mất tư cách.

          Bài ca dao ngụ ngôn chứa đựng những yếu tố gây cười. Cái cười bộc lộ trước những hành vi xấu, thói vô trách nhiệm, tính tham ăn của những nhân vật. Đằng sau cái cười châm biếm đó là sự chua xót, ngậm ngùi dành cho những số phận bất hạnh của con người.

 

 

 

 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận