Đáp án chuyên đề Văn nghị luận – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

VĂN NGHỊ LUẬN

 III – ĐÁP ÁN – GỢI Ý

          1. Để làm rõ sự giản dị trong lối sống của Bác, tác giả đã đề cập đến những vấn đề rất đời thường như : Bữa cơm của Bác : “chỉ có vài ba món đơn giản… tươm tất” ; Cái nhà sàn của Bác : “chỉ vẻn vẹn vài ba phòng… của hoa vườn…”. Đối với mọi người, Bác viết thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu mầm non, đi thăm nhà tập thể của công nhân, việc gì tự làm được thì không cần người khác giúp, đặt tên cho từng người phục vụ… Những dẫn chứng tiêu biểu đó được liệt kê để làm nổi rõ con người của Bác trong quan hệ với mọi người cũng như phong cách sống của Bác : vừa gần gũi vừa trân trọng mọi người.

          2. Giới thiệu thêm về hoàn cảnh ra đời của văn bản : Mùa xuân năm 1951, tại một khu rừng Việt Bắc, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lần thứ 2 được tổ chức. Hồ Chủ tịch đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc báo cáo chính trị quan trọng. Trong đó có đoạn bàn về “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”.

          Bài văn có luận đề quan trọng về lòng yêu nước thể hiện qua 3 phần :

          – Phần 1 : Nhận định chung về lòng yêu nước (đoạn 1).

          – Phần 2 : Chứng minh về tinh thần yêu nước (đoạn 2, 3).

          – Phần 3 : Nhiệm vụ của Đảng ta (đoạn 4).

          Đây là văn bản nghị luận tiêu biểu, mẫu mực cho kiểu văn bản chứng minh vấn đề chính trị xã hội. Văn bản tuy ngắn nhưng hoàn chỉnh.

          3. Bài văn làm sáng tỏ chân lí: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Truyền thống đó thể hiện trong quá khứ cũng như hiện tại, trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong lao động sản xuất.

          – Bố cục bài văn rõ ràng, mạch lạc.

          – Dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ.

          Tác giả đã vận dụng mối quan hệ nhân quả (có lòng yêu nước nồng nàn -> trở thành truyền thống -> nhấn chìm tất cả… ; lịch sử có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại -> phải ghi nhớ…).

          – Trong bài văn, một số đoạn được xây dựng theo quan hệ tổng – phân – hợp: Mở đầu đoạn khái quát ý, phần thân đoạn triển khai các nội dung của câu chủ đề ở phần mở đầu và kết thúc đoạn là ý tổng hợp cả đoạn.

          4. Để làm sáng rõ lòng yêu nước của dân tộc ta, tác giả đã đưa ra dẫn chứng cụ thể trong quá khứ lịch sử dân tộc : Thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung và lòng yêu nước ngày nay của đồng bào. Đó là những dẫn chứng tiêu biểu, theo trình tự thời gian với những tên tuổi gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm.

          Tiếp theo, tác giả đã mở rộng luận điểm và những dẫn chứng về lòng yêu nước trong thời đại ngày nay, khác với trước kia như thế nào : “Đồng bào ta… ngày trước,… những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau… yêu nước”. Để chứng minh lòng yêu nước của đồng bào ta ngày nay, tác giả đã có những dẫn chứng “Từ các cụ già tóc bạc… ghét giặc ; Từ những chiến sĩ… của mình ; Từ những nam nữ công nhân… chính phủ”… Tác giả đã liệt kê các dẫn chứng theo mô hình liên kết : từ – đến. Những dẫn chứng đó vừa cụ thể vừa toàn diện, thể hiện sự cảm phục, ngưỡng mộ lòng yêu nước của đồng bào ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cho thấy tinh thần yêu nước như các thứ của quý, là giá trị cao quý cần phải giữ gìn. “Phải ra sức giải thích tuyên truyền, tổ chức… kháng chiến”. Đó là cách động viên, tổ chức, khích lệ lòng yêu nước của mọi người.

          5. Ở phần thứ nhất, tác giả nhận định về phong cách của tiếng Việt : giàu và đẹp. Trước hết đó là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay “tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”, về nhịp điệu : hài hòa về thanh điệu ; về cú pháp : tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Tiếng Việt hay vì nó đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam, thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử. Cách viết của tác giả đã thể hiện ngay cái hay của tiếng Việt: sử dụng câu văn ngắn gọn, rành mạch, đi từ ý khái quát đến ý cụ thể, khiến người đọc dễ theo dõi, dễ hiểu.

          Tiếp theo, tác giả chứng minh tiếng Việt đẹp ở các khía cạnh : giàu chất nhạc ; uyển chuyển trong câu kéo. Tác giả mở rộng các ví dụ, dẫn chứng và liên hệ với ngôn ngữ khác, với người nước ngoài. Ấn tượng của người nước ngoài : tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc ; cấu tạo đặc biệt của tiếng Việt với hệ thống ngân và phụ âm khá phong phú, giàu thanh điệu, giàu hình tượng ngữ âm. Nhận xét của một số giáo sĩ nước ngoài : tiếng Việt rành mạch trong lối nói, uyển chuyển trong câu kéo, ngon lành trong những câu tục ngữ.

          6. Nếu để người Việt khen tiếng Việt thì không thể tránh khỏi “Mẹ hát con khen hay”. Tác giả dẫn ý kiến của người nước ngoài – những người hoàn toàn chưa hiểu gì về tiếng Việt, chỉ nghe rồi cảm nhận một cách cảm tính và của những chuyên gia nổi tiếng như A-lếch-xăng Đrôt – giỏi tiếng Việt không kém gì người Việt – nhận xét về tiếng Việt trên cơ sở nghiên cứu kĩ càng.

          7. Hoài Thanh quan niệm : Văn chương là niềm xót thương của con người trước điều đáng thương, là sự xúc cảm yêu thương trước cái đẹp, là lòng thương người và muôn vật, muôn loài. Đó là quan niệm đúng đắn và sâu sắc :

          – Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm khúc vì cảm thông với những thăng trầm trong cuộc sống của người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh.

          – Đoàn Thị Điểm dịch nôm Chinh phụ ngâm vì đồng cảm với Đặng Trần Côn và người chinh phụ buồn, xa, nhớ chồng.

          – Bà Huyện Thanh Quan viết Qua Đèo Ngang bởi “Nhớ nước đau lòng…ta với ta”.

          Đó là những biểu hiện cao cả của tình cảm và lòng vị tha. Văn chương cũng có thể có nhiều nguồn gốc khác : bắt nguồn từ cuộc sống lao động : ca dao, dân ca, tục ngữ, truyện cười ; bắt nguồn từ giải trí, mua vui ; bắt nguồn từ nghi lễ tôn giáo (văn tế).

 

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận