Đáp án chuyên đề Tùy bút – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TÙY BÚT

III – ĐÁP ÁN – GỢI Ý

          1. Cốm là món quà đặc biệt của lúa nếp non, người làm nghề xác định được lúa lúc nào thích hợp làm cốm để gặt đem về. Nhiều làng quê có phong tục làm cốm, những chỉ có cốm làng Vòng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) mới là đặc sản Hà Nội, do bàn tay những cô gái làng Vòng làm ra :

Kẻ Đô làm kẹo mạch nha

Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua

          Trước đây, cốm Vòng hoàn toàn được làm bằng phương pháp thủ công. Đến khi đem ra chợ bán, cốm được gói trong lá sen, buộc rơm nếp vàng óng. Từng cánh cốm xanh mượt, thơm ngát… đặt trong những chiếc thúng, được gánh bởi đòn gánh hai đầu cong vút. Những bàn tay của các bà, các cô gái làng Vòng nâng niu từng hạt cốm càng cho thấy sự trân trọng của người làm cốm với sản vật của quê hương.

          2. Cách ăn cốm cũng thật đặc biệt: phải cảm thụ bằng nhiều giác quan : khứu giác (mùi thơm phức của lúa) ; xúc giác (chất ngọt của cốm) ; thị giác (màu xanh của cốm).

          Tác giả đã khơi gợi cảm giác của bạn đọc về cốm, chứng tỏ sự tinh tế, sâu sắc của tác giả (dùng từ ngữ gợi cảm : “bao bọc”, “nằm ủ” để nói về mối quan hệ tự nhiên giữa lá sen và cốm, tựa như hai linh hồn nương tựa vào nhau, làm tôn lên cái hương sắc thanh quý “cái lộc của trời”).

          Cốm vốn là một thứ quà bình dị, chẳng có gì là cầu kì. Ấy thế mà tác giả đã có cái nhìn thấu đáo và thái độ văn hoá khi nói về việc thưởng thức cốm. Đây không phải là cách ăn thoả thích, ăn cho no bụng mà ăn chậm để ngẫm nghĩ từng chút hương vị của cốm, của màu sắc, của tất cả cái xanh non, dịu dàng mềm dẻo ướp trong hương sen.

          3. Người Sài Gòn được mô tả đầy đủ qua các phương diện :

          – Trang phục : nón vải vành rộng áo bà ba trắng, quần đen rộng, giày bó trắng, xăng đan, guốc vuông.

          – Dáng vẻ : khoẻ khoắn, cặp mắt sáng ngời, nụ cười thiệt tình tươi tắn.

          – Xã giao : chào người lớn thì cúi đầu chắp tay, gặp người cùng trang lứa thì cúi đầu và cười.

          Đó là các giá trị bền vững mang bản sắc riêng, và tác giả cũng là người rất coi trọng các giá trị truyền thống. 

          4. Nhà văn Vũ Bằng sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật trong khi miêu tả cảnh mùa xuân. Đầu tiên là phép lặp từ ngữ : đừng thương, ai cấm. Nhiều dấu phẩy và dấu chấm phẩy tạo các câu văn ngắn đầy cảm xúc, lời văn tha thiết, mềm mại để nhấn mạnh tình cảm của con người dành cho mùa xuân ; khẳng định tình, cảm mùa xuân là quy luật không thể khác, không thể cấm đoán.

          Tác giả dùng biện pháp liệt kê để tả : đó là mùa xuân rất riêng, mùa xuân ở trong tôi, do tôi cảm nhận : Có mưa riêu riêu, gió lành lạnh ; Có tiếng nhạn kêu ; Có trống chèo… có câu hát huê tình… Biện pháp liệt kê để nhấn mạnh các dấu hiệu điển hình của mùa xuân đất Bắc.

          Cuối cùng nhà văn sử dụng hình thức so sánh : So sánh giai điệu sôi nổi, êm ái, thiết tha của mùa xuân để diễn tả sinh động và hấp dẫn sức sống mùa xuân. Qua đó, nhà văn thể hiện sự hân hoan, biết ơn, thương nhớ mùa xuân đất Bắc.

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận