Đáp án chuyên đề Từ Hán Việt – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TỪ HÁN VIỆT

III – ĐÁP ÁN – GỢI Ý

          1. Bài tập này cho trước các nghĩa của các yếu tố Hán Việt, dựa theo các nghĩa đó để tìm từ. Lưu ý từ phải chứa yếu tố Hán Việt đúng với nghĩa đã cho. Ví dụ :

          Hoa1 : hoa quả, hương hoa… ; Hoa2 : hoa mĩ, tinh hoa, hoa lệ…

          2. Giải nghĩa yếu tố tham trong từng từ để rút ra các ý nghĩa chung của yếu tố tham, theo đó mà sắp xếp chúng thành nhóm. Ví dụ :

          Tham1 (ham thích quá đáng, quá lớn): tham lam, tham vọng

          Tham2 (dự phần, góp phần) : tham dự, tham quan, tham chiến.

          3. Tìm hiểu nghĩa của các từ : thành tích, thành tựu, thành quả, hiệu quả, kết quả, nguyện vọng, hi vọng (nên dựa vào các từ điển để tìm hiểu cho chính xác). Tham khảo cách giải nghĩa sau :

          – Thành tích : kết quả được đánh giá là tốt do nỗ lực mà đạt được. Thành tích công tác.

          – Thành tựu : cái đạt được có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công. Thành tựu khoa học.

          – Hiệu quả : kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Hiệu quả kinh tế.

          – Thành quả : kết quả quý giá đạt được của cả một quá trình hoạt động, đấu tranh. Thành quả cách mạng.

          – Kết quả : cái đạt được, thu được trong một công việc hoặc một quá trình tiến triển sự việc. Kết quả học tập.

          – Nguyện vọng : điều mong muốn. Nguyện vọng chính đáng.

          – Hi vọng : tin tưởng và mong chờ. Hi vọng có ngày gặp lại.

          Sau khi tìm hiểu nghĩa của từng từ, lựa chọn từ thích hợp để điền vào chỗ trống. Có thể điền như sau :

          a) thành tựu ; b) thành tích ; c) thành quả ; d) hiệu quả; đ) kết quả ; e) nguyện vọng ; g) hi vọng

          4. Dựa vào từ điển để giải nghĩa các từ đã cho.

          Tham khảo các câu sau :

          – Chúng tôi cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của các bạn.

          – Anh là con người nồng hậu.

          – Tình hình rất khẩn cấp, chúng ta phải chuẩn bị đối phó.

          – Chúng ta phải khẩn trương triển khai kế hoạch.

          5. HS tự tìm hiểu nghĩa của từ yếu điểm. Lưu ý đến trật tự của yếu tố chính và yếu tố phụ. Trật tự đó có phải là trật tự của từ ghép thuần Việt không ? Nghĩa của từng yếu tố trong từ đó hiểu theo nghĩa thuần Việt có được không ?

          6. HS tìm hiểu nghĩa của từng từ trong cặp từ (nên dựa vào từ điển). So sánh để tìm ra sự khác nhau giữa chúng về nghĩa và cách sử dụng.

          a) cố chủ tịch (cố: đã qua đời): vị chủ tịch đã chết.

          – cựu chủ tịch (cựu : cũ) : vị chủ tịch trước.

          b) cương quyết (cương : cứng, cứng rắn ; quyết: nhất định) : giữ vững ý định quyết không thay đổi.

          – kiên quyết (kiên : tỏ ra ; quyết: bền bỉ) : quyết tâm làm bằng được điều đã định, dù gặp trở ngại cũng không thay đổi.

          Hai từ cương quyếtkiên quyết khác nhau về sắc thái ý nghĩa : cương quyết bộc lộ sự dứt khoát, cứng rắn trong việc quyết định thái độ, hành động (có thể nói : Đối với địch phải cương quyết mà không dùng kiên quyết) ; kiên quyết bộc lộ ý chí bền bỉ, không gì lay chuyển trong việc thực hiện mục tiêu (có thể nói : Kiên quyết đập tan mọi âm mưu của địch mà không dùng cương quyết).

          7. Dựa vào từ điển để giải thích và phân biệt nghĩa của từ trong mỗi cặp. Tham khảo cách phân biệt như sau :

          a) – giáo viên : người dạy học ở bậc phổ thông hoặc tương đương.

          – thầy giáo : người đàn ông làm nghề dạy học, cũng chỉ người làm nghề dạy học nói chung.

          Như vậy, phạm vi sử dụng của từ thầy giáo rộng hơn.

          b) – độc giả : người đọc sách báo, trong quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.

          – người đọc : phạm vi rộng hơn độc giả (chỉ người đọc nói chung).

          c) – thính giả : người nghe biểu diễn ca nhạc hoặc diễn thuyết…

          – người nghe : phạm vi rộng hơn thính giả (chỉ người nghe nói chung).

          8. HS tham khảo các câu sau :

          – Thi hài ông đang quàn tại nhà tang lễ. (xác chết)

          – Chúng ta chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. (đánh nhau)

          -Tổng thống nước Pháp và phu nhân sang thăm Việt Nam. (vợ)

          9. Tham khảo cách giải nghĩa sau : hoàng hôn : lúc nhá nhem tối ; ngư ông : ông đánh cá ; mục tử: trẻ chăn (trâu, bò) ; lữ thứ: nhà trọ ; hàn ôn : lạnh và ấm, chuyện trò thăm hỏi nhau khi gặp lại.

          10. a) – Lạc hậu có nghĩa : “bị rớt lại phía sau, không theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của xã hội”, ví dụ : nền kinh tế lạc hậu, kĩ thuật lạc hậu,… hoặc có nghĩa : “đã cũ, không thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới”, ví dụ : tư tưởng lạc hậu, thông tin lạc hậu… Lạc hậu không dùng với nghĩa “bị rớt lại phía sau trong các cuộc đua xe đạp, chạy thi…”.

          – Tối tân có nghĩa “mới nhất” nhưng thường chỉ dùng cho vũ khí hoặc thiết bị với sắc thái nghĩa “hiện đại nhất, tiến tiến nhất”.

          – Khán giả có nghĩa “người xem” nhưng không phải người xem nói chung mà chỉ người xem các chương trình biểu diễn.

b) Dựa vào ý nghĩa của các từ lạc hậu, tối tân, khán giả, HS tự đặt câu cho đúng.

          11. Dung : tha thứ ; Truyền : ra lệnh.

          Hai từ này góp phần tạo sắc thái trang nghiêm, cổ xưa cho đoạn văn.

          12. Tự tìm một đoạn văn hoặc đoạn thơ, tự tìm các từ Hán Việt trong đoạn văn đoạn thơ đó và giải thích ý nghĩa của chúng.

 

 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận