Đáp án chuyên đề Truyện ngắn – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TRUYỆN NGẮN

 III – ĐÁP ÁN – GỢI Ý

          1. Văn bản này vào đề bằng một hình ảnh hết sức căng thẳng, gay cấn, khó khăn. Đó là vào một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông dâng cao đe doạ vỡ đê. Với công cụ thô sơ, những người dân chân lấm tay bùn với hàng nghìn tư thế khác nhau : người vác cuốc, người vác tre, kẻ bì bõm ướt như chuột lột cùng nhau gắng sức chống lại thiên tai, bão lụt. Tác phẩm kết cấu bằng một hệ thống các câu hội thoại, tiếng gọi, tiếng hô… thể hiện tình thế rất nguy ngập, căng thẳng, nghìn cân treo sợi tóc. Sự vất vả của người dân kéo dài tới mãi đêm khuya vẫn chưa chấm dứt. Tiếng hò, tiếng gọi, í ới, gấp gáp, sự căng thẳng ấy được bộc lộ qua nét mặt của từng người.

          Trước tình cảnh như vậy thì bất kì ai cũng đặt ra câu hỏi : Vậy trước thế cùng sức kiệt như vậy thì quan phụ mẫu, những người có chức quyền ở đâu ? Thì ra những vị quan phụ mẫu đang hộ đê trong đình, một khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Bầu không khí ấm áp không chút lo âu. Sự bình thản của mỗi người trên từng quân bài. Quan phụ mẫu đang hộ đê trong tư thế ung dung, nhàn hạ, tay cầm bát yến, ngồi khểnh vuốt râu. Sự oai phong của quan được thể hiện ở lời nói. Những tên xu nịnh vây quanh nịnh hót, quan thắng bài đó là niềm hạnh phúc. Bằng phương thức tự sự, kết hợp với miêu tả, bình luận cùng với những cảm xúc chân thực, tác giả đã đưa người đọc vào trong cuộc sống bấy giờ, tái hiện lại những nghịch cảnh trớ trêu, lay động lòng người, đánh thức lên một nỗi niềm xót cảm. Không mảy may một chút vương lòng, những hình ảnh nhàn hạ, nào quan phủ, nào thầy lí, thầy đề, những tên cường hào, ác bá được lột tả dưới ngòi bút của tác giả. Với những ngôn từ bình dị, cổ xưa, tác giả đã gợi lên một khung cảnh chân thực. Hơn thế nữa, một loạt những nghệ thuật độc đáo được sử dụng. Khi thời điểm tưởng chừng ngàn cân treo sợi tóc, văng vẳng từ xa tiếng người vào bẩm báo : “Dễ có khi đê vỡ”. Cảnh bình chân như vại của viên quan bằng lời nói : “Mặc kệ” khi đợi bài ù. Không chỉ vậy sự thách thức của hắn còn được bộc lộ bởi câu nói : “Đê có vỡ, nước có dâng lên cao thì cũng không lo đình sập, đình vỡ”. Như thế, chúng chỉ lo yên ổn cái chỗ để ngồi đánh bài, chứ không lo gì đến tính mạng của hàng nghìn người dân. Nghệ thuật tương phản đã phát huy tác dụng cùng thủ pháp tăng cấp, khiến cho bộ mặt của bọn quan lại càng hiện lên vô lương tâm, vô trách nhiệm trước thảm cảnh của người dân.

          2. Trong truyện, không nhân vật nào có tên, tất cả là các danh từ chung : dân, lính, quan. Đó là cách đặt tên mang tính phiếm chỉ, không nhằm cụ thể vào đối tượng nào nhưng tính khái quát hiện thực lại rất cao. Qua đó, tác giả muốn khái quát tất cả những đám quan lại lúc bấy giờ đều vô trách nhiệm, vô lương tâm trước tính mạng của người dân.

          3. Một loạt câu văn dài vừa kể, vừa tâm sự mà lại là lên án một cách đanh thép Va-ren. Suốt cả truyện chỉ có giọng lưỡi của Va-ren, còn Phan Bội Châu thì im lặng. Sự im lặng không lời của Phan Bội Châu là một dụng công nghệ thuật có một sức nặng tư tưởng lớn. Va-ren nói nhiều về bản thân mình – đó là điều mà chẳng có gì đáng ghét hơn thế ! Hãy nghe Va-ren nói chuyện với Phan Bội Châu : “Về chuyện này, tôi có thể kể cho ông nghe gương của một trong những trợ thủ cũ của ông, là ông Nguyễn Bá Trác, ông biết đấy, ông này đã biết điều rồi và hiện nay đã đứng về phía chúng tôi. Nhưng nếu gương của người đồng bào ông, ông cho là chưa đủ, thì tôi xin kể gương đồng bào của chính tôi cho ông nghe, gương các bạn học của tôi từ hồi còn nhỏ, các chiến hữu của tôi, Guy-xta-vơ, Alếch-xăng, A-ri-xtit, An-be, Pôn và Lê-ôn… Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy. Như vậy, các vị ấy có sao không ? Chẳng sao cả. Nền dân chủ của chúng tôi, nhờ chúa ! Rất là tốt ! Thật thế, nền dân chủ hào hùng của nước Pháp mà hôm nay tôi được vinh dự thay mặt cho các ông khoan dung với những người như tôi, đã đoạn tuyệt với những lầm lạc tuổi trẻ”.

          4. Sự không hiểu nhau giữa Va-ren và Phan Bội Châu không phải do sự bất đồng ngôn ngữ mà nằm ở tư tưởng và nhân cách của hai người. Va-ren tuy là toàn quyền nhưng dùng thủ đoạn bất lương, dùng lời lẽ ngọt ngào dụ đỗ, bịp bợm. Còn Phan Bội Châu là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, khinh bỉ, dửng dưng trước những lời lẽ dụ dỗ của Va-ren.

          5. Câu chuyện thể hiện tình cảm của hai anh em Thành, Thuỷ qua các chi tiết : Thuỷ : mang kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh ; Thành : giúp em học, chiều nào cũng đón em, dắt tay nhau vừa đi vừa trò chuyện, nhường đồ chơi… Đó là sự gần gũi, thương yêu, chia sẻ và quan tâm đến nhau. Nhưng khi bố mẹ li dị, hai anh em phải xa nhau. Sự xa cách chưa được những đứa trẻ nhận thức một cách sâu sắc, thấm thía mà chỉ thông qua những việc tưởng chừng rất đơn giản. Đó là việc chia đồ chơi – một việc của trẻ con. Việc đó đã diễn ra suôn sẻ trừ việc chia hai con búp bê. Thái độ của Thuỷ đột ngột thay đổi : “Tru tréo lên giận dữ : “Anh lại chia rẽ con Vệ Sĩ với con Em Nhỏ ra à ? Sao anh ác thế ?”, “Nhưng như vậy lấy ai gác đêm cho anh ?”. Ở đây, trong tâm trạng của Thuỷ có sự mâu thuẫn : Một mặt Thuỷ rất giận dữ không muốn chia rẽ hai con búp bê ; mặt khác lại rất thương anh, sợ đêm không có vệ sĩ canh gác cho anh. Câu chuyện đã thể hiện một cách cảm động tình cảm của hai anh em qua sự hồn nhiên, ngây thơ của Thuỷ.

 

 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận