Cổng trường mở ra – Để học tốt Ngữ văn 7

Đang tải...

Cổng trường mở ra  – Lý Lan

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

– Nhà văn Lý Lan sinh ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Quê mẹ ở xứ vườn trái cây Lái Thiêu, quê cha ở huyện Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

– Bà có rất nhiều tác phẩm viết cho lứa tuổi học trò như: Tập truyện thiếu nhi Ngôi nhà trong cỏ (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1984) được giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam; Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen (NXB Văn nghệ – 2008).

2/ Tác phẩm

– Tuỳ bút Cổng trường mở ra của nhà văn Lý Lan được viết vào ngày 01/09/2000, sau đó được in trên báo Yêu trẻ – TP.HCM số 166.

– Khi bắt đầu chương trình cải cách, lập tức, cổng trường mở ra được chọn làm bài giảng đầu tiên trong sách Ngữ Văn lớp 7.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

– Trong quãng đời đi học, hầu như ai cũng đã trải qua ngày khai trường đầu tiên. Nhưng ít ai để ý xem trong đêm trước ngày khai trường ấy mẹ mình đã làm gì và nghĩ những gì. Văn bản Cổng trường mở ra đã ghi lại những cảm xúc ấỵ

– Văn bản viết về tâm trạng của người mẹ trong đêm không ngủ được trước ngày khai trường đầu tiên của con. Những câu văn chân thành, xúc động như để tâm sự với đứa con bé bỏng, lại như đang nói với chính mình. Cao hơn nữa, nhà văn muốn khẳng định giá trị của giáo ,dục đối với một con người và với cả xã hội.

Cổng trường mở ra giúp người đọc cảm nhận và hiểu được những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ của cha mẹ con cái. Qua đó, giúp chúng ta thấy được ý nghĩa lớn lao của nhà trường đối với cuộc đời mỗi con người.

2/ Về nghệ thuật

– Như những dòng nhật kí tâm tình, nhỏ nhẹ và sâu lắng, văn bản có sức lay động đến trái tim người đọc mãnh liệt. Người mẹ không trực tiếp nói với con hoặc với ai cả. Người mẹ nhìn con ngủ như tâm sự với con nhưng thực ra là đang nói với chính mình. Văn bản, do vậy được hình dung như một dòng độc thoại nội tâm. Cách diễn đạt như vậy thể hiện được tình cảm mãnh liệt của người mẹ đối với đứa con, khắc hoạ được tâm tư tình cảm của mẹ và diễn đạt được những điều khó nói ra được bằng những lời trực tiếp.

– Nghệ thuật tương phản được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, làm nổi bật tâm trạng và tấm lòng của người mẹ.

– Không có sự việc, không có cốt truyện theo một chuỗi nhất định nhưng văn bản này đã khá thu hút người đọc bởi những câu văn mượt mà, dạt dào tình cảm với biết bao niềm tâm sự, hổi tưởng, kỉ niệm của người mẹ thương yêu con bằng tấm lòng cao cả.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Nhan đề

“Cổng trường mở ra”: Đó là ngày tựu trường bắt đẩu một năm học mới cũng đồng nghĩa với việc đứa con sắp bước vào một hành trình mới, có khó khăn, có niềm vui, nỗi buồn với nhiều điều bí ẩn và thú vị. Điều đó cũng có nghĩa là con của mẹ đang đi đến con đường của những khao khát, những ước mơ. “Cổng trường” không chỉ là trường học mà còn là trường đời với nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. “Mở ra” nghĩa là một ngưỡng cửa mới của tương lai tươi sáng và tràn đầy niềm vui. Tác giả đặt nhan đề là “Cổng trường mở ra” vừa nói lên vai trò của học tập, của nhà trường, vừa mang một niềm vui và tự hào về những thể hệ trẻ, đánh dấu được một bước ngoặt trong cuộc đời của đứa con trong hi vọng của người mẹ.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Tâm trạng người mẹ trong đêm trước ngày khai trường

* Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng

Vào đêm trước ngày khai trường của con mẹ không ngủ được.

* Diễn biến tâm trạng người mẹ

– Mẹ không tập trung vào việc gì cả.

– Mẹ lên giường và trằn trọc.

+ Trong đêm trước ngày khai trường, tâm trạng của người mẹ và đứa con có những biến chuyển khác nhau. Điều đó được tác giả thể hiện ở những chi tiết miêu tả tinh tế, sinh động.

+ Tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản giữa hình ảnh, tâm trạng của mẹ và con vào đêm trước ngày con đến trường. Mẹ thì thao thức, suy nghĩ. Con thì vẫn vô tư ngủ.

+ Hình ảnh của người con được miêu tả thật ngây thơ, đáng yêu. Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo. Mai đã là ngày khai trường, một ngày trọng đại của tuổi thơ cũng như một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời, vẫn tâm trạng như trước một chuyến đi xa, người con chỉ háo hức, chỉ lo việc sáng mai sao dậy cho kịp giờ rồi lại chìm vào trong giấc ngủ dễ dàng như ăn một cái kẹo. Tâm hồn ngây thơ, sự vô tư của con phải chăng một phần được tạo nên từ tình thương yêu, sự dạy dỗ, chăm sóc của người mẹ.

+ Trong khi người con đang mơ những giấc mơ đẹp thì người mẹ lại trằn trọc, suy nghĩ. Tâm trạng của mẹ như đang ở ngày đầu tiên khai trường của chính mình. Như ngày thường, sau khi con đi ngủ, mẹ dọn dẹp nhà cửa, lượm lặt những đồ chơi mà con dàn trận và làm vài việc riêng của mình. Nhưng hôm nay đã làm xong mọi việc mà mẹ vẫn chưa ngủ. Người mẹ chưa ngủ được có lẽ vì hai lí do. Thứ nhất: mẹ lo lắng cho con vì đây là một sự dấn thân thật sự vào con đường học vấn của bản thân – một bước ngoặt của cuộc đời. Thứ hai: người mẹ nôn nao nhớ lại kí ức về ngày khai trường năm xưa.

“Mẹ không lo nhưng vẫn không ngủ được”: Nỗi lo lắng cho con không phải là lí do chính khiến mẹ không ngủ được.

+ Con đã bắt đầu quen với môi trường học tập ở nhà trường, bên ngoài gia đình: “Con đã đi học từ ba năm trước, hồi mới ba tuổi vào lớp Mẫu giáo, đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Ngay cả ngôi trường mới, con cũng đã tập quen từ những ngày hè…”.

+ Quan trọng hơn, người mẹ đặt niềm tin vào đứa con bé bỏng của mình: “Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Mẹ tin vào sự chuẩn bị rất chu đáo cho con trước ngày khai trường”. Niềm tin của mẹ vào con dường như bao hàm cả niềm tự hào của người mẹ luôn luôn chăm chút cẩn trọng, chu đáo cho con mình.

– Ấn tượng của mẹ về buổi khai trường đầu tiên rất sâu đậm: nôn nao, hồi hộp, chơi vơi.

+ Lí do chính khiến cho mẹ thao thức, chính là vì ấn tượng khắc sâu mãi mãi trong lòng mẹ về ngày đầu tiên đi học.

+ Bao nhiêu kí ức của tuổi thơ tràn về, thôi thúc trong mẹ. Mẹ liên tưởng cảm xúc của con với mình cách đây đã mấy chục năm. Mẹ hồi tưởng lại cái ngày mà bà ngoại cùng mẹ tiến tới ngôi trường với nỗi chơi vơi và sự hốt hoảng khi cánh cổng đóng lại. Bà đã dẫn mẹ qua cánh cổng của thế giới kì diệu, cánh cổng mang đậm nét tuổi thơ. Mẹ đã phần nào chập chững bước qua cánh cổng ấy một mình với ý nghĩ tự lập và tâm trạng vui buồn đan xen.

+ Người mẹ cũng tin tưởng, hi vọng rằng con sẽ mạnh mẽ bước đi trên con đường học tập trước mắt và con đường đời đầy chông gai của chính con sau này. Những âm thanh cứ văng vẳng bên tai người mẹ thật ngọt ngào thân thương: “Hằng năm cứ vào cuối thu…Mẹ tôi âu yếm nắm tay dẫn tôi trên con đường làng dài và hẹp”. Người mẹ đã trải qua biết bao ngày khai giảng nhưng ngày khai giảng ngày mai là ngày khiến mẹ bận tâm nhất, bận tâm hơn cả ngày khai giảng đẩu tiên của mình. Vì đó là cái ngày mà con bắt đầu phải làm quen, bắt đầu phải tiếp xúc với thế giới lạ lẫm, học cách ứng xử với thầy cô, bạn bè.

– Cái hay của bài văn là bộc lộ cảm xúc qua /kí ức, hồi tưởng. Bên cạnh những từ ghép đẳng lập thể hiện tâm trạng nhân vật, nhà văn còn dùng những từ ghép chính phụ để miêu tả sự vật và con người khá rõ nét. Các tính từ mở rộng về mức độ cảm xúc: nhẹ nhàng, cẩn trọng, tự nhiên, rạo rực, bâng khuâng, xao xuyến, nôn nao, hồi hộp, chơi vơi, hốt hoảng... giúp câu văn tăng sức gợi hình, gợi cảm, khiến cho người đọc như đang lạc vào thế giới tâm trạng sâu thẳm, rối bời của người mẹ.

+ Đoạn văn “Cái ấn tượng… thế giới mà mẹ vừa bước vào” đã diễn tả đầy cảm xúc những ấn tượng về khai trường đầu tiên của người mẹ cho chúng ta cảm nhận về một môi trường hoàn toàn khác lạ – thế giới kì diệu đang từng giây, từng phút diễn ra trong ngày khai trường.

+ Từ dấu ấn sâu đậm của ngày khai trường, người mẹ mong con có những kỉ niệm đẹp về ngày khai trường đầu tiên để trở thành hành trang theo con suốt cuộc đời. Niềm mong ước giản dị này cho chúng ta thấy được tấm lòng yêu thương con sâu sắc, tình cảm đẹp đẽ và sâu nặng của người mẹ.

+ Người mẹ không trực tiếp nói với con hoặc với ai cả. Người mẹ nhìn con ngủ như tâm sự với con nhưng thực ra là đang nói với chính mình, đưa người đọc trở về sống lại những kí ức ấu thơ dầu xa xôi nhưng luôn tươi mới. Cách viết này làm nổi bật được tâm trạng, khắc hoạ được tâm tư, tình cảm, những điều sâu thẳm khó nói bằng những lời trực tiếp.

b/ Vai trò to lớn của nhà trường, nền giáo dục đối với mỗi cá nhân và suy nghĩ của mẹ về ngày mai khi “Cổng trường mở ra”

* Vai trò to lớn của nhà trường, nền giáo dục đối với mỗi, cá nhân.

– Từ những cảm xúc bồi hồi khi sống lại những ngày đầu tiên đi học, người mẹ ý thức rất rõ ràng vai trò to lớn nhà trường, nền giáo dục với đứa con bé bỏng của mình cũng như mỗi cá nhân trong xã hội.

– Trong bài, người mẹ đã cố gửi gắm, tạo cho con những cảm giác thoải mái khi bước vào cánh cổng trường học. Mẹ đã lo cho con đầy đủ hành trang trước ngày khai trường: từ cặp sách, đến quần áo, bút vở. Sau những hổi tưởng và mong ước, người mẹ ấy đã liên tưởng tới một nền văn minh của nước Nhật: “Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui”… Hướng về nước Nhật hay cũng chính là mơ ước của mẹ về một ngày rất gần giáo dục được xã hội hoá, được coi trọng hàng đầu: “không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ”.

– Những câu văn: “Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này” như một khẳng định đinh ninh về tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ. Giáo dục là một con đường dài đòi hỏi sự cẩn trọng, chăm chút từ những bước đi đầu tiên.

– Sự trân trọng của mẹ đối với ngày khai trường đầu tiên của con (như một ngày lễ trọng đại và thiêng liêng) cho thấy một điều rằng: mẹ ý thức rõ ràng vai trò của con đường học tập đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của con, và hơn hết mẹ cũng muốn “nhẹ nhàng, cẩn trọng và tự nhiên ghi vào lòng con” những điều giản dị mà lớn lao ấy.

* Suy nghĩ của mẹ về ngày mai khi “Cổng trường mở ra”.

– Kết thúc văn bản là câu nói của người mẹ với đứa con sớm mai đến lớp vào ngày khai trường đầu tiên: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.

“Thế giới kì diệu” mà người mẹ nói đến chính là chân trời của tri thức, văn hoá, khoa học. Mẹ dắt tay con đến cánh cổng trường nhưng người mở ra cánh cửa của thế giới ấy phải là con. Người mẹ ở đây muốn định hướng cho con một con đường đúng đắn, đó chính là con đường học tập. Con đường này là mơ ước của mẹ cũng là mơ ước của biết bao nhiêu người muốn gửi gắm vào con cái mình.

– Toàn bộ bài văn là tiếng nói nội tâm của người mẹ, nói vói kí ức, tâm hồn tuổi thơ và cả cảm nhận của mẹ. Đêm nay mẹ không ngủ được, mẹ ngắm nhìn con với những ưu tư, ôn lại những kỉ niệm đẹp đẽ. Cách viết này làm nổi bật được tâm trạng, ý nghĩ, tình cảm của nhân vật. Đó cũng như lời tâm sự nhỏ nhẹ của tác giả đối với bạn đọc một cách tinh tế, thấm thía, lay động. Thông điệp của tác giả gửi tới mọi người chính là vai trò của trường học thông qua những kí ức, tâm sự của người mẹ.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

NHÀ VĂN LÝ LAN: MẸ ĐƯA CON ĐẾN TRƯỜNG – MÃI LÀ BIỂU TƯỢNG ĐẸP NHẤT!

          Lâu nay, độc giả Việt Nam, đặc biệt là các độc giả trẻ không xa lạ gì với tên tuổi nữ dịch giả Lý Lan qua bộ truyện Harry Potter. Không chỉ là một dịch giả, tuỳ bút “Cổng trường mở ra” (SGK Ngữ Vãn lớp 7, tập 1) của nhà văn Lý Lan cũng được các em học sinh rất yêu thích. Và, sẽ thú vị hơn khi “con đường đến trường” được “mở ra” qua những tâm sự rất dung dị nhưng lại vô cùng cảm động như chính giọng văn của bà trong tuỳ bút này…

          “Cổng trường mở ra” từ khát khao của thời thơ ấu mồ côi

Trong quãng đời đi học, hầu như ai cũng đã trải qua ngày khai trường đầu tiên. Nhưng ít ai để ý xem trong đêm trước ngày khai trường ấy mẹ mình đã làm gì và nghĩ những gì.

Tuỳ bút “Cổng trường mở ra” đã ghi lại những cảm xúc ấy: “Vào đêm trước ngày khai trường của con. Mẹ đã chuẩn bị nhiều tâm trạng và tưởng tượng một số tình huống sẽ xảy ra, nhưng mẹ đã không hề nghĩ rằng đêm nay mẹ không ngủ được”.

          Nhà văn Lý Lan tâm sự: “Đó là một bài văn tôi viết khoảng mười năm trước, lúc cháu tôi sắp vào lớp một. Tôi chứng kiến tất cả sự chuẩn bị và cảm thông nỗi lòng của em tôi. Chị em tôi mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ, các em tôi không hề có niềm hạnh phúc được mẹ cầm tay dẫn đến trường. Hình ảnh đó là nỗi khao khát mà khi làm mẹ em tôi mới thực hiện được. Mãi mãi hình ảnh mẹ đưa con đến trường là biểu tượng đẹp nhất trong xã hội loài người.”

          Có lẽ chính bởi được viết lên bằng yêu thương và khát khao yêu thương được mẹ cầm tay đến trường mà “Cổng trường mở ra” chất chứa biết bao xúc cảm. Những câu văn chân thành xúc động như để tâm sự với đứa con bé bỏng, lại như đang nói với chính mình. Nhưng cao hơn nữa, nhà văn muốn khẳng định giá trị của giáo dục đối với một con người và với cả xã hội như bà nói: “Một con người được sinh ra, nuôi dưỡng, thương yêu, và được học hành, là nền tảng của văn minh con người. Cổng trường mở ra trên nền tảng đó, bảo đảm quyền căn bản của mọi đứa trẻ, khẳng định trách nhiệm của mọi người lớn”: “Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này. Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.

(SGK Ngữ Văn 7, tập 1)

          Trả lại đúng tên cho tác giả

          Tuỳ bút “Cổng trường mở ra” của nhà văn Lý Lan được viết vào ngày 01/09/2000, sau đó được in trên báo “Yêu trẻ” – TP.HCM số 166. Khi bắt đầu chương trình cải cách, lập tức, “Cổng trường mở ra” được chọn làm bài giảng đầu tiên trong sách Ngữ Văn lớp 7. Khi đó, nhà văn Lý Lan đang du học nước ngoài. Được hỏi về cảm xúc của một tác giả có tác phẩm trong SGK, nhà văn Lý Lan cho biết: “Vào khoảng mùa hè năm 2002 hay 2003 tôi về nước, nghe nói bài học đầu tiên trong sách giáo khoa mới, môn văn lớp 7 dạy tác phẩm của tôi. Tôi vui chứ không ngạc nhiên vì người soạn sách đã liên lạc với tôi bằng email để xin phép sửa hay giải thích một  số từ miền Nam tôi dùng trong bài vì SGK dùng cho học sinh cả nước. Tuy vậy, từ đó đến nay tôi không hề nhận được một cuốn sách biếu hay nhuận bút”.

          Nhưng điều khiến nhà văn Lý Lan chưa hài lòng không phải vì không có sách biếu hay nhuận bút mà là tên tác giả bị ghi thành Lí Lan. Đó là một sai sót không thể chấp nhận được: “Tôi là Lý Lan và không chấp nhận cho ai sửa tên tôi vì bất cứ lí do gì.”

           * Văn học thiếu nhi khó hay chứ không khó viết

          Theo nhà văn Lý Lan: Tình hình đọc sách văn học của trẻ em nước mình hiện nay không khác nhiều nước khác trên thế giới. Trẻ em ham chơi, sách văn học ngày càng khó cạnh tranh với những loại hình giải trí hấp dẫn khác. Phim ảnh, game chẳng hạn, thu được lợi nhuận lớn nên luôn có sản phẩm dồi dào và mới mẻ liên tục. Tác phẩm văn học đích thực không cách gì sản xuất nhanh nhiều như vậy.

          Là một tác giả đã có khá nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi (cả sáng tác và dịch thuật), bà cho rằng, văn học cho thiếu nhi không khó viết, chỉ khó hay thôi, vì nỗi éo le là người viết thường không còn là thiếu nhi, và đã ở ngoài thế giới của trẻ em. Họ chỉ có thể viết nhờ quan sát thế giới không có họ, hoặc hồi tưởng thế giới mà họ đã đánh mất. Cần có một tài năng và một tâm hồn lớn để viết thành công cho thiếu nhi. “Nếu cả đời tôi chỉ viết được một truyện trẻ em xứng đáng là văn học thiếu nhi, là đủ cho tôi mãn nguyện về nghề nghiệp”. ,

          Cũng là một tác giả có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy (gần 17 năm giảng dạy Anh văn), tuy không dạy môn văn, nhưng nhà văn Lý Lan đánh giá cao vai trò của văn chương trong nhà trường: “Tôi tin là điều quan trọng của văn chương trong nhà trường là rèn luyện phát triển tiếng Việt như ngôn ngữ tư duy và diễn đạt của người Việt, qua đó nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt và tâm hồn Việt Nam…”

Yên Khương

Theo báo Thể thao và Văn hóa, số ra 12/04/2009

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Mẹ tôi – Ét-môn-đô- đơ A-mi-xi  tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận