Các câu chuyện về truyền thuyết (câu hỏi và trả lời) – Bồi dưỡng HSG Văn 6

Đang tải...

Các câu chuyện về truyền thuyết

CON RỒNG CHÁU TIÊN

      Truyện này xứng đáng được coi là tác phẩm mở đầu cho chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng. Truyện tập trung vào việc giải thích và suy tôn nguồn gốc cao quý và thiêng liêng của dân tộc. Người Việt cổ đã ý thức được nguồn gốc cao quý của mình: là con cháu của Rồng (một loài vật do con người tưởng tượng ra và được coi là cao quý hơn tất cả mọi loài) và của Tiên (vừa giống người mà lại cao quý hơn người, người ở trên trời). Như vậy, cách giải thích của người Việt xưa vừa mang màu sắc thần thoại của toàn nhân loại, vừa gần gũi hơn, mang đậm chất lịch sử và thấm đượm tinh thần tự hào dân tộc hơn.

      Với niềm tin thiêng liêng về nòi giống Tiên, Rồng của mình, truyện không chỉ thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng mộ vói tổ tiên mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc và ý nguyện đoàn kết, thống nhất của đồng bào ta trên khắp mọi noi. Truyện Con Rồng cháu Tiên đã dùng hình ảnh “cái bọc trăm trứng”, trăm trứng đã nở ra một trâm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường vừa để giải thích nguyên nhân các dân tộc ở nước ta gắn bó với nhau như anh em một nhà, vừa là cách để giúp tăng cường ý thức cội nguồn chung, tinh thần đoàn kết dân tộc.

     Chính cái ý thức sáu sắc về nguồn gốc giống nòi, lịch sử chung của đại gia đình các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đã góp phần khiến cho truyện Con Rồng cháu Tiên tuy còn lưu giữ những hình ảnh tưởng tượng thần kì của thần thoại nhưng đã sớm biến thành truyền thuyết.

BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY

       Truyện trước hết nhằm giải thích nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy – những thứ bánh tiêu biểu cho truyền thống văn hoá ẩm thực của người Việt Nam. Bánh chưng, bánh giây chính là những món bánh được làm từ lúa nêp (một giống lúa nước), cùng đỗ xanh, thịt lợn, hành… đều là những sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Ngay cả lá dong và lạt chẻ từ cây giang dùng để gói bánh cũng là những thứ sẵn có ở Việt Nam và đối vói người dân thường thì chúng được quan niệm như là những thứ vốn chỉ có ở nước Việt Nam này. Điều này chứng tỏ những thành tựu về văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt Nam trong buổi đầu dựng nước.

       Cùng với việc giải thích nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy, truyện còn giải thích nguồn gốc của phong tục làm bánh chưng, bánh giầy vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, trước để cúng tổ tiên, sau để ăn Tết của người Việt Nam. Bánh chưng tượng trưng cho Đất, bánh giầy tượng trưng cho Trời. Dùng hai món bánh đỏ làm phẩm vật chính trong lễ tế tổ tiên là sự thể hiện ý tôn trọng, lòng biết ơn cha mẹ tổ tiên, coi trọng công lao của tổ tiên bao đòi gây dựng. Ngày Tết đầu năm ăn bánh chưng, bánh giầy là để nhớ ơn thiên nhiên trong năm qua đã ban cho con người mùa màng tươi tốt, của cải dồi dào, đồng thời cũng là để cầu mong năm mới lại tiếp tục được thiên nhiên ưu đãi như thế. Một ý nghĩa thể hiện thái độ đề cao lao động, coi trọng nghề nông đồng thời củng thể hiện niềm biết ơn, tôn kính Trời, Đất, tổ tiên của nhân dân ta.

      Bên cạnh đó, truyện còn đề cao tư tưởng dân chủ và khát vọng về một tương lai tốt đẹp. Vua Hùng không truyền ngôi cho con trưởng. Ngài truyền ngôi cho con út, một người con sống có tình nghĩa, luôn nhớ đến công ơn tổ tiên, biết quý trọng của cải do thiên nhiên trao tặng và chăm chỉ, sáng tạo trong lao động. Có được một nhà vua như Lang Liêu thì nghề nông của nước ta sẽ phát triển, nước ta sẽ phồn thịnh. Đây chính là biểu hiện của tư tưởng bình đẳng, dân chủ, đề cao lao động đồng thời cũng là biểu hiện niềm mơ ước về một tương lai tốt đẹp sẽ đến với dân tộc, đất nước.

THÁNH GIÓNG

   Truyện kể về người anh hùng đánh giặc giữ nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Thông qua câu chuyện đánh giặc cứu nước của một chú bé lên ba, truyện đã thể hiện sức mạnh đoàn kết, quật cường của con người và thiên nhiên đất Việt trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước; đồng thời cũng thể hiện quan niệm, ước mơ về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đây chính là ý thức về dân tộc, ý thức về lịch sử của nhân dân Việt Nam trong buổi đầu dựng nước.

      Thế giới nhân vật của truyện Thánh Gióng tượng trưng cho một thành phần của dân tộc ta, nhân dân ta tham dự vào cuộc chiến tranh giữ nước và góp phần làm nên chiến thắng chung của cả cộng đồng. Vua Hùng chính là vị thủ lĩnh tối cao của dân tộc, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chung để bảo vệ và xây dựng đất nước. Người thủ lĩnh tối cao ấy đã rất sáng suốt khi biết đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân. Nhân vật tập thể bao gồm toàn thể nhân dân. Đó là những người thợ không quản ngày đêm rèn ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt – những thứ vũ khí cần thiết cho chú bé làng Gióng ra trận, là bà con làng xóm gom góp gạo nuôi chú bé lớn lên, gom góp vải để may áo cho chú bé mặc. Họ làm công việc này với một thái độ tự nguyện, thoải’mái, vui vẻ với lòng yêu nước tha thiết. Nhân vật trung tâm của truyện, người anh hùng làm nên chiến thắng là cậu bé làng Gióng. Hình tượng nhân vật cậu bé làng Gióng được xây dựng bằng nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo giàu ý nghĩa biểu tượng.

     Cậu bé làng Gióng có một nguồn gốc vừa hiện thực vừa hoang đường, kì ảo. Cha mẹ cậu bé cũng chỉ là những người dân bình thường, nhưng bà mẹ của cậu thụ thai trong một hoàn cảnh khác thường. Cậu bé mới chào đời đã có gương mặt rất khôi ngô. Mặc dù đã lên ba mà cậu bé vẫn không biết nói, không biết cười, cũng không biết đi, đặt đâu nằm đấy. Sự khác thường của cậu bé làng Gióng được truyện xây dựng kì ảo như vậy cô đúc nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thứ nhất, một đứa bé như thế nhất định phải là một người khác thường, phi thường. Thứ hai, chuẩn bị cho việc cậu bé khi đã nói lời đầu tiên sẽ phải là lời nói thiêng ‘liêng, lời nói yêu nước, lời nói đòi đi đánh giặc. Rõ ràng, đối vói người anh hùng thì đất nước, dân tộc là cao cả, thiêng liêng nhất. Thứ ba, đang nằm trơ chẳng nói, chẳng cười, vừa nghe tiếng sứ giả (tượng trưng cho tiếng gọi thiêng liêng của đất nước) kêu gọi người ra cứu nước thì lập tức cậu bé ngồi dậy, lại nói luôn được một cách rành rọt, dõng dạc đâu ra đấy nguyện vọng và quyết tâm đánh giặc… Điều này hàm ý rằng chính nhiệm vụ cứu nước, ý thức đánh giặc đã tạo nên sự chuyển biến thần kì từ một đứa trẻ nên một anh hùng. Chi tiết cậu bé ba năm vẫn không biết nói, biết đi là biểu tượng cho những người dân bình dị, ít nói, lúc bình thường chỉ biết chăm chỉ làm ăn với ruộng đồng. Thời gian ba năm ấy cũng là ẩn dụ cho thời gian cả nước Văn Lang, từ vua Hùng cho đến người dân, lặng lẽ và căng thẳng chuẩn bị một cuộc đánh trả bọn xâm lược đang rình rập sát bờ cõi. Lúc cậu bé ngồi bật dậy, lên tiếng đòi ra dẹp giặc (rồi tiếp đó là việc cậu lớn nhanh như chưa từng thấy) là biểu tượng cho sự lớn mạnh của nhân dân, của dân tộc trước thử thách của lịch sử.

   Chi tiết Thánh Gióng đang đánh giặc nửa chừng thì roi sắt bị gãy, Gióng “bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc” cũng chứa đựng một bài học tư tưởng sâu sắc: hễ có lòng yêu nước và ý chí quyết tâm đánh giặc giữ nước thì bất cứ thứ gì cũng có thể được dùng làm vũ khí, thì ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm ra được cách đánh thắng kẻ thù. Cách kết thúc bằng chi tiết Gióng bay lên trời khiến nhân vật anh hùng trở nên bất tử như đất trời, non nước Văn Lang còn mãi đến muôn đời. Đó là cách để sáng tác nghệ thuật của dân gian đời xưa thế hiện điều mà nhân dân ta thời nay hằng nói về sự bất tử: những vị anh hùng của dân tộc bao giờ cũng sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong sự nghiệp giữ nước, dựng nước của các thế hệ con cháu về sau.

     Hình tượng người anh hùng làng Gióng là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất, rực rỡ nhất cho các anh hùng đánh giặc cứu nước. Hình tượng.kết tinh truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam tưởng chừng nhỏ bé mà đã đánh thắng nhiều bọn xâm lăng. Người anh hùng ấy được tiếp sức bởi sức mạnh và tài năng của nhân dân, ắt phải từ một đứa trẻ lên ba lớn bổng thành người khổng lồ. Người khổng lồ ấy trở thành một vị anh hùng chính là nhờ kết tinh trong mình sức mạnh toàn diện của toàn dân tộc. Với nghệ thuật xây dựng hình tượng Gióng như thế, truyện đã nói lên rằng sức mạnh của cá nhân anh hùng bao giờ cũng có cội nguồn ở sức mạnh của toàn dân. Chúng ta có anh hùng vì chúng ta có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng. Hình tượng ấy là sản phẩm của trí tưởng tượng phóng khoáng, bay bổng đến mức mãnh liệt của một nhân dân, một dân tộc “yêu nước đến tận mỗi tế bào”. Nó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nhân dân ta cả về lòng yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do cho đất nước quê hương, cả về ý thức công dân, ý thức làm chủ vận mệnh của mình. Hình tượng ấy cũng là biểu hiện trình độ nghệ thuật của nhân dân ta đã đủ cao để sáng tạo nên nhũng tác phẩm văn học dân gian tương xứng vói tầm vóc của dân tộc, với đòi hỏi của lịch sử.

   Thánh Gióng là một tác phẩm văn học truyền miệng giàu chất tưởng tượng bay bổng và kì ảo nhưng vẫn không xa rời thực tế. Trái lại, nhờ dùng trí tưởng tượng để sáng tạo nên hình tượng kì ảo mà truyện lại phản ánh được những sự thật lịch sử diễn ra suốt cả thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc.

SƠN TINH, THUỶ TINH

   Thông qua cuộc thi tài – cầu hôn và quyết chiến để tranh giành nàng Mị Nương của thần Sơn Tinh, Thuỷ-Tinh, truyện nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Được hình thành bằng con đường gia tăng yếu tố lịch sử cho thần thoại (lịch sử hoá thần thoại), cho nên truyền thuyết Son Tinh, Thuỷ Tinh không chỉ dừng lại ở mục đích giải thích các hiện tượng tự nhiên nói chung (nguồn gốc ngọn núi, dòng sông; nguồn gốc nạn lụt hàng năm), cũng không chỉ phản ánh ước mơ chinh phục các hiện tượng tự nhiên ấy, truyện còn hướng đến một mục đích có ý nghĩa phản ánh lịch sử: ca ngợi công cuộc chinh phục thiên nhiên. Cụ thể ở đây là chinh phục nạn lũ lụt hằng năm trên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng – một phương diện chủ yếu trong công cuộc dựng nước của tổ tiên chúng ta ở vào một thời đại lịch sử huy hoàng – thời đại dựng nước của. các vua Hùng. Cuộc’xung đột được kể trong truyện là cuộc xung đột nói chung và muôn đời giữa nước với núi. Đó là cuộc xung đột giữa thần núi Tản Viên với thần nước sông Đà, cuộc xung đột vừa liên quan đến chuyện hôn nhân của nàng công chúa con vua Hùng thứ mười tám (con số ước lệ), vừa ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người Việt cổ trên địa bàn Phong Châu nói riêng, nước Văn Lang nói chung.

   Các chi tiết nghệ thuật có. giá trị đựợc truyện dùng để xây dựng hình tượng nhân vật chính, đó là những chi tiết về cuộc thi tài và cầu hôn, những chi tiết về cuộc giao tranh cùng chi tiết về cách kết thúc cuộc giao tranh ấy. Những chi tiết này vừa là sản phẩm của trí tưởng tượng mang đậm tính chất thần kì vừa không thoát li thực tế (là thần Núi, Sơn Tinh chỉ có thể điều khiển được đồi núi, cồn bãi; còn Thuỷ Tinh là thần Nước nên chỉ có thể gọi được gió bão, hô được mưa lũ). Hai thần đều tài giỏi ngang nhau nhưng không thể đổi được tài nghệ cho nhau. Những lễ vật mà Hùng Vương thách cưới tất cả đều kì lạ và khó kiếm nhưng đó cũng lại là những thứ hoặc là sản phẩm của nghề trồng lúa nước (com nếp, bánh chưng – vốn là món ăn truyền thống của người Việt ngay từ thời Văn Lang), hoặc là dựa trên cơ sở thành tựu thuần hoá những động vật hoang dã thành vật nuôi trong nhà. Sở dĩ chỉ riêng Sơn Tinh kiếm đủ lễ vật là vì những lễ vật đó đều ở trên cạn. Thế là dân gian đã mượn lời thách cưới của Hùng Vương để bộc lộ tình cảm, sự thiên vị đối với Sơn Tinh. Rõ ràng, ở đây có sự kết họp của trí tưởng tượng kì diệu với hoàn cảnh thực tế. Thần thoại trở thành truyền thuyết gắn bó với cuộc đời là như thế.

    Những chi tiết về cuộc giao tranh, đánh ghen của Thuỷ Tinh và cuộc chống trả của Sơn Tinh cũng có tính chất hai mặt như những chi tiết về cuộc thi tài và cầu hôn. Thuỷ Tinh hô mưa, gọi gió thì tạo nên bão dông, lũ lụt “rung chuyển cả đất trời… nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước”. Nhưng những hình ảnh tưởng tượng dữ dội, kì vĩ ấy vẫn dựa trên những kinh nghiệm, quan sát thực tế về những trận lũ lụt khủng khiếp trên dọc hai bờ sông Hồng, sông Đà trong mùa mưa bão hằng năm. Sơn Tinh dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành luỹ đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Tài năng đắp đất cao để ngăn nước đó một phần có cơ sở ở quá trình trị thuỷ của tổ tiên người Việt, nhưng một phần (và là phần chủ yếu nằm ở một tác phẩm văn học) bắt nguồn từ ước mơ của nhân dân muốn có sức mạnh phi thường, khả năng to lớn để chiến thắng nạn lụt. Ước mơ ấy, suy cho cùng cũng nảy sinh từ thực tế lao động sản xuất và đấu tranh với thiên nhiên. Những điều này nói lên giá trị phản ánh hiện thực của những chi tiết nghệ thuật tưởng như hoang đường và cũng thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa sáng tác văn học dân gian với đời sống của nhân dân.

   Những chi tiết về cách kết thúc cuộc giao tranh là chiến thắng của Sơn Tinh đối vói Thuỷ Tinh – không thể không như vậy vì thực tế là nước lũ dâng cao đến đâu rồi cũng đến lúc phải rút. Nhưng Sơn Tinh đã thắng mà chưa thắng hẳn, Thuỷ Tinh dẫu thua mà chưa chịu thua hẳn, hằng năm vẫn “làm mưa gió, bão lụt, dâng nước đánh Sơn Tinh”. Và rồi lần nào cũng vậy, Thuỷ Tinh “đánh mỏi mệt, chán chê… đành rút quân về”. Tuy nhiên, cách kết thúc ấy còn tổng kết một bài học kinh nghiệm lớn: con người không bao giờ chịu ngồi yên khoanh tay nhìn và đợi chờ bị động trước thiên nhiên; sức người hoàn toàn có thể chiến thắng được thiên tai lũ lụt.

   Với cách kết thúc như vậy, truyện còn là lời thế hệ trước nhắn nhủ, gửi gắm cho thế hệ sau nhiệm vụ tiếp tục vươn lên chinh phục tự nhiên, làm chủ đất nước. Công trình thuỷ điện sông Đà với nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và sắp tới đây là nhà máy thuỷ điện Tà Bú, Sơn La (cùng các công trình thuỷ điện, đê điều khác), sự nghiệp trồng rừng và giữ gìn, bảo vệ rừng chính là việc làm thực tế của các thế hệ ngày nay để tiếp tục sự nghiệp trị thuỷ, xây dụng đời sống ấm no, phồn vinh của cha ông ta.

SỰ TÍCH HỒ GƯƠM

   Đây là một truyền thuyết lịch sử, gắn với cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, nằm trong chuỗi truyền thuyết về người anh hùng Lê Lợi. Nhưng đây cũng là truyền thuyết địa danh (loại truyền thuyết giải thích nguồn gốc trực tiếp của những tên núi, tên sông, tên hồ… nguồn gốc hình thành những vùng đất…). Vì thế, truyện không chỉ phản ánh, ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa, mang tính chất nhân dần do Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi giặc Minh xâm lược mà còn giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời cũng thể hiện khát vọng, ước mơ về hoà bình của dân tộc ta. Truyện kể gồm hai sự kiện: Long Quân cho Lê Lợi, người đứng đầu cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn, mượn gươm thần; Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần và việc ra đời tên gọi hồ Hoàn Kiếm.

    Sự kiện Long Quân cho mượn gươm thần đã chắp đôi cánh của trí tưởng tượng đầy thơ và mộng của dân gian cho tác phẩm nhằm thần kì hoá nguyên nhân dẫn đến thắng lợi vĩ đại của cuộc khỏi nghĩa’Lam Sơn. Cách cho mượn gươm của Long Quân cùng hệ thống chi tiết về các bước xuất hiện của gươm thần bao hàm nhiêu ý nghĩa sâu sắc. Lưỡi gươm tìm được từ dưới nước, chuôi gươm tìm thấy từ trên rừng, khi khớp lại thì thành thanh gươm thần hoàn chỉnh dùng đế đánh giặc. Điều đó nói lên một cốt lõi sự thực lịch sử là: khi có giặc ngoại xâm đến, nhân dân ta từ vùng rừng núi đến miền biển khơi đều nhất tề đứng lên đánh giặc, khi các phong trào lẻ tẻ ấy ở nhiều nơi liên kết lại, thống nhất vói nhau thì sẽ tạo thành sức mạnh to lớn để đánh thắng giặc ngoại xâm. Chi tiết này gợi cho chúng ta .nhớ đến bài học về tinh thần đoàn kết mà Long Quân (tức tổ tiên) đã dạy con cháu khi từ biệt về cõi thiêng: “Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn” (Con Rồng cháu Tiên). Lời nói của Lê Thận khi dâng gươm cho Lê Lợi là lời của toàn dân, trên dưới một lòng, khẳng định vai trò lãnh đạo cuộc khỏi nghĩa của Lê Lợi. Câu nói đó cùng vói tên thanh gươm thần “Thuận Thiên” đã nhấn mạnh tính chất chính nghĩa của cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn: mục tiêu của cuộc khỏi nghĩa hoàn toàn phù họp với ý Trời, lòng Dân.

   Sự kiện Long Quân đòi lại gươm thần trên hồ Tả Vọng, lúc đất nước đã sạch bóng quân thù mang nhiều hàm ý. Đất nước đã sạch bóng quân thù, giờ đây nhân dân ta bắt tay vào giai đoạn lao động, xây dựng cuộc sống hoà bình, phồn vinh. Nghĩa là giai đoạn “dụng võ” đã qua, giờ là lúc bắt đầu giai đoạn “dụng văn” (dùng trí tuệ để xây dựng đất nước). Gươm thần trao lại cho Long Quân giữ. Thanh gươm vẫn còn đó, khi nào đất nước bị ngoại xâm, Long Quân sẽ lại cho con cháu mượn gươm thần. Việc Lê Lợi cho đổi tên hồ từ hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm bao hàm lòng biết ơn tổ tiên và ý thức đề cao cảnh giác, răn đe những kẻ rắp tâm dọm ngó nước ta. Gươm thần từ Long Quân chuyển đến vị chủ tướng của cuộc khởi nghĩa để cùng ông và nghĩa quân làm nên chiến thắng, rồi gươm thần lại từ Lê Lợi chuyển về cho Long Quân. Vòng khép kín này tạo nên tính nhất quán của câu chuyện, vẻ đẹp hoàn mĩ của cấu tạo tác phẩm và hình ảnh lưỡi gươm thần. Tất cả nhằm thần thánh hoá một trong những chiến công chống ngoại xâm hiển hách của dân tộc, ca ngợi hết lời triều đại nhà Hậu Lê mở đầu bằng Lê Lợi – Lê Thái Tổ. Bên cạnh đó chi tiết trả gươm còn thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam, Khi đã đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, chiến tranh đã kết thúc thì tạm cất vũ khí đi để xây dựng đất nước thanh bình, vũ khí chỉ sử dụng vào mục đích tự vệ để bảo vệ Tổ quốc. Riêng hình tượng nhân vật Rùa Vàng nhắc ta nhớ tói hình tượng nhân vật Thần Kim Quy trong truyền thuyết về An Dương Vương xây thành cổ Loa và đánh thắng cuộc xâm lăng lần thứ nhất của Triệu Đà nhờ chiếc nồ thần. Sự xuất hiện nhiều lần của Rùa Vàng trong các sự kiện trọng đại của lịch sử được truyền thuyết kể lại nhằm nói lên truyền thống yêu nước của dân’tộc và cũng góp phần tô đẹp thêm cho vẻ đẹp nghệ thuật của thể loại truyền thuyết dân gian.

LUYỆN TẬP

Bài tập

1. Hãy chỉ ra cái “cốt lõi sự thật lịch sử” trong các truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Son Tinh, Thuỷ Tinh; Sự tích Hồ Gươm. Những “cốt lõi sự thật lịch sử” này có tác dụng như thế nào đối với người kể và người nghe truyền thuyết?

2. Qua những yếu tố tưởng tượng, kì ảo ở các truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tỉnh; Sự tích Hồ Gươm nhân dân ta muốn thể hiện những thái độ hay bày tỏ những khát vọng, ước muốn gì?

3. Em có nhận xét gì về cái “cốt lõi sự thật lịch sử” trong các truyền thuyết thời Hùng Vương như Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; và truyền thuyết thời Lê như Sự tích Hồ Gươm? Qua đây, em nhận thấy được quy luật gì của truyền thuyết?

4. Tại sao nói truyền thuyết có cái “cốt lõi sự thật lịch sử” nhưng lại không phải là lịch sử?

5. Trong các truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; Sự tích Hồ Gươm thì những truyền thuyết nào có mối quan hệ vói nhau? Hãy chỉ ra những mối quan hệ ấy.

Gợi ý

1. Cái “cốt lõi sự thật lịch sử” trong các truyền thuyết như sau:

– Con Rồng cháu Tiên: Đó là thời đại Hùng Vương với quá trình chinh phục thiên nhiên để gây dựng đất nước như diệt Ngư Tinh (miền ven biển), Hồ Tinh (đồng bằng sâu trong nội địa), Mộc Tinh (vùng trung du, miễn núi) cùng các thành tựu về lao động sản xuất của thời kì sơ khai nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi.

– Bánh chưng, bánh giầy. Đó là thời đại Hùng Vương và thể chế chính trị (chế độ phụ quyền thế tập cha truyen con nối, với các quan chức được gọi là lang, với chế độ dàng phẩm vật làm lễ chúc vua đầu năm) cùng các thành tựu về văn minh nông nghiệp, sáng tạo văn hoá (văn hoá ẩm thực).

– Thánh Gióng-. Đó là thời đại Hùng Vương, trên cơ sở của một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã khá phát triển, người dân Văn Lang đã tạo nên cả một nền văn minh rực rỡ. Đồng thòi đây cũng là lúc cộng đồng ấy phải đoàn kết và luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng để tồn tại. Bởi thế, người Văn Lang không chỉ giỏi sản xuất nồng nghiệp mà.còn giỏi cả các nghề thủ công, đặc biệt là nghề khai thác quặng và luyện kim loại, chế tạo vũ khí (nhiều loại, nhiều kiểu dáng để đáp ứng các yêu cầu phức tạp của chiến tranh tự vệ). Thòi đó, mỗi người dân Văn Lang vừa là một nhà nông (hoặc thợ thủ công nghiệp) vừa là một chiến sĩ khi cần chiến đấu (Gióng là con nhà nông dân, cầm vũ khí do thợ thủ công chế tạo và ra trận trở thành chiến binh – dũng sĩ).

– Sơn Tinh, Thuỷ Tinh: Đó là hiện tượng lũ lụt hằng năm và công cuộc trị thuỷ của cộng đồng người Việt cổ ở lưa vực sông Đà, sông Hồng trong thời đại Hùng Vương.

– Sự tích Hồ Gươm: Đó là cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn do người anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo và địa danh Hồ Gươm ở Thăng Long – Hà Nội.

Những “cốt lõi sự thật lịch sử” này làm cho người kể và người nghe tin rằng truyền thuyết là thực, làm cho người kể, người nghe tự hào về nguồn gốc cao quý, về lịch sử hào hùng của dân tộc.

2. Những yếu tố tưởng tượng, kì ảo ở các truyền thuyết:

– Con Rồng cháu Tiên: Đó là nguồn gốc thần linh của Lạc Long Quân và Âu Cơ ; là những hoạt động và kì tích của Lạc Long Quân (diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh) và Âu Cơ (đẻ bọc trăm trứng và nở thành trăm người con).

– Bánh chưng, bánh giầy. Đó là chi tiết thần báo mộng bày cách cho Lang Liêu lấy gạo làm bánh.

– Thánh Gióng. Đó là sự mang thai kì lạ của bà mẹ Gióng, quá trình sinh ra và trưởng thành của Thánh Gióng, chi tiết Gióng đánh giặc và về trời.

– Sơn Tinh, Thuỷ Tinh: Đó là tài cao và phép lạ của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.

– Sự tích Hồ Gươm: Đó là các chi tiết Long Quân cho mượn gươm và đòi gượm, là sức mạnh kì diệu của thanh gươm thần.

Qua những yếu tố tưởng tượng, kì ảo trên nhân dân ta muốn thể hiện những thái độ, khát vọng, ước muốn:

– Con Rồng cháu Tiên: Tự hào về nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của mình.

– Bánh chưng, bánh giầy: Tự hào về nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy (bánh do thần bảo); đề cao nghề nông, thể hiện tư tưởng bình đẳng, dân chủ.

– Thánh Gióng: Thể hiện quan niệm về người anh hùng (phải chiến đấu đế bảo vệ quê hương khi có giặc ngoại xâm, đánh giặc xong không màng danh lợi…), bài học về chống giặc ngoại xâm: sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết họp các loại vũ khí thô sơ và hiện đại để đánh giặc.

– Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Khát vọng trị thuỷ (chống lũ lụt) của nhân dân thời xưa.

– Sự tích Hồ Gươm: Ca ngợi cuộc chiến tranh chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo (cuộc khởi nghĩa được tổ tiên, thần linh và nhân dân ủng hộ), thể hiện tình yêu và khát vọng hoà bình của dân tộc.

3. Sự xuất hiện cái “cốt lõi sự thật lịch sử” trong truyền thuỵết Sự tích Hồ Gươm nổi bật hơn, rõ rệt hơn (cho dù vẫn có những chi tiết kì ảo) so với các truyền thuyết thời Hùng Vương như Con Rồng chậu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Sự khác nhau đó phản ánh quy luật : những truyền thuyết càng xa xưa thì yếu tố “cốt lõi sự thật lịch sử” càng bị mờ nhạt, khó nhận ra hơn, thậm chí có những truyền thuyết vốn ban đầu là những truyện thần thoại (ví dụ: Sơn Tinh, Thuỷ Tinh) còn những truyền thuyết càng gần với hiện tại thì cái “cốt lõi sự thật lịch sử” càng nổi bật hơn, rõ rệt hơn.

4. Truyền thuyết có cái “cốt lõi sự thật lịch sử” nhưng lại không phải là lịch sử vì truyền thuyết là “dã sử”. Có nghĩa là, khi kể lại cái lõi lịch sử, nhân dân đã kì diệu hoá các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử bằng tưởng tượng hoang đường. Các nhân vật, sự kiện là có thực nhưng khi đi vào truyền thuyết thì không hoàn toàn giống như thực. Nó đã được trí tưởng tượng của dân gian thêu dệt, hư cấu theo hướng hình tượng hoá, mĩ hoá của văn học để cho sinh động hơn, hấp dẫn hơn; thể hiện được những thái độ và tình cảm của người kể chuyện. Lịch sử khi đi vào truyền thuyết đã được lí tưởng hoá theo trí tưởng tượng của dân gian. Cái lõi lịch sử ở đây là những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật nhưng không trần trụi như ngoài xã hội mà còn bao hàm cả thái độ và cách đánh giá của nhân dân về các sự kiện và nhân vật lịch sử đó.

5. Các truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có mối quan hệ với nhau. Đó là các truyền thuyết nằm trong chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng. Các truyền thuyết này kể về con người (vua Hùng, con trai, con gái, con rể…), cuộc sống và các sự kiện thời đại Hùng Vương. Còn truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm thuộc thời kì sau này, thòi kì kháng chiến chống quân Minh xâm lược, nằm trong chuỗi truyền thuyết kể về người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

 

>>Xem thêm : Củng cố, mở rộng kiến thức về cổ tích – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn lớp 6 tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận