Các bài văn tả phong cảnh hay – Luyện tập làm văn lớp 3

Đang tải...

Bài số 1

Tả lại một vài cảnh đẹp trong ngày.

Bài làm 1

Buổi sáng mùa xuân đi học

Có những buổi sáng mùa xuân đi học thật vui, thật đẹp.

Mưa xuân rắc bụi không còn nữa. Nắng xuân màu hồng tươi như làm sáng bừng đất trời, cảnh vật. Con đường quê mịn màng, mềm mại như dải lụa. Nhũng bước chân thon nhỏ của hàng đàn trẻ thơ nối bước tới trường. Kìa, chim én ở đâu mà bay ra nhiều thế? Cánh én vun vút đưa thoi trên thảm xanh lúa thì con gái. Hoa dại ven đường nở trắng phau, vàng mượt. Có bao nhiêu là chuồn chuồn, bươm bướm. Có tiếng hát của cô thôn nữ từ đồng xa cất lên. Tiếng còi xe máy, tiếng chuông xe đạp, tiếng nghé ọ, tiếng cười nói rộn ràng khắp các nẻo đường quê…

Cặp sách, túi sách mang nặng trên đôi vai, em cùng các bạn hối hả kéo đi. Cảnh đẹp buổi sáng mùa xuân làm cho lòng em phơi phới! Kìa, mái ngói trường em đã hiện ra…

Hoàng Đức Nghệ, lớp 3B

Trường Tiểu học Xuân Quang Thọ Xuân, Thanh Hoá

Bài làm 2

Đêm trăng thu trên sân nhà em

Những đêm trăng thu trên sân nhà chắc em sẽ không bao giờ quên. Nền gạch Bát Tràng đỏ au được quét sạch từ chiều. Mẹ đem ba chiếc chiếu ra trải trên sân. Ông bà nội và bố mẹ ngồi uống nước, nói chuyện. Hôm nay còn có cụ Lâm, cụ Chiểu đến chơi. Năm, sáu đứa trẻ chúng em chơi trò bán hàng, phá cỗ,… nói cười râm ran.

Trăng mỗi lúc một lên cao. Vượt khỏi hàng râm bụt, trăng treo trên cành cây xoan. Trăng sáng quá, đẹp quá! Em Hưng reo lên, chỉ tay lên sông Ngân Hà nói: “Em đã nhìn thấy ông Thần Nông rồi các chị ơi!”. Em đã từng được nghe bà nội kể chuyện cổ tích Ngưu Lang – Chức Nữ… Gió mát rượi. Bầu trời đêm đầy sao. Cụ Lâm say sưa kể chuyện đi thăm quan Lào về, cụ Chiểu nói chuyện bán bò, mua trâu, mua máy gặt,… Khoai luộc, bắp luộc mẹ bê từ bếp ra. Chúng em reo lên. Mọi người vừa ăn khoai, ăn bắp luộc vừa nói chuyện vui vẻ.

Đêm trăng tháng Tám trên sân nhà thật đẹp và đáng yêu. Chúng em bàn về Tết Trung thu sắp tới. Càng bàn càng náo nức. Nhiều đêm, em mang theo ánh trăng thần tiên vào giấc ngủ.

Nguyễn Thu Bình, lớp 3B

Trường Tiểu học Tiên Sóc, Bắc Ninh

Bài số 2

Tả cảnh một vườn rau.

Bài làm 1

Vườn rau nhà bác Tuệ là xanh tốt nhất ở vùng ngoại ô này. .

Vườn rộng độ hai sào, được chia thành nhiều khoảnh, nhiều luống đều tăm tắp. Những luống rau xanh chạy dài. Đất tơi xốp, màu mỡ. Hầu như không thấy mọc một cây cỏ dại nào.

Khoảng trồng rau cải bắp là rộng và dài nhất. Hàng nghìn bắp cải tròn vo, màu ngà, được cụm lá xanh sẫm xoè ra như hai bàn tay to bao bọc lấy. Những luống rau cải thìa, lá xanh nhạt mỡ màng, cuộng rau dài, to uốn vồng lên màu trắng nõn. Những luống xà-lách xanh rờn, tươi non. Chỉ ngắm nhìn cũng đã thấy ngọt ngào, thơm mát. Luống cải bẹ ngồn ngộn, bao phủ một màu xanh tươi bao la. Cây cải nào cũng có những bẹ rau to uốn vồng lên như tay những vũ nữ đang múa lượn.

Vườn rau đẹp quá! Đẹp như một bức tranh màu của nhà danh hoạ.

Nguyễn Vũ Tuấn, lớp 3C

Trường Tiểu học Tây Tựu, Hà Nội

Bài làm 2

Đây là khoảng trồng hành, tỏi, đậu cô-ve, cà tím,… được tách thành một khu riêng biệt lập. Thích nhất là ngắm hàng trăm hàng nghìn cây cà tím. Cây nào cũng có hàng chục quả cà to bằng cổ tay đứa trẻ lên hai, dài độ gang tay người lớn, màu tím thẫm, tím nhạt, tím nâu, tim tím, vàng chanh, đủ màu sắc, đủ dáng hình, căng đầy nhựa sống và vị ngon, ngọt.

Những luống rau thơm như rau diếp, canh giới, húng láng, mùi tàu,… phô lên một màu xanh sum sê, tươi non. Luống ớt ngọt quả to và dài, để xào và ăn tươi, cứ 10 đến 12 quả được một cân. Khắp vườn, chuồn chuồn bươm bướm bay lượn rộn ràng.

Sáng sớm, trưa, chiều, tối, hầu như lúc nào trên vườn rau cũng có năm sáu chị, chân đi ủng; người thì thu hái, cắt tỉa; người thì gánh rau chất đầy lên xe ô-tô; người thì tưới nước; người thì cuốc xới. Đèn điện thắp sáng thâu đêm vào vụ rau đông xuân. Những luống rau vừa thu hoạch xong đã được cuốc xới, bón phân, tạo thành rãnh, chuẩn bị gieo trồng tiếp.

Có đến đây mới thấy rõ: Tấc đất tấc vàng và bàn tay cần cù, khéo léo của những nhà làm vườn, của thợ trồng rau. Có đến đây mới hiểu: rau xanh, rau thơm, rau tươi, rau sạch,… là một phần quan trọng của cuộc sống chúng ta.

Lê Xuân Lan, lớp 3B

Trường Tiểu học Tây Tựu, Hà Nội

Bài làm 3

Lần nào tôi đến chơi, Thúy cũng dẫn tôi vào vườn dạo chơi, bắt chuồn chuồn, bươm bướm, tìm mấy chú nhái xanh ẩn mình trong những khóm rau.

Mấy chục luống rau xanh chạy dài, chạy dọc trên mảnh vườn. Bố mẹ Thuý đều là kĩ sư nông nghiệp, còn thuê thêm mười cô gái là thợ trồng rau. Tôi ngây ngất ngắm nhìn luống cải thìa xanh nõn, luống su hào củ to, luống xà lách cuộn tròn, tươi xanh. Tôi say mê theo Thuý đi dọc luống rau thơm tươi tốt, luống cà tím chín vàng, luống ớt ta chín đỏ rực, luống ớt xanh, ớt ngọt đỏ óng ánh xanh ngời. Dưới ánh nắng nhạt mùa đông, chuồn chuồn, bươm bướm, ong mật,… kéo đến vườn rau đàn đàn lũ lũ. .

Màu xanh non ngọt ngào của vườn rau như thấm vào mái tóc, làn da, áo quần. Tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng. Tôi yêu màu xanh vườn rau của gia đình bạn Thuý nhiều lắm!

Nguyễn Tâm Hương, lớp 3A

Trường Tiểu học Ái Mộ, Gia Lâm, TP. Hà Nội

Bài số 3

Tả con đường quen thuộc từ nhà em đến trường.

Bài làm 1

Từ nhà đến trường, em có thể đi men theo rất nhiều ngả đường. Nhưng con đường em yêu thích, thường đi là con đường Nguyễn Thị Lựu.

Con đường láng nhựa đen bóng, phẳng lì, rộng đủ cho hai chiếc xe ô- tô tải đi ngược chiều tránh nhau. Bên trái là nhà dân, mấy hiệu sách, nhiều cửa hàng hai, ba tầng san sát. Bên phải là một số trường học và cơ quan công sở. Vỉa hè khá rộng. Hàng cây xanh toả bóng mát, phần lốm là cây mới được trồng sáu, bảy năm nay. Hoa bằng lăng nở tím con đường vào dịp cuối xuân đầu hè.

Trong ánh nắng ban mai, từng tốp học sinh ăn mặc đồng phục, ba lô sách đeo vắt vẻo sau lưng, cổ quàng khăn đỏ, tay nắm tay đi học. Các cô cậu vừa đi vừa nói chuyện, bàn tán xôn xao, cất tiếng cười rúc rích. Mỗi lúc, xe cộ phóng qua một nhiều, người đi lại thêm tấp nập, hối hả. Tươi xinh nhất là các nữ sinh Trung học: áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài đen mượt, cặp sách xách bên tay, duyên dáng bước đi. Đàn chim sâu trên các tán cây, cành rậm kêu “lích rích”, hót ríu rít như chào mừng, như giục chúng em rảo bước đến trường.

Đến cuối đường Nguyễn Thị Lựu, chúng em đã nhìn thấy ngôi trường mái ngói tường vôi hiện ra. Từ các ngả đường, hàng trăm bạn nhỏ nối bước nhau đổ về cổng trường. Em cảm thấy đông vui như trẩy hội.

Mái trường tuổi thơ, con đường đi học sao mà thân thuộc và đáng yêu thế? Nguyễn Thị Lựu, cái tên đẹp, con đường đẹp một thời thơ bé với bao mộng ước học giỏi thành tài đâu dễ quên? Chân nhẹ bước mà lòng em xôn xao.

Hà Thúc Quỳnh, lớp 3A

Trường Tiểu học Phủ Lạng Thương, Bắc Giang

Bài làm 2

Sáng nào cũng vậy, em đi học từ lúc bảy giờ. Ra khỏi ngõ là em đã ung dung bước đi trên con đường liên thôn, liên xã tới trường.

Điện đã về làng hơn năm, sáu năm về trước. Mọi con đường lầy lội ngày xưa nay đã được rải đá, rải nhựa, lát xi-măng phẳng lì. vẻ đẹp của con đường quê là dáng mềm mại, uốn mình theo hàng tre, hàng cây, qua dòng kênh, đồng lúa.

Qua khỏi cổng làng, em đi rẽ ngoặt sang chùa Sơn Đồng, bến đò Hậu, có ba cây gạo nở hoa đỏ rực vào cuối xuân như những tháp đèn sừng sững giữa trời xanh, cỏ hai bên vệ đường còn đọng sương mai long lanh như muôn hạt ngọc. Đầu cầu Diệc, các bạn nhỏ lố nhố đứng đợi nhau, cất tiếng gọi nhau í ới!

Còn độ ba trăm mét nữa là chúng em đến trường. Thầy Luận, cô Chi, thầy Giáp,… đã đi xe đạp, xe máy lướt qua. Hai bên dòng sông Diệc trong xanh là đồng lúa, đồng màu bao la bát ngát. Cảnh quê hương êm đềm, no ấm, thanh bình hiện rõ trên màu xanh của bầu trời, màu xanh của đồng lúa và dòng sông. Nhiều hôm đi học, em đã mang theo cánh cò trắng đến lớp.

Em đã nhìn thấy cây bàng, cổng trường, mái ngói đỏ hiện ra. Bạn bè gặp nhau vồn vã, ôm nhau, nắm tay nhau, vui quá. Trong ánh mắt của bạn bè, em cảm thấy đứa nào cũng mang theo bao niềm vui đến trường, đến lớp.

Tiếng trống trường dội lên ngân vang, kéo dài.

Con đường đi học của em là con đường xanh, qua cổng chùa, bến đò, ;Cầu Diệc,… Con đường quê rất bình dị, thân thuộc và đáng yêu lắm.

Nguyễn Đăng Quế, lớp 3B

Trường Tiểu học Yên Định, Thanh Hoá

Bài số 4

Tả con sông quê hương em.

Bài làm 1

Sông Tuý Loan

Tuý Loan là nơi chôn nhau cắt rốn của em. Tuý Loan là một làng cổ, cách thành phố Đà Nẵng độ 15 cây số. Con sông Tuý Loan đã trở thành tên làng em.

Đôi bờ sông Tuý Loan êm đềm, trải dài trải rộng một miền quê êm đềm, trù phú. Luỹ tre, vườn cây trái, bãi mía, nương dâu… một màu xanh ngút ngàn. Đứng bên này bờ sông, du khách đã nhìn thấy ngôi đình cổ được xây dựng cuối thế kỉ XIX, có cây đa cổ thụ rợp bóng cả sân đình, bến đò. Hai bên bờ sông là những bến nước được xây gạch, những bến đò thơ mộng, trên bến dưới thuyền là chợ làng, tấp nập đông vui, buôn bán sầm uất. Chợ Tuý Loan là đầu mối lưu thông hàng hoá xuôi ngược nổi tiếng ở Quảng Nam, Đà Nẵng xưa nay. Ngày đêm thuyền bè xuôi ngược như mắc cửi. Tôm cá, nước mắm theo thuyền buôn từ Đà Nẵng, Hội An ngược lên cập bến. Tre gỗ, song mây, trầm hương, măng, mộc nhĩ… từ miền Tây tuôn về. Hàng thủ công mây, tre, chiếu, nón,… cẩm Nê chở đến. Làng Tuý Loan có nghề làm mì Quảng, bánh tráng ngon nổi tiếng trong vùng. Tiếng hát, tiếng hò trên sông Tuý Loan vang vọng sớm chiều:

Tuý Loan trăm thứ đều ngon,

Vừa vừa cái miệng, kẻo chồng con hết nhờ…

Hội làng Tuý Loan mỗi năm mở vào hai kì Xuân, Thu: 19 tháng Giêng và 11, 12 tháng Tám âm lịch. Những ngày lễ hội, sông Tuý Loan có hàng trăm, hàng nghìn con thuyền đổ về. Hàng ngàn bô lão, trẻ con, các má, các cô, trai thanh gái lịch tứ xứ kéo đến dự hội. Hai bên bờ sông rực rỡ sắc phục áo quần, dòng sông bến đò như chở đầy tiếng cười, tiếng hò, tiếng hát. Sông Tuý Loan là sông Tương của quê em. Dòng sông sầm uất, hữu tình và thơ mộng lắm…

Trương Thị Ái Duyên, lớp 3E

Trường Tiểu học Tuý Loan, Đà Nẵng

Bài làm 2

Con sông quê

Có lẽ tất cả những người làng em ở nơi xa nhớ về quê mình thì hình ảnh thân thuộc đầu tiên hiện lên là sông quê.

Con sông quê em không biết bắt nguồn từ những ngọn suối nào trên dãy Trường Sơn trùng điệp, nơi có những ngọn núi xanh biếc xa xôi kia. Khi đi qua làng, sông chảy êm ả dịu dàng, như cho mọi người có đủ thời gian để ngắm nghía làn nước trong xanh của nó. Chỗ rộng nhất của nó khi qua làng cũng chỉ khoảng ba trăm mét. Dòng sông như lặng đi trước cảnh đẹp của làng. Nó trầm ngâm phản chiếu những hàng tre đổ bóng mát rượi xuống hai bờ. Đôi lúc, từ trên ngọn tre cao vút, một chú cò trắng như vôi, mắt lim dim, kinh ngạc nhìn thấy bóng mình soi trong làn nước.

Ngay giữa làng em, con đường chạy thẳng xuống bờ sông, gặp bến đò, rồi nối với con đường ở bờ sông bên kia. Người làng đi lên huyện, lên tỉnh, qua làng khác, đều theo con đường ấy mà đi, khiến cho bến đò lúc nào cũng đông người qua lại. Chúng em cũng ngày ngày qua bến đò ấy mà đến trường ở xóm bên kia sông. Sáng nào dòng sông cũng xao động vì những chuyến đò qua lại. Gợn sóng lăn tăn xô nhau chạy mãi vào bờ, khiến cho buổi mãi tĩnh lặng khẽ lao xao những âm thanh nho nhỏ. Trong ánh màu xanh biếc của con sông và bóng tre, nổi lên màu trắng của áo học trò, màu vàng của đám cây ô-rô, cóc kèn lá úa và màu đỏ rực của khăn quàng niên thiếu. Tiếng chuyện trò nghe râm ran, vang vọng mãi đến hai đầu sông. Đó là những tháng ngày rất đẹp của con sông quê.

Gặp những ngày mưa lũ, con sông không còn êm ả qua làng. Nó oằn mình mang theo dòng nước đỏ màu phù sa và ngầu bọt, réo sôi, vội vã phóng đi, nó như muốn đưa nhanh sức mạnh thừa thãi đổ ra biển để tránh tai hoạ ngập lụt cho đồng ruộng, xóm làng. Trên bờ, những ngọn tre quay cuồng như tuyệt vọng, giục dòng nước chảy nhanh hơn. Những ngày mưa lũ ấy, qua đò để đến lớp thật là một công việc hết sức vất vả. Chúng em ướt lạnh trong mưa gió. Con đò khó nhọc nhích từng quãng ngắn và thường không đến bờ đúng nơi quy định.

Con sông quê lúc xanh trong mềm mại, lúc đục ngầu lũ xoáy đã để lại trong em biết bao kỉ niệm tuổi thơ. Em mãi tha thiết yêu mến sông quê.

Lê Duy Văn

Trường Tiểu học Ninh Bình

Bài số 5

Giới thiệu và tả cảnh đẹp của quê hương em.

Bài làm

Làng cổ Đình Bảng

Đình Bảng là quê cha đất tổ của em.

Đình Bảng là một ngôi làng cổ giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, thuộc vùng Kinh Bắc. Đình Bảng có tên nôm là làng Báng (phía Bắc làng xa xưa có cây báng lớn), từ giữa thế kỉ VIII gọi là hương cổ Pháp. Ngày nay, Đinh Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nằm cạnh đường quốc lộ cách Hà Nội 16 cây số, cách thành phố Bắc Ninh 14 cây số. Đình Bảng nằm giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, trên ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Đình Bảng đất đai màu mỡ, xóm làng sầm uất, trù phú. Sông Tiêu Tương, rừng. Báng, khe Tào Khê,… là những cảnh vật đẹp đã in sâu vào lòng người, được truyền tụng bao đời qua ca dao, tục ngữ:

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,

Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

(Ca dao)

Đình Bảng là quê hương của Lý Công Uẩn (974 – 1028), vị vua sáng lập ra triều đại nhà Lý. Hiện nay ở Đình Bảng có Đền Đô thờ 8 vị vua thời Lý. Lễ hội Đền Đô là một lễ hội lớn, được tổ chức vào ba ngày 14, 15, 16 tháng Ba âm lịch hằng năm, thường có hàng nghìn, hàng vạn khách thập phương về dự lễ hội.

Đình Bảng quê em có nhiều làng nghề nổi tiếng, sản vật nổi tiếng như nếp cái hoa vàng làm bánh dẻo Trung thu, bánh su-sê, đồ xôi cúng tế. Nhân dân Đình Bảng rất biết làm ăn, học hành giỏi giang, giàu lòng yêu nước và cách mạng. Đội du kích thiếu niên Đinh Bảng lừng lẫy thời kháng chiến chống Pháp. Con gái Đình Bảng xinh đẹp được ngợi ca.

Trên nền xanh của đồng lúa bát ngát, của dòng sông Đuống lững lờ trôi, là âm vang ngọt ngào của làn điệu dân ca Quan Họ. Làng Đình Bảng quê em còn có bao di tích lịch sử văn hoá như Nhà Văn chỉ, Nhà Võ chỉ, Ngũ Long môn, Đền Vua Bà, Nhà Phương đình, Hồ bán nguyệt và Thuỷ đình đền Đô,… Những voi đá, bia đá, những hoành phi, câu đối, tượng thờ… sơn son thếp vàng, tráng lệ, để lại bao ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách gần xa.

“Tháng Ba lễ hội Đền Đô…”, mời anh chị về thăm Đinh Bảng quê hương em nhé! Có chọi gà, đánh đu, đấu vật,… vui lắm!

Nguyễn Thị Mỹ Lan, lớp 3A

Trường Tiểu học Đình Bảng,

Từ Sơn, Bắc Ninh

Bài số 6

Tả cảnh một phiên chợ quê.

Bài làm

Mỗi khi về quê, điều em rất thích là được cùng bà đi chợ phiên.

Chợ họp trên một bãi rộng ven làng cạnh đường tỉnh lộ, rộng hơn hai nghìn mét vuông. Chợ họp vào ngày chẵn, tính theo lịch ta. Chợ họp từ sáng đến xế chiều mới vãn. Độ chín, mười giờ chợ đông nghịt người mua, bán.

Lều chợ chạy ngang chạy dọc, túp cao túp thấp. Có một dãy lợp tôn màu, đó là những sạp bán vải vóc, quần áo, giày dép, hàng công nghệ phẩm. Phần lớn lều chợ lợp lá, phên nứa, quá thô sơ.

Sản phẩm nông nghiệp bán đầy chợ. Lúa gạo chất đầy xe cải tiến. Khu bán gia cầm, vật nuôi có đủ lồng to, lồng nhỏ: gà, vịt, ngan, ngỗng. Có cả chó, mèo, nhiều con thật xinh, vẫy đuôi, mắt mở thao láo. Lợn sữa, lợn thịt, béo to, kêu eng éc, kêu ủn ỉn.

Khu bẩn rau, quả,… chiếm một góc lớn. Cải bắp, cải bẹ, su hào, mướp, su su, đậu đũa, đậu cô-ve,… chất đầy gánh, đầy rổ. Một màu xanh non tươi ngọt ngào dâng lên. Các bà, các chị chào, hỏi, mua, bán tíu tít. Các cô gái quê ăn mặc đẹp, nền nã, tươi tắn, duyên dáng, xởi lởi chào hàng. Ngô, khoai, sắn, củ từ, củ vạc chất cao từng đống. Có những bắp ngô to và dài như bắp tay. Có những củ sắn bốn, năm kí, như một con trăn đang trườn trên mặt đất.

Góc cuối chợ bán cá. Cá chuối, cá chép, cá diếc, cá rô,… đựng trong các mủng, các thúng quét dầu rái chứa đầy nước. Người mua chỉ con nào thì người bán dùng vợt bắt ra con cá ấy. Có những con cá trắm, con chép to đến hai, ba cân mà giá chỉ có mấy chục nghìn, cực rẻ.

Tôi rất thú vị ngắm các cô thôn nữ ăn bánh đúc chấm mắm tôm, vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Người ta bắt chim sẻ ở đâu mà nhiều thế? Chim được giết để đầy những rá, rổ nhôm. Bếp than hồng rừng rực. Chảo mỡ đầy, sôi sùng sục. Mỗi con giá hai nghìn đồng. Thực khách chỉ xoè hai, ba ngón tay, người bán hàng liền bỏ chim vào chảo. Mùi thơm lừng toả ra. Ở đây có bán rượu quê pha tiết chim sẻ. Có người vừa uống rượu vừa nhai rau ráu thịt chim. Mặt người nào cũng ửng đỏ, cười nói đủ chuyện trên trời dưới biển.

Theo cô và bà nội, tôi đi dạo một vòng khắp chợ quê. Người mua, bán đông vui, ồn ào. Có lúc phải len lỏi mới qua được. Mặt trời lên cao, người đi chợ từ các ngả đường kéo về nườm nượp. Nông thôn được đổi mới, đang giàu lên. Nghe tôi nói muốn được mua một con mèo đem về Hà Nội, cô tôi cười, bảo: “Chợ quê không phải là siêu thị. Các thứ ở đây rẻ như bèo. Không phải mua. Rồi cô sẽ đem ra cho…”. Bà nội âu yếm nhìn tôi, hỏi: “Cháu đã đói bụng chưa? Bà mua chim sẻ quay và bánh đúc lạc chấm mắm tôm cho chấu nhé! Quà quê ngon lắm, ăn một lại muốn ăn mười…” Tôi nắm lấy tay bà rồi cười ngặt nghẽo.

Em yêu những phiên chợ quê, một nét đẹp riêng của quê hương.

Lê Thanh Hường

Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội

Bài số 7

Tả một cảnh bình minh mà em nhớ mãi.

Bài làm

Bình minh trong vườn

Có tiếng chim hót véo von ở đầu vườn, tiếng hót trong trẻo, ngây thơ ấy làm tôi bừng tỉnh giấc. Tôi chui ra khỏi màn, bước ra vườn và khoan khoái hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai. Tôi chợt nhận thấy cái khoảnh vườn nhỏ nhà mình hôm nay mới đẹp làm sao!

Lúc này, màn sương đang tan dần. Khoảnh vườn đang tỉnh giấc. Rực rỡ nhất, ngay giữa vườn, một nụ hồng còn đẫm sương mai đang hé nở. Một cánh, hai cánh, rồi ba cánh,… Một màu đỏ thắm như nhung. Điểm tô thêm cho hoa là những giọt sương long lanh như hạt ngọc đọng trên chiếc lá xanh mướt.

Xung quanh bông hồng nhung, những đám hoa cẩm tú nhỏ xinh như muốn rướn cao lên, càng lúc cánh hoa càng xoè tươi, lung linh rập rờn trong nắng sớm. Hình như, chúng cũng muốn đua sắc với bông hoa hồng nhung kia. Bướm ở đâu mà nhiều thế! Bướm về bay tung tăng khắp vườn như những chiếc nơ bay. Vươn lên sừng sững từ góc vườn một thân bưởi lực lưỡng, cành lá xoè to tạo bóng mát cho những quả bưởi ngủ say, ngày mai mau lớn. Đứng sắt cây bưởi, một cây khế cao to, trĩu đầy ‘cành những chùm quả chín. Lấp ló sau màu xanh non của lá, từng chùm hoa khế tím hồng li ti đang nô giỡn với bầy ong bướm. Sương tan tạo thành muôn lạch nước nhỏ xíu nâng đỡ những chiếc lá khế vàng như con thuyền trên sông vừa được cô Gió thổi tung lên rồi nhẹ nhàng xoay vòng tròn rơi xuống. Giản dị nhất là cây na ở đầu vườn với chiếc áo khoác màu xanh bàng bạc. Quả na nhỏ thật! Bằng nắm tay đứa bé lên ba! Hoa na trắng xanh, khéo léo nấp sau đám lá như e thẹn, như ngượng ngùng để người ta chỉ thấy được cái hương hoa thơm đến xao xuyến lòng.

Cô Gió đánh nhịp cho lá cây vui hát rì rào. Đây là bản nhạc đầu tiên của một ngày mới…

Trần Thu Hà

(Hà Nội)

Bài số 8

Cơn mưa mùa hạ

Mới buổi sáng, trời oi bức, không khí nóng nực, đến một sợi gió cũng không thấy, vậy mà buổi chiều, một cơn mưa đến thật bất ngờ.

Mây đen ùn ùn kéo đến. Tiết trời mát mẻ. Gió thổi mạnh khiến cây cối nghiêng ngả. Một vài giọt mưa xuống thăm dò, xem xét. Sau đó như một hiệu lệnh, một giàn mưa ào xuống vui chơi, tạo ra những tiếng lộp bộp nghe rất vui tai. Mưa trèo lên mái nhà, đu đưa lên cành cây, trườn dưới mặt đường, rất vô tư. Mọi người vội vã đi tìm chỗ trú. Một vài chiếc ô-tô lao nhanh làm nước bắn ra hai bên tung toé. Sấm, tiếng sấm inh tai nhức óc khiến cho những em bé sợ hãi kêu la làm cho cơn mưa càng thêm ồn ào.

Khi đã chơi chán chê, từng giọt mưa bảo nhau hãy chui xuống cống và bắt đầu một cuộc sống mới ở ao hồ. Từng dòng nước hối hả nối đuôi nhau đi tìm chỗ chơi mới. Bầu trời cũng sáng hẳn. Mây trắng từ từ xuất hiện đem theo không khí dễ chịu.

Mưa giúp cây cối “giải khát”, giúp con người thoải mái. Em yêu mưa!

Lưu Hoàng Hương

Trường Tiểu Học Thành Công B, Hà Nội

(Trích Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 5+6-2009)

Bài số 9

Tả cảnh mái trường thân yêu của em.

Bài làm

Em là học sinh lớp Ba trường Tiểu học Yên Định. Trường em thật đáng yêu, có hai dãy nhà xây, mái ngói đỏ tươi, tường vôi trắng xoá. Hai mươi phòng học thoáng mát, nền gạch hoa, cửa kính sáng choang. Lớp nào cũng có mười bộ bàn ghế bằng gỗ đánh véc-ni đỏ thẫm, bóng mượt.

Sân trường dài và rộng, láng xi-măng phẳng lì, lúc nào cũng sạch sẽ. Sáng thứ hai nào thầy trò trường em cũng làm lễ chào cờ. Chúng em vừa hát Quốc ca vừa say sưa ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.

Sân trường có 4 gốc bàng, 7 cây phượng toả bóng mát, là nơi chúng em vui chơi, nô đùa. Hè đến, hoa phượng đỏ rực sân trường. Tiếng ve đồng ca râm ran.

Em sắp lên lớp Bốn, em càng thấy yêu mái trường thân yêu của em.

Nguyễn Thuý Bắc, lớp 3C

Trường Tiểu học Yên Định, Thanh Hoá

Bài số 10

Tả cảnh sân trường em vào giờ ra chơi.

Bài làm 1

Sáng nào cũng thế, khi chín tiếng trống trường của chú Lâm bảo vệ thúc lên thì những tiếng reo dài từ các lớp học vang lên. Hàng trăm học sinh từ các lớp học túa ra, ào ra sân trường. Đàn chim sẻ vụt bay lên ngọn bàng, bay lên các mái ngói xung quanh sân trường.

Trẽn sân trường, nơi học sinh lớp Một, lớp Hai vui chơi là nơi đông nhất. Dây kéo co đứt rồi lại nối lại, các cô cậu ngã đè lên nhau lại đứng lên cười rúc rích. Học sinh lớp Ba hoặc đá bóng, hoặc đuổi nhau bắt làm tù binh, bắt làm ngựa thật sôi nổi, ồn ào. Học sinh lớp Bốn, lớp Năm thì đá cầu, đánh cầu lông,… Bọn trẻ choai choai kéo nhau, đuổi nhau phá đám các cuộc chơi, xông vào cướp quả cầu nơi khu cạc nữ sinh lớp Bốn đang nhảy dây, chơi cầu lông. Học sinh nào cũng mặt mày ửng đỏ, trán và tóc tai, mặt mũi ướt đẫm mồ hôi. Tiếng cãi nhau chí choé. Tiếng gọi, tiếng vỗ tay, tiếng chân người chạy nhảy tạo nên bao âm thanh hỗn độn.

Sáu tiếng trống trường dội lên, học sinh các lớp xếp hàng đi vào lớp. Cảnh các thầy, cô giáo từ văn phòng bước ra. Sân trường lại trở nên yên tĩnh. Hai con chó vàng từ phòng bảo vệ kéo ra, đi theo chú Lâm. Bầy chim sẻ “lách cha lách chách” từ các mái nhà, ngọn bàng lại sà xuống sân trường.

Giờ ra chơi ở trường em hôm nào cũng đông vui và ồn ào như lễ hội. Em rất thích khi được vui chơi thoải mái như vậy. Sau giờ ra chơi, em thấy hứng khởi, phấn chấn để bắt đầu học tập chăm chỉ.

Nguyễn Xuân Thành, lớp 3B

Trường Tiểu học Vũ Thư, Thái Bình

Xem thêm và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Các bài văn cảm thụ thơ văn lớp 3 (phần 1) – Luyện tập làm văn 3 tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận