Các bài văn tả người hay – Luyện tập làm văn lớp 3

Đang tải...

Bài số 1

Tả chị gái của em.

Bài làm 1

Chị gái của em tên là Mơ, 15 tuổi, là học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Đình Bảng.

Chị học giỏi, mang vẻ đẹp thiếu nữ Kinh Bắc. Tóc dài, cặp mắt huyền dịu dàng đen láy, nước da trắng hồng, dáng người thanh tú duyên dáng. Chị thuộc và hát hay nhiều bài dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nhiều người cho biết chị sẽ được tuyển chọn vào vai rước cờ lễ hội Đền Đô, 15 tháng 3 sang năm đó. Thật là vinh dự cho bố mẹ và em.

Chị Mơ là tấm gương sáng để em noi theo. Em sẽ cố gắng học tốt để được giỏi như chị.

Nguyễn Thị Ngọc, lớp 3A

Trường Tiểu học Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh

Bài làm 2

Chị Mai Anh của em năm nay 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất, khoa Hoá. Chị từng mơ ước trở thành một cô giáo, nay đã toại nguyện.

Ba năm học Trung học phổ thông, chị là học sinh giỏi. Thi Đại học, chị thừa 4 điểm. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển gọi nhập học, chị sung sướng reo lên. Chị ấy chạy vội sang nhà ông bà nội để khoe và báo tin mừng.

Chị gái em có mái tóc dài, đen mượt rất thướt tha, duyên dáng. Gương mặt trái xoan, cặp mắt bồ câu dịu dàng. Nước da đen giòn. Chị rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Chị ấy thích chơi bóng bàn và bóng chuyền. Chị biết nấu nhiều món ăn ngon, được ông bà và bố mẹ rất khen.

Chị chăm học và học giỏi từ nhỏ. Sách vở của chị từ lớp 10, lớp 11, lớp 12, đến nay chị vẫn cất giữ cẩn thận. Chi hát hay và vui tính. Chị đi học xa, nhà trở nên vắng vẻ hẳn đi. Chủ nhật nào, em cũng nhớ chị và mong chị về thăm nhà.

Lê Thị Nhã, lớp 3C

Trường Tiểu học Hoàng Mai, Nghệ An

Bài số 2

Tả về người ông hay bà của em.

Bài làm 1

Bà ngoại của em

Bà ngoại của em đã 79 tuổi. Lưng bà còng, da mồi, tóc bạc, nhưng vẫn khoẻ và minh mẫn lắm. Răng bà chưa rụng chiếc nào. Bà thích ăn trầu, miệng nhai bỏm bẻm suốt ngày.

Bà hay nhắc lại chuyện thời con gái, chuyện xóm làng thời xưa, chuyện năm đói, chuyện chạy giặc thời kháng chiến chống Pháp, v.v…

Bà có đôi khuyên vàng ta. Bà nói sẽ cho cháu Huyền. Ông bà có 4 người con: Bác Thuận, bác Hậu, mẹ em và cậu Tứ. Bà hay nhắc các cháu: “Bà bị mù chữ. Các cháu phải siêng năng mà học giỏi,…”. Mười đứa cháu nội, ngoại đứa nào cũng yêu bà. 

Trần Thị Luyến, lớp 3E

Trường Tiểu học Tiền Hải, Thái Bình

Bài làm 2

Bà nội của em

Ông nội em mất đã 6 năm. Bà nội em 68 tuổi, bà ở với bố mẹ em. Bà là công nhân nhà máy dệt Nam Định, về hưu đã được 16 năm. Bà vẫn còn khỏe và minh mẫn.

Người bà gầy, thấp nhỏ nhưng nhanh nhẹn. Răng trắng đều, chưa rụng chiếc nào. Bà có đôi khuyên vàng và hai chiếc nhẫn; bà nói: “Ba thứ này, ông bà dành lại cho bé Hoan, đứa cháu hiếu thảo nhất nhà”.

Bà thích mặc quần áo lụa, nhuộm nâu. Bà rất sạch sẽ, gọn gàng. Ngày mùng một, ngày rằm, bà thường lên chùa lễ Phật. Bà cùng đi với các bà, các cụ trong làng, trong xóm. Trông bà và các cụ vừa đi vừa nhai trầu bỏm bẻm vẻ rất thanh nhàn.

Thời chiến tranh, thời bao cấp, kinh tế khó khăn, lương công nhân của ông bà thấp, thế mà ông bà vẫn nuôi dạy bốn người con trưởng thành, tất cả đều có bằng đại học. Bà nuôi gà, nuôi lợn, làm hàng xáo,…để có đồng ra đồng vào. Em được nằm ngủ với bà. Em Thịnh được bà ôm vào lòng, bà kể chuyện cổ tích cho nghe.

Năm ngoái, bà bị ốm một trận kéo dài non một tháng. Bà không chịu đi bệnh viện. Nghe bà rên, em thương bà quá! Mỗi buổi chiều đi học về, nhìn thấy bóng bà đứng ở góc sân, em rối rít gọi: “Bà ơi!…” Bà xoa đầu cháu và khẽ hỏi: “Hôm nay được nhiều điểm tốt không cháu?”

Em thương bà lắm! Em mong bà luôn khỏe mạnh và sống lâu với chúng em.

Thái Thị Hoan, lớp 3A

Trường Tiểu học Quang Trung Huyện Vụ Bản, Nam Định

Bài đọc tham khảo

Ông em

Ông em năm nay đã gần bảy mươi tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã hõm, lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy, nhưng rất bình thản.

Ông em không phải làm việc gì nặng nhọc nữa. Thường ở nhà coi sóc cửa nhà cho cha mẹ em và dạy bảo chúng em. Thỉnh thoảng ông lại kể chuyện cổ tích cho chúng em nghe, chúng em lấy làm thích thú lắm.

Những khi đi học về, thường thường em lại đem những chuyện nhà trường nói cho ông nghe. Ông lại nhân đấy mà giảng giải cho em học được nhiều điều khác nữa.

(Trích Quốc văn giáo khoa thứ lớp dự bị)

Bài số 3

Tả một người láng giềng của gia đình em.

Bài làm 1

Anh Tam mới 30 tuổi mà được bà con gọi một cách thân mật, quý mến là Chú Cả Tam. Chú làm nghề mộc, có bàn tay vàng, dựng nhà, làm cửa, chạm trổ khéo léo, nổi tiếng khắp vùng. Chú đứng đầu một tốp thợ 12 người, chú tự phong là Tiểu đội trưởng, quân hàm là Thượng sĩ.

Người chú đen. Hai tay dài như tay vượn. Đầu ngón tay nào cũng có “hoa”, đúng là chú có 10 hoa văn, được trời phú cho. Cặp mắt tinh anh, bàn tay khéo léo. Chú cầm bào, đục, cưa… đã tài tình, cầm bút chì lại thiện nghệ. Chú vẽ tứ linh, vẽ hoa điểu, vẽ song phượng tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt... lên giấy rồi mới chạm trổ. Bức chạm nào của chú cũng linh diệu, tuyệt đẹp. Đình Vân, chùa Vàng, nhà thờ họ Nguyễn, họ Lê,… đều do tốp thợ chú Cả Tam xây dựng nên.

Chú vui vẻ, hòa nhã. Mỗi lần đi làm xa mấy tháng, mới về nhà hôm trước thì hôm sau, chú đã sang thăm sức khỏe ông bà em, ngồi chuyện trò, hút thuốc lào,… thân tình, cởi mở. Chú hứa với ông bà em, bố mẹ em là

“chờ đến năm Dậu sẽ chữa nhà giúp cụ và hai bác ”.

Thằng Vinh con chú nói với em là nó sẽ làm nghề thợ mộc như bố nó. Em xem bàn tay nó và thấy ngón tay nào của nó cũng có hoa văn. Đúng là cha truyền con nối.

Chú Cả Tam không những là một người thợ tài hoa mà còn rất tốt bụng nữa. Làng em ai cũng yêu quý chú.

Lâm Duy Thiện

Trường Tiểu học Lệ Ninh, Quảng Bình

Bài làm 2

Bà Bưởi – bà mụ làng

Ở quê em, bà đỡ gọi là bà mụ. Bệnh xá, bệnh viện xa nên bà mụ được dân làng, dân bản trọng vọng lắm. Hầu như đứa trẻ nào ở Quế Chùa, quê em đều được bà Bưởi cắt rốn cho.

Bà Bưởi béo phục phịch. Lưng bà hơi còng. Mặt bà có cái đém bên phải. Lần đầu mới gặp bà, nhiều người không mấy cảm tình nhưng sau quen rồi thì khác. Năm nay, bà Bưởi ngoài năm mươi, nhưng bà đi lại nhanh nhẹn lắm. Cả làng dưới, bản trên đều khen bà Bưởi mát tay, phúc đức. Đẻ khó, đẻ non, băng huyết của các sản phụ, bà đều chữa chạy được hết, đều mẹ tròn con vuông. Bà Bưởi có cái túi vải đựng con dao, mấy gói thuốc lá, mấy gói thuốc bột bằng rễ cây, vỏ cây, củ rừng phơi khô, tán bột. Gia đình nào có sản phụ sắp khai hoa đến mời, bà đi ngay. Trời đang mưa gió, hay lúc nửa đêm, gà gáy, bà chẳng nề hà, quản ngại. Bà không lấy tiền công, tiền thuốc ai bao giờ. Mẹ thằng Quý đi chợ về, đẻ sa giữa đường, bà Bưởi nghe tin chạy đến cứu giúp. Chị Sâm đau đẻ hai ngày, bà Bưởi chỉ cho uống một gói thuốc bột, cơn đau dịu dần, rồi đẻ ra một thằng cu cân nặng ba cân tám!

Bà Bưởi nói với mẹ em: “Niềm vui sướng nhất của bà là được nghe hài nhi cất tiếng khóc “oa…oa”, được tắm và cắt rốn cho đứa bé”. Chiều nay đi học về, em được mẹ sai bê bát canh cua sang biếu bà. Nghe em gọi, bà lật đật chạy ra. Bà cười nói: “Cháu Lý đấy à! Cho bà xin. Cho bà gửi lời cảm ơn bố mẹ cháu nhé!”.

Bạch Thị Lý, lớp 3C

Trường Tiểu học Kim Bôi, Hoà Bình

Bài số 4

Tả một em bé.

Bài làm 1

Trong tổ em chỉ có cái Hồng là có em nhỏ. Nó sướng nhất được làm chị.

Tên em nó là Quang: Nguyễn Thanh Quang. Bé Quang đã lên bốn tuổi, rất mập và hồng hào. Cái đầu tròn vo. Cặp mắt to và sáng. Tóc tơ dày và đen nhánh. Miệng rộng, tai to, gặp cái gì cũng hỏi. Chân trái đeo vòng bạc, chạy đi chạy lại lon ton đón mừng các bạn của chị đến chơi. Em cho nó quả hồng xiêm, cái Thương cho cái bánh, nó đưa hai tay đón lấy và cúi đầu cảm ơn thật dễ thương.

Cái Hồng cho biết: bé Quang đã đòi mẹ sắm cho cái túi sách và hộp bút rồi đó. Nó bắt đầu đòi học chữ cái, đúng là một em bé đáng yêu.

Hoàng Thiện Bình, lớp 3D

Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội

Bài làm 2

Thằng Cu Khoai

Chị Lý muộn mằn, 35 tuổi mới có đứa con so. Hai vợ chồng đặt tên đứa con là Cu Khoai.

Chị Lý là nhân viên phục vụ của trường em. Thứ năm, thứ bảy hằng tuần, chị thường đưa con đến trường.

Cu Khoai đã bốn tuổi. Người tròn lăn, nước da đen. Cặp mắt thao láo mở to. Cái đầu tròn vo. Mẹ đi trước, nó bám theo sau. Mẹ nó đưa thông báo của thầy Hiệu trưởng đến lớp 3D, nó cũng theo vào. Nó chống tay vào hông, nghiêng nghiêng ngó ngó, nhìn các anh chị học bài. Rồi nó giơ tay vẫy chào, nheo mắt cười cười, khi bước ra còn ngoái cổ nhìn lại. Chú bảo vệ có con Mực rất to, nhưng rất hiền. Cu Khoai cưỡi lên làm ngựa hoặc vật nhau với con Mực, vui đùa như đôi bạn nhỏ. Nó cười, nói, hò reo… rất hồn nhiên. Anh chị nào cho quà, nó nhìn mẹ. Bao giờ mẹ bảo: “Con xin anh, chị… con cảm ơn anh, chị đi…” thì nó mới dám lấy. Vừa nhận quà, vừa cúi đầu cảm ơn như người lớn. Nó rất ngây thơ, hồn nhiên và lễ phép.

Chị Lý nói: “Nó ăn rất tốt, mỗi bữa ăn ba bát cơm đầy”. Nó có trí nhớ khá, thuộc tên và quen nhiều anh, chị học trò. Hôm nào Cu Khoai đến lớp, chúng em đứa nào cũng tranh nhau bế nó, dẫn nó đi tung tăng. Lâu lâu không thấy nó theo mẹ đến trường, bọn con gái lớp em lại thấy nhớ nó.

Nguyễn Thu Hằng, lớp 3D

Trường Tiểu học Kim Đổng, Bắc Cạn

Bài số 5

Tả cô giáo hay thầy giáo của em.

Bài làm 1

Cô giáo của chúng em

Cô giáo dạy lớp 3B của chúng em tên là Ngô Thị Mộc Lan. Cô 28 tuổi. Bố và mẹ của cô đều là nhà giáo nổi tiếng ở quê em.

Da cô hơi đen, nhưng là đen giòn; Cô nhanh nhẹn, tươi vui và rất tận tình với học sinh. Cô dạy giỏi và có đôi bàn tay khéo léo, có giọng hát hay, giọng đọc bài, giảng bài ấm áp. Đứa nào được cô khen là sướng lắm. Cuối tuần cô cho chúng em làm thống kê điểm 10 để cô khen, cô thưởng.

Em đã được cô khen nhiều lần: khen thuộc bài, khen giỏi toán, khen viết chữ đẹp, khen về chuyện biết giúp đỡ bạn. Bạn nào trong lớp cũng yêu quý cô. Em cũng rất yêu cô.

Hà Thị Hoà, lớp 3A

Trường Tiểu học Vĩnh Lộc, Thanh Hoá

Bài làm 2

Thầy Tứ lớp 3C

Phụ trách lớp 3C là thầy Tứ. Thầy là thương binh. Năm nay thầy 49 tuổi. Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 thầy bị thương cụt một chân. Thầy đã được lắp chân giả, nhưng có hôm thầy vẫn chống gậy đến lớp dạy học. 

Thầy Tứ đen và gầy. Người cao dong dỏng. Tóc thưa, mắt sâu. Thầy vui tính, hay cười. Các thầy, cô giáo trong trường đều yêu quý và coi thầy Tứ như người anh cả.

Thầy vẽ đẹp, viết rất đẹp. Thầy dạy Toán, dạy Tập đọc, dạy Văn kể chuyện,… rất hay, hấp dẫn và dễ hiểu. Chúng em được thầy gọi là con, là cháu; đứa nào cũng được thầy chăm sóc, yêu thương. Thầy thường nói:

– Liễu, em đọc bài thơ Một mái nhà chung cho các bạn cùng nghe; em Hậu nghịch chi đó? Em nào chưa hiểu bài thì cứ hỏi thầy, v.v…

Giọng thầy ấm áp, nhẹ nhàng. Ai cũng cảm thấy được thầy quan tâm, khích lệ, nên cố gắng học hành chăm ngoan.

Thầy Tứ thường đến thăm ông nội em. Thầy tặng bạn Vịnh, học sinh nghèo vượt khó bộ quần áo mới. Thầy cho con gái chú bảo vệ chiếc cặp sách rất đẹp…

Trời mưa rét kéo dài, thầy Tứ bạo: “Cái chân thầy dạo này giở chứng. Đau lắm!”. Nghe thầy nói thế, chúng em rất thương thầy.

Hà Học Vỹ, lớp 3C

Trường Tiểu học Đức Tân, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Bài làm 3

Cô Huệ Chi – người mẹ hiền của chúng em

Buổi sáng hôm ấy, vừa đến lớp, một tin dữ làm tất cả học sinh toàn trường xôn xao, tất cả học sinh lớp 3E chúng em vô cùng choáng váng: “Cô Huệ Chi bị tai nạn giao thông!…”

Thầy Tuấn hiệu phó vào dạy thay một lúc rồi cho chúng em ra về. Buổi chiều cả lớp chúng em đều kéo đến bệnh viện viếng cô. Nhiều vị phụ huynh và thầy cô giáo đã có mặt ngay từ sáng. Học sinh và thầy cô giáo toàn trường đi đưa tang. Có 24 vòng hoa viếng cô: 18 vòng hoa của mười tám lớp, vòng hoa của thầy cô giáo, vòng hoa của Hội Phụ huynh học sinh và của các cơ quan đoàn thể.

Em và nhiều bạn lớp 3E đã học cô Huệ Chi từ lớp Một, lớp Hai. Cả lớp chúng em đều mang băng tang. Em và bạn Lễ được cầm ảnh cô. 12 bạn nam được cầm hương và nến túc trực quanh linh cữu. Cả lớp đều khóc, có bạn đã khóc ngất đi.

Hai mươi tám tuổi đời, với sáu năm dạy học, cô đã đột ngột ra đi, để lại một đứa con thơ ba tuổi. Cô Huệ Chi là giáo viên giỏi. Trong hội thi giáo viên thanh lịch, cô được Giải Nhất toàn tỉnh. Cô xinh đẹp và dịu dàng. Cô xem 33 học sinh lớp 3E như con, em ruột thịt của mình. Cô chăm chút cho đàn con thơ từ cách ngồi, cách cầm bút viết, cách đọc bài, cách nói, cách làm tính. Học sinh nào ốm phải nghỉ học, cô đều đến bệnh viện hoặc đến nhà hỏi thăm và cho quà. Em mồ côi mẹ, mổ ruột thừa, cô săn sóc em như người mẹ chăm con. Cầm ảnh cô đi trước linh cữu, em không cầm được nước mắt. Thế là người mẹ thứ hai của em cũng vĩnh viễn ra đi…

Sắp đến 49 ngày cô, lớp chúng em tự hứa với nhau sẽ cố gắng học tốt, chăm ngoan để dâng lên cô những thành tích của lóp, để xứng đáng với tình yêu thương mà cô đã dành cho chúng em.

Nguyễn Thị Thu Hà, lớp 3E

Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội

Bài số 6

Tả về bạn em.

Bài làm 1

Luận là bạn thân của em từ ngày học lớp Một, trường Tiểu học Tô Hoàng. Bố Luận là huấn luyện viên bóng đá, mẹ Luận là cán bộ Ngân hàng, em Luận là út Duyên, học lớp Một, trường Võ Thị Sáu.

Luận cùng tuổi với em nhưng to cao hơn, khoẻ mạnh hơn. Vầng  trán cao, cặp mắt sáng, giọng nói to, dứt khoát. Luận học giỏi tất cả các môn, làm toán nhanh, viết chữ đẹp, có năng khiếu vẽ. Thích vật và đá bóng, hay làm trò cười, rất vui tính. Năm học lớp Hai, Luận là học sinh giỏi, đứng đầu lớp. Em xếp thứ 12 trong số 39 học sinh lớp 2 B.

Lên lớp Ba, Luận là tổ trưởng tổ 2, được chọn thi học sinh giỏi toán của khối Ba toàn trường.

Mẹ em khen Luận ngoan, rất tình cảm, lễ phép. Mẹ em nói:  “Con học gần bằng Luận rồi đó. Con cố gắng lên cho bố mẹ mừng…”

Trần Ngọc Thành, lớp 3B

Trường Tiểu học Tô Hoàng, Hà Nội

Bài làm 2

Hồi học lớp Một ở quê, em có một người bạn rất thân. Bạn tên là Thái Thanh Hải.

Hải và em cùng tuổi. Hải mồ côi cả mẹ lẫn bố. Hải ở với bà ngoại. Hải to lớn hơn em, nặng hơn em ba cân, cao hơn em gần một tấc. Hải nhanh nhẹn, tóc quăn rễ tre. Cặp mắt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ, rất thông minh. Hải giải thích cho em nghe về cái tên của bạn: “Thanh Hải nghĩa là biển xanh, có cảnh đẹp nhưng cũng có nhiều bão tố…”. Hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn, nhưng Hải lạc quan và học rất giỏi; đá bóng, đá cầu không bạn nào địch nổi. Hải thường đến nhà em chơi, hai đứa cùng học Toán, Văn, rồi đi câu. Có một buổi chiều hè, Hải đến biếu mẹ em một chục con cá rô to… Hải nói Hải đã mang một bó hoa sim đi thăm mộ bố, mẹ, sau đi câu. Mẹ rán cá cho hai đứa ăn cơm. Hải nói với mẹ em: “Cháu muốn bác coi cháu như con đẻ của bác. Cháu và Lân là con sinh đôi của bác…” Mẹ em khóc, rồi hai đứa cùng khóc… Năm lên lớp Hai, em theo gia đình chuyển ra thị xã học. Hai đứa vẫn qua lại thân thiết. Hải vẫn là học sinh giỏi, còn em đã phấn đấu trở thành học sinh tiên tiến.

Đầu năm học lớp Ba, được tin bà nội Hải qua đời, bố mẹ em và em đã về thắp hương bà và thăm bạn Hải. Sau đó, bố mẹ hỏi em: “Con nghĩ gì về cảnh ngộ của bạn con…” Em trả lời là rất thương yêu bạn Hải.

Bố mẹ em thu xếp mãi mới đón được Hải ra thị xã học, coi Hải như con đẻ của mình. Hải học lớp 3A, học giỏi nổi tiếng. Em vẫn nói với các bạn: “Hải là anh ruột của tớ đấy”. Em vẫn nhớ lởi bố mẹ dặn: “Hải hơn con hai tháng tuổi. Hải là anh của con…”

Trần Thanh Lân, lớp 3B

Trường Tiểu học Phủ Lý, Hà Nam

Bài số 7

Viết một bài văn kể và tả người mẹ thương yêu của em.

Bài làm 1

Trong gia đình, vì em là con út nên ai cũng thương yêu em hết mực, nhưng mẹ là người gần gũi, chăm sóc em nhiều nhất.

Năm nay, mẹ em gần bốn mươi tuổi. Thân hình mẹ mảnh mai, thon thả. Mẹ có vẻ đẹp hiền từ, mái tóc đen óng mượt, dài ngang lưng được mẹ búi lên gọn gàng. Đôi mắt mẹ đen rợp luôn nhìn em trìu mến, gần gũi. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan với làn da trắng, đôi môi đỏ hồng nằm dưới chiếc mũi cao, thanh tú. Đôi bàn tay mẹ mềm mại, trắng trẻo đã chăm bẵm, dìu dắt em từ lúc lọt lòng. Giọng nói của mẹ truyền cảm và dịu hiền. Mẹ em may và thêu rất đẹp, đặc biệt là may áo dài. Khi đi dạy học mẹ mặc những bộ áo dài tự may lấy trông thật duyên dáng.

Trong gia đình, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ giao cho em các công việc nhẹ nhàng như quét sân, gấp quần áo… Sáng mẹ là người thức dậy sớm nhất để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Khi em ốm đau mẹ thức suốt đêm để chăm sóc. Buổi tối, mẹ thường dành khoảng ba mươi phút để giảng bài cho em, sau đó mẹ ngồi chấm bài, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai ở trường… Khi lên lớp, mẹ xem học trò như các con của mình, cũng dìu dắt thương yêu hết mực, nên mẹ được rất nhiều học sinh yêu mến. Khi em phạm lỗi, mẹ chỉ nhắc nhở chứ không mắng và cũng chưa đánh em bao giờ.

Mẹ của em thật tuyệt vời, em luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ. Mỗi khi được mẹ ôm ấp, nằm trong lòng mẹ em cảm thấy thật ấm áp. Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên xinh đẹp, dịu hiền nhất trong cuộc đời em… Em mong mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn.

Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!

Yến Khanh, lớp 3A

Trường Tiểu học Quang Vinh, TP. Hồ Chí Minh

Bài làm 2

Mẹ em tên là Nguyễn Thị Hoài, 32 tuổi. Mẹ là con gái thứ ba, con gái út của ông bà ngoại. Năm mẹ em lên 2 tuổi thì ông ngoại qua đời. Bác Quang sống ở Vũng Tàu làm công tác dầu khí. Bác Loan sống ở vùng mỏ, làm bác sĩ bệnh viện Cửa Ông. Bố mẹ em ở với bà ngoại, bà đã già yếu nên mẹ đón về nhà chăm sóc.

Mẹ em giống bà ngoại như đúc. Gương mặt mẹ thanh tú, thoáng một nét buồn. Dáng đi nhẹ nhàng, khoan thai. Tay bà và tay mẹ đều thon búp măng, viết chữ đẹp, làm việc gì cũng khéo. Bà và mẹ rất hiền hậu, đức độ nên được bà con, anh em, láng giềng quý mến. Mẹ dạy học ở trường Trung học cơ sở, được đồng nghiệp quý trọng, được học sinh yêu thương. Học sinh cũ của mẹ vẫn đến thăm và chúc mừng mẹ trong dịp Tết, trong Ngày 20 – 11 hàng năm.

Bố công tác xa, mọi việc trong nhà đều do mẹ lo toan, gánh vác: chăm sóc bà, dạy dỗ hai con, việc trường, việc nhà bận rộn suốt tuần, suốt tháng. Ngày nào mẹ cũng hỏi bà ăn có ngon miệng không, ngủ có ngon giấc không. Cứ đến sáng chủ nhật hàng tuần, mẹ lại nấu nước hương nhu gội đầu cho bà, gội đầu cho con gái. Tối nào, mẹ cũng kèm hai con học bài và làm bài. Mẹ luôn luôn nhắc nhở hai con: “Phải kính yêu thầy cô giáo, phải thân mật với bạn bè, và phải chăm chỉ, siêng năng, học giỏi”.

Lúc nào, em cũng nghĩ đến bà, nghĩ đến bố mẹ. Em thầm hứa học giỏi để làm bà và mẹ vui lòng.

Hoàng Thị Hà, lớp 3A

Trường Tiểu học cửa cấm Quận Ngô Quyền, Hải Phòng

Xem thêm và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Các bài văn tả phong cảnh hay – Luyện tập làm văn lớp 3 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận