Các bài văn cảm thụ thơ văn lớp 3 (phần 1) – Luyện tập làm văn 3

Đang tải...

Bài số 1

Cảm nghĩ của em về bài thơ “Đồ đạc trong nhà ”

của Phan Thị Thanh Nhàn.

Bài làm

Hầu như gia đình nào cũng có ít nhiều đồ đạc, những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Trong bài thơ Đồ đạc trong nhà, Phan Thị Thanh Nhàn chỉ nói đến sáu thứ rất gần gũi với tuổi thơ chúng ta, đó là cái bàn, chiếc quạt nan, đồng hồ, trang giấy, ngọn đèn, tủ sách. Bài thơ có 14 câu lục bát, lời thơ bình dị, ý thơ đậm đà, sâu sắc, gợi cảm.

Hai câu thơ đầu, các chữ: “em yêu”, “trò chuyện” và lối so sánh “như là bạn thân” đã diễn tả mối quan hệ và tình cảm của em đối với những đồ đạc trong nhà:

Em yêu đồ đạc trong nhà

Cùng em trò chuyện như là bạn thân.

Mười câu thơ trong phần hai tác phẩm, tác giả tả và kể sáu thứ đồ đạc đó. Cái hay của bài thơ là ở cách diễn đạt, những đồ đạc đó đều có tâm hồn, tiếng nói riêng, rất tình cảm, quan tâm săn sóc em.

Cái bàn em ngồi học bằng gỗ, là sản phẩm của núi rừng xa xôi, nó “kể chuyện rừng xanh” với em, nơi có bao lâm sản quý báu. Những hôm mất điện, mùa hè oi bức, chiếc quạt nan bình dị rất có ích đã “mang đến gió lành trời xa”:

Cái bàn kể chuyện rừng xanh,

Quạt nan mang đến gió lành trời xa.

Cái đồng hồ treo trên tường, đặt trên bàn, nhỏ bé thôi, tiếng kêu “tích tắc” như “giọng nói thiết tha”. Nó luôn luôn nhắc nhở em thì giờ là vàng ngọc, ngày tháng trôi nhanh, phải biết quý trọng thời gian. Đúng, cái đồng hồ là bạn thân của em, của mỗi người trong gia đình:

Đồng hồ giọng nói thiết tha

Nhắc em ngày tháng thường là trôi mau.

Trang giấy tượng trưng cho cuốn vở, quyển sách. Giấy trắng, mực thơm, hàng chữ như những bông hoa xinh tươi. Sách vở chứa đựng bao kiến thức hay và đẹp. Nó bồi dưỡng tâm hồn trí tuệ tuổi thơ mỗi chúng ta. Hai chữ “trắng phau” tả vẻ đẹp tờ giấy, đồng thời gợi lên vẻ đẹp trong trắng của tâm hồn tuổi thơ, tuổi học trò. Ý thơ sâu sắc, hình ảnh đẹp khi tác giả nói về trang giấy. Đây là câu thơ, hình ảnh thơ mà em yêu thích nhất trong bài:

Mênh mang trang giấy trắng phau

Dạy em kiến thức xa sâu bộn bề.

Sau trang giấy trắng phau, Phan Thị Thanh Nhàn nói đến ngọn đèn trên bàn học. Ngọn đèn là người bạn thân, soi sáng trang sách, cùng em học bài và làm bài “giữa trời khuya”. Ngọn đèn sáng được so sánh với ngôi sao.

Ánh sáng ngọn đèn thật kì diệu như đem đến cho em bao niềm tin về cuộc đời ngày mai tươi sáng, tuyệt đẹp. Hai câu thơ nói về ngọn đèn cũng rất hay, rất đẹp:

Ngọn đèn sáng giữa đêm khuya

Như ngôi sao nhỏ rọi về niềm vui.

Một thứ đồ đạc nữa là tủ sách. Nó rất khiêm tốn, chỉ đứng “im lặng” bên tường thế thôi. Mấy trăm quyển sách dày mỏng khác nhau, đứng tựa nhau thẳng hàng. Có sách khoa học. Có truyện cổ tích. Có cuốn Từ điển tiếng Việt, Từ điển tiếng Anh dày cộp,… Có bao nhiêu cuốn hay và quý. Tủ sách là tài sản trí tuệ của gia đình em. Nó đã “kể bao chuyện lạ”, bao kiến thức sâu xa cho em hàng ngày:

Tủ sách im lặng thế thôi

Kể bao chuyện lạ trên đời cho em.

Hai câu thơ cuối bài nói lên cảm xúc ý nghĩ của em về những đồ đạc trong nhà. Những vật dụng ấy được em quý trọng “cầm tay” “nâng niu”, đang cùng em “lớn lên” theo ngày tháng. Mỗi thứ đồ vật ấy là một mảnh tâm hồn em, đã và đang cùng em “tâm tình” tâm sự, lúc nào cũng gắn bó yêu thương:

Cầm tay ngày tháng lớn lên

Mỗi đồ vật một lời riêng tâm tình.

Bài thơ Đồ đạc trong nhà của Phan Thị Thanh Nhàn là một bài thơ hay. Nó chứa đựng bao tư tưởng tình cảm đẹp. Nó là tiếng nói tâm hồn tuổi thơ. Nó nhắc nhở em cố gắng vươn lên học giỏi và biết làm nhiều việc tốt.

Bài số 2

Quạt cho bà ngủ

                     Thạch Quỳ

 

Ơi chích chòe ơi!

Chim đừng hót nữa

Bà em ốm rồi,

Lặng cho bà ngủ.

Bàn tay bé nhỏ

Vẫy quạt thật đều

Ngấn nắng thiu thiu

Đậu trên tường trắng.

Căn nhà đã vắng

Cốc chén nằm im.

Đôi mắt lim dim

Ngủ ngon bà nhé.

Hoa cam hoa khế

Chín lặng trong vườn

Bà mơ tay cháu

Quạt đầy hường thơm.

 

Cảm nghĩ của em sau khi học bài thơ “Quạt cho bà ngủ” của Thạch Quỳ.

Bài làm

Đọc bài thơ Quạt cho bà ngủ của tác giả Thạch Quỳ, em rất cảm động trước tình cảm bà cháu thiêng liêng.

Giữa ngày hè, bà bị ốm. Em bé rất ngoan, săn sóc bà. Em nhẹ quạt cho bà ngủ:

 

Bàn tay bé nhỏ

Vẫy quạt thật đều

 

Rất ngây thơ và hiền dịu, em bé gọi chim và tha thiết khuyên chim:

 

Ơi chích chòe ơi!

Chim đừng hót nữa

Bà em ốm rồi

Lặng cho bà ngủ

 

Cảnh vật trong nhà, ngoài vườn đều vắng lặng. Ánh nắng như mơ ngủ: Ngấn nắng thiu thiu – Đậu trên tường trắng. Căn nhà trở nên vắng vẻ, “cốc chén nằm im”. Ngoài vườn không một tiếng động nhỏ: Hoa cam, hoa khế – Chín lặng trong vườn.

Bà nằm ngủ mơ màng. Cháu nhẹ quạt cho bà ngủ và khẽ nói thầm với bà. Tình thương bà dào dạt trong lòng cháu:

 

Đôi mắt lim dim

Ngủ ngoan bà nhé.

 

Hai câu cuối bài thơ rất hay khi tác giả nói về giấc mơ của bà:

 

Bà mơ tay cháu

Quạt đầy hương thơm.

 

Hương thơm của hoa cam, hoa. khế từ ngoài vườn thoảng đưa vào, rồi từ quạt cháu mà hương thơm ấy thấm vào hồn bà. Còn có hương thơm khác nữa. Đó là lòng hiếu thảo, là tình cháu yêu thương bà mà bà cảm nhận được.

Bài thơ Quạt cho bà ngủ là một bài thơ hay, thể hiện tình thương bà, sự săn sóc bà của tuổi thơ. Bài thơ gây cho ta nhiều xúc động.

Bài số 3

Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện ”Người mẹ” của An-đéc-xen.

Bài làm

Em vô cùng xúc động sau khi đọc truyện Người mẹ của An-đéc-xen. Tình thương con của người mẹ bất hạnh thật vô cùng sâu sắc, mãnh liệt.

Đứa con yêu bị ốm, mẹ quên ăn quên ngủ để săn sóc con, mong cứu con khỏi bệnh. Nhưng Thần Chết đã rình bắt đứa con bà mang đi. Lão ta chạy nhanh hơn gió. Lão ta rất ác độc chưa bao giờ trả lại những người đã bị lão cướp bắt đi đâu!

Người mẹ có quản gì đường xa, tăm tối. Bà đã ra đi tìm con. Thần Đêm Tối đã chỉ đường cho bà chạy đuổi theo Thần Chết.

Người mẹ gặp bụi gai giữa ngã ba đường. Bụi gai yêu cầu bà ôm nó vào lòng thì nó sẽ chỉ đường cho. Tuyết bám đầy bụi gai lạnh lẽo. Gai nhọn đâm vào da thịt bà, bao giọt máu nhỏ xuống. Bà chịu đựng mọi đau đớn. Bụi gai đã đâm chồi, nẩy lộc và nở hoa. Bụi gai đã làm đúng lời hứa.

Lại một thử thách ghê gớm nữa. Làm sao vượt qua được hồ nước mênh mông khi không một con thuyền. Hồ nước đòi bà phải khóc và trao cho nó hai con mắt, nó sẽ dẫn bà đến gặp Thần Chết. Dâng đôi mắt cho hồ nước thì người mẹ làm thể nào nhìn thấy đường mà đi? Vì cần gặp Thần Chết mà mẹ sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ, mọi mất mát hi sinh. Máu đã chảy, nước mắt lã chã tuôn, giờ đây là đôi mắt rơi xuống…

Hồ đã đưa bà mẹ đến gặp Thần Chết. Lão vô cùng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của bà tại nơi ở lạnh lẽo, tăm tối của lão. Tiếng bà mẹ trả lời Thần Chết mới thống thiết biết bao: Vì tôi là mẹ. Hãy trả con cho tôi! Hãy trả con cho tôi!

Chắc là Thần Chết không thể chối từ.

Truyện đã ca ngợi tình mẫu tử cao quý thiêng liêng. Người mẹ sẵn sàng hi sinh và có thể làm tất cả vì con, vì hạnh phúc và sự sống còn của những đứa con yêu quý.

Bài số 4

Mẹ vắng nhà ngày bão

                                      Đặng Hiển

 

Mấy ngày mẹ về quê

Là mấy ngày bão nổi

Con đường mẹ đi về

Cơn mưa dài chặn lối.

Hai chiếc giường ướt một

Ba bố con nằm chung

Vẫn thấy trống phía trong

Nằm ấm mà thao thức.

Nghĩ giờ này ở quê

Mẹ cũng không ngủ được

Thương bố con vụng về

Củi mùn thì lại ướt.

Nhưng chị vẫn hái lá

Cho thỏ mẹ, thỏ con

Em thì chăm đàn ngan

Sáng lại chiều no bữa

Bố đội nón đi chợ

Mua cá về nấu chua…

Thế rồi cơn bão qua

Bầu trời xanh trở lại.

Mẹ về như nắng mới

Sáng ấm cả gian nhà.

 

Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” của Đặng Hiển.

Bài làm

Bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của Đặng Hiển viết theo thể thơ 5 chữ, gồm có 5 khổ thơ; khổ thơ thứ tư có 6 câu thơ, các khổ thơ còn lại, mỗi khổ có 4 câu thơ. Bài thơ thể hiện những tình cảm tốt đẹp của đứa con thơ đối với mẹ hiền.

Một tình huống xảy ra: mẹ về quê thì cơn bão ào tới. Con thương mẹ vất vả đi trên con đường xa trong mưa bão. Chữ “mấy ngày” điệp lại hai lần, chữ “đài” trong hình ảnh “cơn mưa dài” đã nói lên cảnh mưa bão kéo dài liên miên. Con lo và thương mẹ bị mưa bão “chặn lối” trên đường về quê.

Mẹ về quê, căn nhà trở nên trống trải. Nhà dột, nên “Hai chiếc giường ướt một”. Cảnh nghèo, mưa bão càng khó khăn. Con nằm thao thức vì nhớ mẹ và thương bố:

 

Hai chiếc giường ướt một

Ba bố con nằm chung

Vẫn thấy trống phía trong

Nằm ấm mà thao thức.

 

Câu thơ “Vẫn thấy trống phía trong” là một câu thơ hay diễn tả cảnh nhà trống trải khi mẹ vắng nhà. Con nằm cạnh bố tuy ấm áp mà vẫn thao thức.

Khổ thơ thứ ba nói lên được hai tâm trạng. Ba bố con ở nhà thương nhớ mẹ, “Nghĩ giờ này ở quê – Mẹ cũng không ngủ được”. Mẹ đi xa càng nóng ruột gan: “Thương bố con vụng về – Củi mùn thì lại ướt”. Đúng là cả nhà luôn nghĩ đến nhau. Tình vợ chồng, tình mẹ con vô cùng thắm thiết.

Khổ thơ thứ tư gợi lên công việc ba bố con vất vả, bận rộn khi ngày bão mẹ vắng nhà. Mỗi người một công việc. Chị “hái lá cho thỏ mẹ thỏ con”. Em thì sáng, chiều “chăm đàn ngan” cho chúng nó được “no bữa”. Hình ảnh bố vất vả đáng yêu:

 

Bố đội nón đi chợ

Mua cá về nấu chua.

 

Ý khổ thơ này rất sâu sắc: gián tiếp ca ngợi mẹ rất đảm đang. Mẹ vẫn lo toan, tần tảo việc lớn, việc nhỏ trong gia đình. Vì mệ vắng nhà nên ba bố con mới vất vả bận rộn thế.

Khổ cuối bài thơ tả cảnh mẹ về khi cơn bão đã qua, đã tan. Cảnh vật đẹp, lời thơ đẹp: bầu trời “xanh trở lại”, nắng mới chan hòa. Một hình ảnh so sánh rất đẹp rất hay:

 

Mẹ về như nắng mới

Sáng ấm cả gian nhà.

 

Mẹ hiện ra sáng bừng như nắng mới. Ngôi nhà sáng lên, ấm áp hẳn lên. Ba bố con mừng vui đón mẹ về. Sau câu thơ có tiếng reo của hai con, có nụ cười của bố. Một cảnh gia đình đoàn tụ hạnh phúc dào dạt niềm vui.

Người mẹ là mái ấm của tình thương. Đó là cảm nghĩ của em khi đọc bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của Đặng Hiển.

Bài số 5

Nhớ lại buổi đầu đi học

Hãy dựa vào những câu hỏi sau đây để viết thành bài văn nói lên cảm nghĩ của em sau khi đọc bài “Nhớ lại buổi đầu đi học”.

1. Điều gì gợi tác giả nhớ những kỉ niệm của buổi tựu trường? Cảm giác mơn man trong lòng tác giả được so sánh với hình ảnh nào?

2. Ai đã dẫn con thơ đến trường trong buổi đầu đi học? Hình ảnh người mẹ được nhắc đến như thế nào?

3. Ngày tựu trường, cảnh vật có gì khác lạ? Vì sao?

4. Tìm những hình ảnh nói lên sự bỡ ngỡ, rụt rè của đám học trò mới trong buổi tựu trường?

Bài làm

Bài văn Nhớ lại buổi đầu đi học trích trong truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập Quê mẹ năm 1941.

Tác giả đã nhắc lại những kỉ niệm đẹp và sâu sắc buổi tựu trường. Mặc dù thời gian đã trôi qua nhiều năm tháng, nhưng hàng năm, cứ vào cuối thu “khi lá ngoài đường rụng nhiều”, tác giả lại “náo nức” nhớ những kỉ niệm “mơn man” buổi tựu trường. Những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tuổi thơ êm đẹp, dịu dàng “như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.

Chính buổi đầu đi học ấy, đứa con thơ được mẹ hiền đưa đến trường. Hình ảnh người mẹ được nhắc đến với bao tình cảm thiết tha, nâng niu, mẹ đã “âu yếm nắm tay” đẫn đứa con nhỏ đi đến trường. Cảnh vật thân quen in sâu mãi trong tâm hồn thơ bé. Đó là một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, hai mẹ con cùng đi trên con đường làng “dài và hẹp”, con đường mà chú bé “đã quen đi lại nhiều lần”. Nhưng chú bé “tự nhiên thấy lạ”, chú cảm thấy “quanh tôi đang có sự thay đổi lớn”, vì như chú đã nghĩ: “hôm nay tôi đi học”. Cuộc đời tuổi thơ đã sang trang. Cánh cửa cuộc đời đã mọc ra một chân trời mới nên mới có tâm trạng ấy.

Cũng như tác giả đứng nép bên mẹ hiền, những bạn học mới đều “bỡ ngỡ đứng nép bên người thân”, tất cả đều rụt rè “chỉ dám đi từng bước nhẹ”. Hình ảnh so sánh “như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ” đã diễn tả thật hay tâm trạng bỡ ngỡ, rụt rè của đám học trò mới trong buổi tựu trường. Em bé nào cũng “thèm vụng và ước ao thầm” mình được như những học trò cũ đã biết lớp, quen thầy, quen bạn.

Trang văn Nhớ lại buổi đầu đi học của Thanh Tịnh đã làm sống lại trong tâm hồn tuổi thơ mỗi chúng ta bao kỉ niệm đẹp buổi tựu trường vào lớp. Một ba năm về trước, một thời để nhớ, một thời để thương.

Bài số 6

Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện “Lừa và ngựa”

của văn hào Lép Tôn-xtôi.

Bài làm

Lừa và ngựa là một câu chuyện thật giản dị mà sâu sắc. Lừa và ngựa cùng đồng hành. Lừa phải thồ bao nhiêu đồ đạc cồng kềnh nặng nề. Khi lừa vô cùng mệt mỏi, đã gần kiệt sức mới khẩn khoản nhờ ngựa mang hộ một ít đồ đạc. Nhưng người bạn đường đã chối từ. Ngựa đã bảo lừa: “Việc ai người nấy lo”. Kết cục, lừa ngã gục nằm chết bên vệ đường. Người chủ bèn chất tất cả đồ đạc từ lưng lừa qua lưng ngựa. Lúc bấy giờ, ngựa mới biết mình dại dột, rên lên.

Tính ích kỉ của ngựa đã dẫn đến cái chết của lừa, người bạn đường. Không chỉ thế, sau khi lừa chết, ngựa phải mang nặng gấp đôi. Trên quãng đường xa, ngựa có đủ sức thồ hàng đi tới hay sẽ chết gục bên đường? Cái giá mà chú ngựa chuốc lấy thật quá đắt và vô cùng cay đắng.

Mượn chuyện Lừa và ngựa, Lép Tôn-xtôi đã nêu lên một bài học luân lí thấm thía. Ông khẽ nhắc mọi người là đừng sống ích kỉ. Phải biết cứu giúp, cưu mang đồng loại, nhất là trong hoạn nạn khó khăn.

Bài số 7

Bận

         Trinh Đường

 

Trời thu bận xanh

Sông Hồng bận chảy

Cái xe bận chạy

Lịch bận tính ngày

Con chim bận bay

Cái hoa bận đỏ

Cờ bận vẫy gió

Chữ bận thành thơ

Hạt bận vào mùa

Than bận làm lửa.

Cô bận cấy lúa

Chú bận đánh thù

Mẹ bận hát ru

Bà bận thổi nấu.

Còn con bận bú

Bận ngủ bận chơi

Bận tập khóc cười

Bận nhìn ánh sáng.

Mọi người đều bận

Nên đời rộn vui

Con vừa ra đời

Biết chăng điều đó

Mà đem vui nhỏ

Góp vào đời chung.

 

 

Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Bận” của Trình Đường.

Bài làm

Bận là một bài thơ khá ngộ nghĩnh của Trinh Đường. Một chữ “bận” bình dị đã nhập hồn vào thế giới thiên nhiên và thế giới con người, tạo nên nhiều ý thơ hồn nhiên, thú vị.

Mười câu thơ đầu nói về thiên nhiên “bận”. Có phải không nào? “Bận xanh” là trời thu, “bận chảy” là sông Hồng, “bận chạy” là cái xe. Lịch thì “bận tính ngày”, con chim thì “bận bay”. Cái hoa thì “bận đỏ”. “Bận vẫy gió” là lá cờ tung bay. “Bận thành thơ” là con chữ. Kì diệu thay cái hạt của trái cây, hòn than đen cũng “bận”:

 

Hạt bận vào mùa

Than bận làm lửa.

 

Thiên nhiên có hàng triệu sự vật, hiện tượng. Nhưng Trinh Đường chỉ nêu lên 10 thứ điển hình, đó là những sự vật quanh ta. Qua đó, nhà thơ chỉ ra thiên nhiên rất đẹp, rất đáng yêu. Thế giới quanh ta muôn màu muôn vẻ, đang cựa quậy, đang sinh sôi nảy nở.

Tám câu thơ tiếp theo nói về sự “bận” của con người. Là cô, chú, mẹ, bà. Cô thì siêng năng “bận cấy lúa”. Chú thì dũng cảm chiến đấu “bận đánh thù”. Mẹ và bà thì tần tảo sớm hôm, thương con thương cháu:

 

Mẹ bận hát ru

Bà bận thổi nấu.

 

Bé thơ cũng bận, lo ngủ, lo chơi; lúc thì khóc cười lúc thì bú tí. Bé lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của bà, của mẹ.

Cái “bận” của sự sống ấy là hạnh phúc mọi người, mọi nhà, ấy là cuộc đời nở hoa no ấm. Ai cũng đem sức lực, tài năng, đem cái “bận” của riêng mình góp vào cuộc đời chung. Nhờ thế, cuộc đời mới thật đáng yêu:

 

Mọi người đều bận

Nên đời rộn vui

Con vừa ra đời

Biết chăng điều đó

Mà đem vui nhỏ

Góp vào đời chung”.

 

Hỡi tuổi trẻ gần xa, chúng ta nguyện chăm học chăm làm, thi đua làm nghìn việc tốt đem cái “bận” của mình góp vào cái bận của ông bà, cha mẹ, của nhân dân và đất nước.

Bài số 8

Các em nhỏ và cụ già

Cảm nghĩ của em khi đọc truyện “Các em nhỏ và cụ già ”

của V.A. Xu-khôm-lin-xki.

Bài làm

Các em nhỏ và cụ già là một câu chuyện giản dị và sâu sắc của V.A. Xu-khôm-lin-xki. Nếu được phép chọn một tên khác cho truyện thì em xin chọn cái tên này “Những đứa trẻ tốt bụng”.

Những đứa trẻ trong truyện thật đáng yêu. Từ cử chỉ, lời nói đến hành động của các bạn nhỏ đều chứa chan tình người. Trên đường đi chơi trở về đang “nối cười ríu rít” nhưng bỗng nhìn thấy một cụ già “mệt mỏi”, cặp mắt “lộ rõ vẻ u sầu” thì lũ trẻ hết sức quan tâm, bàn tán sôi nổi. Chúng băn khoăn hỏi nhau: “Chắc là cụ bị ốm? Hay là cụ đánh mất cái gì?…”. Có tốt bụng, có giàu tình thương người mới có sự quan tâm ấy.

Các em nhỏ đã quây quần xung quanh ông cụ, lễ phép hỏi han, mong được san sẻ, được giúp đỡ. Cụ gỉà như vợi đi bao nỗi đau buồn, đôi mắt cụ “ánh lên những tia ấm áp”. Cụ cảm ơn các cháu nhỏ xa lạ, cảm động trước sự quan tâm đầy tình người của các em. Gia cảnh của cụ rất buồn: bà lão bị ốm nằm viện đã mấy tháng rồi, bệnh nặng lắm, khó lòng qua khỏi. Biết là các cháu không giúp gì được, nhưng cụ già cảm thấy “lòng nhẹ hơn“.

Hình ảnh các em nhỏ “lặng đi” khi nghe cụ già nói, với cái nhìn “đầy thương cảm”, với hành động giúp cụ già lên xe rồi còn đứng nhìn theo mãi , mới ra về đã cho thấy cắc em có một trái tim rất nhân hậu, hết lòng quan tâm săn sóc người già cả, ốm đau, hoạn nạn.

Các em nhỏ trong truyện Các em nhỏ và cụ già đã nêu lên bài học về tình thương người cho tuổi thơ chúng ta noi theo mà học tập.

Bài số 9

Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài ”Giọng quê hương”

của nhà văn Thanh Tịnh.

Bài làm

Thanh Tịnh đã kể lại một cuộc gặp cảm động diễn ra tại một quán ăn nơi đất khách quê người. Thuyên và Đồng rời quê đi làm ăn xa; một hôm hai anh rủ nhau đi chơi, bị lạc mất đường về. Hai anh em tìm đến quán ăn để ăn trưa cho đỡ đói và để hỏi đường. Tại quán ăn, hai anh gặp ba thanh niên đang chuyện trò vui vẻ.

Một chuyện bất ngờ đã xảy ra làm cho Thuyên và Đồng vô cùng ngạc nhiên. Khi Thuyên định đứng lên trả tiền thì một trong ba thanh niên có gương mặt đôn hậu, cặp mắt ánh lên vẻ thành thực, dễ mến đã nói với Thuyên: “Xin hai anh vui lòng cho tôi được trả tiền”. Thuyên lúng túng chối từ, vì anh chưa “nhớ ra” người đang đứng trước mặt mình là ai. Thuyên càng ngạc nhiên khi nghe anh thanh niên nói một cách thành thực: “Bây giờ tôi mới được biết hai anh. Tôi muốn làm quen…”. Câu nói: “Tôi muốn làm quen” càng làm cho cuộc gặp gỡ trở nên bất ngờ, cảm động, càng làm cho Thuyên lúng túng.

Phần cuối câu chuyện cho ta biết vì sao anh thanh niên lại cảm ơn Thuyên và Đồng. Nghe tiếng nói của Thuyên và Đồng, anh thanh niên cảm động vi được “nghe lại giọng nói của mẹ” mình ngày xưa. Mẹ anh người miền Trung, bà mất đã tám năm rồi. Giọng nói của Thuyên đã khơi gợi trong lòng đứa con mồ côi mẹ bao hình ảnh thương yêu, bao kỉ niệm thiết tha về quê ngoại, về người mẹ hiền đã quá cố. “Giọng quê hương” chính là lòng thương nhớ mẹ, là tình yêu quê hương vô cùng thiết tha sâu nặng.

Sau khi thổ lộ tâm tình mình, nỗi lòng mình, anh thanh niên “lẳng lặng cúi đầu, đôi môi mím chặt lộ vẻ đau thương”. Còn Thuyên và Đồng thì “bùi ngùi nhớ đến quê hương, yên lặng nhìn nhau, mắt rớm lệ”. Đó là những hình ảnh thể hiện một cách cảm động tình cảm tha thiết đối với quê hương yêu dấu.

Đọc bài Giọng quê hương, ta càng bồi hồi xúc động nhớ lại tiếng ru của mẹ, của bà thời thơ ấu:

 

Quê hương nghĩa nặng tình sâu,

Bể dâu biến đổi biết đâu là nhà…

 

Bài số 10

Quê hương

                              Đỗ Trung Quân

 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay.

Quê hương, là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Em đềm khua nước ven sông.

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài hè.

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

 

Dựa vào các câu hỏi sau đây, em hãy viết một bài văn nói lên cảm nghĩ của mình sau khi học bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân.

Bài làm

1. Nêu những hình ảnh gắn liền với quê hương?

2. Vì sao quê hương được so sánh với mẹ?

3. Em hiểu ý hai câu cuối như thế nào?

Bài làm

Bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân là một bài thơ rất hay, đã được phổ nhạc thành ca khúc, được nhiều người hát và yêu thích. Nhà thơ đã định nghĩa thế nào là quê hương, ca ngợi quê hương là “mẹ” của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Quê hương là màu sắc, hương vị, là những cảnh vật vô cùng thân thiết, trở thành tâm hồn, hoài niệm tuổi thơ: “là chùm khế ngọt”, “là đường đi học – con về rợp bướm vàng bay ”, “là cánh diều biếc – tuổi thơ con thả trên đồng”. Qua hình ảnh “cánh diều biếc” ta cảm nhận được một bầu trời xanh bao la, những cánh đồng mênh mông, bát ngát lúa vàng của quê hương đất nước.

Quê hương còn là dòng sông yêu dấu với những “con đò nhỏ…”, là chiếc “cầu tre nhỏ” lắt lẻo, từng in bóng “mẹ về nón lá nghiêng che”. Quê hương ta rất đẹp, một vẻ đẹp thơ mộng thanh bình, nhất là những đêm trăng, hoa cau “rụng trắng” thơm ngát cả hè nhà:

 

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài hè.

 

Nhân dân ta thường ca ngợi Tổ quốc, đất nước quê hương là “Mẹ” vô cùng cao quý, thiêng liêng, thân thiết. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, gắn liền với tâm hồn mỗi chúng ta qua bao cảnh vật, bao kỉ niệm vui, buồn. Vì thế Đỗ Trung Quân mới so sánh quê hương với mẹ, người mẹ hiền sinh thành của mỗi đứa con. Mỗi đứa con chỉ có một mẹ hiền, cũng như mỗi ngườỉ chỉ có một quê hương. Nhà thơ khẽ nhắc “Không yêu quê hương thì không thành người được”‘.

 

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

 

Có thể nói tình yêu quê hương trang trải, đào dạt trên trang thơ Đỗ Trung Quân.

Xem thêm và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Các bài văn cảm thụ thơ văn lớp 3 (phần 2) – Luyện tập làm văn 3 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận