“Ca dao là tiếng nói tình cảm gia đình mà người Việt Nam rất trân trọng” – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

Ngữ Văn 7 nâng cao

CÁC ĐỀ VĂN BIỂU CẢM

Đề số 17

Dựa vào các bài ca dao đã học và đọc thêm ở Ngữ văn 7, hãy làm sáng tỏ nội dung : “Ca dao là tiếng nói tình cảm gia đình mà người Việt Nam rất trân trọng.”

Bài viết số 1

Tôi thích bài hát Gia đình do gia đình hai ca sĩ Ngọc Lễ, Phương Thảo cùng cô con gái xinh như búp bê biểu diễn rất thành công. Hơn nữa bài hát đó là do chính Ngọc Lễ sáng tác. Đó là nói về lĩnh vực ca nhạc thời hiện đại. Tôi muốn cùng các bạn mở cửa kho tàng ca dao dân gian Việt Nam. Ở lĩnh vực này các bạn sẽ thấy rõ : “Ca dao là tiếng nói tình cảm gia đình mà người Việt Nam rất trân trọng.“.

Với vốn liếng ca dao học ở Ngữ văn 7 và được đọc thêm, chúng ta cũng có thể làm sáng tỏ vấn đề nêu trên.

Trước hết, ca dao đã biểu hiện tình nhớ thương của những người con, người cháu với ông bà nội, ông bà ngoại kính yêu trong mỗi gia đình. Ông bà ở gần chúng ta, chúng ta mói có điều kiện chăm sóc, tâm tình. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện ở gần ông bà. Ca dao đã thay chúng ta gửi nỗi nhớ này :

Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.

Câu ca dao đã phá luật thể thơ lục bát khiến câu 8 tiếng trở thành 9 tiếng như kéo dài nỗi nhớ nhung. Thực tế, có thể việc sống trong những ngôi nhà cao tầng khiến ta không hiểu nuộc lạt là gì. Hãy hỏi cô giáo và bố mẹ, ta sẽ hiểu người Việt Nam xưa làm nhà tranh tre thì nuộc lạt trên mái sẽ nhiều và vô cùng quan trọng đối với ngôi nhà.

Ông bà đã sinh ra mẹ cha ta. Mẹ cha ta lại có công sinh thành và nuôi dưỡng ta nên người. Câu ca dao như lời của mẹ cha gọi ta hãy nhớ lấy điều đó và cố gắng tu dưỡng thành người :

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng, con ơi !

Dân gian đã lấy “núi ngất trời” và “nước ở ngoài biển Đông” để so sánh với “công cha nghĩa mẹ”. Mỗi người con phải tạc dạ ghi lòng để báo đền công lao sinh thành và dưỡng dục ấy. Mỗi người con nghĩ về mẹ, cha để thêm vững niềm tin vào cuộc sống.

Cha mẹ hoà thuận, thương yêu nhau là niềm hạnh phúc của con trẻ. Vui sướng làm sao khi được sống trong một gia đình cha mẹ ý hợp tâm đầu. Tình yêu vợ chồng của chạ mẹ là gốc rễ hạnh phúc của cả gia đình. Ca dao đã nói điều ấy thật tế nhị, thật dễ thương :

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.

Cha mẹ hoà thuận, yêu thương nhau và sinh ra con cái. Các cụ xưa từng nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Anh em cùng cha mẹ sinh ra mà không yêu thương nhau thì chính là đi ngược với lẽ tự nhiên của cuộc sống :

Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.

hoặc có câu ca dao viết về tình anh em hay hơn nữa :

Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Nhìn thấy các con trong nhà yêu thương, giúp đỡ nhau chân tình, cha mẹ, ông bà ta vui lòng xiết bao !

Quả thật, ca dao Việt Nam là tiếng nói tình cảm của người Việt, nhất là tình cảm gia đình. Đúng như lời nhận xét : “Ca dao là tiếng nói tình cảm gia đình mà người Việt Nam rất trân trọng”. Đọc ca dao, học ca dao Việt Nam, em thêm yêu gia đình và nguyện tu dưỡng để trở thành một người con ngoan, hiếu thuận của gia đình.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: Chứng minh thơ ca Việt Nam và ca dao đã biểu hiện đa dạng tình yêu quê hương đất nước của người Việt Nam – Ngữ Văn 7 nâng cao tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận