Biểu cảm về chủ đề: sống giữa tình yêu thương của mọi người – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

Ngữ Văn 7 nâng cao

CÁC ĐỀ VĂN BIỂU CẢM

Đề số 13

Biểu cảm về chủ đề : sống giữa tình yêu thương của mọi người.

Bài viết số 1

Buổi chiều mùa đông giá lạnh, lại mưa nhỏ, tôi và em tôi không ai muốn đi chợ, nhưng chiều nay gia đình tôi chưa có thức ăn. Là chị lớn, tôi đành khoác áo mưa đi chợ, sau khi dặn em đóng cửa cẩn thận, vì ngoài trời rất lạnh. Trong buổi chợ chiều ấy, tôi đã thấy hình ảnh một bà cụ già phải ra chợ ăn xin và câu chuyện của hôm ấy như sau :

Bà cụ tuy không tàn tật, nhưng đã già lắm. Mái tóc bà bạc trắng, rối bời trong chiếc khăn đen bạc. Bà mặc chiếc áo bông đã cũ, có chỗ vá. Khi bà chìa tay xin mấy cô bán hàng, không hiểu sao tôi thấy nghẹn nghẹn, không dám nhìn… Có một cô bán hàng trẻ la lên “Bà tránh ra cho mọi người vào mua hàng. Đây không phải chỗ bà ăn xin… Khổ lắm…”. Song có lẽ, chỉ mình cô bán hàng ấy kêu như vậy, còn tất cả đều cho bà tiền (dù rất ít).

Bỗng có một anh thanh niên (đi tới, giải thích với mọi người hoàn cảnh éo le của bà, vì anh là một người hàng xóm của bà, anh rất hiểu. Anh đưa cho bà hai nghìn đồng và chiếc bánh mì rồi nói : “Để cháu dắt bà về nhà, ngoài trời lạnh lắm bà ạ”. Tôi cũng chạy theo đưa cho bà tờ năm trăm (lấy ở tiền bố mẹ đưa đi chợ) và bắt chước mẹ, tôi bảo : “Bà ơi ! Tờ năm trăm này màu đỏ, là tờ “lộc” đấy bà ạ. Nó giúp người ta sức khoẻ”. Anh thanh niên cười, bảo tôi: “Em rất ngoan, em bé ạ”.

Tôi chắc chắn bà cụ sẽ được những người xung quanh giúp đỡ hoặc anh thanh niên sẽ đưa bà đến nơi dưỡng lão dành cho những người già đơn côi. Bóng bà cụ cứ xa dần. Tôi bỗng cảm thấy lòng mình ấm lại giữa trời chiều mùa đông lạnh giá…

Bài viết số 2

Hôm nay, trên đường đi học về, tôi và các bạn cùng lớp chợt thấy một người đàn ông rất cao to, mặc quần áo bộ đội đã cũ, đang khua khua gậy dò đường…

Hình như chú muốn sang bên kia đường. Nhìn kĩ, tôi thấy chú đeo kính đen, tuổi chú còn rất trẻ.

Chúng tôi vội chạy ra chỗ chú. Thằng Sơn Huy nhanh nhảu : “Chú ơi ! Có phải chú muốn sang đường không ? Chú để chúng cháu đưa sang”. Chú cười rất hiền và gật đầu đồng ý. Chúng tôi ríu rít đưa chú qua đường. Đứa thì nắm tay, đứa thì sờ vào vạt áo sau lưng. Đứa nào cũng muốn dắt chú qua đường. Chúng tôi đi với chú một đoạn đường. Chú kể những ngày ở quân ngũ và đã bị thương nặng ở mắt. Chúng tôi rất khâm phục chú. Đi được một đoạn, chú nói : “Cảm ơn các cháu, chỗ này sắp rẽ vào nhà chú. Nhà chú ở gần một gốc cây xà cừ to. Bao giờ rảnh rỗi, các cháu vào chơi”. Chúng tôi đồng thanh “Vâng ạ”. Chúng tôi nhìn chú đi. Rõ ràng chú đi theo linh cảm và thói quen, nên mới không bị ngã.

Chúng tôi trông theo mãi. Đến lúc Minh Thành khoát tay “về đi các cậu, chiều còn đi học”, tất cả như bừng tỉnh. Riêng tôi, hình ảnh chú bộ đội cao lớn, đeo kính đen có nụ cười rạng rỡ… cứ trở về trong tâm trí tôi. Chú đã mất ánh sáng từ đôi mắt vì bảo vệ cộng đồng, thì chúng tôi – những cộng đồng nhỏ tuổi hãy biểu hiện sự yêu thương đối với những người như chú dù chỉ bằng những cử chỉ quan tâm, giúp đỡ nho nhỏ. Mỗi lần tôi kể lại chuyện này với mọi người, tôi tự thấy lòng mình như có ngọn lửa ấm áp…

Bài viết số 3

Về chuyện đi công viên nước Hồ Tây, ai chẳng thấy vui, chẳng thích. Nhưng đối với tôi nó đã ghi dấu một kỉ niệm về tình yêu thương giữa con người với con người – mà có lẽ suốt đời tôi, tôi không sao quên được.

Lần ấy, bố mẹ đưa tôi đi công viên nước. Ngày ấy, tôi còn bé lắm và chưa biết bơi. Nhưng các trò chơi dưới nước, trò nào cũng hấp dẫn tôi. Tôi lao theo các bạn, thưởng thức các trò chơi dưới nước, cười đùa như nắc nẻ. Chao ôi ! Những ngày đi chơi như thế này thú vị biết bao ! Đối với học trò nhỏ tuổi chúng tôi, những chuyến đi chơi rừng, chơi biển và đi chơi các công viên thật là những ngày vui vẻ và đầy cảm giác sung sướng. Đang mải miết, tôi bỗng thấy trước mắt có một bể bơi. Nghĩ rằng cũng như các trò chơi mình vừa trải qua, tôi nhảy xuống bơi. Nhưng lạ quá, nước hồ lạnh và tôi với chân mãi không thấy đáy bể đâu ! Hoảng hốt, tôi vùng vẫy để trôi sát vào bờ, nhưng không được. Tôi khua tay lên và bắt đầu uống nước bể !… Bỗng có tiếng người nhảy ùm xuống bể và tôi có cảm giác được nâng lên, đưa vào bờ. Bố mẹ tôi hốt hoảng chạy đến. Sau vài phút, cả nhà bình tĩnh lại. Tôi nghe tiếng một cụ già nói : “Trên bờ có ghi bảng là 4 mét – nước rất sâu. Các cháu không được hướng dẫn, nên vào bừa khu vực cấm này, có ngày nguy to. Thôi, anh chị ủ ấm cho cháu”. Cụ già không nói tên, cụ chỉ nói : “Tôi là một cựu chiến binh”. Cụ rất cao to, vạm vỡ ; tuy tóc đã bạc. Trước khi chia tay, bố mẹ tôi cảm tạ cụ và xin địa chỉ. Cụ chỉ xoa đầu tôi và bảo : “Phải cẩn thận, nghe con. Bao giờ bơi giỏi, thật giỏi, mới xuống được bể này”.

Bố mẹ tôi nói rằng : “Con còn đến ngày nay là nhờ tình yêu thương của cụ già không quen biết đó”. Tôi không bao giờ quên điều đó. Cô giáo của tôi nghe chuyện năm xưa ấy của tôi, cười bảo : “Đó là tình cảm bầu ơi thương lấy bí cùng đấy”. Có lẽ, phải ngẫm nghĩ thêm nữa, tôi mới hiểu hết lời nói của cô giáo.

Bài viết số 4

Tôi lại kể chuyện với các bạn về mẹ của tôi. Cứ mỗi ngày, cứ mỗi năm, tôi lớn lên, tôi lại nhận ra ở mẹ những tình cảm bình dị mà ngời sáng. Tôi nghĩ : chắc mẹ của các bạn cũng vậy thôi. Những câu chuyện về các bà mẹ – nhất là chuyện yêu thương con người – mỗi mẹ có cách biểu hiện khác nhau.

Năm ấy, nhà tôi ở gần chợ. Những ngày phiên chợ đông người đi lại, thấy các xe thồ đỗ đầy dưới đường, vỉa hè, các cụ già và trẻ em đi học, phải đi xuống lòng đường, mẹ tôi sốt ruột, ra chỉ huy cả đoàn xe thồ, bắt rời vào chợ. Làm xong việc ấy, mất nửa tiếng đồng hồ và mẹ mệt rã người. Chú tôi thương chị dâu, cười bảo : “Việc ấy có phải của chị đâu. Chị muốn làm “anh hùng vô danh san bằng bất công” à ?”. Mẹ tôi chỉ cười bảo : “Trẻ con, người già chẳng còn lối mà đi. Nguy hiểm quá !”,

Khi tôi đã học lớp Năm, có lần mẹ đèo tôi xuống thăm bà ngoại. Trên đường đi, có hai toán học sinh ở đâu, trên đường đi học về, nghe khích bác, đánh nhau dữ dội. Thấy anh này lấy cái cặp nặng đầy sách đập vào đầu ạnh kia, mà tôi rợn cả người, cứ túm chặt áo mẹ… Mọi người đứng xem rất đông, kể cả nam giới, thanh niên khoẻ mạnh cũng không ai ngăn cản cuộc đánh nhau ấy. Tôi bỗng giật mình vì mẹ tôi bỗrig dựng xe và kêu lên : “Các anh nhìn trẻ con nó đánh nhau như thế, mà không ai cạn ngăn chúng nó, để nó đánh nhau chết à ? Các anh có còn là người không đấy ?”. Tôi sợ quá, bảo mẹ : “Mẹ ơi, kệ người ta”; Mấy anh thanh niên nghe nói liền xông vào giằng hai bên ra, đuổi về, mỗi toán đi một hướng. Mẹ tôi xúc động quá khóc : “Đấy, con với cái, học chẳng học, chỉ đánh nhau. Là cha, là mẹ, đã đau xốt chưa ?”. Đám đông lặng lẽ giải tán, không ai dám nói gì. Tôi nhìn vẻ mặt, ánh mắt của họ : họ biết mình có lỗi và cảm phục mẹ…

Những câu chuyện về mẹ của tôi như thế, bao giờ kể cho hết. Mẹ không những chỉ yêu thương chúng tôi, những đứa con ruột thịt của mẹ, mà mẹ còn rộng lòng yêu thương những con người xung quanh. Tôi muốn sống theo gương mẹ : “Hãy yêu thương những người trong cộng đồng của mình”.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:  Biểu cảm về một người thân: Người cha kính yêu – Ngữ Văn 7 nâng cao tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận