Bài tập chuyên đề Từ Hán Việt – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TỪ HÁN VIỆT

II – BÀI TẬP CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO

         1. Tìm các từ ghép có các yếu tố sau :

          – Hoa1 : cơ quan sinh sản của cây, thường có hương thơm và màu sắc; Hoa2: đẹp;

          – Thiên1 : trời ; Thiên2 : nghìn ; Thiên3 : lệch.

          – Thiện1: lành, tốt; Thiện2 : khéo, giỏi.

         2. Sắp xếp các từ : tham lam, tham dự, tham quan, tham vọng, tham chiến theo các nhóm dựa vào các nghĩa khác nhau của yếu tố tham. Giải nghĩa yếu tố tham trong mỗi nhóm từ đó.

         3. Điền các từ ngữ Hán Việt : thành tích, thành tựu, thành quả, hiệu quả, kết quả, nguyện vọng, hi vọng vào chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp :

        a) Nhân dân ta đã đạt được nhiều… trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

        b) Nhà trường đã khen thưởng các em học sinh có… học tập tốt.

        c) Nhân dân Việt Nam cương quyết bảo vệ các… của cách mạng.

        d) Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp kĩ thuật đối với khu đất này, nhưng đến nay vẫn chưa có…

          đ) Có chăm chỉ học tập thì… học tập mới cao.

        e) Bác Hồ suốt đời ôm ấp một… là nước nhà được độc lập, thống nhất, nhân dân được no ấm, tự do.

        g) Con ngoan ngoãn, chăm chỉ, mẹ… nhiều ở con.

         4. Phân biệt nghĩa của các cặp từ sau và đặt với mỗi từ một câu.

        a) nồng nhiệt – nồng hậu

        b) khẩn cấp – khẩn trương.

         5. Có bạn giải thích nghĩa của từ yếu điểm là “điểm chưa tốt, dưới trung bình, cần phải khắc phục”.

          Theo em, giải thích như thế đúng hay sai ? Tại sao ?

         6. Phân biệt nghĩa và cách dùng các cặp từ ngữ Hán Việt sau :

        a) cố chủ tịch – cựu chủ tịch

        b) cương quyết – kiên quyết.

         7. Phân biệt nghĩa của các cặp từ sau đây :

        a) giáo viên – thầy giáo

        b) độc giả – người đọc

        c) thính giả – người nghe

         8. Tìm 3 từ Hán Việt có sắc thái trang trọng, và 3 từ thuần Việt có nghĩa tương đương. Đặt với mỗi từ một câu để thấy sự khác nhau trong cách sử dụng.

        9. Đọc bài thơ sau :

 

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

 Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

 

 (Bà Huyện Thanh Quan)

          Hãy giải thích nghĩa của các từ in đậm. Các từ Hán Việt đó tạo sắc thái gì cho bài thơ ?

        10. a) Nhận xét về cách dùng các từ Hán Việt in đậm trong các câu sau :

          – Trong cuộc chạy đua ma-ra-tông hôm ấy, vận động viên Nguyễn Thành Nam lạc hậu rất xa. Nhưng anh vẫn cố gắng chạy về đích.

          -Buổi dạ hội cuối năm thật vui vẻ. Các chàng trai, cô gái mặc những bộ quần áo tối tân nhất, đẹp nhất.

          – Công viên vừa mua về một con thú mới. Người đến xem rất đông. Các khán giả đều trầm trồ khen con thú đẹp.

        b) Đặt với mỗi từ sau một câu : lạc hậu, tối tân, khán giả.

        11. Đọc đoạn văn sau :

          Hoài Văn Hầu làm trái phép nước, tội ấy đáng lẽ không dung. Nhưng Hoài Văn còn trẻ, tình cũng đáng thương, lại biết lo cho vua, cho nước, chí ấy đáng trọng.

          Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy và nói tiếp…

(Nguyễn Huy Tưởng)

          Hãy giải thích nghĩa của các từ dung, truyền. Hai từ này góp phần tạo sắc thái gì cho đoạn văn ?

          12. Tìm một đoạn văn hoặc đoạn thơ có sử dụng từ Hán Việt. Giải thích ý nghĩa của từ Hán Việt trong đoạn văn, đoạn thơ đó. Cho biết các từ Hán Việt đó tạo sắc thái gì cho đoạn văn, đoạn thơ.

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận