Bài tập chuyên đề Biến đổi câu – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

BIẾN ĐỔI CÂU

          1. Tìm câu rút gọn trong những phần trích sau, và cho biết thành phần nào bị rút gọn. Hãy khôi phục các câu rút gọn đó thành câu đầy đủ.

          a) Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi ! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về !

(Nguyên Hồng)

          b) Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng […].

(Lí Lan)

          c) Những ai ngồi đấy ?

          – Ông Lí cựu với ông Chánh hội.

(Ngô Tất Tố)

          2. Tìm câu rút gọn trong những phần trích sau, và cho biết chúng có tác dụng gì.

          a) – Thằng Thành, con Thuỷ đâu ?

          Chúng tôi giật mình, líu ríu dắt nhau đứng dậy.

          – Đem chia đồ chơi ra đi! – Mẹ tôi ra lệnh. 

          Thuỷ mở to đôi mắt như người mất hồn, loạng choạng bám vào cảnh tay tôi. Dìu em vào trong nhà, tôi bảo :

          – Không phải chia nữa. Anh cho em tất.

          Tôi nhắc lại hai ba lần, Thủy mới giật mình nhìn xuống. Em buồn bã lắc đầu :

          – Không, em không lấy. Em để hết lại cho anh.

          – Lằng nhằng mãi. Chia ra – Mẹ tôi quát và giận dữ đi về phía cổng.

(Khánh Hoài)

          b) Một thói quen xấu ta thường gặp hằng ngày, ở bất cứ đâu là thói quen vứt rác bừa bãi. Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…

(Băng Sơn)

          c) Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ.

          d) Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… Nhớ một trưa hè gà gáy khan… Nhớ một thành xưa son uể oải.

(Xuân Diệu)

          3. Tìm các câu rút gọn trong các câu ca dao sau và cho biết tác dụng của chúng.

          a) Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ ! Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

          b) Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

          c) Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu luộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.

          d) Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn trông sao sao mờ.

          4. Hãy nhận xét về cách dùng các câu rút gọn dưới đây. Theo em, có nên dùng các câu rút gọn trong những tình huống đó không ? Tại sao ?

          a) – Cháu cho bác hỏi đến phố Hàng Bạc đi bằng cách nào ?

          – Đi thẳng, đến ngã tư thì rẽ phải.

          b) – Mẹ ơi, cho con đi tham quan nhé !

          – Con đi mấy ngày ?

          – Một ngày.

          5. Đọc đoạn trích sau :

          Cô Tâm ôm chặt lấy em :

          (1) – Cô biết chuyện rồi. Cô thương em lắm !

          […]

          Cô giáo Tâm gỡ tay Thuỷ, đi lại phía bục, mở cặp lấy một quyển sổ cùng với chiếc hút máy nắp vàng đưa cho em tôi và nói :

          (2) – Cô tặng em. Về trường mới, em cố gắng học tập nhé !

          Em đặt vội quyển sổ và cây bút lên bàn :

          (3) – Thưa cô, em không dám nhận… em không được đi học nữa.

(Khánh Hoài)

          Có thể rút gọn chủ ngữ ở các câu (1), (2), (3) không ? Tại sao ?

          6. Tìm các câu đặc biệt trong các phần trích sau và cho biết tác dụng của chúng.

          a) Ôi, đẹp quá ! Sao lại có bông hoa bằng lăng nở muộn thế kia ?

(Phạm Hổ)

          b) Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đoàn kịch lưu động chúng tôi đóng lại, tránh cái gió lào…

(Nguyễn Tuân)

          c) Đêm trăng. Biển yên tĩnh. Tàu Phương Đông của chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa.

(Hà Đình Cẩn)

          d) Kiên vội đặt bát xuống, nó vỗ tay, reo to :

          Ông ơi, ông ơi! Con cu cườm ta thả ra dạo nọ đã biết gáy rồi ông ạ !

(Trần Hữu Tòng)

          đ) Đình chiến. Các anh bộ đội nón lưới có gắn sao, kéo về đầy nhà Út…

(Nguyễn Thi)

          e) Cách đó ba năm, một đồng chí từ Đồng Tháp Mười về mang vê một con gà mái tơ vàng. Ôi chao, một con gà.

(Nguyễn Quang Sáng)

          7. Cho một số câu mở đầu sau :

          a) Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển.

(Ông lão đánh cá và con cá vàng)

          b) Có anh tính hay khoe của.

(Lợn cưới, áo mới)

          c) Trong cuộc sống của con người, từ xưa đến nay đều có sự tham gia đóng góp tích cực của các giống vật trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn…

(Truyện sáu con gia súc so bì công lao)

          Các câu trên có gì giống và khác vói câu đặc biệt ? Chúng thuộc kiểu câu nào ?

          8. Các câu in đậm dưới đây có phải là câu đặc biệt không ? Tại sao ?

          a) Chừng nửa đêm tới đỉnh. Có một cái hang rộng. Chúng tôi dừng lại.

          b) Buổi văn nghệ đang đầy ắp tiếng cười, bỗng nhiên có tiếng động mạnh, nước đập ùm ùm như có người tập bơi. Một người kêu lên :

          – Cá heo!

          Thì ra cá heo thấy chiến sĩ hò hát vui quá, gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.

(Hà Đình cẩn)

          c) Hai chân Nhẫn quàng lên cổ. Quên cả đói, quên cả rét. Con Tô cũng dài bụng ra chạy theo.

(Hồ Phương)

          9. Tìm trạng ngữ trong các câu dưới đây và cho biết chúng bổ sung ý nghĩa gì cho sự việc được nói đến trong câu.

          a) Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi. Khoảng trời sau dãy núi phía đông ửng đỏ. Những tia nắng đầu tiên hắt chéo qua thung lũng, trải lên đỉnh núi phía tây những vệt sáng màu lá mạ tươi tắn… Ven rừng, rải rác những cây lim đã trổ hoa vàng, những cây vải thiều đã đỏ ối những quả.

(Hoàng Hữu Bội)

          b) Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp ; bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

(Phạm Văn Đồng)

          c) Vì chuôm cho cá bén đăng/ Vì chàng thiếp phải đi trăng về mò.

(Ca dao)

          d) Đánh “xoảng” một cái, cái bát ở mâm Lí cựu bay thẳng sang mân Lí đương và đánh “ chát” một cái, cái chậu ở chiếu Lí đương cũng đập luôn vào cây cột bên cạnh Lí cựu.

(Ngô Tất Tố)

          đ) Sọ Dừa chăn bò rất giỏi. Hằng ngày, cậu lân sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng. Bò con nào con nấy bụng no căng. Phú ông mừng lắm. Tiết nông nhàn, phú ông làm trại trên núi thả bò ăn cỏ, bảo Sọ Dừa ở lại trông, cơm nước có người đưa lên tận nơi.

(Theo Sọ Dừa)

          10. Biến từng đôi câu sau thành một câu có trạng ngữ.

          Mẫu : Hôm ấy là thứ bẩy. Lớp tôi đi lao động.

          -> Hôm thứ bẩy, lớp tôi đi lao động.

          a) Mặt biển bao la rực rỡ ánh vàng buổi sớm. Những chiếc thuyền đánh cá nhoè dần trong muôn ngàn tia phản chiếu chói chang.

          b) Đêm đã về khuya. Không gian trở nên yên tĩnh.

          c) Con đường này dẫn tới bờ biển. Buổi sáng, từng tốp người đi ra biển tắm sớm.

          d) Trời nhá nhem tối. Những người bán hàng thu dọn, sửa soạn về nhà.

          11. Điền trạng ngữ thích hợp vào những chỗ trống sau :

          a) … trời mưa tầm tã,… trời lại nắng chang chang.

          b) … cây cối đâm chồi nảy lộc:

          c) … tôi gặp một người lạ mặt hỏi đường đi chợ huyện.

          d) … họ chạy về phía có đám cháy.

          đ) … em làm sai mất bài toán cuối.

          12. Cho các trạng ngữ sau, hãy thêm các cụm C-V để tạo thành câu cho thích hợp.

          a) Trong giờ ra chơi, ngoài sân trường,…

          b) Vào mùa thu,…

          c) Trong lớp,…

          13. Viết một đoạn văn ngắn có sử dụng trạng ngữ. Chỉ ra các trạng ngữ đó và cho biết chúng bổ sung ý nghĩa gì cho câu.

          14. Tìm các trạng ngữ có trong các câu sau và cho biết có thể lược bỏ chúng đi được không. Tại sao ?

          a) Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng – những màu vàng rất khác nhau.

(Tô Hoài)

          b) -Hôm qua, ai trực nhật ?

          -Thưa cô, hôm qua, em trực nhật ạ.

          c) Chiều chiều, khi mặt trời gần lặn, chú tôi lại đánh một hồi mõ rồi tung thóc ra sân.

          15. Tìm các trạng ngữ có tác dụng liên kết trong các phần trích sau :

          a) Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác uy nghi mà gần gũi. Cây và hoa khắp miền đất nước về đây tụ hội, đâm chồi, phô sắc và toả ngát hương thơm.

          Ngay thềm lăng, mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một hàng quân danh dự đứng trang nghiêm. Những cây chò nâu của đất Tổ từ Vĩnh Phú về sóng đôi suốt dọc đường Hùng Vương.

          Hướng chính lăng, cạnh hàng dầu nước thẳng tắp, những đóa hoa ban đã nở lứa đầu.

          Sau lăng, những cành đào Tô Hiệu của Sơn La khoẻ khoắn vươn lên, reo vui với nhành sứ đỏ của đồng bằng Nam Bộ. Và mai tứ quý, mai vàng miền Nam, song mai Đông Mĩ của thủ đô Hà Nội điểm xuyết những nụ tươi.

          Trên bậc tam cấp, hoa dạ hương chưa đơm bông, nhưng hoa nhài trắng mịn, hoa mộc, hoa ngâu kết chùm đang toả hương ngào ngạt.

          Cây và hoa của non sông gấm vóc đang dâng niềm tôn kính thiêng liêng theo đoàn người vào viếng Bác.

(Theo Cây và hoa bên lăng Bác)

          b) Rồi mười lăm năm trời không thấy thứ hoa đó nữa, bởi một lẽ dễ hiểu là tôi ra ở thành thị. Thường năm, Tết đến tôi mua những tấm hình chụp hoặc vẽ những kì hoa dị thảo của Tây phương. Rồi cách đây một năm, cuối mùa thu vào chơi làng Triều Khúc ở Hà Đông với một vài người bạn ở giữa một cái ao nhỏ gần một quán nước đầu làng, tôi mới lại được trông thấy một bông hoa súng đương lúc vừa vặn nở. Vẫn hoa cô lập ngoi lên mặt nước độ hai gang tay, cánh bao dưới màu phớt nâu, cánh hoa thon thon, màu thiên thanh man mác, làm rụng cả mặt hồ.

          Rồi năm nay cách ngày ấy một năm, trên một con đường gập ghềnh, ngồi trên xe đạp, tôi lại trông thấy hoa súng lần thứ ba.

(Đinh Gia Phong)

          c) Buổi sáng, ánh nắng dịu dàng, ngọt màu mật ong từ bầu trời ngoài cửa sổ rọi vào nhà, in hình hoa lá trên mặt bàn, nền gạch hoa. Còn về đêm, trăng khi thì như chiếc thuyền vàng trôi trong mây trên bầu trời ngoài cửa sổ, lúc thì như chiếc đèn lồng thả ánh sáng xuống đầy sân.

(Nguyễn Quỳnh)

          16. Tìm các trạng ngữ được tách thành các câu riêng trong các phần trích sau và cho biết giá trị của chúng.

          a) Những người Pháp muốn thật thà cộng tác với ta thì ta thật thà cộng tác với họ, ích lợi cho cả đôi bên. Để cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh. Để cho người Pháp ủng hộ ta càng thêm đông, sức ủng hộ càng thêm mạnh. Để cho những kẻ khiêu khích muốn chia rẽ không có thể và không có cơ sở mà chia rẽ. Để cho công cuộc thống nhất và độc lập của chúng ta chóng thành công.

(Hồ Chí Minh)

          b) Dự định mà còn biết bao ngập ngừng, cả cô Quyên và bà tôi đều im lặng, nghĩ đến các trắc trở ngoài sức cố gắng của mình. Cho đến lúc ngoài sân nhà cô Đại Bàng có hai đứa con gái. Đó là con Vàng Anh và con Vành Khuyên.

(Ma Văn Kháng)

          c) Hoa cúc xanh, có hay là không có ?! Trong đầm lầy tuổi nhỏ của ta xưa.

(Xuân Quỳnh)

          17. Tìm các cụm C-V làm thành phần câu trong các câu sau :

          a) Cách mạng tháng Tám thành công đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

          b) Nó học giỏi khiến cha mẹ vui lòng.

          c) Nhà này cửa rất rộng.

          d) Nó tên là Nam.

          18. Tìm các cụm C-V làm phụ ngữ trong các câu sau :

          a) Quyển sách mẹ cho con rất hay.

          b) Tớ rất thích bức tranh bạn Nam vẽ hôm nọ.

          c) Chúng tôi hi vọng đội bóng lớp tôi sẽ thắng.

          d) Chúng tôi đoán rằng bạn Nam sẽ đoạt giải nhất.

          19. Tìm cụm C-V làm thành phần câu hoặc phụ ngữ của cụm từ trong các câu sau. Hãy cho biết cụm C-V đó làm thành phần gì hoặc phụ ngữ trong cụm từ nào.

          a) Trong những lúc nhàn rỗi ấy, chúng tôi thường hay kể chuyện. Và tôi nghe câu chuyện này của một đồng chí già kể lại.

          b) Ông lão cứ ngỡ là mình còn chiêm bao.

          c) Thầy giáo khen bài tập làm văn mà bạn Nam viết.

          d) Quyển sách của tôi mua bìa rất đẹp.

          đ) Cái áo treo trên mắc giá rất đắt.

          e) Bất cứ chuyên đò nào ông cũng kể được những tin tức mà mở đầu và kết thúc đều hết sức tự nhiên.

          20. Hãy mở rộng những danh từ làm chủ ngữ sau thành một cụm C-V làm chủ ngữ :

          a) Người thanh niên ấy làm mọi người khó chiu.

          b) Nam làm cho bố mẹ vui lòng.

          c) Gió làm đổ cây.

          21. Tìm các cụm C-V thích hợp làm phụ ngữ cho danh từ trong các câu sau :

          a) Bài báo rất hay.

          b) Cuốn sách có nhiều tranh minh hoạ.

          22. Thêm cụm C-V vào chỗ trống trong những câu sau để làm phụ ngữ cho danh từ.

          a) Chúng tôi bàn nhau rào lại mảnh vườn do …

          b) Tôi chép lại bài thơ …

          c) Tôi rất thích cái bánh …

          d) Vấn đề mà … vẫn chưa được giải quyết.

          23. Thêm cụm C-V vào chỗ trống trong những câu sau để làm phụ ngữ cho động từ.

          a) Mọi người đều lắng nghe …

          b) Tôi nhìn thấy …

          c) Tôi tin rằng…

          24. Cho từng đôi câu sau. Hãy biến chúng thành một câu có cụm C-V làm thành phần câu hoặc phụ ngữ.

          a) Trời trở rét. Đó là dấu hiệu của mùa đông.

          b) Ai cũng phải tuân thủ luật lệ giao thông. Thầy giáo chủ nhiệm thường nhắc chúng tôi như vậy.

          c) Bạn Nam đã kể chuyện này với tôi. Tôi sẽ kể lại với các bạn câu chuyện đó.

          d) Bố mẹ thưởng cho tôi chiếc xe đạp. Tôi đi học bằng chiếc xe đạp đó.

          đ) Sương muối xuống nhiều. Lúa mới cấy có nguy cơ hỏng.

          25. Viết một đoạn văn, sử dụng câu có cụm C-V làm thành phần câu.

          26. Viết một đoạn văn có sử dụng cụm C-V làm phụ ngữ.

          27. Trong những câu sau, câu nào là câu bị động ? Tại sao ?

          a) Tớ vừa chữa cái xe này xong.

          b) Xe này vừa chữa xong.

          c) Xe này vừa được chữa xong.

          d) Xe này chữa được rồi.

          đ) Xe này được bác Nam chữa.

          28. Trong những câu sau, câu nào là câu bị động, câu nào không phải là câu bị động ? Tại sao ?

          a) Nam được đi đá bóng.

          b) Nam được mẹ cho phép đi đá bóng.

          c) Nó bị ngã.

          d) Nó bị đẩy ngã.

          29. Có thể thay câu bị động được in đậm dưới đây bằng câu chủ động tương đương không ? Tại sao ?

          Trong đợt thi học sinh giỏi vừa qua, bạn Nam đoạt giải nhất về môn Toán. Bạn Nam được thành phố khen. Song, không vì thế mà bạn Nam trở nên kiêu căng, bạn vẫn khiêm tốn và tận tình giúp đỡ chúng tôi học tập.

          30. Cho hai câu sau :

          a) Ngôi nhà này được các công nhân lành nghề xây dựng vào năm 1982.

          b) Vào năm 1982, các công nhân lành nghề xây dựng ngôi nhà này.

          Chọn câu thích hợp để điền vào những chỗ trống sau :

          (1) Chúng tôi rất tự hào vì được sinh sống trong ngôi nhà này …

          (2)  … Từ đó đến nay, nó vẫn chưa phải qua một lần sửa chữa nào.

Chuyển đổi các câu chủ động sau thành các câu bị động tương ứng theo các kiểu khác nhau. Cho biết câu nào không chuyển được thành câu bị động cả hai kiểu. Tại sao ?

          Mẫu : Người ta phản đối ý kiến của chúng tôi.

          -> Ý kiến của chúng tôi bị người ta phản đối.

          -> Ý kiến của chúng tôi bị phản đối.

          a) Các kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà này trong 7 năm.

          b) Ông ta viết xong quyển sách này vào năm 2000.

          c) Người ta bán quyển sách này với giá 35.000 đồng.

          d) Nhiều người mua quyển sách này.

          32. Khi chuyển những câu sau thành câu bị động, thường thêm bị hay được ? Tại sao ?

          a) Nhà nước tặng ông nhiều huân chương.

          b) Chúng em rất kính trọng cô giáo chủ nhiệm lớp?.

          c) Cô giáo phê bình bạn Nam.

          d) Công an phạt người vi phạm luật lệ giao thông.

 

 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận