Bài 5 – Văn bản thông tin – Ngữ Văn 6 bộ Cánh Diều

Đang tải...

BÀI 5

VĂN BẢN THÔNG TIN

(THUẬT LẠI SỰ KIỆN THEO TRẬT TỰ THỜI GIAN)

Bài 5 sách Ngữ Văn 6 bộ Cánh Diều hướng dẫn các em nhân biết hình thức và nội dung của Văn bản thông tin, mở rộng vị ngữ trong nói và viết,…

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

– Nhận biết được một số yếu tố hình thức (nhan đề, sa pô(1), hình ảnh, cách triển khai,…), nội dung (đề tài, chủ đề, ý nghĩa,…) của văn bản thông tin thuật lại một sự kiện, triển khai thông tin theo trật tự thời gian.

– Mở rộng được vị ngữ trong viết và nói.

– Viết được văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện.

– Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử.

– Tự hào về lịch sử dân tộc; quan tâm đến những sự kiện nổi bật của địa phương, đất nước và thế giới;…

KIẾN THỨC NGỮ VĂN

  1. Văn bản thông tin

– Văn bản thông tin là văn bản chủ yếu dùng để cung cấp thông tin về các hiện tượng tự nhiên, thuật lại các sự kiện, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, hướng dẫn các quy trình thực hiện một công việc nào đó,… Văn bản thông tin thường được trình bày bằng chữ viết kết hợp với các phương thức khác như hình ảnh, âm thanh,…

– Văn bản thuật lại một sự kiện là loại văn bản thông tin, ở đó người viết thuyết minh (trình bày, miêu tả, kể lại) một sự kiện (lịch sử, văn hoá, khoa học,…). Trong văn bản, người viết thường sử dụng hình ảnh và nhiều câu trần thuật với trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn; thông tin thường được trình bày theo trật tự thời gian hoặc mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Trong văn bản thuật lại một sự kiện theo trật tự thời gian, người viết thường sắp xếp các thông tin về sự kiện xảy ra theo thứ tự từ trước đến sau, từ mở đầu đến diễn biến và kết thúc,…

  1. Mở rộng vị ngữ

– Vị ngữ là một trong hai thành phần chính của câu, chỉ hoạt động, trạng thái, đặc điểm của sự vật, hiện tượng nêu ở chủ ngữ. Vị ngữ thường được biểu hiện bằng động từ, tính từ và trả lời cho các câu hỏi Làm gì?, Làm sao?, Như thế nào? hoặc Là gì?. Câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ.

– Để phản ánh đầy đủ hiện thực khách quan và biểu thị tình cảm, thái độ của người viết (người nói), vị ngữ thường được mở rộng thành cụm từ. Động từ, tính từ khi làm vị ngữ có khả năng mở rộng thành cụm động từ, cụm tính từ, bao gồm động từ, tính từ làm thành tố chính (trung tâm) và một hay một số thành tố phụ ở trước hoặc sau trung tâm. Ví dụ, trong câu: “Bác tự đánh máy Tuyên ngôn Độc lập ở một cái bàn tròn.’’, vị ngữ (in đậm) là một cụm động từ trong đó trung tâm là đánh máy, các thành tố phụ là tự, Tuyên ngôn Độc lập và ở một cái bàn tròn.

*Chú thích:

(1 )Sapô (tiếng Anh: sapo, tiếng Pháp: chapeau): tiêu đề phụ hay phần giới thiệu tóm tắt nội dung bài báo. Trong một bài viết, sa pô nằm dưới tiêu đề, thường được in đậm nhằm thu hút sự chú ý của người đọc.

>> Xem thêm: Phần Tự Đánh Giá – Bài 4 – Ngữ Văn 6 bộ Cánh Diều

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận