Bài 2 – Đọc hiểu văn bản Thơ – Ngữ Văn 6 mới

Đang tải...

BÀI 2 – THƠ

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Bài 2 phần Đọc hiểu văn bản Thơ của sách Ngữ Văn 6 mới bộ Cánh Diều giúp các em có kỹ năng đọc hiểu các tác phẩm thơ lục bát qua 2 bài thơ dưới đây.

À ơi tay mẹ

BÌNH NGUYÊN[1]

1. Chuẩn bị

– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu bài thơ này.

– Khi đọc bài thơ lục bát, các em cần chú ý:

+ Bài thơ có được chia khổ không? Gồm bao nhiêu khổ? Mỗi khổ có bao nhiêu dòng? Vần trong bài thơ được gieo như thế nào? Các dòng thơ được ngắt nhịp ra sao?

+ Bài thơ viết về ai và về điều gì?

+ Bài thơ sử dụng các biện pháp nghệ thuật nào? Từ ngữ trong bài thơ có gì độc đáo? Việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật và từ ngữ đó đem lại tác dụng ra sao?

+ Ai là người đang bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ trong bài thơ? Người đó bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ gì?

– Đọc trước văn bản À ơi tay mẹ; tìm hiểu thêm về tác giả Bình Nguyên.                     

– Em đã lần nào nghe bà hoặc mẹ ru chưa? Hãy chia sẻ cảm nhận của em về lời ru ấy.

2. Đọc hiểu

      Bàn tay mẹ chắn mưa sa

                 Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.

        Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

           À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

    À ơi này cái trăng tròn

         À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

       Bàn tay mẹ thức một đời

    À ơi này cái Mặt Trời bé con…

       Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

         Ru cho mềm ngọn gió thu

        Ru cho tan đám sương mù lá cây

              Ru cho cái khuyết[2] tròn đầy

                              Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.             

                              Bàn tay mang phép nhiệm mầu            

                Chắt chiu từ những dãi dầu[3] đấy thôi.

        Ru cho sóng lặng bãi bồi

                Mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu

                                 Ru cho đời nín cái đau                              

      À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình.

(Thơ lục bát, Tác giả – tác phẩm được bình chọn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003)

3. Câu hỏi đọc hiểu văn bản Thơ

a, Tìm hình ảnh, chi tiết thể hiện “phép nhiệm mầu” của bàn tay mẹ. Những dòng thơ nào nói lên đức hi sinh của người mẹ?

b, Em nhỏ trong bài thơ được gọi bằng những từ ngữ nào? Cách gọi đó nói lên điều gì về tình cảm mẹ dành cho con?

c, Trong bài thơ, cụm từ “à ơi” được lặp lại nhiều lần. Hãy phân tích tác dụng của sự lặp lại ấy.

d, “Bàn tay mang phép nhiệm mầu / Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.”. Em có đồng ý với tác giả không? Vì sao?

e, Hình ảnh “bàn tay mẹ” trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?

g, Em thích khổ thơ nào nhất trong bài thơ? Vì sao?

 

Về thăm mẹ

1. Chuẩn bị

– Xem lại hướng dẫn nêu trong mục Chuẩn bị ở bài À ơi tay mẹ để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

– Đọc trước bài thơ Về thăm mẹ; tìm hiểu thêm về tác giả Đinh Nam Khương.

– Hãy tưởng tượng em đang trên đường trở về nhà để gặp lại người thân sau một chuyến đi xa. Cảm xúc, suy nghĩ trong em lúc đó như thế nào?

2. Đọc hiểu

      Con về thăm mẹ chiều đông

       Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà

     Mình con thơ thẩn[4] vào ra

    Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi.

       Chum tương[5] mẹ đã đậy rồi

          Nón mê[6] xưa đứng nay ngồi dầm mưa

   Áo tơi[7] qua buổi cày bừa

            Giờ còn lủn củn[8] khoác hờ người rơm[9].

  Đàn gà mới nở vàng ươm

                 Vào ra quanh một cái nơm[10] hỏng vành[11]

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

                Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…

              Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

(Mẹ (Tuyển thơ), NXB Lao động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002)

3. Câu hỏi đọc hiểu văn bản Thơ

a, Bài thơ là lời của ai? Thể hiện cảm xúc về ai? Cảm xúc như thế nào? (Đối chiếu với dự đoán ban đầu của em để xác nhận hoặc điều chỉnh).

b, Cảnh vật quanh ngôi nhà của người mẹ hiện lên với những hình ảnh nào? Những hình ảnh ấy đã giúp tác giả thể hiện được tình cảm gì?

c, Xác định biện pháp tu từ ở khổ thơ thứ hai và chỉ ra tác dụng của biện pháp ấy.

d, Điều gì làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”?

e, Nhận xét cách gieo vần lục bát trong câu: “Áo tơi qua buổi cày bừa / Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.”.

g, Hình dung và tái hiện lại cảnh người con về thăm ngôi nhà của mẹ trong bài thơ bằng cách vẽ tranh minh hoạ hoặc miêu tả bằng lời văn.

>> Xem thêm: Bài 2: THƠ (Thơ lục bát) – SGK Cánh Diều Ngữ Văn 6

*Chú thích:

[1] Tác giả Bình Nguyên sinh năm 1959, quê ở Ninh Bình.

[2]   Cái khuyết: cái không đầy đủ, nghĩa trong bài chỉ đứa con còn nhỏ, chưa phát triển đầy đủ.

[3]   Dãi dầu: chịu đựng lâu ngày tác động của nắng mưa, sương gió và những nỗi gian khố, vất vả.

[4]    Thơ thẩn: lặng lẽ và như đang có điều gì suy nghĩ vẩn vơ, lan man.

[5]    Chum tương: chum dùng đựng tương (chum: loại đồ gốm cỡ lớn, miệng tròn, giữa phình to, thót dần về phía đáy, dùng để chứa đựng; tương: nước chấm làm từ gạo nếp (hoặc ngô), đậu nành và muối).

[6]   Nín: ngừng lại, nén lại (nín lặng).

[7]   Áo tơi: áo che mưa bằng lá cọ, không có tay.

[8]   Lùn củn (như lũn cũn): thấp, ngắn, trông khó coi.

[9]   Người rơm (còn gọi là bù nhìn rơm): vật giả hình người, làm bằng rơm để doạ chim, thú.

[10]  Nơm: đồ đan thưa bằng tre, hình cái chuông, dùng để chụp bắt cá.

[11]  Vành: vòng tròn bao quanh miệng hay ở phần ngoài cùng của một số vật để giữ cho chắc, ở đây chỉ vành nơm.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận