Lập Dàn Ý Bài Chứng Minh Một Nhận Định Về Ca Dao

Đang tải...

CHỨNG MINH MỘT NHẬN ĐỊNH VỀ CA DAO

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: Ca dao than thân không chỉ diễn tả cuộc đời trăm đắng ngàn cay của người lao động mà còn bộc lộ vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương bao la của họ.

         Hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Hướng dẫn: Lập dàn ý

1. Mở bài: Gián tiếp

  • Dẫn dắt: Ca dao dân ca là ca khúc nội tâm của người lao động. Bên cạnh những tiếng ca ngọt ngào, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình là những câu hát than thân ai oán nức nở phản ánh số phận người dân lao động cùng với bao tình cảm đẹp đẽ mà họ gửi gắm vào trong đó.
  • Nêu vấn đề (luận điểm xuất phát): Đúng như có ý kiến đã cho rằng: Ca dao than thân không chỉ diễn tả cuộc đời khổ cực, trăm đắng ngàn cay mà còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân hậu, tình yêu thương bao la của người lao động.

2. Thân bài:

Luận điểm 1: Ca dao than thân đã diễn tả sinh động cuộc đời khổ cực trăm đắng ngàn cay của người lao động.

    + Trước hết đó là cuộc đời lận đận, vất vả, gian nan, phải đối mặt với biết bao khó khăn, trắc trở của người nông dân thông qua hình tượng con cò:

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống gềnh bấy nay.

         Hình ảnh con cò đơn độc, yếu ớt giữa bể đời mênh mông với biết bao sóng gió trái ngang, khi “lên thác, xuống gềnh” chính là biểu tượng xúc động cho cuộc đời người nông dân lam lũ, đơn côi giữa cõi nhân gian rộng lớn với bao tai ướng bất trắc khôn lường. Suốt cuộc đời người nông dân phải tất tả ngược xuôi lận đận kiếm ăn, tìm kế mưu sinh mà vấn đói nghèo cơ cực.

     + Số kiếp của người lao động là kiếp con tằm, cái kiến phải nai lưng làm việc, bị bòn rút đến cùng kiệt sức lao động mà vẫn đói nghèo cơ cực. Tiếng than cất lên mới ai oán làm sao:

Thương thay thân phận con tằm

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ

Thương thay lũ kiến tí ti

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi

       Kiếp tằm sinh ra là để nhả tơ. Đời tằm ăn ít nhả tơ nhiều. Tằm phải rút từ ruột mình để dâng cho đời những sợi tơ dài quí hiếm. Tơ tằm làm đẹp cho người mặc áo nhưng bản thân tằm thì ngày một khô kiệt và lặng lẽ kết thúc cuộc đời ngắn ngủi. Còn con kiến thì thân phận nhỏ nhoi hèn kém, ngày này qua tháng khác cứ mải miết tìm mồi kiếm ăn mà cũng chẳng được là bao. Như con tăm cái kiến, cuộc đời người lao động phải nai lưng làm việc, bị bọn địa chủ bóc lột đến đến tân xương tuỷ để đem lại sự giàu sang cho chúng. Còn mình nếu một mai gục chết vì can kiệt sức lực cũng chẳng ai đoái thương!

   + Những nỗi khổ của người lao động càng được nhân lên bội phần khi mọi cố gắng của họ đều vô vọng, tương lai mờ mịt, tối tăm:

Thương thay hạc lánh đường mây

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Hình ảnh con chim hạc gầy gò, mải miết bay muôn nơi để kiếm ăn mà cuộc đời vẫn vô định, tương lai vẫn mờ mịt, tối tăm là hình ảnh người lao động kéo dài mãi kiếp sống lầm than cơ cực, không niềm hy vọng.

  + Tận cùng của nỗi khổ đau là những cảnh đời bế tắc, những kiếp sống vô vọng, hứng chịu bao nỗi oan khiên, không được lẽ công bằng soi tỏ:

Thương thay con cuốc giữa trời

Dẫu kêu ra máu biết người nào nghe.

Hình ảnh con chim quốc kêu đau đớn, nức nở giữa trời, tiếng kêu ai oán  đứt ruột đến bật ra máu mà vẫn tan vào hư không khiến ta liên tưởng đến người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội xưa. Họ đã cực khổ trăm bề lại luôn bị dáng xuống đầu bao nỗi oan khiến, tiếng kêu than đứt ruột, ứa máu của họ là tận cùng của nỗi khổ đau bất hạnh trong xã hội xưa.

    + Trong xã hội phong kiến khổ đau nhiều hơn cả là người phụ nữ. Ca dao than thân đã dành một mảng lớn nói về số phận đắng cay, tủi  nhục của người phụ nữ. Đó là mảng ca dao bắt đầu từ mô típ thân em:

Thân em như trái bần trôi

Thân em như hạt mưa sa

                 Thân em như giếng nước giữa đàng.

       Đằng sau mỗi từ “Thân em” là mỗi số phận khác nhau, những hình ảnh “trái bần trôi”, “ Hạt mưa sa”, “Giếng nước giữa đàng” nghe thật tội nghiệp, đó chính là biểu tượng sinh động cho cuộc đời rẻ rúng, thân phận thấp hèn, bị lệ thuộc vào xã hội phong kiến, phó mặc cho cuộc đời  của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

=> Khái quát: Có thể nói mỗi bài ca dao than thân mỗi cảnh đời, mỗi hình ảnh là biểu tượng sinh động cho mỗi số phận. Bằng những hình ảnh ẩn dụ sinh động, cu thể, với lối nói tượng trưng ca dao than thân đã diễn tả xúc động muôn ngàn cảnh đời tối tăm, bế tắc của người lao động trong xã hội xưa.

Luận điểm 2: Những bài ca dao than thân không chỉ diễn tả một cách xúc động số phận cay đắng, buồn thương của người lao động xưa mà còn bộc lộ được vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương của họ (chuyển ý, nêu luận điểm).

+ Trước hết, những con vật hiền lành, bé nhỏ cũng gợi niềm thương cảm. Hình ảnh con tằm, cái kiến nhỏ nhoi, hay con cò chăm chỉ kiếm ăn trên đồng ruộng cũng gợi bao ám ảnh trong ca dao than thân, nỗi thương đó gợi niềm liến tưởng đến bao số phận, bao kiếp người.

+ Cảm động hơn cả tình yêu thương bao la trước cuộc đời trăm đắng ngàn cay của người lao động. Trong ca dao thân thân, người lao động không chỉ xót xa cho thân phận của mình mà trái tim họ luôn thổn thức, luôn rung lên những nhịp đập yêu thương trước nỗi khổ đau của những người cùng cảnh ngộ. Điệp khúc “thương thay” khắc khoải vang lên trong suốt 8 dòng ca dao đã mổ ra dằng dặc bao nỗi thương khác nhau đối với cuộc đời cơ cực, đớn đau của người lao động. Những nỗi thương đó chính là sự đồng cảm cao độ, tiếng đồng vọng chung của những tấm lòng để làm vơi đi phần nào những  bất hạnh, đói nghèo, khốn khổ mà xã hội bất công mang lại.

+ Trong xã hội phong kiến, tấm lòng yêu thương, nhân hậu của người lao động luôn hướng đến người phụ nữ. “Thân em” vừa là tiếng than tội nghiệp của những người phụ nữ than cho thân phận của mình nhưng đồng thời cũng là sự hoá thân cao độ của biết bao tấm lòng giành cho họ. Dường như sau mỗi tiếng “Thân em” cất lên là dồn nén  bao nức nở nghẹn ngào trước những bất hạnh trái ngang của người phụ nữ.

Có thể nói rằng: tình yêu thương và trái tim nhân hậu của người lao động trong những bài ca dao thân thân đã làm nên sức lay động lơn cho mỗi bài, để lại trong lòng ta bao nỗi xúc động không thể nào quên.

* Đánh giá: +Với cách thể hiện thật đa dạng và sinh động thông qua những hình ảnh ẩn dụ cụ thể và những mô típ quen thuộc thật giàu ý nghĩa.

                    + Là bức tranh sinh động về số phận của người lao động đồng thời ta thấy lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam.

                    + Những bài ca dao thật buồn nhưng nỗi buồn ấy có sức nâng đỡ tâm hồn mỗi người, làm cho chúng ta lớn lên, tâm hồn sáng trong đẹp đẽ.

3. Kết bài: Có thể khẳng định lại ca dao than thân không chỉ diễn tả số phận khổ đau của người lao động mà còn bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn sáng trong cao đẹp của họ. Chính điều này đã làm nên sức sống bất diệt của những bài ca dao xưa.

>>Xem thêm: Phân Tích Hình Ảnh Con Cò Trong Ca Dao Việt Nam

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận