Về đám tang của cụ tổ trong Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng – Văn mẫu 11

Đang tải...

 

Bài làm

             Vũ Trọng Phụng – một bậc thầy về tiểu thuyết trào phúng, ông luôn lên án, tố cáo gay gắt xã hội đương thời mục ruỗng, thối nát bằng ngòi bút sắc bén của mình. Mặc dù với tuổi đời rất ngắn ngủi song ông đã để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, kiệt tác Số đỏ chính là một trong những tiểu thuyết trào phúng xuất sắc của ông. Đây là một tác phẩm mang giá trị tố cáo gay gắt, nó giống như một đòn giáng mạnh vào xã hội thực dân tư sản đương thời. Tác phẩm đó không chỉ vạch mặt được bản chất xấu xa, đê tiện của xã hội ấy mà còn là một chặng đường dài cười chua xót. Trong tác phẩm đó, cứ mỗi một chương lại là một vở hài kịch, trong đó chương Hạnh phúc của một tang gia là chương đẩy lên cao độ tiếng cười chua xót ấy. Tiếng cười bật lên khi người ta thấy những nghịch lý xót xa ở ngay trong cách tổ chức đám tang của ông cụ và ở ngay chân dung của các nhân vật. Người ta nhận thấy cái cười ngay ở nhan đề của chương: Hạnh phúc của một tang gia. Tang gia mà mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc, điều này thật nực cười. Khi trong nhà có người mất, có tang thì đó luôn là nỗi đau đớn lớn nhất đối với những người còn lại. Hơn nữa, khi nhắc đến tang gia người ta bao giờ cũng phải dùng những từ ngữ trang trọng nhất, thiêng liêng nhất để có thể chia sẻ nỗi buồn, để nói về nỗi đau ấy. Nhưng ở đây, đám tang này lại là niềm “hạnh phúc” của mọi người, “hạnh phúc” không chỉ thể hiện một nghịch lý phũ phàng mà còn thể hiện một sự xúc phạm đến người đã mất khiến người ấy ra đi cũng không được thanh thản. Như vậy, ngay nhan đề tác phẩm, người ta đã thấy nực cười, thì có lẽ cả toàn bộ tác phẩm ấy ta cũng sẽ luôn luôn thấy những nghịch lý, những trái ngược, người ta sẽ thấy tác phẩm là một chặng cười dài. Người ta cười vào cảnh chuẩn bị đám tang, vào cả trong cảnh đưa đám với những nhân vật với những chân dung cũng hết sức trào phúng. Song bên cạnh cái đáng cười là tiếng khóc, tiếng khóc chua xót về một xã hội đã quá mục thối.

             “Ba hôm sau, ông cụ già chết thật”, một lời thông báo ngắn gọn, lạnh lùng và hết sức khách quan nhưng lại rất đầy đủ thông tin: ông cụ chết. Người ta khi nhắc đến một người đã mất thì phải dùng những từ nói giảm, nói tránh còn ở đây thì nói một cách trực tiếp, phũ phàng. Có lẽ cái chết của ông cụ là niềm vui, là kết quả của sự mong đợi từ rất lâu để bây giờ thốt lên một tiếng vui mừng. Dường như trong câu nói ấy còn ẩn chứa một tiếng thở phào nhẹ nhõm, có lẽ mọi người đã phải quá mệt mỏi để chờ đợi cái tin vui ấy nên thấy hạnh phúc. Tác giả sử dụng “chết thật”, chẳng lẽ lại còn có cái khái niệm “chết giả” nữa hay sao? Thật đau xót cho người đã khuất, chết cũng không được yên. Có thể nói mọi người phải vui lắm, sung sướng lắm thì mới có thể có một lời thông báo về cái chết ông cụ ngắn gọn đến như vậy. Một chi tiết trào phúng mở đầu cho chương.

             Tin ông cụ chết đã được thông báo, mọi người chuẩn bị cho đám tang của ông. Mọi người mỗi người một cách, mời cho được ông lang băm Tây, ông lang băm Đông về theo đúng nghĩa nhiều thầy thối ma. Quả là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phải hiểu sự chuẩn bị cho đám ma ấy kỹ như thế nào thì ta mới thấy được niềm vui của mọi người về cái chết của ông cụ. Ai nấy rất vui mừng: “Ông Phán mọc sừng nhận ra được giá trị về đôi sừng vô hình trên đầu mình to như vậy”. Vì chính nó đã khiến ông cụ phải chết. Ông rất vui vì ông cụ chết chính là cơ hội để ông Phán kiếm tiền, ông có tiền, và làm một cuộc doanh thương. Như vậy là ông Phán vui sướng vì bị xấu mặt trước bàn dân thiên hạ. Có lẽ nào mà con người coi đồng tiền trên cả thể diện của mình. Người ta cười vào sự ngu ngốc của ông và cũng thấy xót thương cho một xã hội mà ở đó ánh sáng của đồng tiền làm mờ mắt con người, con người bị băng hoại đạo đức, trở thành những kẻ đê tiện.

             Cụ cố Hồng, là con đẻ của ông cụ già thì lẽ ra nỗi đau đớn nhất phải thuộc về cụ Hồng nhưng không, cụ không hề mảy may đau đớn mà cụ lại đang mải mê cái ý tưởng độc đáo: ông ta sẽ mặc bộ đồ xô gai trong đám tang, ông ta nghĩ mọi người sẽ khen ông già và “ông thấy thích thế lắm”. Có đứa con nào mà khi cha chết lại không hề xót thương mà chỉ muốn khoe của nhân dịp tang lễ. Một kẻ hám danh trưởng giả, học đòi làm sang, nực cười làm sao. Mọi người khen ông “già”, ông thích lắm vì ông sẽ thấy mình cao quý hơn, ông ta không hơn gì một tên trưởng giả lố bịch, kệch cỡm, rởm đời. Hắn không chỉ là hình ảnh của một đứa con bất hiếu mà chắc chắn còn là một dạng quái thai trong xã hội. Bên cạnh tiếng cười về sự lố bịch của hắn, ta còn thấy tiếng khóc xót xa về một xã hội đã tạo nên những sản phẩm quái dị như hắn.

             Nghịch lý của đám tang còn ở chỗ, người ta không lo lắng, không buồn cho đám tang ấy mà người ta thấy vui và chỉ lo cho đám cưới của cô Tuyết. Ông Văn Minh không bộc lộ niềm vui của mình giống như những người khác mà ông tỏ vẻ đăm chiêu, lo lắng, nghi ngợi ghê lắm. Cứ tưởng ông đang lo cho tang lễ mà thực ra là lo việc xử trí tên Xuân Tóc Đỏ và lo lót cho việc hư hông của cô cháu gái Tuyết. Như vậy đám tang có bối rối nhưng lại không phải cho đám tang. Câu chuyện tang lễ dần chuyển sang câu chuyện đám cưới, nỗi buồn con người lại đẩy thành niềm vui trong tang gia một nghịch lý khắc nghiệt mà vừa đáng cười mà vừa đáng khóc.

             Tác giả viết một đoạn văn dài để miêu tả, để chia sẻ niềm vui cùng với mọi người còn đoạn văn về cảnh chuẩn bị đám tang thì lại rất ngắn gọn chí trong vài dòng. Song ngắn, không phải vì do chuẩn bị đám tang sơ sài mà do người ta đã chuẩn bị cho đám tang này từ trước rồi, nên khi ông cụ chết thì cứ ai vào việc ấy rất có hệ thống, rất có quy mô tổ chức, mọi người ai cũng toàn tâm toàn ý cho tang lễ: ai cũng sung sướng, thoả thích, không gian chuẩn bị tang lễ thì tưng bừng tràn ngập vui vẻ và rất “tấp nập”. Vũ Trọng Phụng đã sử dụng ngôn ngữ trào phúng rất kỳ lạ, độc đáo. Chẳng có một đám ma nào mà chuẩn bị lại “tấp nập” đến náo nhiệt như vậy. Cảnh chuẩn bị cho tang lễ rất ngắn gọn thôi nhưng ta đã có thể thấy được cái đáng cười của đám tang, cười vào những nghịch lý về các nhân vật, họ không hề lo lắng hay tiếc thương cho người đã chết, họ luôn thấy rất vui và hạnh phúc vì cái tin đó. Dù cho họ có lo lắng, bối rối thì lại cũng không phải lo cho tang lễ mà cho đám cưới; mọi người thì đã chuẩn bị kỹ cho đám tang này từ trước và phải rất mệt mỏi để chờ cái tin ấy. Bên cạnh tiếng cười trào phúng ta lại thấy những giọt nước mắt chảy vào trong, người ta khóc cho một xã hội thịnh trị đã không còn mà chỉ còn xã hội đầy những lố bịch, thối nát, làm băng hoại đạo đức con người.

             Cảnh đưa đám chính là lúc mâu thuẫn, tiếng cười lẫn tiếng khóc được đưa lên đỉnh điểm. Tất cả những người tham gia đưa đám đều cùng thể hiện bản chất xấu xa của xã hội ấy. Hai người bảo vệ, phục vụ Min Đơ, Min Toa, đó là hai viên cảnh sát – một chức vụ to tát, trang trọng, chúng thấy vui nhất, chúng vui chung niềm vui với gia chủ và hơn thế vì chúng đã được làm việc một cách chính đáng. Như thế nghĩa là chúng sẽ có tiền. Xã hội đã đảo lộn hết cả đến nỗi những người cảnh sát như chúng lại không có việc gì để làm để phải vui thích đi bảo vệ cho đám tang này. Một xã hội thối nát, không còn công lý nữa. Nực cười thay cho số phận hèn mọn của hai viên cảnh sát và cũng đau lòng thay cho xã hội đầy những kẻ vô công rồi nghề kia!

             Cô Tuyết, cô Tuyết đang rất lo lắng, bối rối nhưng thực chất bên trong lại là lo tìm “bạn giai”. Cô mặc bộ đồ “Ngây thơ” hết sức lẳng lơ và lố bịch. Còn Xuân Tóc Đỏ là nhân vật xuất hiện cuối cùng trong đám người rất ấn tượng, long trọng. Một đám ma liệu có phải là nơi thích hợp để hắn tỏ vẻ sự cao quý của mình hay không? Lại là một tên hạ lưu hám danh, lố bịch. Người ta thấy nực cười cho những kẻ kệch cỡm như vậy.

             Song nhân vật tham gia vào đám ma xuyên suốt từ đầu đến cuối đó là nhân vật “đám đông”. Đám cứ đi và phô bày tất cả những lố lăng trước thiên hạ, dường như những sự giả tạo ấy tồn tại như một tất yếu khách quan trong xã hội. Bề ngoài, họ luôn cố giữ sao cho đúng với hình thức của một đám ma thông thường, nhưng bên trong lại thể hiện một sự lố lăng, bản chất xấu xa: “họ trêu nhau”, “họ bình phẩm nhau”. Cả một đám người giả tạo. Dường như ca một xã hội thực dân tư sản thu nhỏ được diễn ra trong đám tang.

             Cả tác phẩm giống như một vở hài kịch mà trên sân khấu đó bọn diễn viên hề tự nhảy, múa, tự phơi bày, bộc lộ bản chất xấu xa của mình để mà người ta thấy đáng cười, đáng khinh bỉ và đáng khóc, xót thương, thương tiếc cho một xã hội.

             Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia khép lại bằng tiếng khóc “hứt…hứt… hứt” của ông Phán, không biết là tiếng khóc, hay tiếng cười, điều đó biểu hiện gay gắt nhất nghịch lý, nó vừa đáng cười, đáng khóc cho xã hội kia. Có lẽ sẽ không có một Số đỏ thứ hai.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận