Phân tích bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao – Văn mẫu 11

Đang tải...

Bài làm

              Nam Cao luôn được đánh giá là một cây bút hiện thực xuất sắc mặc dù trước Nam Cao đã có rất nhiều các tác giả hiện thực nổi tiếng khác. Ông vừa là một nhà văn hiện thực nghiêm ngặt lại vừa là một nhà nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc. Ông thường viết về hai chủ đề chính: về những người nông dân lam lũ, nghèo khổ và bi kịch về những người trí thức tiểu tư sản, trong đó, tác phẩm Đời thừa là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao về đề tài này. Người trí thức Hộ, một nhân vật của Đời thừa luôn bị rơi vào bi kịch tinh thần. Một nhà văn có rất nhiều những hoài bão, những lý tưởng cao đẹp, một nhà văn chân chính luôn sống bằng tinh thần yêu thương bị tha hoá nhân cách khi phải đối diện với cuộc sống tù túng, bế tắc về vật chất. Nhân vật Hộ là một nhân vật điển hình của những người trí thức lúc đó.

              Khi khám phá bi kịch tinh thần đó của họ, Nam Cao luôn khẳng định quá trình vươn lên hướng thiện của chính họ. Đồng thời Nam Cao qua đó đã lên án gay gắt xã hội thực dán phong kiến đã làm cho không chỉ những người nông dân mà còn cả một tầng lớp trí thức phải rơi vào bế tắc. Nhân vật nhà văn Hộ rơi vào bi kịch của một nhà văn mà sâu sắc hơn nữa đó là bi kịch về chính con người của Hộ. Ngòi bút phân tích tám lý cua Nam Cao rất tinh tế, điêu luyện và sắc sảo khi phản ảnh tận cùng những dằn vật trong tâm hồn Hộ.

              Trong tác phẩm, nhân vật Hộ luôn khắc khoải, thất vọng trước hết bi kịch này đến bi kịch khác. Nhưng có lẽ bi kịch tinh thần đầu tiên của Hộ là bi kịch về văn chương. Với nhà văn Hộ, anh luôn mang trong đầu những hoài bão lớn, anh luôn khinh thường những tủn mủn vật chất. Đối với anh nghệ thuật luôn là tất cả, nó không chỉ là niềm say mê của anh mà còn là cả lý tưởng. Hộ là một nhà văn chân chính, là một người có tài, có hoài bão, là một nhà văn mà đáng để người ta tôn trọng và nâng niu. Hộ là một người rất “mê văn”. Hộ yêu văn đến nỗi có thể nói về văn chương bằng tất cả lòng nhiệt thành của mình, hơn nữa Hộ không chỉ là một người mê văn đến kỳ lạ mà còn là người rất có ý thức trách nhiệm về nghề văn của mình. Hộ đã từng nói tuyên ngôn về nghệ thuật của mình: “Văn chương phải là một cái gì đó lớn lao, nó phải vừa đau đớn, vừa phấn khởi. Nó phải ca tụng sự công bình. Nó làm người gần người hơn” hay sự cẩu thả khi viết văn đó chính là kẻ đê tiện. Như vậy Hộ là một nhà văn rất có ý thức trách nhiệm, đã tự đưa ra yêu cầu cho mình khi viết văn, Hộ xứng đáng là một nhà văn cao cả không chỉ bởi cái tài, sự thận trọng của Hộ mà còn bởi lương tâm của mình. Như vậy ở nhân vật Hộ đã hội đủ tất cả những phẩm chất cao đẹp nhất của một nhà văn: có tài, có ]ý tưởng vươn tới và có lương tri.

              Một nhà văn đầy những hoài bão cao cả. Hộ luôn muốn viết lên những tác phẩm mà có thể giúp cho thế giới trở lên tốt đẹp hơn, thậm chí Hộ còn muốn “có một tác phẩm đạt giải Nobel”. Mặc dù những ước vọng đó thật khó thành hiện thực song ta cũng có thể nhận thấy một khát khao rất đẹp của Hộ để cho thế giới đẹp lên. Nhưng những hoài bão ấy khi phải đối mặt với cuộc sống tù túng, vật chất nghèo khổ như bị sụp đổ như bị tan vỡ. Khi Hộ phải tìm đủ mọi cách để giúp cho cuộc sống gia đình được nâng cao thì Hộ đã luôn phải viết những tác phẩm mà “khi người ta đọc song sẽ chẳng để lại một ấn tượng gì” để có chút tiền nhuận bút nhỏ nhoi, để mọi người có thể sống qua ngày, để tồn tại. Thử nghĩ xem một người giàu mơ ước, lý tưởng như Hộ mà lại phải viết những tác phẩm như kia thì sẽ thấy dằn vặt mình, luôn cảm thấy vỏ cùng giằng xé, thấy lương tâm mình bị cắn dứt, Hộ luôn tự ý thức rằng: như vậy là trái lương tâm song lại không biết phải làm thế nào. Chính vậy mà Hộ rơi vào bi kịch. Hộ cho rằng “cẩu thả” là “đê tiện”, là “bất lương” song những người mà có thể ý thức được rằng mình bất lương thì người đó sẽ không phải là bất lương, đê tiện.

              Bi kịch nhà văn của Hộ có giá trị tố cáo gay gắt xã hội đương thời. Một xã hội ngột ngạt, tàn ác đã bóp nghẹt mọi khát vọng sống của con người. Ở xã hội đó, con người đó, con người không những không thể thực hiện được những ý tưởng của mình mà còn làm cho con người không còn khát vọng sống nữa, họ sống chỉ như là một sự tổn tại không hoài bão, không lý tưởng mà sống một cách vô nghĩa. Là xã hội mà không những không hướng cho con người phải sống tốt hơn lên mà còn buộc họ phải làm trái lương tâm mình.

              Song có lẽ so với bi kịch nhà văn thì bi kịch con người đối với Hộ luôn dằn vặt giằng xé khi viết văn, Hộ thấy bế tắc túng quẫn. Song Hộ có một gia đình, một tổ ấm hạnh phúc là nơi để Hộ tìm đến, tìm sự sẻ chia, là nơi mà Hộ cần phải bao bọc, yêu thương lấy vợ và con. Nhưng cuối cùng chính Hộ lại là người chà đạp lên gia đình mình. Khi đó Hộ rơi vào bi kịch, bi kịch lớn nhất khi nhận ra mình đã tha hoá và mình đang chà đạp lên chính lẽ sống tình thương của mình.

              Nhân vật Hộ không chỉ là một người có lý tưởng, hoài bão mà Hộ còn là một con người chân chính, một người có gốc rễ là tình yêu thương. Với Hộ, Hộ luôn lấy tình yêu thương để làm lẽ sống cho mình và để làm thước đo khi cư xử với mọi người. Hộ đã từng nói: “Kẻ mạnh là kẻ phải biết giúp đỡ người khác trên chính đôi vai của mình”. Hộ có một tư chất tốt đẹp của một con người chân chính. Hơn nữa, chính Hộ là người đã đưa bàn tay ra để cứu vớt lấy Từ trong lúc khó khăn nhất. Chính Hộ đã nhận nuôi mẹ già con dại cho Từ. Thật khó có được một người nào tốt bụng như Hộ đến như vậy, đặc biệt là trong lúc xã hội khó khăn đương thời. Đối với Từ, Hộ chính là một ân nhân. Còn đối với Hộ. Từ là người vợ hiền luôn giúp đỡ, an ủi sẻ chia cùng Hộ. Song giữa họ đó không chỉ là một tình cảm nghĩa vụ mà đó còn là một tình yêu thương thắm thiết, đó còn là một gia đình hạnh phúc mà Hộ chính là trụ cột, chính là mái nhà để che chở, để yêu thương, Hộ rất yêu gia đình đó của mình.

              Nhưng khi đối diện với cuộc sống “cơm áo ghì sát đất”, thì Hộ đã chà đạp lên gia đình mình. Hộ trở lên tàn nhẫn ích kỷ và nhận ra rằng: “phải biết ác, phải biết tàn nhẫn để mà sống cho mạnh mẽ”. Hộ đánh đuổi vợ con lúc say rượu. Hộ chà đạp vợ con và khi tỉnh dậy thì Hộ thấy hối hận, dằn vặt vì những hành động của mình đã chà đạp lên lẽ sống tình thương của mình. Khi đó Hộ lại rơi vào bi kịch, một bi kịch xót xa, nghiệt ngã. Hộ nói với Từ: “Ngày mai… chỉ ngày mai thôi! Mình biết không? Tôi sẽ đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi cái nhà này”. Những lời lẽ hết sức cay đắng, đay nghiến, dường như không thể là của Hộ. Hộ đã trở thành một người khác. Hộ đã bị tha hoá về nhân cách. Xã hội tàn ác kia đã khiến cho người ta bị tha hoá. Từ những người lương thiện trơ thành bất lương. Song bi kịch được đẩy lên cao nhất là khi Hộ muốn nâng cao giá trị cuộc sống của mình thì cứ phải sống trong nghèo túng, bế tắc, muốn có những tác phẩm huy thì cứ phái viết những bài “cẩu thả”, muốn yêu thương gia đình thì lại chà đạp lên chính vợ con. Một sự khắc khoải, một cuộc sống thừa, sống mòn mỏi trong nghèo đói, bế tác, dường như mọi cánh cửa với Hộ đã đóng sập.

              Bi kịch của Hộ còn là sự quẩn quanh của vòng luẩn quẩn tỉnh, say, say rồi tỉnh. Hộ muốn say để quên đi nỗi đau hiện tại nhưng khi tỉnh thì nỗi đau càng sâu sắc. Vòng tỉnh say ấy càng lặp lại nhiều lần thì nỗi đau càng xót xa và nghiệt ngã hơn để cuối cùng Hộ đã lắc đầu nói: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng đút rồi”. Một sự bẽ bàng, tê tái, một bi kịch xót xa “còn gì chán hơn khi chính mình lại chán mình”.

              Kết thúc tác phẩm là hình ảnh dòng nước mắt của Hộ, đó là dòng nước mắt biểu hiện cao độ sự hối hận của mình, biểu hiện sự muốn tìm sự chia sẻ, và cao hơn là thể hiện khát khao hướng thiện của con người. Hộ mặc dù rơi vào tâm trạng bi kịch tinh thần, bi kịch nhà văn phải làm trái với lương tâm của mình, bi kịch của chính con người nhà văn, lấy tình thương làm lẽ sống nhưng cuối cùng lại chà đạp lên chính lẽ sống đó của mình. Tuy nhiên Hộ vẫn luôn khát vọng những cuộc sống tốt đẹp hơn.

              Trong Đời thừa, Nam Cao đã khẳng định được tinh thần của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Bên cạnh việc phản ánh tấn bi kịch của người trí thức tiểu tư sản, ngòi bút văn chương của Nam Cao còn có khả năng nâng đỡ tâm hồn con người. Qua tác phẩm, ta nhận ra được giá trị to lớn của tình yêu thương, nó chính là gốc rễ của mọi giá trị cuộc sống. Nó cứu vớt con người và nâng đỡ tâm hồn họ. Chừng nào con người còn sống trong đau khổ, nhận ra được sự đau khổ của mình và muốn khao khát vươn lên một cuộc sống tốt đẹp thì chừng ấy câu chuyện trong Đời thừa còn có ý nghĩa.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận