Văn học từ nhỏ đã gắn bó cùng tôi như thế nào? – Nhà thơ Bằng Việt

Đang tải...

Văn học từ nhỏ đã gắn bó cùng tôi như thế nào?

Nhà thơ Bằng Việt

Người ta thường nói “Văn học là nhân học”. Cơ duyên đầu tiên đưa mỗi người đến với văn học có lẽ cũng từ chính lý do căn bản nhất là anh có thực sự quan tâm gì đến con người hay không? Từ những băn khoăn về cuộc sống và mục đích của đời người, lý do tồn tại của con người, hạnh phúc và bất hạnh của con người, mà điều dễ soi chiếu nhất là ngay từ những người thân xung quanh mình, như từ bố mẹ, ông bà, chú bác, cô dì, anh chị em…, mà mỗi chúng ta, khi mới chỉ là những cậu bé, cô bé đã bắt đầu có những mối băn khoăn về số phận con người, niềm vui và nỗi buồn của con người, mối quan hệ của người đó với thế giới quanh mình, mục đích của người đó đang đi tới trong đời. Nói thì có vẻ to tát và nghiêm trọng, nhưng trên thực tế, những điều đó lại rất dễ nhận ra, vì đơn giản và cần thiết là mỗi cậu bé, cô bé, ngay từ nhỏ đều đã phải biết quan sát và cảm nhận, quan tâm và chia sẻ đến mọi biểu hiện hằng ngày, qua cách ứng xử, giao tiếp, qua ngôn từ và hình ảnh của mỗi người thân, từ đó tạo nên trong cảm quan và trong nhận thức những gì gắn bó và liên hệ mật thiết đến con người và thế giới con người. Như vậy sự hình thành một năng khiếu ngay từ bé của mỗi người trước tiên phụ thuộc vào mối quan tâm của người đó với những người sống quanh mình, nhưng mặt khác cũng không thể không nói tới ảnh hưởng của những người sống gần gũi xung quanh mình tạo ra và có tác động trực tiếp đến bản thân người đó.

góc học tập

Tôi có may mắn là từ bé đã được sống với bà nội và mẹ mình, là những người rất yêu thích và thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, thuộc cả những lối nói ví von, khẩu ngữ dân gian, lại thường hay kể cho tôi nghe nhiều truyện cổ tích có ý nghĩa về số phận và hạnh phúc, sự may mắn và bất hạnh, thiện và ác, chính và tà, nỗi oan khiên và quả báo của mỗi đời người… nên tự nhiên trong tôi sớm hình thành nên mối quan tâm muốn tìm hiểu sâu hơn những điều đó, thông qua sách báo văn học cổ kim, đông tây, rồi cũng chính từ đó mà hình thành nên trong tôi niềm say mê và thú vui đọc sách, sưu tầm sách. Thời chúng tôi, sách báo là của hiếm, nên khi tìm ra được một cuốn, sách ưng ý là cả một kỳ công, khi đọc xong, còn trao đổi với bạn bè để được kéo dài thêm niềm vui phát hiện, khám phá nho nhỏ của mình. Thú chơi sách và sưu tầm sách, qúy sách, trao đổi sách hiếm… giữa tôi và đám bạn bè cùng trang lứa cũng bắt đầu từ đấy. Trước tiên, trong số những sách quý, chúng tôi đọc chuyền tay nhau đến sờn cả mép giấy, phải nói tới kho tàng văn học cổ điển thế giới, mà hồi đó, những năm 60, 70 của thế kỷ XX, may mắn lại được các nhà xuất bản nước ta chọn dịch rất nhiều. Chúng tôi say mê từng trang của bộ tiểu thuyết dày cộm Những người khốn khó của Vich-to Huy- gô (Pháp), Tấn trò đời của Hô-nô- rê đơ Ban-dắc (Pháp), Giăng Crixtôp của Rô-manh Rô-lăng; rồi Chiến tranh và hoà bình của Lép Tôn-xtôi (Nga), Một anh hùng thời đại của Lec-môn-tôp (Nga), Pie Đại đế của A-lêc-xây Tôn-xtôi (Nga); Hội chợ phù hoa của Thac-cơ-rê (Anh), Đavit Coppophin của Đich-ken-xơ (Anh), v.v… Các cuốn sách đưa đến thú phiêu lưu mạo hiểm như Gulivơdu kí của Giô-na-than Suy-phtơ (Airơlen), rồi các cuốn sách phiêu lưu trên biển của Giuyn Vec-nơ (Pháp)…, đều được chúng tôi chuyền tay nhau đọc say sưa. Ấy là chưa kể các bộ tiểu thuyết trường thiên phương Đông như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thuỷ hử… của Trung Quốc cũng ngốn của chúng tôi biết bao thời gian để thưởng thức cho hết! Bên cạnh những tác phẩm dài hơi trên, còn có những tác phẩm tuy ngắn hơn nhưng lại cho chúng tôi cảm nhận quý giá về mục đích và lý tưởng sống như Người nhạc sĩ mù của Kô-rô-len-kô (Ukraina), Thép đã tôi thế đấy của Ni-cô-lai Ô-xtơ-rôp-xky (Nga). Một cuốn sách đem đến cho tôi những suy tưởng lãng mạn kỳ diệu nữa về thế giới và quan hệ đẹp đẽ giữa người với thế giới xung quanh là cuốn Hoàng tử bé của Xanh Ê-duy-pê-ry (Pháp),v.v… Các bộ sách trong nước thì chúng tôi đọc chủ yếu là các tiểu thuyết lịch sử, như Hoàng Lê nhất thống chí, rồi dã sử như Truyền kỳ mạn lục, rồi các tập tiểu thuyết về các thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ như Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, Vùng trời của Hữu Mai, Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi, các tập truyện về chiến trường Trường Sơn, chiến trường Nam Bộ… của nhiều nhà văn quân đội. Đặc biệt, các truyện viết cho thiếu nhi thời kỳ đó rất hấp dẫn và hứng thú, được chúng tôi luôn tìm đọc, là của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng. Tập truyện Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài có lẽ là cuốn sách ưa thích nhất của tuổi thơ chúng tôi. Tôi phải kể tỉ mỉ ra như vậy để thấy rằng tác dụng và ảnh hưởng của những cuốn sách đã đọc từ thời niên thiếu, cho đến giờ vẫn còn nhớ như in, đã ảnh hưởng lớn lao đến thế nào đối với sở thích văn học của mình, mặc dù suốt cả những năm đi học đại học, tôi lại được cử đi học Đại học Luật ở Liên Xô (cũ), chứ chẳng có ngày nào được học đại học chuyên ngành Văn cả! Nói thế để thấy rằng thiên hướng và say mê hiểu biết, cộng với môi trường gia đình và bạn bè từ thuở nhỏ, nhiều khi quyết định con đường đi của mình còn cao hơn vả mạnh mẽ hơn cả nghề nghiệp được đào tạo! Tôi đến với văn học chính là vì có những thuận lợi đó.

Tôi cũng muốn nói thêm một vài ảnh hưởng may mắn nữa, đó là môi trường thiên nhiên và môi trường học tập. Suốt thời kháng chiến chống Pháp, tôi đi tản cư theo gia đình về sống ở vùng nông thôn và vùng núi bán sơn địa, nên hết sức gần gũi và yêu thích thiên nhiên, gắn bó với cảnh vật thiên nhiên muôn màu cùng với chim muông, thú vật…, cả một thế giới động, thực vật vô cùng phong phú ở thôn quê. Tiếng trâu bò nhai cỏ, tiếng gà cục tác, tiếng chim tu hú, dậu hoa dâm bụt, bụi hoa bìm bìm… trong thơ tôi chính là những điều tôi đã cảm nhận và thân quen hằng ngày trong đời. Lát khoai, củ sắn, nắm xôi nếp, bát cơm gạo mới… giữa những năm còn túng thiếu từng bữa, được bà nội tôi chăm chút, đều trở thành hồi ức sâu đậm sau này và đòi hỏi phải được thổ lộ và chia sẻ… Những bài thơ đầu tiên của tôi đã ra đời như vậy, đầy ắp tình cảm và những hoài niệm đẹp đẽ từ tuổi thơ. Khi biết sống không vô tâm, không vô tình với xung quanh, thì những điều đó sẽ còn theo ta đi mãi trong cuộc đời.

Tôi cũng muốn nói thêm đôi điều về môi trường học tập ở trường cấp ll và cấp III thời đó. Tôi may mắn có các thầy cô ham đọc sách, yêu văn chương đích thực và có khả năng truyền thụ một cách say mê và tinh tế sở thích yêu văn học ấy đến học sinh. Giờ giảng văn không phải là một giờ bị trói buộc vào những bài học thuộc lòng, hay đơn thuần phân tích câu chữ. Trái lại, nó là sự khám phá chung của cả thầy và trò trước những cánh cửa to rộng và thoáng đãng mở vào thế giới; là sự hồi hộp khi hé mở ra từng số phận nhân vật đặc sắc với những biểu hiện tâm lý thú vị; là sự lộng lẫy hay khắc nghiệt của cảnh sắc thiên nhiên hoà quyện với nếp sống con người ở những vùng mình chưa biết đến, chưa trải nghiệm qua; là những khoảnh khắc hào hùng hay bi tráng của từng thời kỳ lịch sử dân tộc; là những nét độc đáo của phong tục tập quán, mối quan hệ phức tạp và tinh tế giữa người với người ở những đất nước khác nhau.

Tôi còn nhớ thầy Cang, thầy Lộc, thầy Lưu… ở Trường THPT Nguyễn Trãi và Lý Thường Kiệt thời đó đã để lại trong tâm tưởng tôi những kỷ niệm tốt đẹp và tươi tắn qua các giờ học văn như thế. Các thầy luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng tôi đọc sách, nghiên cứu thêm để mở rộng kiến thức ngoài những bài văn giảng trong sách giáo khoa. Những bài giảng chỉ là cơ sở để chúng tôi tìm đọc thêm những tác phẩm khác cùng chủ đề hoặc cùng đề tài mà các thầy luôn có sẵn trong đầu để khơi gợi sự hiếu kỳ và trí tò mò, ham hiểu biết của chúng tôi. Mỗi người đọc được một cuốn sách mới lại đem đến kể lại ở lớp và độ hứng thú của các câu chuyện kể đó thôi thúc chúng tôi phải tự đi tìm đọc những cuốn sách ấy. Có lẽ vì thế mà giờ học văn của chúng tôi thời ấy không nặng nề, gò bó, cũng không đơn giản chỉ là học văn, mà mở rộng hơn nữa là được học làm người, học cách sống của mọi người thông qua các trang sách, các tác phẩm văn học. Và tình yêu môn văn của tôi cũng hình thành nên từ đấy. Tôi nhớ thầy Cang rất thuộc thần thoại Hy Lạp, cứ nói vo thao thao bất tuyệt về những câu chuyện kỳ thú trong đó, rồi kể cả những câu chuyện trong lliat và Ôđixê, Cuộc chiến tranh thành Tơ-roa. Có buổi, thầy Lộc còn kể cả các câu chuyện cổ trong Nghìn lẻ một đêm làm chúng tôi cứ há hốc mồm nghe, quên cả trống hết giờ lúc nào không biết! Rồi thầy Lưu thì say mê truyện cổ tích và tục ngữ dân gian, có thể dẫn giải hàng giờ không hết về những điều thú vị bất ngờ trong kho tàng văn học dân gian này…

Tôi thật sự biết ơn các thầy giáo văn uyên bác và tinh tường thời ấy đã truyền thụ cho tôi nhiều kiến thức, không có cả trong sách giáo khoa, nhưng là những kiến thức bách khoa không thể thiếu về văn học và thêm vào đó là lòng say mê văn chương đích thực đã tạo nên hứng thú đặc biệt khi học văn. Đấy là một phần hành trang quỷ giá về tinh thần, không những chỉ tạo nên sở thích đối với môn Văn, mả còn là tình yêu đối với các giá trị nhân văn và mối quan tâm đích thực đến đời sống, đến hạnh phúc và tình yêu con người mà lứa chúng tôi còn mang theo 

Tôi thật sự biết ơn các thầy giáo văn uyên bác và tinh tường thời ấy đã truyền thụ cho tôi nhiều kiến thức, không có cả trong sách giáo khoa, nhưng là những kiến thức bách khoa không thể thiếu về văn học và thêm vào đó là lòng say mê văn chương đích thực đã tạo nên hứng thú đặc biệt khi học văn. Đấy là một phần hành trang quý giá về tinh thần, không những chỉ tạo nên sở thích đối với môn Văn, mả còn là tình yêu đối với các giá trị nhân văn và mối quan tâm đích thực đến đời sống, đến hạnh phúc và tình yêu con người mà lứa chúng tôi còn mang theo và giữ gìn toàn vẹn được cho tới ngày nay. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận