Tuần 12 – Chủ đề: Bắc-Trung-Nam – Để học tốt Tiếng Việt 3

Đang tải...

Tuần 12. Chủ đề Bắc Trung Nam. Tiếng Việt 3

+ Tập đọc

NẮNG PHƯƠNG NAM

Đông nghịt người: rất đông người chen lấn nhau.

Bỗng sững lại: bỗng dừng lại và thôi không trò chuyện vì ngạc nhiên.

Rạo rực: mỗi người đều thấy xao xuyến, phấn chấn, nôn nao ở trong lòng.

Sáng kiến : một ý kiến hay, góp phần giải quyết tốt một chuyện gì đó.

+ Trả lời câu hỏi

1. Uyên và các bạn đi đâu, vào dịp nào ?

Trả lời : Uyên và các bạn đi chơi chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ vào dịp giáp Tết.

2. Nghe đọc thư Vân, các bạn ước mong điều gì ?

Trả lời : Nghe đọc thư Vân, biết là ngoài Hà Nội cũng rất vui nhưng rất lạnh, các bạn mong ước gửi cho Vân một ít nắng phương Nam.

3. Phương nghĩ ra sáng kiến gì ?

Trả lời : Phương nghĩ ra cách gửi cho Vân một cành mai.

4. Vì sao các bạn chọn cành mai làm quà Tết cho Vân ?

Trả lời : Các bạn chọn cành hoa mai gửi ra Hà Nội làm quà Tết cho Vân vì ngoài Bắc chỉ có hoa đào, không có hoa mai và cũng vì cành mai có những bông hoa vàng chở nắng phương Nam sẽ đem đến cho Vân một niềm vui ấm áp.

5. Chọn thêm một tên khác cho truyện :

– Gửi nắng ra Hà Nội,

– Cành mai chở nắng phương Nam.

Nội dung: Tình bạn đẹp đẽ, thân thiết gắn bó của thiếu nhi hai miền Nam Bắc

+ Kể chuyện

Dựa vào các ý tóm tắt sau, kể lại từng đoạn câu chuyện Nắng phương Nam :

a) Đoạn 1 : Đi chợ Tết

Vào một ngày giáp Tết, Uyên và các bạn rủ nhau đi chơi chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ. Họ đang ríu rít trò chuyện thì có tiếng gọi: ” – Nè, sắp nhỏ kia đi đâu vậy” làm cả bọn đứng sững lại nhìn ra ngơ ngác.

b) Đoạn 2 : Bức thư

Họ chợt nhận ra người gọi đó là Phương. Uyên cho Phương biết mọi người đang đi tìm một món quà để gửi ra cho Vân ở Hà Nội. Vân là một người bạn mà cả nhóm mới quen ỗ trại hè Nha Trang. Phương nói “Tết ngoài Hà Nội chắc vui lắm ?” Uyên nói : “Vui nhưng mà lạnh dễ sợ luôn…” Rồi Uyên lấy thư của Vân ra đọc cho Phương nghe. Nghe Uyên đọc thư xong. Huê nói : “Ước gì chúng mình gửi cho Vân được một ít nắng phương Nam nhỉ !”

c) Đoạn 3 : Món quà

Nghe Huệ nói vậy, Phương chợt reo lên : “Mình nghĩ ra rồi !”. Cả bọn hỏi Phương. Phương tủm tỉm cười : “Chúng mình sẽ gửi Vân một vật ngoài Bắc không có : một cành mai.”

 Cả bọn tán thành : “Đúng rồi, một cành mai, một cành mai chở nắng phương Nam”.

Thế là họ vui vẻ quày lại chợ chọn mua một cành mai đẹp.

+ Chính tả

1. Nghe – Viết: CHIỀU TRÊN SÔNG HƯƠNG

– Bài chính tả có mấy câu ?

  • Bài chính tả có ba câu.

– Những chữ nào trong bài phải viết hoa ? Vì sao ? Chữ Chiều ở đầu đề phải viết hoa. Các chữ Cuối, Phía, Đâu phải viết hoa vì chúng đứng ở đầu câu. Chữ Hương, cồn Hến, Huế (và cả tên tác giả – nếu có viết) đều phải viết hoa vì đó là những tên riêng.

2. Điền vào chỗ trống oc hay ooc ?

Con sóc, mặc quần soóc, cần cẩu móc hàng, kéo xe rơ-moóc.

Ghi chú :

– quần soóc là quần ngắn.

– rơ-moóc là thùng xe chở hàng, muốn di chuyển phải nhờ một chiếc xe có động cơ kéo đi.

3. Viết lời giải các câu đố sau :

a)

Để nguyên – giúp bác nhà nông

Thêm huyền – ấm miệng cụ ông cụ bà

Thêm sắc – từ lúa sinh ra

Đố bạn đoán đọc đó là chữ chi ?

  • Lời giải : Đó là các chữ : trâu – trầu – trấu

b)

Quen gọi là hạt

Chẳng nở thành cây

Nhà cao nhà đẹp

Dùng tôi để xây

  • Lời giải : Đó là hạt cát

+ Tập đọc

CẢNH ĐẸP NON SÔNG

+ Trả lời câu hỏi

1. Mỗi câu ca dao nói đến một vùng. Đó là các vùng nào ?

Trả lời : Mỗi câu ca dao nói đến một vùng :

– Hai câu đầu nói đến vùng Lam Sơn.

– Bốn câu tiếp theo nói đến vùng đất thuộc Hà Nội.

– Câu 7, câu 8 nói đến vùng Nghệ An.

– Câu 9, câu 10 nói đến đèo Hải Vân nằm giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

– Câu 11, câu 12 nói đến vùng đất Đồng Nai và Sài Gòn Gia Định.

– Hai câu cuối cùng nói đến vùng Đồng Tháp Mười ở miền Tây Nam Bộ.

2. Mỗi vùng có cảnh đẹp gì ?

Trả lời : Mỗi vùng có cảnh đẹp riêng :

– Cảnh đẹp của Lạng Sơn là phố Kì Lừa và động Tam Thanh (trong động có chùa), có tượng nàng Tô Thị bồng con trên đỉnh núi đá.

– Cảnh đẹp của Hà Nội là chùa Trấn Vũ và Hồ Tây.

– Cảnh đẹp của Nghệ An là non xanh nước biếc.

– Cảnh đẹp của Hải Vân là đèo cao, núi lớn giáp liền với biển.

– Cảnh đẹp của vùng Sài Gòn Gia Định – Đồng Nai là sông Nhà Bè.

– Cảnh đẹp của Đồng Tháp Mười ở miền Tây Nam Bộ là ruộng thẳng cánh cò bay và rất nhiều tôm cá.

3. Theo em, ai đã giữ gìn, tô điểm cho non sông ta ngày càng đẹp hơn ?

Trả lời : Theo em chính nhân dân lao động Việt Nam đã từ mấy ngàn năm nay, luôn chiến đấu để giữ gìn Tổ quốc và dựng xây, tô điểm cho non sông ta ngày càng đẹp hơn.

Nội dung: Sự giàu đẹp của các vùng miền trên đất nước ta.

+ Luyện từ và câu

1. Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi :

Con mẹ đẹp sao

Những hòn tơ nhỏ

Chạy như lăn tròn

Trên sân trên cỏ

a) Tìm các từ chỉ hoạt động trong các khổ thơ trên.

Trả lời: Các từ chỉ hoạt động trong khổ thơ trên là : chạy, lăh.

b) Hoạt động chạy của các chú gà con được miêu tả bằng cách nào ?

Trả lời : Hoạt động chạy của các chú gà con được miêu tả bằng cách so sánh với những hòn tơ nhỏ lăn tròn trên sân, trên cỏ.

2. Các đoạn trích sau có những hoạt động nào được so sánh với nhau ?

a)

Con trâu đen lông mượt

Cái sừng nó vênh vênh

Nó cao lớn lênh khênh                                        

Chân đi như đập đất

Trả lời : Ớ đây hoạt động đi của con trâu được so sánh với việc đập đất.

b)

Cau cao, cao mãi

Tàu vươn giữa trời

Như tay ai vẫy

Hứng làn mưa rơi

Trả lời : Hoạt động vươn cao của tàu cau được so sánh với sự vẫy vẫy và hứng mưa rơi của bàn tay người.

c) Xuồng con đậu quanh thuyền lớn giống như đàn con nằm. quanh bụng mẹ. Khi có gió, thuyền mẹ cót két rên rỉ, đám xuồng con lại húc húc vào mạn thuyền mẹ như đòi bú tí.

Trả lời : Hoạt động của những xuồng con đậu quanh thuyền lớn được so sánh với đàn con nằm quanh bụng mẹ.

Hoạt động húc húc của thuyền con được so sánh với việc đòi bú tí của đàn con.

3. Chọn từ ngữ thích hợp ở 2 cột A, B để ghép thành câu.

Các câu cần ghép :

– Những ruộng lúa cấy sớm đã trổ bông vàng ửng.

– Những chú voi thắng cuộc huơ vòi chào khán giả.

– Cây cầu làm bằng thân dừa bắc ngang dòng kênh.

– Con thuyền cắm cờ đỏ lao băng băng trên sông.

+  Tập đọc

LUÔN NGHĨ ĐẾN MIỀN NAM

+  Trả lời câu hỏi

1. Chị cán bộ miền Nam thưa với Bác diều gì ?

Trả lời : Chị cán bộ miền Nam thưa với Bác : ” – Chúng cháu đánh giặc Mĩ đến một trăm năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều là Bác… trăm tuổi.”

2. Câu nói ấy thể hiện tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác như thế nào ?

Trả lời : Câu nói ấy thể hiện rõ tình cảm vô cùng kính yêu của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ. Đồng bào miền Nam mong Bác sống thật lâu đế sau ngày đất nước thống nhất, sẽ được đón Bác vô thăm. Đồng bào miền Nam luôn mong được gặp Bác.

3. Tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam thể hiện như thế nào ?

Trả lời : Bác rất yêu thương đồng bào miền Nam, luôn quan tâm tới tình hình của miền Nam chiến đấu. Có lần Bác đã nói “Miền Nam trong trái tim tôi”. Lúc sắp mất, Bác vẫn còn nghĩ đến miền Nam, mong miền Nam thắng giặc.

Nội dung: Tình cảm bao la của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam cũng như tình cảm sâu nặng của đồng bào miền Nam dành cho Bác.

+ Chính tả

1. Nghe – Viết : CẢNH ĐẸP NON SÔNG (trích)

2. Tìm các tên riêng trong bài chính tả.

Trả lời : Trong bài chính tả có các tên riêng như : (xứ) Nghệ, Hải Vân, (hòn núi) Hồng, (vịnh) Hàn, (sông) Nhà Bè, (tỉnh) Gia Định, (tỉnh) Đồng Nai, (vùng) Đồng Tháp Mười, Tháp Mười.

– Nhận xét về cách trình bày các câu ca dao.

Trả lời : Bài ca dao 6 cặp câu lục bát và hai câu cuối mỗi câu bảy chữ.

Khi trình bày thơ lục bát người ta thường viết câu 6 chữ cách lề hai ô li, câu 8 chữ cách lề 1 ô li. Dòng 7 chữ viết cách lề 1 ô li.

2. Tìm các từ :

a) Chứa tiếng bắt đầu bằng ch hoặc tr, có nghĩa như sau :

– Loại cây có quả kết thành nải, thành buồng -> chuối

– Làm cho người ta khỏi bệnh -> chữa chạy

– Cùng nghĩa với nhìn -> trông

b) Chứa tiếng có vần at hay ac, có nghĩa như sau :

– Mang vật nặng trên vai -> vác

– Có cảm giác cần uống nước -> khát

– Dòng nước từ trên cao đổ xuống -> thác

+ Tập làm văn

1. Mang tới lớp tranh, ảnh về một cảnh đẹp ở nước ta. Nói về những cảnh đẹp ấy theo các câu hỏi trong SGK.

2. Viết những điều nói trên thành 1 đoạn văn (5-7 câu).

Ví dụ : Em có một bức tranh về phong cảnh Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội. Về góc phải, phía dưới của tranh là đền Ngọc Sơn với những nhịp cầu Thê Húc cong cong sơn màu đỏ rực. Đền có những đường mái uốn cong ẩn dưới bóng một cây đa cổ thụ sum xuê. Phía trái và phía trên của đền là mặt nước Hồ Gươm xanh lục đương lưng linh gợn sóng và ở giữa nổi lên hình ảnh Tháp Rùa. Phía bên kia bờ là những hàng cây xanh đem lại cho cảnh hồ một vẻ tươi mát, êm đềm.

Xem thêm Tuần 10. Chủ đề: Quê Hương. Tiếng Việt 3

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận