Tự tình – Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao

Đang tải...

Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao

I − BÀI TẬP

     1. Câu hỏi 1, sách giáo khoa, trang 44.

     2. Câu hỏi 2, sách giáo khoa, trang 44.

     3. Câu hỏi 3, sách giáo khoa, trang 44.

     4. Nêu chủ đề của bài thơ.

     5. Nhân học bài thơ này, hãy viết một đoạn văn (khoảng từ năm đến bảy dòng) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về số phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam xưa.

II − GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

     1. Muốn lí giải cặn kẽ ý nghĩa của hai câu thơ đầu và giá trị biểu cảm của các chữ dồn, trơ, cái hồng nhan, trước hết cần tái hiện tình huống cảm xúc trữ tình. Trong đêm khuya, người phụ nữ cô đơn cảm thấy thời gian dồn đuổi. Cũng có người hiểu đây là cảnh người vợ lẽ ngóng chồng. Cái sự không bình thường ở đây là cách pầản ứng của Hồ Xuân Hương. Bà là một trong số ít những người phụ nữ dám đứng lên để nói về nhũng chuyện mà bình thường người ta không dám nói.

          Một trong những nét đặc sắc của Hồ Xuân Hương là cách sử dụng từ ngữ sống động, giàu sức biểu cảm.

       − Trống canh dồn : Tiếng trống báo hiệu thời gian của một đêm sắp hết, một ngày mới sắp bắt đầu, thời gian cứ trôi qua mà hạnh phúc vẫn dang dở. Bởi vậy, tiếng trống văng vẳng xa xa được nghe thành tiếng “trống canh dồn”, một tiếng trống dồn đuổi gợi lên nỗi lo âu, thảng thốt, tuyệt vọng.

       −Trơ, cái hồng nhan : “Hồng nhan” chỉ nhan sắc của người phụ nữ nhưng trong hoàn cảnh cụ thể còn có ý nghĩa chỉ thân phận. Khi sự chờ đợi đã thành tuyệt vọng, hạnh phúc không đến thì nhan sắc chỉ còn là sự bẽ bàng. Có lẽ chỉ Hồ Xuân Hương mới có thể vật thể hoá được nhan sắc với mấy chữ “cái hồng nhan” và chữ “trơ” đầy ấn tượng như thế. “Trơ” ở đây là trơ trọi, là cô đơn, không người đoái hoài.  

         2.                                                     Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

                                                                Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

        − Trong trạng thái cô đơn, trơ trọi, người phụ nữ làm gì cho khuây được nỗi cô đơn, trống trải ? Đem rượu ra uống cho quên mối sầu là giải pháp thường thấy. Thế nhưng rượu cũng không làm khuây được nỗi cô đơn, bởi vì uống say rồi lại tỉnh, không ai say mãi triền miên : sự cô đơn vô vọng, không cách gì khuây khoả được.

         − Vầng trăng bóng xế: có người hiểu là vầng trăng đêm tàn. Đêm tàn mà trăng chưa tròn – câu hỏi hướng vào cõi vô định. Nhưng cũng có người hiểu “vầng trăng” chỉ hạnh phúc, “bóng xế” ý nói đến tuổi tác, “khuyết chưa tròn” là hạnh phúc chưa tròn đầy. Trống sang canh đã giục giã, đêm gần tàn mà hạnh phúc chưa tròn (hay nói đúng hơn là hạnh phúc không đến). Dù hiểu theo cách nào đi nữa thì hai câu thơ cũng là sự diễn đạt rất tài tình tâm trạng thương thân của người phụ nữ duyên phận hẩm hiu. Biết bao chờ đợi hạnh phúc vẫn không tion đầy.

         3.                                                Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

                                                           Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

          Hai câu này về nghĩa đen có thể hiểu là : Từng đám rêu xiên ngang mặt đất – Mấy hòn đá đâm toạc chân mây.

           Để nguyên như thế thì cũng đã rất ấn tượng. Những sự vật vốn trong trạng thái rất tĩnh (rêu, đá) cũng không chịu ở yên trong thế giới mà “trời đất” quy định cho chúng. Chúng đang cựa quậy, bứt phá mãnh liệt để thoát ra khỏi thế giới nhỏ hẹp đó. Rêu “xiên ngang mặt đất” đã ấn tượng lắm rồi nhưng đá “đâm toạc chân mây” thì còn mạnh mẽ, dữ dội hơn. Những sự vật sống động như thế có lẽ chỉ có thể thấy trong thơ Hồ Xuân Hương.

           Câu thơ đã hai lần đảo ngữ :

                Từng đám rêu —> rêu từng đám

                Rêu từng đám xiên ngang mặt đất —> Xiên ngang mặt đất rêu từng đám.

           Đó có thể coi là hai điểm đặc biệt trong những câu thơ của Hồ Xuân Hương làm nổi bật cảm xúc của chủ thể. Chủ thể (rêu, đá) bị đẩy xuống thứ yếu, thay vào đó là những hoạt động mạnh mẽ (xiên ngang, đâm toạc). Cảnh vật, sự vật đã được tâm trạng hoá, thể hiện khát vọng của người phụ nữ đang muốn thoát ra khỏi thế giới tù túng, chật hẹp của cảnh đời lẽ mọn nói riêng và số phận của người phụ nữ nói chung.

           4. Chủ đề : Bài thơ là khúc tâm tình của người phụ nữ có số phận cô đơn, dang dở, đang chống chọi với nỗi cô đơn ; khi uống rượu, khi khát khao tung phá, nhưng rồi lại chán ngán với số phận đã an bài : “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Bài thơ là sự đồng cảm sâu sắc với những số phận hẩm hiu, dang dở.

           5. Với yêu cầu viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam xưa, người viết cần dựa vào bài thơ, hình dung một số phận phụ nữ cô đơn, lẽ mọn, với khát vọng hạnh phúc dang dở (ta biết điều này qua câu thơ “Mảnh tình san sẻ tí con con”). Những số phận như thế là rất phổ biến trong xã hội cũ. Có thể tìm thấy bóng dáng những số phận ấy trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm. Trong xã hội trọng nam khinh nữ, những số phận như thế vốn khó đổi thay trong thực tế. Nhưng các nhà văn, nhà thơ nhân đạo luôn luôn dành cho họ lòng đồng cảm sâu sắc.

Xem thêm Bài ca ngắm đi trên bãi cát

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận