Bài ca ngắm đi trên bãi cát – Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao

Đang tải...

Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao

I − BÀI TẬP

     1. Có thể chia bài thơ làm mấy đoạn ? Ý của mỗi đoạn là gì ?

     2. Trong bài thơ, hình ảnh “bãi cát” và con đường cùng được miêu tả như thế nào ? Chúng biểu tượng cho điều gì ? Theo anh (chị), người “tất tả” đi trên bãi cát là người như thế nào ?

     3. Câu hỏi 2, sách giáo khoa, trang 48.

     4. Vì sao tác giả đang đi trên đường mà lại ca bài ca “đường cùng” ? Anh (chị) hiểu thế nào về tâm sự của tác giả gửi gắm ở câu cuối bài thơ ?

     5. Người đi đường khi thì xưng là “khách” (khách tử), khi thì xưng là “anh” (quân), khi lại xưng là “ta” (ngã), vì sao như vậy ? Điều đó nói lên đặc điểm gì của bài thơ ?

 

II − GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

       1. Căn cứ theo cách gieo vần ở nguyên tác, có thể chia bài thơ làm ba đoạn :

       − Đoạn 1 (bốn câu đầu) : Nỗi chán nản của nhà thơ khi thấy mình phải hành hạ thân xác để theo đuổi con đường công danh.

       − Đoạn 2 (bốn câu tiếp) : Sự cám dỗ của bả công danh đối vởi người đời.

− Đoạn 3 (phần còn lại) : Tác giả đi đến kết luận là cần phải thoát ra khỏi con đường danh lợi vô nghĩa.

        2. Hình ảnh “bãi cát” được miêu tả khá cụ thể : bãi cát dài, mỗi bước mỗi thụt lùi, hầu như không thể ra khỏi bãi cát. Và con đường ấy là con đường cụt. Con đường ấy phía bắc là “núi muôn trùng”, phía nam là “sóng dào dạt” đều là những trở ngại không thể vượt qua. Như thế dù là ra bắc hay vào nam đều bế tắc ! Toàn bộ hình ảnh nói lên sự bế tắc, đường đòi không lối thoát.

       3. Nếu hình ảnh “bãi cát” biểu tượng cho con đường danh lợi nhọc nhằn, gian khổ thì hình ảnh người đi đường được miêu tả như là người “tất tả”, trời tối mà vẫn còn đi, khổ tâm khóc lóc (nước mắt rơi), oán thán mà vẫn đi. Đó là những người hám công danh, sẵn sàng vì công danh mà chạy ngược chạy xuôi. Họ tất tả ngược xuôi trong “đường đời” để tranh lấy chút công danh, mong được hưởng vinh hoa phú quý, rượu ngon, thịt béo mà ít khi suy nghĩ về ý nghĩa của con đường ấy.

          Trên bãi cát dài ấy, có một con người đơn độc, trơ trọi, nhỏ bé đi giữa mênh mông rộng dài và mờ mịt với những bước chân trầy trật đã bắt đầu ý thức được sự bế tắc và vô nghĩa của con đường.

           Mâu thuẫn lớn nhất trong tâm sự của tác giả chính là mâu thuẫn giữa khát vọng công danh phú quý với thực chất của bả vinh hoa. Khát vọng công danh phú quý có mặt chính đáng của nó, còn bả công danh thực ra chỉ là thứ mồi nhử làm cho con người trở thành tầm thường, nhỏ bé. Nhận thức được như vậy nhưng chính tác giả cũng không cưỡng lại được sức hút của nó. Mâu thuẫn đó làm cho tác giả day dứt, khổ tâm.

           Một mặt, ông khinh bỉ phường danh lợí tầm thường ; nhưng mặt khác, ông cũng thấy mình vô cùng cô độc, thậm chí mất phương hưởng. Phải chăng con đường mà ông đang đi cũng chỉ dẫn ông đến những danh lợi tầm thường ? Ấp ủ những khát vọng cao cả nhưng ông không tìm thấy con đường để thực hiện khát vọng đó. Bởi vậy, ông luôn sống trong trạng thái trăn trở và day dứt.

         4. Khi gọi con đường mình đang đi là “đường cùng”, nghĩa là con đường cụt, Cao Bá Quát đã khẳng định tính chất bế tắc của con đường mà ông đang đi. Con đường ấy không thể giúp ông đạt được lí tưởng cao đẹp của mình. Nếu đi tiếp, rất có thể ông cũng chỉ là một kẻ trong “phường danh lợi” mà ông từng khinh miệt, nhưng nếu dừng lại thì ông cũng không biết đi đâu, về đâu. Có cả một khối mâu thuẫn lớn đè nặng trĩu lên tâm trạng của tác giả lúc này.

            Qua những câu thơ cuối, Cao Bá Quát muốn nhắn nhủ với người đời : hãy dũng cảm dứt bỏ con đường công danh vô nghĩa, tự tìm cho mình một con đường đi khác để thực hiện lí tưởng của mình. Rất có thể ý nghĩ đó đã thúc đẩy ông nổi lên chống lại triều đình, nhưng đó lại vẫn là con đường cụt !

         5. Cách xưng hô của tác giả trong bài thơ cho thấy ông tự đặt mình vào các vị trí khác nhau để bộc lộ tâm trạng, để tự đối thoại với chính mình trong tâm trạng đầy mâu thuẫn.

         − Khi xưng “ta”, ông đặt mình vào vị trí của chủ thể trữ tình, vị trí của một người đang đi trên bãi cát để nhìn nhận vấn đề trực diện theo tư thế của người trong cuộc.

         − Khi xưng là “anh”, ông tự coi mình là một người khác để đối thoại.

         − Khi xưng là “khách”, ông đã tự tách mình ra thành đối tượng thứ ba. Từ đó, ông có được cái nhìn và sự đánh giá khách quan về chuyện công danh, đồng thời xác định cho mình một thái độ dứt khoát đối với việc nàỵ.

            Những cách xưng hô như thế chứng tỏ bài ca ngắn này là một khúc ca đầy tự vấn, đầy nghi hoặc, chất chứa bao điều chưa giải quyết của thời đại.

Xem thêm Tra bài viết số 1 tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận