Tổng Hợp Đề Ôn Thi Học Sinh Giỏi Ngữ Văn Lớp 7 Hay Nhất

Đang tải...

Bộ tài liệu tổng hợp đề ôn thi học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 7 giúp các em học sinh có thể củng cố và nâng cao kiến thức về đọc hiểu và nghị luận để chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 7. Đồng thời, bộ tài liệu tổng hợp đề ôn thi học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 7 sau cũng là tài liệu giảng dạy hữu ích cho giáo viên

ĐỀ ÔN THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN LỚP 7

ĐỀ BÀI

Câu 1. (4 điểm)

          Đọc đoạn trích sau:

          Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X. (a) thuộc phủ X. (b) xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.

        Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật là thảm.

          Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.

                                            (Trích Sống chết mặc bay, Phạm Duy Tốn, Ngữ văn 7, tập 2)

1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

2. Xác định các từ láy trong đoạn trích.

3. Tìm trong đoạn trích các câu đặc biệt.

4. Qua đoạn trích, hình ảnh thiên nhiên và con người hiện lên như thế nào?

Chú thích: (a), (b) Nguyên văn in: XXX.

Câu 2. (6 điểm)

          Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và gìn giữ, không nên vì bất kì lí do gì làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

                                                                             (Theo Ngữ văn 7, tập 1)

Từ ý kiến trên, hãy trình bày suy nghĩ về vai trò của tổ ấm gia đình với cuộc đời mỗi con người.

Câu 3. (10 điểm)

Nhận xét về thơ có ý kiến cho rằng: Thơ là tiếng lòng. (Diệp Tiếp)

Em hãy làm rõ “tiếng lòng” của Bác qua hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng”.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

CÂU

NỘI DUNG

ĐIỂM

 

 

 

 

 

 

CÂU 1

ĐỌC HIỂU

4.0

1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: tự sự.

0.5

2. Các từ láy: tầm tã, bì bõm, lướt thướt, xao xác, cuồn cuộn

1.0

3. Các câu đặc biệt:

+ Gần một giờ đêm.

+ Than ôi!

+ Lo thay!

+ Nguy thay!

1.0

4. Hình ảnh thiên nhiên và con người hiện lên hết sức cụ thể:

– Mưa gió dữ dội, đê sắp vỡ.

– Những người dân hộ đê làm việc liên tục từ chiều đến gần một giờ đêm. Họ bì bõm dưới bùn lầy, dầm mưa gội gió, nhọc nhằn, chống chọi với thiên nhiên một cách tuyệt vọng.

-> Cảnh tượng tương phản khiến tác giả lo lắng, thốt lên xót xa, đau đớn trước tình thế tuyệt vọng của người dân lúc này.

1.5

CÂU 2

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

6.0

 

A. YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG

– Đây là kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội.

– Học sinh biết cách lập luận, diễn đạt mạch lạc. Văn có cảm xúc

 

B. YÊU CẦU NỘI DUNG

Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách. Dưới đây là một số gợi ý định hướng chấm bài:

 

I. MỞ BÀI

Giới thiệu vấn đề, trích dẫn ý kiến.

0.5

II. THÂN BÀI

5.0

1. Giải thích

– Giải thích “gia đình” là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, là ông bà, bố mẹ, con cái, anh chị em… Ý kiến trên khẳng định vai trò quan trọng của gia đình và khuyên nhủ mỗi người biết trân trọng tình cảm đó.

1.0

2. Vì sao mỗi con người cần có một mái ấm gia đình

+ Mái ấm gia đình là nơi được chăm sóc, nuôi dưỡng, được yêu thương, dạy dỗ để trưởng thành…

+ Gia đình có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển nhân cách.

+ Gia đình tan vỡ, trẻ em sẽ là những nạn nhân đau đớn, bất hạnh nhất. Sự bình yên trong mỗi gia đình góp phần làm nên sự bình yên trong xã hội.

3.0

3. Phê phán thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm với gia đình…

0.5

4. Mọi người hãy có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất cứ lí do gì mà làm tổn hại đến tình cảm gia đình.

0.5

III. KẾT BÀI

Khái quát lại vấn đề.

0.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÂU 3

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

10.0

A. Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách viết bài nghị luận văn học.

– Văn phong trong sáng, lập luận chặt chẽ, có cảm xúc; không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt.

 

B. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể viết bài theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo những nội dung sau:

 

I. MỞ BÀI

Mở bài: dẫn dắt, nêu vấn đề và giới hạn.

0.5

II. THÂN BÀI

 

1. Giải thích

* Giải thích “tiếng lòng”: là những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của tác giả được gửi gắm qua tác phẩm… Trong hai bài thơ, tâm hồn của nhà thi sĩ, người chiến sĩ Hồ Chí Minh là tình cảm với thiên nhiên, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung của Bác.

0.5

2.Chứng minh

8.0

2.1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

0.5

2.2.Tình yêu thiên nhiên thiết tha, phong thái ung dung  của Bác:

4.0

+ Trong bài thơ “Cảnh khuya”,  thiên nhiên hiện lên sống động, bình dị mà lung linh, huyền ảo. Tiếng suối chảy róc rách, văng vẳng mơ hồ khiến nhà thơ tưởng như có tiếng hát êm ái, trong trẻo, ngân xa của ai đó vọng lại làm cho đêm rừng chiến khu bỗng trở nên gần gũi, thân thương với con người. Bài thơ vẽ nên một hình ảnh hữu tình, ấm cúng: ánh sáng của trăng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây đổ xuống lại bao trùm lên hoa tôn lên vẻ đẹp của nhau. Điệp từ “lồng” được nhắc đi nhắc lại hai lần tạo nên âm hưởng ngọt ngào cho câu thơ… (2 điểm)

 

+ Trong bài thơ “Rằm tháng giêng”, thiên nhiên hiện lên là vẻ đẹp lồng lộng, bát ngát trăng vàng giữa dòng sông  xuân mênh mang của đêm nguyên tiêu. Bầu trời, vầng trăng và dòng sông tưởng như không có giới hạn. Điệp từ “xuân” được nhắc đi nhắc lại ba lần mang âm điệu bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thanh bình. Thủy, nguyệt, thiên vốn là những chất liệu của thi ca cổ nhưng Bác đã có sự sáng tạo tài hoa để làm nổi bật cái thần của bức tranh “nguyên tiêu” tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống của vạn vật, con người… (2 điểm)

 

2.3 Là tình yêu nước sâu sắc của Bác:

3.0

+ Trong bức tranh đêm rừng chiến khu, xuất hiện hình ảnh con người “chưa ngủ”. Thì ra Người “chưa ngủ” không phải chỉ vì bắt gặp vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên mà còn vì “lo nỗi nước nhà”, lo cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc…

 

+ Hình ảnh Bác, người chiến sĩ hiện lên đẹp  như trong huyền thoại ở nơi bàn chuyện hệ trọng sống còn của đất nước, Người vẫn vừa đắm say tận hưởng vầng trăng viên mãn vừa bàn “việc quân”. Con thuyền chở những bí mật quân sự, chở vị lãnh tụ hết mình lo cho vận mệnh dân tộc…

 

 

2.4 Đặc sắc nghệ thuật

Hai bài thơ có nhiều hình ảnh thiên nhiên đẹp, màu sắc cổ điển mà bình dị tự nhiên; sử dụng hiệu quả phép so sánh, nhân hóa, điệp ngữ… thể hiện tình cảm với thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ.

0.5

 

III. KẾT BÀI

 Khái quát lại vấn đề, liên hệ hoặc bộc lộ cảm xúc.

0.5

>> Xem thêm: Bộ Đề Tham Khảo Ôn Thi Học Sinh Giỏi Lớp 7 Hay Nhất

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận